Bé Bị Viêm Da Dị Ứng Thời Tiết: Chăm Sóc Đúng Sẽ Khỏi Nhanh

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 23/08/2019
13 phút đọc

Vào những thời điểm giao mùa, trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là bé sơ sinh bị viêm da là một triệu chứng rất phổ biến của viêm da dị ứng thời tiết. Tuy không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng bệnh có thể khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc. Nhận biết sớm, chăm sóc đúng cách và áp dụng các biện pháp phòng ngừa bé bị viêm da dị ứng thời tiết phù hợp là giải pháp giúp cha mẹ bảo vệ cho sức khỏe và làn da của bé.

Viêm Da Dị Ứng Thời Tiết Là Gì?

Viêm da dị ứng thời tiết là bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra theo mùa, thường xuất hiện cũng như tái phát vào một số mùa nhất định trong năm. Đặc biệt là thời điểm giao mùa, khi thời tiết có biến đổi mạnh về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất.

Nguyên Nhân Bé Bị Viêm Da Dị ứng Thời Tiết

Làn da mỏng manh với hàng rào bảo vệ da còn non trẻ của bé thường nhạy cảm với những yếu tố kích ứng sau:

Thời tiết giao mùa: từ nóng, ẩm sang lạnh, khô và ngược lại hoặc có một sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất.

Các yếu tố môi trường: mạt bụi, phấn hoa, nấm mốc (phát triển mạnh do độ ẩm tăng cao).

Dấu Hiệu Bé Bị Viêm Da Dị ứng Thời Tiết

  • Trẻ bị nổi mẩn đỏ khắp người (phát ban) hay một số vùng da ít được quần áo che chắn như tay, chân, mặt, cổ. 

  • Trẻ bị ngứa ở vùng bị dị ứng.

  • Xuất hiện kèm một số dấu hiệu dị ứng thời tiết liên quan đến bệnh đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, hắt hơi nhiều lần, chảy nước mũi,… Triệu chứng này đặc biệt gây khó chịu với bé sơ sinh bị viêm da.

S0wiYVjsctdXaIJk.jpeg

Chăm Sóc Khi Bé Bị Viêm Da Dị Ứng Thời Tiết

Tắm Và Dưỡng Ẩm Cho Bé

  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm. Mẹ không tắm nước quá nóng cho trẻ vì sẽ khiến khô da, da trẻ bị kích ứng nhiều hơn.

  • Dùng kem dưỡng ẩm, sữa tắm, xà phòng,… thành phần dịu nhẹ cho bé.  Không dùng sản phẩm của người lớn vì các sản phẩm này có độ pH không phù hợp với da của bé.

  • Tùy theo mức độ viêm da dị ứng thời tiết cho trẻ mà có thể vệ sinh da cho bé từ 1–3 lần/ngày. Nếu trẻ viêm da nặng, nên tắm cho trẻ 3 lần kết hợp ngâm mình 15-20 phút để giảm ngứa, giúp da mau lành.

  • Mẹ nên bôi kem dưỡng da cho trẻ để bảo vệ làn da trẻ không bị mất thêm độ ẩm và cung cấp lại lượng ẩm đã hao hụt trong khi tắm.

Giảm Ngứa Và Tác Nhân Kích Ứng

  • Cắt móng tay, mang bao tay cho trẻ sơ sinh để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Trẻ càng gãi da càng bị kích ứng và sưng tấy.

  • Chườm khăn ướt, lạnh lên vùng da tổn thương trong 5-10 phút để giảm ngứa cho bé.

  • Tránh hóa chất trong chất tẩy rửa, xà phòng, cồn, và các sản phẩm chăm sóc da.

  • Đóng cửa sổ sẽ giúp trẻ hạn chế tiếp xúc phấn hoa hay côn trùng gây dị ứng, các triệu chứng dị ứng sẽ ngưng phát triển và dần mất đi.

  • Giặt sạch, phơi khô quần áo của trẻ dưới ánh nắng mặt trời.

Dấu Hiệu Trẻ Cần Đến Bác Sĩ

BlockNote image

Thông thường, mẹ chỉ cần áp dụng những biện pháp này bé sẽ nhanh hồi phục. Nếu bệnh của trẻ không thuyên giảm mà còn nặng hơn là dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn, virus. Mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân và điều trị phù hợp.

  • Trẻ sơ sinh bị viêm da có dấu hiệu ho.

  • Trẻ sốt cao trên 39°C, uống thuốc hạ sốt mà không hạ, bỏ ăn, bỏ bú, ngủ li bì, gọi khó dậy.

  • Ngứa nhiều và kéo dài khiến bé thức giấc về đêm, quấy khóc.

  • Các nốt mẩn đỏ nhiều, lan rộng và chảy máu, có mủ, đóng vảy.

  • Viêm da kéo dài hơn một tuần và không có các dấu hiệu giảm nhẹ.

Các mẹ lưu ý nhé, thuốc có chứa corticoid thường được dùng để bôi các bệnh viêm da. Với một lượng vừa đủ và trong thời gian ngắn, thuốc có tác dụng kháng viêm, giúp các nốt phát ban, mẩn đỏ mau lặn, rất hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng corticoid phải hết sức cẩn thận vì thuốc có tác dụng phụ nguy hiểm như làm mỏng da, gây ra hội chứng da nghiện corticoid, làm da viêm nặng hơn,… nếu sử dụng lâu dài hay không đúng hướng dẫn bác sĩ. Corticoid dạng kem bôi có nhiều nồng độ khác nhau. Nếu mẹ không chắc chắn về nồng độ phù hợp cho trẻ, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ và làm theo.

Cách Phòng Tránh Bé Bị Viêm Da Dị ứng Thời Tiết 

  • Thời điểm chuyển mùa: mẹ nên hạn chế cho bé ra ngoài nhiều để tránh trẻ tiếp xúc với các yếu tố kích ứng.

  • Xem dự báo thời tiết hàng ngày để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bé phù hợp nhất.

  • Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, uống nước hoa quả để bổ sung vitamin và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

  • Vệ sinh nơi ở thường xuyên để da bé tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng da như bụi bẩn, phấn hoa.

  • Giữ nơi ở luôn thoáng khí, tránh ẩm mốc.

  • Vệ sinh mũi họng cho bé thường xuyên, cho trẻ súc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Lời Kết

Viêm da dị ứng thời tiết tuy dễ gặp phải nhưng nếu mẹ chủ động phòng tránh hiệu quả như hướng dẫn ở trên, con sẽ có nguy cơ tái phát bệnh thấp. Nâng cao sức đề kháng cho con thông qua chế độ dinh dưỡng, chăm sóc hợp lý, mẹ sẽ bớt đi lo lắng mỗi độ giao mùa đấy.

Mẹo để phân biệt viêm da dị ứng thời tiết với các bệnh khác là sự khởi phát bệnh liên quan đến thời tiết. Nếu loại trừ nguyên nhân thời tiết mà trẻ đột nhiên bị nổi mẩn hay phát ban, có thể là do những nguyên nhân khác. Mẹ có thể tham khảo tại bài viết: Trẻ Bị Viêm Da: Phân Loại Đúng, Chữa Trị Hiệu Quả.

Hoặc bài viết: Bé Bị Nổi Mẩn Đỏ Khắp Người Không Sốt – Cách Chăm Sóc Hiệu Quả Tại Nhà

Với những đặc điểm về thể chất, tâm sinh lý điển hình ở trẻ nhỏ, việc chăm sóc bé bị viêm da dị ứng đòi hỏi sự kiên trì rất nhiều ở cha mẹ. Với kinh nghiệm phòng chữa bệnh viêm da cho chính những bé yêu nhà mình và đã giúp cho rất nhiều các bé dị ứng viêm da, mình hy vọng sẽ giúp được cho nhiều bé tránh khỏi những triệu chứng khó chịu này. Các mẹ hãy tham gia cộng đồng Mẹ Việt để cùng nhau chia sẻ những băn khoăn, khó khăn gặp phải và nhận được sự hỗ trợ tư vấn phù hợp nhé.