Tết Nguyên Đán đang đến gần, ngoài chuẩn bị bánh chưng, dưa hành thì mứt cũng làm một món không thể thiếu trong mỗi gia đình. Mẹ Việt sẽ hướng dẫn các chị em làm món mứt thơm ngon, ngọt lịm đảm bảo chiêu đãi người thân bạn bè để có Tết cổ truyền trọn vẹn nhé!

Ý Nghĩa Của Mứt Trong Ngày Tết

Mọi người có bao giờ thắc mắc tại sao lại làm mứt ngày Tết mà không phải là món khác. Mang nét đẹp văn hóa ẩm thực của Tết cổ truyền dân tộc, mứt Tết với ý nghĩa mang đến một năm mọi điều viên mãn như hương vị thơm ngon của chính nó vậy. Mứt được làm từ chính những loại quả truyền thống của Việt Nam như dừa, bí, quất, táo, gừng, cà rốt,… Những hương vị lạ miệng đến quen thuộc, cùng vị cay, chua ngọt bùi đặc trưng cho khí trời của bốn mùa trong năm. Cùng Mẹ Việt tìm hiểu cách làm mứt cho Tết trọn vẹn nào.

Mứt Cà Rốt

Với màu cam may mắn thì mứt cà rốt rất được ưa chuộng, mọi người cùng tìm hiểu cách làm nhé.

Nguyên liệu

  • Cà rốt: 1kg.
  • Đường trắng: 600g.
  • Vani.

Thực hiện

Bước 1: Cà rốt nạo sạch vỏ, dùng dao thái sợi hoặc tỉa hoa, cắt thành từng miếng dày.

Bước 2: Đun nồi nước sôi, cho chút xíu muối. Khi nước sôi đổ cà rốt vào chần, khoảng 2 giây là vớt ra luôn. Sau đó ngâm cà rốt trong chậu nước lạnh khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo nước.

Bước 3: Ướp đường với cà rốt đảo đều, ướp khoảng 1 tiếng cho đường ra hết ra ngấm vào cà rốt rồi cho lên chảo sên

Bước 4: Chắt lấy nước đường cho vào chảo đun lên. Khi nước đường sôi khoảng 2–3 phút thì cho cà rốt vào. Đảo đều cho đường ngấm vào cà rốt. Khi nước đường cạn gần hết thì vặn lửa nhỏ đảo đều tay liên tục. Sau đó cho vani vào đảo đều tay liên tục đến khi mứt dần khô ráo có đường kết tinh bám trên mứt là tắt bếp.

Lưu ý khi tắt bếp vẫn đảo liên tục thêm vài phút nữa mới dừng lại hẳn, để nguội rồi đóng gói bảo quản. Như vậy là ta đã có món mứt cà rốt với màu cam của cà rốt kết hợp với màu trắng kết tinh của đường. Hương vị thơm của vani, vị ngọt của đường, hơi bùi của cà rốt tạo nên món mứt tuyệt vời trong ngày Tết.

Mứt Dừa Non Với Sữa Đặc

hướng dẫn làm mứt

Nguyên liệu

  • 1 kg dừa.
  • Đường cát: 500g.
  • Sữa ông thọ: 200g.

Thực hiện

Bước 1: Dừa mua về rửa sạch, bỏ vỏ lấy cùi nạo xung quanh thành các sợi dài.

Bước 2: Rửa sạch dừa vừa nạo ngâm vào nước ấm khoảng 2–3 tiếng để làm sạch lớp dầu có trên dừa. Sau đó vớt ra để cho ráo nước.

Bước 3: Cho đường và dừa vào bát đảo đến đến khi đường tan ra dừa ngấm đều đường.

Bước 4: Đun nóng chảo, đổ dừa ngâm đường và cho sữa ông thọ vào. Đảo đều tay để dừa không bị cháy

Bước 5: Khi chảo cạn nước đường và sữa thì vặn lửa nhỏ lại tiếp tục đảo đều tay đến khi đường và sữa cạn khô thì tắt bếp.

Cuối cùng là nhắc xuống bếp để nguội, cho vào khay hoặc túi bóng cho vào ngăn mát dùng dần. Bạn có thể thay sữa ông thọ bằng sữa tươi hoặc không cho tùy theo khẩu vị của mỗi người.

Lưu ý:

  • Các bạn có thể làm mứt dừa vị trà xanh, dâu, socola,… bằng cách là cho thêm bột trà xanh, dâu, cacao,… Bạn cho thêm bột màu vào khi trộn cùng với đường và để ngấm hơn thì có thể cho một chút nước. Hoặc nếu khéo tay, bạn có thể tạo các hình thù khác nhau như hình trái tim, hình ngôi sao, hay là mứt dừa viên,… cho thêm phần sinh động.
  • Khi chọn dừa nên chọn dừa bánh tẻ tức là không quá non và không được quá già. Nếu không quá trình nạo sợi sẽ khó và dễ bị đứt. Để nhận biết được trái dừa bánh tẻ đó là sau khi đẽo lớp vỏ cứng của trái dừa thì bắt gặp một vỏ màu nâu nhạt và có thể bấm móng tay vào.

Mứt Bí Đỏ

Nguyên liệu

  • Bí đỏ: 500g.
  • Đường trắng: 200g.
  • Cam: 1 quả.
  • Nước vôi trong, muối.

Thực hiện

Bước 1: Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch thái thành từng miếng dài hình vuông. Cam rửa sạch lấy vỏ cam thái sợi nhỏ. Vỏ cam sẽ tạo hương thơm cho mứt bí đỏ của bạn

Bước 2: Lấy hỗn hợp nước vôi trong + muối cho bí đỏ vào ngâm 3–4 tiếng. Rửa sạch với nước để sạch mùi nước vôi trong.

Bước 3: Cho đường và nước vào đun sôi lên, sau đó cho bí đỏ và vỏ cam vào đậy nắp. Để lửa nhỏ luộc trong vòng 30 phút, sau đó vớt ra.

Bước 4: Cho đường còn lại cùng 70ml nước lạnh vào chảo nấu sôi lên, sau đó cho bí và vỏ cam vào. Cho lửa nhỏ đảo đều đến khi đường kết tinh bám xung quanh bí thì tắt bếp.

Bí đỏ để nguội hẳn rồi cho vào túi bóng để bảo quản.

Mứt Quất

Nguyên liệu

  • 1 kg quả quất chín.
  • 500g đường.
  • 100 gam mật ong.
  • Nước vôi trong và muối.

Thực hiện

Bước 1: Rửa sạch quất cho vào ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút. Sau đó rửa sạch để ráo nước.

Bước 2: Dùng dao sắc khứa 4 đường dọc trên quả quất, ấn dẹt cho ra hạt và bỏ bớt nước trong quả quất.

Bước 3: Ngâm quất trong nước vôi trong khoảng 1 tiếng sau đó rửa sạch để ráo nước.

Bước 4: Ướp quất với đường trộn đều sao cho đường tan hết ra là có thể đem đi sên

Bước 5: Đun chảo nóng cho hỗn hợp đường quất vào, đun khoảng 5-7 phút thì vặn lửa nhỏ, đảo đều tay. Khi nước cạn và sánh lại quyện vào miếng mứt thì tắt bếp.

Bước 6: Cho quất vào vỉ nướng hoặc khay đem hong trong lò nướng để 170 độ. Để khoảng 40 phút, bạn cũng có thể đem ra ngoài nắng để phơi khô.

Cuối cùng là bảo quản và thưởng thức thành quả của mình thôi.

Mứt Gừng

hướng dẫn làm mứt

Mọi người đã biết đến lợi ích của gừng tốt cho tiêu hóa, chống say tàu xe, giữ ấm cơ thể trong mùa đông. Do đó món mứt gừng rất nhiều người thích bởi gừng tốt cho sức khỏe lại đẹp mắt ngon miệng. Các bạn còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay làm mứt gừng thôi nào.

Nguyên liệu

  • Gừng.
  • Nước vôi trong.
  • Đường trắng.
  • Muối, vani,…

Thực hiện

Bước 1: Làm sạch gừng, cạo vỏ bên ngoài, ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút để khử bớt vị hăng và cay của gừng. Sau đó thái lát gừng thành miếng.

Bước 2: Vớt gừng ra để ráo và ngâm trong nước vôi trong khoảng 10 phút để nước vôi trong giúp củ gừng cứng hơn, giòn hơn

Bước 3: Rửa sạch gừng sau khi ngâm nước vôi trong, ướp gừng và đường theo tỷ lệ 0,5kg đường ướp cho 1kg gừng nếu bạn muốn ăn cay. Nếu bạn có khẩu vị ngọt, có thể tăng thêm đường. Ướp 7–8 tiếng để đường tan và ngấm trong gừng.

Bước 4: Làm nóng chảo rồi cho hỗn hợp đường gừng vào. Khi nước bắt đầu cạn thì vặn lửa nhỏ đảo đều tay liên tục để mứt không bị cháy. Sau đó cho ống vani vào chảo gừng đảo đều tay để tạo thêm hương vị thanh nhẹ cho món mứt gừng.

Bước 5: Sau khi đã sên xong thì có thể hong khô trước khi cho vào túi để bảo quản. Tránh để mứt tiếp xúc với không khí nếu không rất dễ bị ẩm mốc và bị chảy nước.

Món mứt gừng đã hoàn thành với hương thơm vani, vị ngọt của đường, thơm dịu cay cay của gừng rồi đấy. Cùng nhâm nhi với một tách trà thôi nào!

Tết thường đến với tiết trời se se lạnh. Gia đình bạn có thể nhấm nháp một miếng mứt gừng cùng một ly trà nóng cho ấm bụng. Bạn cũng có thể chế biến những Món Ăn Kết Hợp Với Gừng cho bữa cơm thêm đa dạng và kích thích vị giác cả gia đình đấy.

Mứt Hạt Sen

Nguyên liệu

  • Hạt sen khô hoặc tươi: 500g
  • Đường phèn: 300g
  • Vani và chút muối

Thực hiện

Bước 1: Hạt sen tươi mua về bỏ thông tâm để không bị đắng. Hoặc bạn cũng có thể mua loại hạt sen đã loại bỏ thông tâm. Hạt sen rửa sạch. Nếu hạt sen khô thì ngâm nước khoảng 4 tiếng cho hạt nở và mềm.

Bước 2: Đường phèn cho vào máy xay, xay thật mịn thành dạng bột. Bạn có thể thay đường phèn bằng đường cát. Nhưng mọi người nên chọn đường phèn như thếmứt sẽ có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như đường cát.

Bước 3: Cho hạt sen vào nồi nước đun sôi, cho một chút muối. Luộc hạt sen cho tới khi vừa chín, vớt ngay ra ngâm vào nước lạnh khoảng 10 phút  rồi vớt ra.

Bước 4: Ướp hạt sen với đường phèn khoảng 2–3 tiếng là có thể đem đi sên

Bước 5: Cho hỗn hợp hạt sen đường vào chảo đun nóng, cho lửa nhỏ, đảo đều tay để hạt sen ngấm đường. Đến khi nước đường keo lại, các hạt sen bắt đầu khô ráo, đường kết tinh bám vào hạt sen cho vani vào đảo thêm chút nữa là tắt bếp.

Cuối cùng thưởng thức mứt sen với vị bùi bùi của hạt sen, ngọt thanh của đường phèn quyện trong hương thơm của vani bạn nhé.

Kết Luận

Như vậy là với một chút khéo léo và chăm chỉ, bạn đã có được một khay mứt đầy màu sắc và hương vị rồi đấy. Tết do chính tay bạn chuẩn bị tuy có tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với đi mua ngoài hàng, nhưng dĩ nhiên bù lại, gia đình bạn đã có được những miếng mứt ngon lành, hợp vệ sinh. Ông bà và cả bé nhà bạn tha hồ thưởng thức Tết mà vẫn yên tâm về sức khỏe nha!

Ngoài khay bánh mứt, thực đơn ngày Tết với những đặc trưng riêng luôn có sức quyến rũ đặc biệt với mọi thành viên trong gia đình. Hãy tham khảo Ăn Gì Trong Tết Đây? – Những Món Ăn Trong Ngày Tết để chuẩn bị cho gia đình mình một thực đơn vừa may mắn vừa đầy đủ hương sắc ngon lành nào.

Ngày Tết ăn uống nhiều món ngon vật lạ có thể khiến dạ dày của bạn hoạt động quá tải. Hãy dành ra vài phút để tham khảo Cách Làm Sữa Chua Đơn Giản Tại Nhà để bổ sung men vi sinh, giúp hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động êm ái nhé!

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả