Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con - 10 Ngày Tuổi

Tác giả
Cô Thuần Mẹ Việt
28 phút đọc

Mẹ biết không, 10 ngày đầu sau sinh đúng nghĩa là cuộc chiến nuôi con hoàn toàn sữa mẹ. Vì thời gian này, các mẹ thường gặp nhất là vấn đề sữa và cho con ti mẹ. Mẹ thì ít sữa, mẹ thì con không chịu ti trực tiếp, mẹ thì không biết cách cho con ti,… Còn có mẹ nào vật vã đối phó với cương sữa như mình không? @.@  Rồi còn cả những lóng ngóng trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh nữa chứ. Các mẹ hãy cùng xem chăm sóc em bé 10 ngày tuổi sẽ có những vấn đề gì nhé!

Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.

Chuyện Ti Mẹ

Nhờ cho Xuka ti mẹ liên tục nên từ ngày thứ 2 sữa đã về căng cả hai bên. Bạn ấy ti mẹ ngay từ đầu nên không gặp vấn đề gì với việc bú mẹ. Con vẫn bú no và ngủ ngoan trong suốt mấy ngày đầu. Chỉ trong vòng 1 tuần hơn mà sức ăn của con con đã tăng vèo từ 5-60 ml sữa một cữ. Đều đặn 8 cữ/ngày. 

Trong khi con ngoan là thế thì mẹ đây thật không ổn chút nào!!! Xuka ti mẹ tích cực lắm nhưng vẫn còn ít so với sức sản xuất của “nhà máy sữa mẹ”. Có mẹ nào cùng cảnh ngộ đang cho con ti mà bầu sữa bên kia chảy ròng ròng không? Người ngợm thì lúc nào cũng đầy mùi sữa, rồi mùi mồ hôi nữa hiu hiu. Thú thật lúc này mới hiểu mùi bà đẻ là như nào ^^.

BlockNote image

Sữa bị tích nhiều mà mình mệt, thèm ngủ quá. Nhiều cữ con ti xong không vắt hết sữa tồn lại. Thành ra từ chỗ cương sữa mình bị tắc tia sữa luôn. Giờ nghĩ lại vẫn sợ các mẹ ạ. Cả tuần liền hai bầu ngực lúc nào cũng căng tức, đóng bánh, rồi nổi hạt, đau thấu trời xanh. May mình còn xử lý kịp thời chứ chủ quan để cương sữa lâu có thể bị sốt, áp xe đủ kiểu. Rồi phải đi uống kháng sinh hoặc chích mủ thì khổ lắm.

Vậy nên các mẹ cố gắng tích cực vắt hết sữa ra sau khi cho con ti xong nhé. Sữa ấy bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh sau mẹ đi vắng, đi làm có thể rã đông cho con dùng.

Đọc thêm về lợi ích của sữa mẹ: 

10 Lợi Ích Tuyệt Vời Của Sữa Mẹ Dành Cho Con 

Cho Trẻ Sơ Sinh Bú Đúng Cách – Tuyệt Chiêu Để Sữa Mẹ Tràn Trề

Chia Sẻ Cùng Mẹ 

10 ngày đầu tiên sau sinh cực kỳ quan trọng. Quyết định đến 90% thành công của hành trình nuôi con sữa mẹ, mẹ nhé!

Tùy vào cơ địa mà các mẹ có thể sẽ gặp những vấn đề khác nhau. Ví dụ như: cương sữa, tắc tia sữa, ít sữa, nứt cổ gà, con không chịu bú mẹ,… Đây là nguyên nhân chính làm cho mẹ căng thẳng, áp lực, bế tắc trong việc nuôi con sữa mẹ. Kết quả là có mẹ nhiều tháng sau đó vẫn loay hoay với hút sữa, kích sữa. Cũng không ít mẹ nản lòng phải từ bỏ nuôi con sữa mẹ, cho con uống sữa công thức.

Nhưng BÌNH TĨNH nào các mẹ! Sau 2 lần chiến đấu nuôi con sữa mẹ của mình và thực tế mình đã tư vấn cho rất nhiều mẹ khổ sở vì sữa sau sinh. Mình nhận thấy đây là vấn đề phổ biến mà hầu như mẹ bỉm sữa nào cũng gặp. Và luôn có cách giải quyết. Vì vậy, mẹ đừng vội vàng bỏ cuộc mà tội con lắm. Nếu mẹ đang cần giúp đỡ thì hãy nhắn tin cho mình. Mình sẽ giúp mẹ nuôi con sữa mẹ dễ dàng và thuận lợi nhất nhé!

Mẹ đọc thêm: Nuôi Con Hoàn Toàn Bằng Sữa Mẹ – Khó Hay Dễ???

Ợ Hơi Đẩy Lùi Nôn Trớ 

Sau khi Xuka bú no mình vác con lên vai, vỗ lưng con mấy cái thì đã nghe “Ợ” một tiếng rõ to. Âm thanh ấy nghe sướng tai lắm các mẹ. Thi thoảng Xuka hấp tấp bú nhanh quá, nuốt cả hơi vào trong nên bị chướng bụng khó chịu. Mình phải dừng cữ bú lại, cho con ợ hơi rồi mới bú tiếp.

Ợ hơi giúp con tránh hiện tượng đầy bụng. Giúp con ngủ ngon, không bị tỉnh giấc hay quấy khóc vì bụng đầy hơi, đau tức.

Cũng nhờ ợ hơi thường xuyên nên khi đặt nằm xuống, Xuka rất ít khi bị nôn trớ. Vậy mới biết nôn trớ không thích chơi với ợ hơi tí nào :) Cách chăm sóc trẻ sơ sinh ít bị nôn trớ, mẹ nhớ cho con ợ hơi sau cữ bú nhé! À, thi thoảng con ti sữa một hồi lâu, vặn mình các kiểu thì trớ ra cặn sữa trắng trắng. Con trớ ra cặn sữa có nghĩa là đã tiêu hóa hết sữa rồi đấy. Mẹ không cần phải lo lắng đâu.

Mẹ Ơi Con Ướt Tã!

Nhớ hôm mới sinh ở viện bác sĩ còn phải hỗ trợ con mới ị tè được lần đầu tiên. Ấy thế mà sau 2 hôm ị hết phân su thì con xì xoẹt liên tục. Bạn ấy đi vệ sinh bất kể giờ giấc, trên tinh thần “thích thì nhích”. Có lần mình đang bế bạn ti mẹ mà cảm giác tay ấm nóng là chuyện rất đỗi bình thường.~.~ Có khi con ị vừa thay xong, đặt bỉm mới vào lại xoẹt xoẹt. Hic hic hao bỉm quá. Mới có 10 ngày đầu hết veo bịch bỉm hơn 90 cái. 

BlockNote image

Chuyện tè ị của các bạn nhỏ 10 ngày tuổi:

  • Mỗi ngày đều đặn 5-6 lần ị ra phân hoa cà hoa cải. 

  • Thông thường, các bé hay tè nhiều, nước tè mấy ngày đầu vẫn còn vàng đậm, sau nhạt dần. Các mẹ muốn biết con bú đủ hay chưa thì cứ theo dõi bỉm tè của con nhé. Nước tiểu của trẻ sơ sinh trong hoặc vàng nhạt là chuẩn bú đủ, tăng cân tốt. Mẹ đọc thêm về cách biết trẻ sơ sinh bú đủ tại đây.

  • Trường hợp của Xuka thì bú tốt nhưng nước tiểu vẫn vàng nhiều. Mình biết hiện tượng này là do con đào thải bilirubin qua nước tiểu nên cũng không lo lắng. Sau vài ngày, bilirubin đào thải hết thì nước tiểu sẽ trong ấy mà. 

À, cái bilirubin là chất gây vàng da – cái này mới cần quan tâm mẹ nha. Cái vụ vàng da mới làm vợ chồng mình một phen lên bờ xuống ruộng.

Xuka Bị Vàng Da

BlockNote image

Xuka sinh lúc 37 tuần, tính ra là hơi non một tí. Ngay ngày đầu, bác sĩ đã bảo con có dấu hiệu vàng da nhưng cho theo dõi thêm. Bé sơ sinh da còn đỏ nên khó phát hiện con bị vàng da lắm. Mình phải dùng ngón tay ấn vào da thấy màu vàng không mất đi thì đúng là con bị vàng da thật.

Xuka bị vàng da ở mặt, rồi lan dần xuống cổ, ngực. Bác sĩ giải thích một số trường hợp vàng da nhẹ sẽ tự hết. Khi nào con bị vàng cả lòng bàn tay, bàn chân hoặc ở tròng mắt thì đưa đi khám. Vợ chồng mình ráng đợi đến ngày 7 thì thấy tròng mắt con có dấu hiệu ngà ngà vàng. Thế là hai vợ chồng 3 phần xót con 7 phần hoảng vội ôm con phi xe đi viện.

Bác sĩ vừa trông thấy là chỉ định cho Xuka xét nghiệm máu luôn. Sau đó thì thông báo con cần chiếu đèn 24h liên tục và hoàn toàn cách ly bố mẹ. Biết là con đang chữa trị đúng cách sẽ không sao nhưng nước mắt mình vẫn rơi lã chã. Mới sinh mà mẹ! Đoạn này mình vẫn còn nhạy cảm lắm! :D Báo hại bố nó vừa an ủi mẹ, vừa phải ngóng xem tình hình con ^^. 

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh giảm thiểu vấn đề vàng da là cho con ở phòng có ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp ích rất tốt trong trường hợp con bị vàng da nhẹ. Ánh sáng chứ không bắt buộc ánh nắng nhé mẹ hihi nhiều mẹ còn chưa rõ chỗ tắm sáng với tắm nắng này lắm. 

Tắm Nắng Và Vitamin D

Không biết các mẹ giờ còn loay hoay tắm nắng cho con mỗi sáng không chứ mình thì đủ kinh nghiệm vụ này :) Nhớ hồi đẻ Sóc 4 năm trước sáng nào cũng phải hì hụi dậy sớm. Hết mẹ tới bố rồi tới bà thay nhau mỗi sáng bế em đi tắm tí nắng trời. Mà giờ thì con vẫn mi nhon chứ nào có cao lớn được mấy đâu. ^^ Cao hay không phụ thuộc vào gen, dinh dưỡng và thể thao chứ không phải tắm nắng mẹ nhé. 

BlockNote image

Tới hồi đẻ Xuka sau khi đọc sách rồi đi khá nhiều hội thảo sức khỏe nhi khoa, mình biết rằng không việc gì phải vất vả như vậy. Mẹ cứ ôm con ngủ ngon rồi mỗi sáng nhỏ cho em 1 giọt Vitamin D – 400 IU là xong. Hôm nào có nắng, mình vẫn bế em ra tắm sáng một chút. Cho khỏe khoắn, sảng khoái cả 2 mẹ con. Còn hôm nào trời mây thì nghỉ, mình cũng không bị áp lực con thiếu vitamin D còi xương gì hết.

Vậy là mẹ đã rõ cái vụ vàng da và tắm nắng rồi phải không. Trẻ sơ sinh thì cần được tiếp xúc ánh sáng tự nhiên, không nhất thiết phải là ánh nắng. Còn trường hợp con vàng da nhiều thì phơi nắng là không xi nhê. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh vàng da đúng là phải chiếu đèn ánh sáng xanh ở bệnh viện con mới hết được.

Chuyện Giấc Ngủ

Xuka trộm vía ngủ ngoan lắm. Thấy Xuka dễ tính quá bố nó lại lăm le sang năm sinh thêm đứa nữa cho nhà đông vui. :D :D :D

Chuyện ngủ của Xuka suôn sẻ là vì mình quan sát và thuận theo nhu cầu của con. Con sinh hoạt theo EASY chu trình 3 tiếng. Thức dậy, con ti mẹ rồi chơi trong vòng 1 tiếng rồi đi ngủ lại. 2 tiếng sau con thức dậy và tiếp tục chu trình ăn – chơi – ngủ.

Mà các bé rất hay có tình trạng đang ti mẹ phê quá thì lăn ra ngủ luôn nhé! Mình hay mân mê tay chân con, vuốt má, vuốt tai để giữ cho con tỉnh táo, bú no rồi mới ngủ. Như thế đến giấc ngủ con mới ngủ đẫy giấc được. 

Rồi nhiều mẹ sợ con ngủ ngày cày đêm nên ban ngày cố giữ con thức nhiều cho tối ngủ. Nhưng đó là cách làm hoàn toàn sai lầm và phản tác dụng. Vì con không ngủ đủ giấc ban ngày, đêm càng khó ngủ hơn. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh ngủ ngoan là mẹ tạo môi trường cho con điều chỉnh nhịp sinh học.

  • Giấc ban ngày: cả nhà sinh hoạt bình thường, không cần im lặng hay kéo rèm tối. Hạn chế tiếng ồn to, đột ngột để tránh con giật mình thôi.

  • Giấc ban đêm: tắt hết đèn, chỉ để đèn ngủ, không nói chuyện với con, kể cả lúc cho con bú, thay tã. 

Bé mới sinh cần ngủ nhiều. Mẹ cũng cần ngủ nghỉ nhiều nên hạn chế người tới thăm. Hãy để bố và ông bà tiếp, mẹ chú ý giữ yên tĩnh để 2 mẹ con nghỉ ngơi nhé.

Bài tiếp theo: Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 1 Tháng Tuổi

Chuyện Đi Tắm

Chuyện đi tắm của bạn Xuka cũng không có gì nhiều. Vì… bạn ấy đâu có tắm nhiều đâu mà có chuyện để kể. Hi Hi! Trời thì rét thấu xương, mình còn không muốn nhúng nước chứ nói gì đến cho con đi tắm. Do đó, 10 ngày bạn ấy tắm được 3 lần. 

BlockNote image

Đi tắm thì qua loa chứ massage trước khi tắm thì bài bản nhé. Trước khi sinh con mình đã chuẩn bị kỹ bằng việc thực hành massage cho trẻ sơ sinh. Với sự hướng dẫn tận tình của cô Silvie đến từ Canada. Mẹ nắm vững kiến thức nên Xuka may mắn được mẹ massage ngay từ những ngày đầu sau sinh. Chỉ cần bật đèn sưởi lên. Và nhìn bạn ấy lim dim thư giãn, cảm giác được mẹ massage rất là phê ấy. Mẹ nào muốn giành cho con những giây phút tuyệt vời đó thì đọc thêm ở bài viết này nhé.

Khóa Học Massage Cho Bé Sơ Sinh Chuẩn Quốc Tế GV Phạm Thuần

Xuka hơi nhát nước nên mỗi lần tắm là mình phải tổng động viên để bạn ấy không khóc. Phải đảm bảo các yếu tố, nhẹ nhàng, từ tốn và thông báo trước mình sắp làm gì để bạn yên tâm. Mẹ chuẩn bị gội đầu nè. Bây giờ mẹ đặt con vào bồn tắm nhé! Mẹ đang tắm tay nè,… Mẹ thuyết minh chuyện con đi tắm như phim luôn. he he! 

Và mọi thứ phải được chuẩn bị sẵn sàng từ trước như: nước tắm, nước tráng, khăn lau đầu, khăn lau người… Mẹ chuẩn bị càng kỹ thì lúc tắm cho con đỡ luống cuống vì thiếu cái này cái kia. Hai mẹ con tắm nhanh nhanh trong 5-10 phút rồi quấn khăn về phòng còn làm vệ sinh rốn!

Xuka Rụng Rốn

Vệ sinh cuống rốn chỉ cần dùng tăm bông tẩm cồn 70 độ và lau nhẹ thân rốn. Phần chân rốn mình chấm cồn kỹ hơn để mau khô. 

Xuka tầm 5-6 ngày là cuống rốn đã khô rồi, chỉ còn dính tí xíu. Mình nhớ lời bác sĩ dặn, cuống rốn cũng giống như quả thị. Khi nào thị muốn rụng thì rụng, không cần phải rung, lắc, kéo các kiểu.

Buổi sáng đẹp trời ngày thứ 10, mình thức dậy đã không thấy cái cuống rốn của con đâu. Dò tìm xung quanh mới phát hiện “ẻm” bị rụng ra và rớt trên giường. Mình vội vàng gọi bố nó vào khoe chiến tích hihi.

Sức Khỏe Của Mẹ

Mình sinh hôm trước, hôm sau là xuất viện về nhà luôn. Về nhà mình tự vệ sinh ngày 3 lần với nước cồn Betadine pha loãng. Cũng may lúc ở viện mình có chiếu đèn plasma nên vết khâu chỉ đau nhẹ nhàng. Chiếu đèn plasma giúp hồi phục vết khâu rất nhanh mà không gây tác dụng phụ. Mẹ quan tâm nên hỏi trước xem bệnh viện nơi dự định sinh có dịch vụ không nhé.

Lần trước sinh Sóc mình chẳng cảm nhận mấy cơn co tử cung sau sinh hay còn gọi là co dạ con. Chắc là nó dồn hết vô lần này các mẹ ạ. Mỗi cơn co, người mình cũng tự giác co quắt theo, mức độ đau thì thấu trời xanh luôn. Dưới bụng thì nổi lên một cục tròn vo như quả cam. Mỗi lần đau mình phải cố hít thở sâu, xoa xoa vòng quanh cái cục tròn tròn ấy. Rồi cả tích cực động viên Xuka ti mẹ nhiều vào cho mẹ mau co tử cung. Mà cái cục ấy cũng lì lợm lắm, 3 ngày sau mới chịu sủi tăm đi ^^. 

Tổng Kết Xuka 10 Ngày Tuổi

Wow, vậy là 10 ngày tuổi đầu tiên của con đã nhanh chóng trôi qua như thế. Hết mẹ cương sữa đến con bị vàng da làm cả nhà cứ ôm nhau chạy đôn chạy đáo. Ngoài chuyện đó ra thì mọi thứ đều tuyệt vời con nhỉ! Nhờ áp dụng những cách chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học, việc làm mẹ trở nên nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn. Gia đình mình giờ đây lúc nào cũng chộn rộn những bỉm và sữa. Chị Sóc đi học về là sà vào em, tíu tít kể chuyện ở trường lớp cho em nghe. Hy vọng hai em của mẹ lúc nào cũng ngoan như vậy để mẹ được nhờ :D:D:D 

BlockNote image

Xem Đầy Đủ Series Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con