Hầu như tất cả mọi người đều biết sữa mẹ là sữa tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ước tính của WHO thì chỉ 38% trẻ <6 tháng tuổi được bú hoàn toàn sữa mẹ. Vì sao sữa mẹ tốt như vậy mà tỷ lệ trẻ bú mẹ lại thấp? Từ khi làm mẹ, mình mới hiểu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ không hề đơn giản. Trong đó, nổi cộm nhất là các mẹ thường không lường trước hết được mình sẽ gặp những khó khăn gì. Bài này mình sẽ giúp mẹ hình dung những vấn đề có thể xảy ra khi nuôi con sữa mẹ. Hy vọng, khi đã chuẩn bị tốt, hành trình “bò sữa vĩ đại” của mẹ sẽ dễ dàng hơn nhiều. :-)

Cương Sữa, Tắc Tia Sữa

Đây là vấn đề cực kỳ lớn của mẹ nhiều sữa. Bên cạnh tín hiệu vui mừng là cương sữa, tắc tia sữa chứng tỏ mẹ nhiều sữa cho con bú. Nhưng ai tắc sữa rồi mới thấu, đau muốn vỡ ngực. Có khi mẹ vừa ôm con bú vừa khóc. Con bú xong lại vội vàng nhờ người bế con để kì cạch hút sữa. Thật thương mẹ vô cùng! 

Như thế nào đã xong, có mẹ tắc sữa còn bị sốt, bị nôn, ngứa khắp người. Nói chung là vất vả lắm, mỗi lần nhớ đến là hoang mang, ám ảnh. Nhiều ông bố thấy vợ tắc sữa đau quá thì thương. Lại bảo vợ thôi cho con uống sữa ngoài cũng được em ạ. Những lúc này mẹ phải vững vàng tâm lý và biết cách giữ sức khỏe thật tốt để “chiến đấu”. Vì hơn ai hết mẹ hiểu rõ lợi ích vàng của sữa mẹ dành cho con. 

Giải pháp cho các mẹ cương sữa, tắc sữa là hãy chăm chỉ vắt sữa, hút sữa đều đặn. Trước khi hút sữa nhớ chườm ấm, massage ngực,… Nếu tình trạng ngày càng nặng thì nên gọi dịch vụ thông tia sữa hay đi khám bác sĩ nhé.

nuoi con hoan toan bang sua me

Ít Sữa, Mất Sữa

Trái ngược với các mẹ nhiều sữa là nỗi lòng của mẹ ít sữa. Mỗi lần hút sữa chỉ đủ tráng đáy bình, lèo tèo hai – ba mươi ml đến phát nản. Con ti không đủ no cứ chóp chép đi tìm ti làm mẹ xót đến chảy nước mắt! 

Mẹ tự trách mình làm mẹ tệ quá, có mỗi nhiệm vụ đó thôi mà cũng không làm tốt được. Ai bày cách gì, ăn món gì, uống thức nào cho lợi sữa mẹ cũng thử. Chỉ mong ngày nào đó sữa về nhiều cho con ti thỏa thích.

Mẹ ít sữa không đủ cho con ti thì tâm lý dễ bị căng thẳng. Mà tâm lý không thoải mái, cơ thể càng sản sinh cortisol – hormone ức chế tạo sữa. Kết quả là ngày càng ít sữa. Mà ít sữa thì lại càng căng thẳng. Vòng tròn ấy cứ lặp lại mãi làm mẹ mệt mỏi, khổ sở, chán nản và rất nhanh mất sữa.  

Vì vậy mẹ ít sữa hãy nghỉ ngơi nhiều, ăn món mình thích và giữ tâm trạng thoải mái. Mẹ lên lịch hút sữa đều đặn và luôn tin tưởng rằng mình sẽ đủ sữa cho con ti. 

Kích sữa sẽ giúp tăng lượng sữa lên từ từ và thời gian thì tính bằng tháng. Vì vậy mẹ kích 1-2 tuần chưa có gì đừng vội nản nha. Mẹ quyết tâm kiên trì và kích sữa đúng cách nhất định sữa sẽ về ào ạt. Thậm chí những mẹ đã mất sữa nhưng không bỏ cuộc cuối cùng cũng tìm lại được nguồn sữa đấy. 

Các mẹ nào ít sữa cần hỗ trợ thêm cứ Tham Gia group Mẹ Việt – chúng mình sẽ chia sẻ cùng mẹ các lưu ý quan trọng để sữa mẹ sớm về đủ cho con ti.

nuoi con hoan toan bang sua me

Con Không Chịu Bú Mẹ

Lúc chưa sinh chắc không mẹ nào nghĩ đến trường hợp này đâu nhỉ. Vấn đề này thường xảy ra với các mẹ có đầu ti to hoặc hơi nhỏ, ti thụt vào bên trong. Và đặc biệt là những bé được ti bình ngay từ lúc mới sinh. Con ti bình trước đến lúc chuyển sang ti mẹ thấy không giống núm ti bình sẽ từ chối. 

Thêm vào đó, ti bình sữa ra nhanh, bé ít phải “lao động” mà vẫn nhanh no bụng. Tới lúc ti mẹ sữa ra chậm hơn nên bé phải hì hụi mút mút, thành ra dễ cáu gắt.

Mà mẹ biết rồi đấy, sau sinh nội tiết tố thay đổi nhiều. Cho nên các mẹ chúng ta cực kỳ nhạy cảm. Ngực căng sữa mà con không chịu bú thì mẹ vừa đau vừa tủi thân lắm các mẹ ạ. Mẹ có thể nghĩ là vì mình làm mẹ chưa tốt, con không thương mình, con chê mẹ,… Mặc dù sự thật không phải là vậy nhưng những suy nghĩ này làm tổn thương mẹ rất lớn. 

Trong trường hợp này mẹ hãy bình tĩnh nhé. Vì một vài lý do con chưa quen ti mẹ. Nhưng em bé nào cũng say mê mẹ nhất. Mẹ da tiếp da với con thật nhiều, massage bầu ngực cho các tuyến sữa tích cực tiết sữa hơn. Chắc chắn chỉ vài lần là con sẽ chịu bú mẹ ngay.

Áp Lực Từ Bên Ngoài

Từ khi sinh con, mẹ nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Nhưng thành thật mà nói không phải sự quan tâm nào cũng dễ chịu các mẹ ạ. 

Mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, nhưng suốt ngày phải nghe những lời than phiền… Nào là: Ngực nhỏ thế kia sao đủ sữa cho con bú. Ngực bé thế, có sữa mấy đâu mà cứ cho con rúc ti mãi. Hay nhiều câu vô lý đến mức như ngực to mà ít sữa thì không hiểu to để làm gì? @.@ 

Các mẹ hãy bỏ ngoài tai những lời không duyên dáng ấy đi. Mẹ nhớ giúp mình chỉ có 2% các mẹ có cơ địa không đủ sữa. Trong đó có tới 98% các mẹ còn lại chắc chắn đủ sữa cho con bú. Vì vậy hãy tin tưởng mãnh liệt vào khả năng nuôi con sữa mẹ của mình nhé.

Mẹ đi làm lại, việc hút sữa không được thuận tiện như trước. Nhiều người vội động viên thôi cho bé uống sữa ngoài cho tiện. Sữa mẹ giờ lớn cũng hết chất rồi. Phải cho con uống sữa công thức mới tăng cân được. Mẹ nào không nắm vững lợi ích của sữa mẹ là lung lay ngay. WHO khuyến nghị nên duy trì sữa mẹ cho con đến tận 2 tuổi. Vì vậy mẹ cố gắng duy trì cho con mẹ nhé!

Mẹ không hút sữa được đều thì có thể giãn cữ hút. Lượng sữa có giảm so với trước. Nhưng lúc này con đã lớn, nhu cầu sữa cũng giảm theo nên lượng sữa đó là đủ cho con. Bên cạnh đó, con đã ăn dặm sẽ có thể tự bổ sung chất dinh dưỡng từ thức ăn. 

Nuôi Con Sữa Mẹ Có Thực Sự Nhàn?

nuoi con hoan toan bang sua me

Ôi đủ sữa cho con bú à, thế thì nhàn nhỉ? Chỉ việc vạch áo lên cho con ti!!! Nghe thì bùi tai thích thật đó các mẹ ạ. Nhưng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm thôi mẹ nhé. Vì sao ư? Các mẹ cùng đọc tiếp nè.

Nuôi Con Sữa Mẹ Có Nhàn 

Trước tiên, nuôi con sữa mẹ cũng có thể gọi là nhàn. Như mình đã đề cập trong bài Lợi Ích Bất Ngờ Của Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Đối Với Sức Khỏe Mẹ. Mẹ sẽ không mất thời gian chuẩn bị hay dọn dẹp bữa ăn. Bất cứ khi nào đến bữa, mẹ vén áo lên là sẵn sàng cho con tu ti. Mẹ không phải đau đầu chọn lựa giữa biết bao nhãn hiệu sữa hay sữa giả, sữa kém chất lượng,… Mẹ cũng ít phải lo nghĩ về chuyện con bị táo bón hay tiêu chảy. 

Nuôi Con Sữa Mẹ Thực Sự Không Nhàn

Nhưng nuôi con sữa mẹ cũng vất vả lắm các mẹ nhé. Để duy trì nguồn sữa liên tục cho con, mẹ phải vắt sữa đều đặn nè. Nhiều khi nửa đêm nửa hôm buồn ngủ díp cả mắt vẫn phải lọ mọ dậy vắt sữa cho đúng cữ. Rồi nhiều bé mẹ không tập cho ti nằm được. Mỗi lần cho con ti là bế con, lắm lúc đau muốn còng lưng luôn. Nhất là những ngày lạnh cảm giác vạch áo cho con ti nó buốt lắm các mẹ ạ :)) 

Trời lạnh đã vậy, trời nóng nó mới là đúng chuẩn kịch bản “mùi bà đẻ”. ^^ Trời nóng mẹ dễ bị nực sữa, mồ hôi khắp người rồi sữa chảy ra ướt khăn, ướt áo… hôi thôi rồi, hihi.

Nói để mẹ biết chuẩn bị tinh thần, chứ đừng sợ mà bỏ luôn không cho con ti mẹ nhé. Lợi ích của sữa mẹ tuyệt vời lắm. Nên dù khó khăn đến mấy mẹ cũng quyết tâm vượt qua thôi yeah!

Thêm cái giai đoạn đi làm lại, nhiều mẹ hăm hở chuyển sang sự nghiệp “bò sữa công sở”. Deadline vẫn chạy hết công suất nhưng đến giờ vắt sữa lại quay về làm “bò sữa mẹ vĩ đại”. Hút sữa xong là cất ngay vào túi đá khô để bảo quản. Chiều ra về, mẹ hí hửng cười tủm tỉm hôm nay lại có sữa cho con yêu rồi.

Vì con mẹ đã trở thành “siêu nhân” như thế đấy! Người ngoài nhìn vào thấy mẹ vất vả thật, lúc nào cũng lỉnh kỉnh túi sữa, máy hút sữa,… Nhưng mấy ai cảm nhận được niềm hạnh phúc và tự hào đang len lỏi trong lòng mẹ ^^

Nuôi Con Sữa Mẹ Có Thực Sự Tiết Kiệm?

Có mẹ nghĩ sữa mẹ giá 0 đồng nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn rất tiết kiệm. Thực hư như thế nào các mẹ cùng phân tích nhé.

Đúng là thời gian đầu mẹ cho con ti trực tiếp thì không tốn chi phí gì cả nên sẽ tiết kiệm. Tuy nhiên, để theo đuổi lâu dài hành trình nuôi con sữa mẹ thì không thể tay không bắt cá. Mẹ sẽ cần mua sắm một số vật dụng cơ bản như sau:

  • Máy hút sữa: một máy dùng ổn định, tiết kiệm thời gian, giá ít nhất cũng vài triệu. Mẹ có thể thuê từ 250-400k/tháng tùy máy, sử dụng trong 6 tháng cũng tầm 1tr5.
  • Túi trữ sữa: mẹ càng nhiều sữa càng cần mua liên tục.
  • Túi lớn trữ sữa (có đá khô) để bảo quản sữa khi đi ra ngoài.
  • Áo ngực rảnh tay để dùng khi hút sữa.
  • Tủ lạnh ở nhà nhỏ, mẹ có thể cần phải mua tủ đông để trữ sữa nếu sữa mẹ quá nhiều.

Nói chung, mẹ xác định sự nghiệp làm mẹ sữa chuyên nghiệp có thể cần đầu tư nhiều ban đầu. Nhưng mẹ yên tâm! So với chi phí sữa ngoài hàng tháng thì vụ chuẩn bị mấy đồ nghề này chả bõ bèn gì :). Dù sao thì mẹ cũng nên biết để thêm các khoản này vào mục dự trù tài chính từ lúc trước sinh mẹ nhé!

Kết Lại

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn không hề dễ dàng một chút nào phải không mẹ? Dù khó hay dễ thì đó cũng là bản năng của chúng ta – bản năng làm MẸ SỮA! Và mình tin khi mẹ chuẩn bị chu đáo, mẹ sẽ thực hiện tốt bản năng của mình. Cố lên mẹ nhé! ^^

Cuối cùng, nếu mẹ còn thắc mắc hoặc gặp bất cứ khó khăn nào hãy để lại câu hỏi ở phần bình luận hoặc nhắn tin cho mình. Mình luôn ở đây đồng hành cùng các mẹ. Vì tương lai của hàng triệu em bé Việt được nuôi dưỡng hoàn toàn sữa mẹ! 

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả