Cứ mỗi lần đến mùa mưa, dịch sốt xuất huyết hoành hành lại làm các mẹ lo sợ. Nhiều mẹ gửi tin nhắn cho mình hỏi về biểu hiện cũng như cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết. Đây đều là những thông tin cơ bản mẹ cần nắm. Vì vậy, mình đã tổng hợp các câu hỏi và giải đáp trong bài viết dưới đây. Mẹ tham khảo để có kinh nghiệm xử lý khi cần nhé!

Nhận Biết Bệnh Sốt Xuất Huyết

Hỏi: Con trai tôi 4 tuổi, thường ngày cháu rất hiếu động, nhanh nhẹn. Tuy nhiên hôm nay đi học về cháu có biểu hiện sốt cao, li bì, người mệt mỏi. Cháu không ho, không có đờm, mũi. Hiện đang có mùa dịch sốt xuất huyết vì vậy tôi muốn cho cháu đi xét nghiệm sốt xuất huyết. Cho tôi hỏi xét nghiệm sốt xuất huyết có cần nhịn ăn không? 

Đáp: Để phát hiện sốt xuất huyết con cần làm xét nghiệm công thức máu. Cụ thể là xét nghiệm quan tâm chỉ số tiểu cầu và độ cô máu. Hai chỉ số này không thay đổi khi ăn uống. Vì vậy, xét nghiệm máu sốt xuất huyết không cần nhịn ăn. Ba/mẹ cho con ăn uống bình thường nhé.

Hỏi: Con mình 27 tháng, hôm nay đột nhiên sốt cao 39.5 độ. Đang vào mùa dịch sốt xuất huyết. Anh xã muốn làm xét nghiệm ngay để biết xem có phải con bị sốt xuất huyết không. Nhưng mình nghe nói làm xét nghiệm sớm không phát hiện được bệnh. Vậy khi nào có thể làm được?  

Đáp: Tỷ lệ phát hiện virus trong máu vào ngày 3, ngày 4 sau khi sốt là cao nhất. Vì vậy, con sốt cao 39.5 độ trong 1-2 ngày đầu mẹ có thể cho uống thuốc hạ sốt tại nhà. Bên cạnh đó, mẹ kết hợp chườm nước ấm cho nhanh hạ nhiệt rồi theo dõi thêm. Mẹ thực hiện xét nghiệm máu từ ngày 3 trở đi sẽ có kết quả chính xác con có nhiễm sốt xuất huyết không. 

Hỏi: Con 20 tháng tuổi, 12kg, bị sốt lúc 38.5 độ, lúc 39 độ. Mình chườm nước ấm con có giảm một chút. Đến ngày thứ 3 thì con bắt đầu nổi hạt nhỏ li ti. Gần nhà có mấy ca mới bị chẩn đoán sốt xuất huyết. Con mình thì hay bị sốt phát ban. Làm sao để phân biệt là con sốt phát ban hay sốt xuất huyết? 

Đáp: Mẹ áp dụng cách sau để kiểm tra nốt ban của con là sốt phát ban hay sốt xuất huyết. Dùng ngón cái và ngón trỏ đặt vào 2 bên nốt ban rồi kéo căng ra. Nốt ban không biến mất hoặc biến mất rồi xuất hiện lại trong 2 giây là sốt xuất huyết. Ban biến mất, thả tay ra mới xuất hiện trở lại là sốt phát ban.

Hỏi: Bé nhà mình đã bị sốt xuất huyết một lần phải nhập viện truyền nước. Mình nghe nói bé bị xong sẽ có miễn dịch không bị lại nữa đúng không? 

Đáp: Bé bị nhiễm sốt xuất huyết 1 lần rồi vẫn có thể bị nhiễm lại. Có đến 4 chủng virus gây sốt xuất huyết gồm D1, D2, D3, D4. Bé bị nhiễm chủng nào sẽ có miễn dịch chủng đó, không bị nhiễm lại. Tuy nhiên, bé vẫn có thể bị nhiễm bệnh bởi 1 trong 3 chủng còn lại. Ngoài ra, trẻ bệnh những lần sau có thể có biểu hiện nặng hơn lần bệnh trước. Vì vậy, mẹ hết sức chú ý bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi đốt trong các đợt dịch.

Chăm Sóc Khi Trẻ Sốt Xuất Huyết

hoi dap ve sot xuat huyet o tre

Hỏi: Con gái tôi sốt cao nhiều ngày được chẩn đoán sốt xuất huyết hiện đang điều trị tại nhà. Tôi đã bổ sung nước cho cháu bằng cách cho uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả, cháo, súp… tuy nhiên được rất ít vì cháu ốm nên lười ăn uống. Tôi muốn truyền nước cho cháu nhưng không biết sốt xuất huyết có được truyền nước không?

Đáp: Trẻ bị sốt xuất huyết sốt cao liên tục rất dễ dẫn đến cơ thể bị mất nước gây nguy hiểm. Nếu con không uống được nhiều nước, mẹ có thể truyền nước cho con để bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, sức khỏe của con đang yếu. Mẹ nên thực hiện truyền nước ở bệnh viện để đảm bảo an toàn cho con.

Hỏi: Con em 16 tháng tuổi, bị sốt cao 40 độ liên tục 2 ngày. Em đưa đến bệnh viện khám thì chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Bác sĩ có hướng dẫn về nhà pha oresol cho con uống. Em pha rồi mà con không chịu uống. Em đút muỗng nhỏ con cũng phun phì phì ra. Cho em hỏi có nước gì thay thế oresol được không ạ?

Đáp: Mẹ có thể cho con uống thay thế oresol bằng nước dừa, nước cam, bưởi, chanh,… Các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C. Có tác dụng giúp con tăng cường sức đề kháng và tính bền vững của thành mạch.

Hỏi: Em bị sốt xuất huyết có thể cho con bú được không? Con có bị lây bệnh không?

Đáp: Sốt xuất huyết lây qua vết muỗi đốt, không ảnh hưởng gì đến nguồn sữa mẹ. Do đó, mẹ tiếp tục cho con bú bình thường mà không sợ lây bệnh. Tuy nhiên, mẹ điều trị sốt xuất huyết nên cho bác sĩ biết là mẹ đang nuôi con nhỏ. Bác sĩ sẽ kê cho mẹ những thuốc phù hợp để không ảnh hưởng sữa mẹ. Mẹ cũng chú ý ngồi trong màn, tránh để muỗi đốt mẹ rồi đốt cả con, truyền bệnh sang con.

Hỏi: Cho em hỏi bé nhà em bị sốt xuất huyết đã 4 ngày nay. Bây giờ con đã hết sốt, em có thể tắm cho con được chưa hay đợi con hết bệnh ạ?

Đáp: Trẻ nhiễm bệnh sốt xuất huyết tắm sẽ rất nguy hiểm. Mẹ nên đợi con hết bệnh mới tắm. Hoặc ít nhất là con vào giai đoạn phục hồi (sau 7 ngày kể từ lúc phát bệnh đầu tiên).

Hỏi: Con gái tôi bị sốt xuất huyết đã sang ngày thứ 4, Ban đầu cháu có dấu hiệu sốt cao 39.5 độ C, nôn ói, thỉnh thoảng rét run. Sau khi uống hạ sốt 4 – 6h lại tiếp tục sốt trở lại. Từ ngày thứ 3 tình trạng của cháu đã đỡ hơn, hiện tôi vẫn cho cháu bổ sung nước, cho ăn cháo loãng, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol để hạ sốt cho cháu. Tôi phải chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết như thế nào? Sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?

Đáp: Mẹ chăm sóc con như sau:

  • Cho con uống nhiều nước, ưu tiên oresol, sau đến nước lọc, nước dừa, nước cam, chanh, bưởi,..
  • Ăn cháo loãng, đủ chất.
  • Nghỉ ngơi nhiều.

Mẹ xem thêm về bệnh và hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết trong bài viết dưới đây.

Bài 1: Bệnh Sốt Xuất Huyết Ở Trẻ Em – Những Thông Tin Quan Trọng Mẹ Cần Biết

Bài 2: Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt Xuất Huyết An Toàn Tại Nhà

Khi Nào Cần Nhập Viện?

hoi dap ve sot xuat huyet o tre

Hỏi: Con tôi vừa đi khám bệnh và bác sĩ nói là nghi cháu bị sốt xuất huyết. Bác sĩ có cho thuốc về uống và hẹn tái khám. Xin hỏi trường hợp con tôi có cần thiết phải nhập viện điều trị hay không?

Đáp: Các trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị cho trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Con cần nhập viện điều trị trong trường hợp:

  • Con hết sốt nhưng li bì, lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy khóc nhiều.
  • Lạnh tay chân.
  • Tiểu ít.
  • Đau bụng nhiều, ói nhiều.
  • Chảy máu cam, máu răng, ói máu, tiểu máu, đi ngoài ra phân đen hay có lẫn máu.

Biểu Hiện Trẻ Sốt Xuất Huyết

Hỏi: Con mình bị sốt xuất huyết đã 5 ngày. Hôm nay cháu đã bớt sốt. Mình để ý cháu hay gãi lòng bàn tay, lòng bàn chân. Như vậy không biết có sao không? Mình nên làm gì để con hết ngứa?

Đáp: Trẻ sốt xuất huyết bị ngứa là dấu hiệu cho thấy trẻ đang dần hồi phục. Triệu chứng ngứa sẽ tự hết trong vòng 2-3 ngày sau đó nên mẹ không cần can thiệp. Nếu con bị ngứa nhiều dẫn đến quấy khóc, không ngủ được,… mẹ đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ có thể kê cho con một vài loại thuốc kháng histamin để giảm ngứa.

Hỏi: Em đọc tài liệu thấy có nói bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là lúc hạ sốt. Con em bị sốt đã 3 ngày, có ho và sổ mũi; đã uống thuốc theo toa bác sĩ được 2 ngày. Đến hôm nay bé đã hết sốt và chơi bình thường nhưng em vẫn còn rất lo. Làm sao để biết rằng bé bớt bệnh hay đang vào giai đoạn nặng của sốt xuất huyết? 

Đáp: Những thông tin mẹ tìm hiểu là đúng nhé, sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là lúc hạ sốt. Trẻ bị sốt xuất huyết sẽ diễn biến bệnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày đầu tiên bị sốt. Trong đó, từ ngày 3 – ngày 7 là giai đoạn nguy hiểm, mẹ cần theo dõi kỹ. Khi con có dấu hiệu bất thường cần đưa con đến bệnh viện ngay. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường không kèm ho và sổ mũi. Mẹ nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra lại xem con bị sốt xuất huyết hay là sốt siêu vi. 

Hỏi: Con em 22 tháng, 3 ngày trước sốt li bì, sốt cao 40.5 độ. Cho uống hạ sốt paracetamol thì hạ còn 39 độ. Nhưng vài tiếng sau lại sốt cao. Em đưa con vào bệnh viện khám bác sĩ bảo làm xét nghiệm kiểm tra. Kết quả con bị sốt xuất huyết. Bác sĩ kê thuốc cho về nhà uống vào theo dõi thêm. Đến ngày thứ 6 em thấy các nốt xuất huyết bầm lại và lan rộng ra. Nhìn cả người con loang lỗ mà em lo quá. Có phải khi bị sốt xuất huyết giai đoạn cuối thì da sẽ bị đổi màu vĩnh viễn không?

Đáp: Các nốt xuất huyết bầm lại và lan rộng chỉ diễn ra trong vài ngày rồi hết. Da con sẽ dần hồi phục lại như bình thường nên mẹ đừng quá lo nhé.

Kết Luận 

Bản thân sốt xuất huyết nguy hiểm nên mẹ cần đề phòng kỹ lưỡng khi con bị nhiễm bệnh. Mẹ hãy đọc thêm 2 bài viết mình đã tổng hợp để cập nhật những kiến thức cần biết. Trong đó, mẹ cần nắm rõ những dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời đưa con đến bệnh viện. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất vẫn là thực hiện tốt khâu phòng bệnh mẹ nhé! Nếu mẹ còn câu hỏi về sốt xuất huyết, mẹ hãy bình luận bên dưới. Mình sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả