Ngày đầu tiên ra đời, nhìn này, con gái mẹ đáng yêu quá!  Mẹ yêu tất cả thuộc về con từ cái miệng chúm chím, bàn tay bé xíu đến đôi chân xinh. Nếu bây giờ bác sĩ đem mẹ đi scan chắc sẽ thấy oxytocin (hormone tình yêu) chạy loạn xạ bên trong mẹ mất. :D :D :D. Xen lẫn với cảm xúc hạnh phúc ngọt ngào ấy là những bối rối lo lắng của mẹ. Ngày đầu tiên con chào đời, mẹ phải làm gì để chăm sóc em bé sơ sinh của mẹ tốt nhất đây??? Để mình kể cho các mẹ nghe những câu chuyện dở khóc dở cười của bà mẹ trẻ này nhé :)

Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.

Cữ Sữa Đầu Đời Của Sóc Và Xuka

Đợt mình sinh Sóc xong phải đợi khâu tầng sinh môn và làm sạch sản dịch hơn cả tiếng. Lúc về tới phòng thì bà sợ con đói nên đã pha sữa cho con uống xong rồi. Cữ sữa đầu đời bạn Sóc đã được tráng ruột bằng sữa công thức như thế đấy các mẹ ạ. Những ngày tiếp theo con vẫn dặm thêm ít sữa ngoài song song với sữa mẹ như bao bạn khác.

Thực ra lúc đầu mình không có kinh nghiệm nên cũng nghĩ chưa có sữa về ngay. Sau tìm hiểu biết những lợi ích vàng của sữa non thì thấy tiếc nuối lắm. Cữ đầu đời của con nên tráng ruột bằng sữa non của mẹ hoàn toàn chứ không phải sữa ngoài. Đúng là tai hại khi thiếu kiến thức! Khái niệm “sữa chưa về” đã gây hiểu lầm cho biết bao mẹ! Kết quả là rất ít mẹ tận dụng được nguồn sữa non quý giá cho con. 

cham soc em be so sinh

Vì vậy, với Xuka mình quyết tâm cho con hưởng trọn vẹn lợi ích vàng từ sữa non của mẹ. Nắm chắc kiến thức trong tay nên mình quyết tâm không mang sữa công thức và bình sữa lúc đi sinh. Thật tuyệt vời, Xuka được da tiếp da mẹ sau sinh và ti mẹ ngay sau đó 2 tiếng đồng hồ. Nhìn con yêu bé bỏng mà mút ti chùn chụt. Thật là hạnh phúc quá đỗi ^^ 

Các cữ sau đó cứ tầm 3 tiếng mình lại cho con mút ti một lần. Thay đổi luân phiên 2 bên. Đây cũng chính là bí quyết giúp mình có sữa về nhanh và nhiều đó các mẹ ạ. Ngay tối hôm sinh bác sĩ sản kiểm tra và trầm trồ: Ồ! Sữa em về nhiều rồi này, tự tin cho con ti mẹ đi nhé :)

Kinh Nghiệm Cho Mẹ 

  • Mẹ hãy có niềm tin mãnh liệt rằng mình luôn đủ sữa cho con ti ngay từ ngày đầu. 
  • Mẹ thử dùng tay nặn, nếu đầu ti có ri rỉ chất dinh dính màu vàng chính là sữa non. Mẹ tự tin cho con ti nhé. 

Chi tiết về lợi ích của sữa mẹ, mẹ đọc thêm bài viết:

10 Lợi Ích Tuyệt Vời Của Sữa Mẹ

Lợi Ích Bất Ngờ Của Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Đối Với Sức Khỏe Mẹ

Chuyện Uống Nước Tráng Miệng 

Chuyện uống nước thì mình khá rành từ tập đầu. Mình hiểu trẻ sơ sinh tới 6 tháng chỉ cần bú mẹ không cần uống thêm nước. Cơ mà tới lần sinh Xuka, ngay ngày đầu bạn ấy nấc quá. Nấc liên tục ấy, có lúc ti thì hết, lúc thì bạn chẳng chịu ti không biết làm thế nào bà cứ giục mình cho bạn uống nước cho khỏi. Mà còn bảo con gái uống 9 ngụm, con trai 7 ngụm nữa kia. Mình hoang mang quá! Không muốn cho con yêu bé bỏng uống nước một chút nào nên mình bấm chuông cầu cứu bác sĩ. 

Bác sĩ vào giải thích cho bà hiểu rồi bác búng vào chân em mấy cái. Em khóc ré lên làm mẹ và bà giật cả mình. Nhưng may sao sau đó em hết nấc luôn. Thật là một kinh nghiệm quý báu khi chăm sóc em bé sơ sinh! Hihi! Các mẹ mà con bị nấc cứ áp dụng cách này nhé! 

À, bật mí thêm với các mẹ là nấc không gây khó chịu cho con như mình vẫn nghĩ đâu. Ngược lại, nhịp điệu đều đặn của nấc còn giúp con dễ ngủ í.

Chuyện Giấc Ngủ

cham soc em be so sinh

Em bú no rồi thì lim dim ngủ nè. Xuka mỗi lần đi ngủ là mình quấn em trong cái khăn như nhộng tằm. Kiểu ngủ này giống môi trường trong bụng mẹ. Con cảm thấy quen thuộc nên ngủ ngoan lắm. Thi thoảng con có giật mình nhưng không bị tỉnh giấc. Mình gấp cái khăn mỏng thành 3-4 lớp lót đầu cho êm thôi chứ con chưa cần nằm gối

Xuka được ngủ bên mẹ 100%. Nhiều nhà cho hai mẹ con nằm riêng để mẹ nghỉ ngơi được nhiều nhưng thế con hay khóc lắm. Con nằm chung có hơi mẹ sẽ yên tâm ngủ ngoan. Và điều này cũng kích thích tạo nhiều sữa đó mẹ.

Thi thoảng em ọ ọe mình kiểm tra xem em có bị ướt tã không, có bị nóng không? À quên, mẹ sinh em vào ngày đông Hà Nội thì lấy nắng đâu ra mà nóng được Xuka nhở? :D Nhưng các mẹ chăm sóc em bé sơ sinh chú ý không nên ủ em kỹ quá. Em có thể bị nóng đấy. Em mà không ướt, không nóng thì chắc là em đói. Mình đưa bầu sữa vào em há miệng mút mát rồi lại ngủ. Trẻ con mới sinh có thể vừa ngủ vừa ti được thế nên mẹ không cần đánh thức con dậy đâu nhé.

Cái Tã Đầu Tiên Bị Ướt

Chị Sóc sau khi sinh đã ị tè dễ dàng nên mình chẳng mấy ấn tượng. Nhưng lần này sinh Xuka thì nhớ đời luôn. Con ti ngoan ngủ kỹ đến nỗi tận 14 tiếng sau sinh vẫn chưa ị, chưa tè. Trong khi đó, các bạn trong phòng đã bắt đầu có phân su. 

Mình lo lắng nên đã nhờ bác sĩ nhi kiểm tra cho con. May sao bác sĩ phát hiện con bị một nút nhầy trắng chặn ở hậu môn nên không đi ị được. Sau khi lấy cái nút nhầy ấy ra tầm 30 phút thì… xoẹt!…Xoẹt! Xoẹtttttttt! Xuka đã tặng mẹ một tã phân su đen đen, dinh dính và nhoe nhoét. Mẹ thiệt là nhẹ lòng. 

Vừa thay cái tã mới rồi bế con lên đã lại thấy nặng nặng. Mẹ ơi, Xuka đi tè rồi này! Mẹ vuiiiiiiiiii chưa??? Vậy là bạn ấy đã khởi động chu trình làm hao tã đây! Hi hi!

Kinh Nghiệm Cho Mẹ:

Chăm sóc cho em bé sơ sinh ngày đầu mẹ đặc biệt lưu ý:

  • Con không ị trong vòng 24h hoặc không tè trong 48h sau sinh, mẹ báo bác sĩ can thiệp nhé.
  • Con ị xong là phải lau sạch và thay tã ngay để con không hăm tã.
  • Khi thay tã: chú ý tránh chạm vào cuống rốn. Đặc biệt với tã giấy mẹ nhớ dán chặt vào đúng vị trí và bẻ gập lại để không làm xước da con.

>>>> Những chủ đề mà mẹ mới sinh cần biết để nuôi con sữa mẹ thuận lợi nhất:

Hướng Dẫn Cho Trẻ Sơ Sinh Bú Đúng Cách

9 Cách Nhanh Chóng Gọi Sữa Về Ướt Áo Cho Mẹ Sau Sinh

Mách Mẹ 5 Cách Làm Sao Biết Bé Bú Đủ Sữa Mẹ? 

Lần Tắm Đầu Tiên Của Con

Xuka thay tã xong thì cô y tá đến phòng nhắc các bà đưa cháu đi tắm. Riêng Xuka thì mới sinh ngày đầu nên không tắm để giữ lại lớp gây trên da. 

Đó chính là lớp sáp trắng trắng dính đầy trên người con đấy mẹ. Trông bẩn bẩn thế thôi chứ chúng có nhiệm vụ bảo vệ rất tốt cho con. Do đó, mẹ chỉ nên cho con tắm sau 24-48h khi lớp gây đã phát huy hết tác dụng.

cham soc em be so sinh

Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn đều áp dụng không tắm sơ sinh ngay trong ngày 1. Trong khi đó, các bệnh viện khác có thể vẫn đang làm theo cách cũ. Nhưng mẹ đã biết lợi ích thì nên giữ lớp gây để giữ ấm cho con trong 1-2 ngày đầu tiên nhé.

Mũi Tiêm Chủng Đầu Đời

Xuka sinh 3 rưỡi sáng thì sáng hôm đó đã được tiêm vacxin viêm gan B và uống vitamin K. Trộm vía con tiêm về vẫn bú ngoan, ngủ tốt các mẹ ạ. 

Mũi viêm gan B cần được tiêm trong vòng 24h sau sinh để phát huy hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Và vắc xin này “hiền lành” nên mẹ không phải lo con sốt hay quấy khóc đâu. Mẹ nên nói trước với người nhà biết về thời gian tiêm để cùng theo dõi. Nếu hơn 12h mà con chưa chủng ngừa thì người nhà hỏi lại y tá để tiêm cho con. 

Vitamin K cần tiêm hoặc uống trong vòng 6h sau sinh nên mẹ cũng lưu ý nhé.

Đó là những vấn đề quan trọng nhất của con trong ngày 1. Mẹ nên nói trước thông tin này cho bà hoặc bố – người trực tiếp chăm sóc em bé sơ sinh. Để phòng trường hợp, sau sinh mẹ chưa về ngay với con được thì có người nhà theo dõi thay. Đảm bảo con vẫn được chủng ngừa đầy đủ.

Sức Khỏe Của Mẹ 

Sau hành trình vượt cạn, sức khỏe của mẹ vẫn còn rất yếu. Mặc dù giờ đây, với mẹ việc chăm sóc em bé sơ sinh luôn là mối quan tâm lớn nhất. Tuy nhiên mẹ cũng phải chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân mình nhé.

Lần đầu sinh Sóc xong mình phục hồi sức khỏe khá nhanh. Nhưng lần này, mình đã trải qua một sự cố mà đến giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình. 

cham soc em be so sinh

Chuyện là buổi chiều hôm sinh bé, mình đi vệ sinh thì thấy có ra những cục máu nhỏ. Dù nghĩ không sao nhưng tối đó khi gặp bác sĩ mình vẫn hỏi cho chắc. Ngay lập tức bác sĩ ấn vào bụng dưới thì ầng ậc máu cục đẩy ra @@ Bác sĩ gọi ngay ekip chuyển máy siêu âm tới tận phòng và phát hiện mình bị sót nhau. 

Lúc này cần phải lấy hết nhau bị sót ra mà cổ tử cung mình thì không còn mở như lúc sinh. Cảm giác đau còn hơn đau đẻ í các mẹ. Y tá luôn miệng nhắc thả lỏng người ra em, để bác sĩ xử lý tránh xảy ra băng huyết sẽ nguy hiểm. BĂNG HUYẾT – với mình lúc đó không hiểu sao cái chữ này cứ mặc định gắn liền với tử thần. Nghĩ tới chồng và 2 cô con gái, mình nước mắt ràn rụa nằm im cho bác sĩ làm việc. Nhờ vậy mà giờ mình vẫn còn ngồi đây kể chuyện các mẹ nghe nè ^^

Thế mới biết các mẹ sinh xong không được chủ quan nhé. Mẹ mà thấy hiện tượng bất thường như: sốt, rét run, ra máu ướt đẫm bỉm trong vòng 2-3h, máu vón cục,… là phải báo bác sĩ ngay.

cham soc em be so sinh

Khép Lại Ngày 1 

Lúc mình đi điều trị sót nhau xong thì đã 8 rưỡi tối. Xuka cũng đã nằm ngủ ngoan trên tay bà. Mình cũng tranh thủ đi ngủ vì quá mệt sau cuộc tiểu phẫu. Còn phải dành sức để tối cho con ti đêm các mẹ à. 

Các mẹ cũng đi ngủ sớm để dưỡng sức nhé. 10 ngày tiếp theo sẽ thực sự là thử thách đảo lộn cuộc sống của mẹ và gia đình đấy. Mẹ hãy chú ý giữ gìn sức khỏe của mình thật tốt để đủ sức chăm sóc em bé sơ sinh của mình nhé!

Xem Đầy Đủ Series Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả