Lịch Tiêm Chủng Cho Trẻ - Những Điều Cha Mẹ Cần Biết

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 04/08/2019
28 phút đọc

Vì sức khỏe và tương lai của con, cha mẹ hãy nắm chắc lịch tiêm chủng cho trẻ. Tiêm chủng cho con đầy đủ, đúng lịch, đúng phác đồ để bảo vệ con khỏi những mầm bệnh lây nhiễm nguy hiểm như sởi, cúm, rubella, thủy đậu, viêm màng não…

Hệ thống miễn dịch của con dưới 5 tuổi còn rất non nớt. Trong khi đó, môi trường, vệ sinh phức tạp, thời tiết, khí hậu, nhiệt độ thay đổi thất thường… tạo điều kiện cho rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm phát triển. Dịch bệnh tấn công là một trong những nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng của con. Ngay cả khi được chữa khỏi, con vẫn có thể bị ảnh hưởng lâu dài hay chịu di chứng nặng nề. 

Tiêm chủng vắc xin giúp cơ thể con tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể có nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi rút có hại để bảo vệ sức khỏe cho con. Nếu con đã được tiêm vắc xin và có kháng thể, mẹ sẽ yên tâm khi vào những đợt dịch bệnh tấn công, con yêu của mẹ đã được bảo vệ an toàn.

Lịch Tiêm Chủng Cho Trẻ

Giai đoạn từ sơ sinh đến dưới 1 tuổi, con cần tiêm chủng nhiều vắc xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộngtiêm chủng dịch vụ. Các mẹ lưu lại hình ảnh tổng hợp các mũi vắc xin cần thiết cho con để mẹ theo dõi chủng ngừa đúng lịch, đúng phác đồ nhé. 

BlockNote image

Vắc Xin Cho Trẻ Sơ Sinh

hai mũi vắc xin đầu đời quan trọng của con mẹ cần nhớ đó là:

  • Tiêm phòng vắc xin viêm gan B – mũi sơ sinh.

  • Tiêm phòng vắc xin Lao – mũi 1. Nhắc lại sau 4 năm.

Hai mũi này thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vacxin viêm gan B được khuyến nghị tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh để đảm bảo hiệu quả cao nhất bảo vệ con. Sau khi sinh, mẹ có thể còn mệt hay bận rộn tập làm mẹ mà quên mất. Mẹ hãy chia sẻ thông tin này cho bố của bé, ông bà biết để cùng theo dõi nhé. Mũi này thường được thực hiện ngay tại bệnh viện.

Đọc Thêm: Tiêm Vacxin Viêm Gan B Cho Trẻ Sơ Sinh

Tương tự mũi viêm gan B, mũi vắc xin phòng ngừa lao cần được tiêm cho trẻ trong vòng 28 ngày đầu tiên sau sinh. Đây là khoảng thời gian được khuyến nghị để vắc xin có thể bảo vệ hệ miễn dịch non yếu của con sớm nhất có thể.

Đọc thêm: Tiêm Phòng Lao Cho Trẻ Sơ Sinh: 1 Mũi Bảo Vệ Con Trọn Đời

Vắc Xin Cho Trẻ 2 – 3 – 4 Tháng Tuổi

Giai đoạn này, trẻ có nhiều vắc xin đến lịch tiêm chủng. Mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ để kết hợp tiêm các mũi vắc xin cùng lúc để một công đôi chuyện, vừa tiết kiệm thời gian vừa bảo vệ sức khỏe cho con ngay từ sớm, bao gồm:

  • Tiêm phòng Vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 – 3 mũi và vắc xin bại liệt OPV – 3 liều, mỗi mũi/liều cách nhau một tháng.

  • Uống vắc xin Rota – 2 liều.

  • Tiêm phòng vắc xin Phế cầu – 2 mũi.

Trong đó, 3 mũi đầu tiên của vacxin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, vacxin Rotaphế cầu là mũi tiêm chủng dịch vụ

Để biết cụ thể về các loại vắc xin này và lịch tiêm chủng cho trẻ, mời các mẹ đọc thêm:

Vacxin 5 Trong 1 Là Gì? Phân Biệt Các Loại Vắc Xin Hiện Nay 

Vacxin Rota – Thông Tin Cần Biết Về Giá, Tác Dụng Phụ, Lịch Uống

Vắc xin Cho Trẻ 6 Tháng Tuổi

  • Tiêm phòng vắc xin Cúm – mũi 1. Tiêm nhắc hàng năm để bảo vệ con trước bệnh cúm. 

  • Tiêm phòng vắc xin Phế cầu: mũi 3.

  • Tiêm phòng Não mô cầu BC: mũi 1 và mũi 2 sau mũi 1 là 1 tháng.

Cả 3 mũi này đều là mũi tiêm chủng dịch vụ.

Lịch tiêm này là khuyến nghị thời gian mẹ nên bắt đầu tiêm sớm cho trẻ để phòng ngừa bệnh cho trẻ càng sớm càng tốt. Nếu như trẻ đang bị ốm, điều trị bệnh khác hay vì lý do khác, mẹ có thể tiêm cho trẻ sau. Tuy nhiên, những bệnh này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và trí tuệ của trẻ mà chưa có thuốc đặc trị, phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ con. Vì vậy, dù hoãn lịch tiêm mẹ vẫn nên sắp xếp tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt.

Vắc Xin Cho Trẻ 9 Tháng Tuổi

Tiêm phòng Vacxin Sởi Quai Bị Rubella – mũi 1. 

Mũi này có trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bệnh sởi được xếp vào một trong những bệnh nguy hiểm của trẻ bởi những biến chứng trầm trọng của nó. Lúc sinh ra, trong cơ thể trẻ vẫn có ít kháng thể bệnh sởi được truyền từ mẹ. Số lượng kháng thể này sẽ ít dần khi trẻ lớn lên, không đủ để bảo vệ sức khỏe. Tiêm bổ sung 1 mũi sởi cho trẻ thời điểm này sẽ bổ sung kháng thể để giúp trẻ luôn khỏe mạnh.

Đọc Thêm:  Tiêm Phòng Sởi Quai Bị Rubella – Không Đáng Lo Nếu Chủng Ngừa Đầy Đủ

Vắc Xin Cho Trẻ 12 Tháng Tuổi

  • Tiêm phòng vắc xin 5 trong 1: mũi 4.

  • Tiêm phòng vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella:

  • Nếu mũi 1 tiêm lúc 9 – 11 tháng: mũi 2 lúc 15-18 tháng, mũi 3 sau 4 năm.

  • Nếu mũi 1 tiêm lúc sau 12 tháng: tiêm mũi 2 sau 4 năm.

  • Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản B – mũi 1. Mũi 2: sau mũi 1 từ 1-2 tuần. Mũi 3: tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó 3 năm tiêm nhắc 1 lần cho đến khi trẻ 15 tuổi.

  • Tiêm phòng vắc xin thủy đậu – mũi 1. Mũi 2 lúc 4-5 tuổi.

  • Tiêm phòng vắc xin viêm gan A – mũi 1. Mũi 2: tiêm nhắc sau 6 tháng – 1 năm.

  • Tiêm phòng vắc xin phế cầu: mũi 4.

Đây là các mũi tiêm phòng dịch vụ cho trẻ các mẹ nhé.

Các mẹ có thể thấy khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cũng có khá nhiều các mũi vắc xin cần chủng ngừa. Mẹ có thể chủ động giãn lịch chích ngừa cho trẻ. Ví dụ tiêm phòng các vắc xin khác nhau vào các ngày khác nhau trong cùng một tháng hay cách nhau một tháng trở lên (mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ). Hoặc các mẹ cho con tiêm phòng nhiều loại vắc xin cùng lúc.

Thực ra cả hai cách đều được các mẹ nha. Từ trước đến nay ở nước ta quen với tiêm chủng mỗi lần một vắc xin nên sẽ hơi e ngại cách 2 một chút. Tuy nhiên, cách 2 khá phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và đã được chứng minh là an toàn. Vậy nên, các mẹ nào cảm thấy chưa yên tâm, mẹ hãy chủ động giãn lịch tiêm chủng cho con. Đối với các mẹ muốn tiết kiệm thời gian, tiêm phòng sớm để bảo vệ con sớm thì có thể chọn cách tiêm cùng lúc nhiều vắc xin nhé.

Đọc Thêm: Viêm Não Nhật Bản Là Gì? Chích Ngừa Viêm Não Nhật Bản 

Thời Điểm Tiêm Phòng Thủy Đậu Đạt Hiệu Quả Bảo Vệ Tối Ưu

Vắc Xin Cho Trẻ Từ Tháng 15-18

  • Tiêm phòng vắc xin Viêm gan A – mũi 2.

  • Tiêm phòng vắc xin Cúm – mũi 2.

Hai mũi này là tiêm phòng dịch vụ.

Giai đoạn này trở đi trẻ ít tiêm vắc xin mới mà chủ yếu là tiêm nhắc các mũi vắc xin đã tiêm trước đó. Lịch tiêm khuyến nghị này là thời gian sớm nhất nên bắt đầu tiêm nhắc để vắc xin phát huy hiệu quả bảo vệ sức khỏe tối ưu cho bé yêu.

Vắc Xin Cho Trẻ Đủ 24 Tháng Tuổi

Giai đoạn này trẻ được tiêm mới vắc xin não mô cầu AC và Tả, Thương hàn. Tuy nhiên, vắc xin Tả và Thương hàn không tiêm rộng rãi, phổ biến mà chỉ áp dụng cho những trẻ ở vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. 

  • Tiêm phòng vắc xin Viêm não Nhật Bản B – mũi 3. 

  • Tiêm phòng vắc xin Não mô cầu AC – mũi 1.

  • Tiêm phòng vắc xin Thương hàn Tả – mũi 1.

Các mũi tiêm này là dịch vụ.

Vắc Xin Cho Trẻ Từ 3-10 Tuổi

Hầu hết giai đoạn này là tiêm nhắc vắc xin cho trẻ gồm vắc xin phòng các bệnh: Viêm não Nhật Bản, Thương hàn, Tả, Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván, Sởi – Quai bị – Rubella.

Với bé gái 9 tuổi trở lên: tiêm phòng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung – 3 mũi.

Phân Biệt Tiêm Chủng Dịch Vụ Và Tiêm Chủng Mở Rộng

Tiêm Chủng Mở Rộng

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) do Bộ Y Tế thực hiện với sự hỗ trợ rất lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chính phủ Nhật Bản,… Tất cả các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều miễn phí. Các mẹ có thể đưa trẻ từ 0 – 15 tuổi đến các cơ sở y tế xã, phường, quận huyện để được chủng ngừa định kỳ. 

Những thông tin về vắc xin được sử dụng và lịch tiêm chủng mở rộng trong chương trình TCMR được giới thiệu đầy đủ trong bài viết: 

Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ Cập Nhật Mới Nhất 

Tiêm Chủng Dịch Vụ

Một số bệnh nguy hiểm khác không nằm trong danh mục tiêm vắc xin của chương trình TCMR. Mẹ có thể chọn tiêm chủng dịch vụ cho con để bảo vệ con toàn diện trước những bệnh nguy hiểm cho trẻ em. Mẹ có thể tiêm chủng dịch vụ cho con ở các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, viện Pasteur hay các hệ thống tiêm chủng khác. Khi tiêm chủng dịch vụ, điều các mẹ cần quan tâm đó là giá cả của vắc xinchất lượng bảo quản vắc xin. Mỗi loại vắc xin sẽ có mức giá chênh lệch khác nhau giữa các cơ sở tiêm chủng. Tuy nhiên, mức chênh lệch thường không quá cao. Các mẹ nên tìm hiểu kỹ về vắc xin dịch vụ mẹ muốn tiêm phòng cho con và lựa chọn mức giá phù hợp tại cơ sở uy tín, tránh tình trạng vắc xin khan hiếm bị đội giá cao. 

Chi tiết về các vắc xin sử dụng, giá thành, lịch tiêm chủng dịch vụ được thống kê đầy đủ tại bài viết: 

Các Mũi Tiêm Phòng Dịch Vụ Cho Trẻ Mẹ Cần Biết

Có Nên Tiêm Vắc Xin Cho Con?

Một số mẹ thấy con mỗi lần đi tiêm vắc xin về thì bị sốt, khó chịu, mệt mỏi, sưng ở vị trí tiêm thì thương con, xót con, sợ con bệnh thêm nên có tâm lý ngại đi tiêm vắc xin cho con nữa. Như vậy, có nên tiêm vắc xin cho con không?

Câu trả lời là nên tiêm vắc xin cho con nha các mẹ ơi. Trừ những trường hợp bác sĩ chỉ định không được tiêm, còn lại mẹ nên cho con đi tiêm chủng đầy đủ. Bởi vì:

  • Tiêm chủng là đưa một lượng vacxin vừa đủ, tức đưa kháng nguyên của vi-rút hoặc vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể chưa từng bị nhiễm bệnh, để kích thích hệ miễn dịch của trẻ sản xuất kháng thể. Những biểu hiện sốt, đau, sưng tấy chỗ tiêm… chứng tỏ hệ miễn dịch của con đã được kích hoạt, đang xây dựng lực lượng kháng thể để đánh nhau với vi khuẩn, vi-rút xâm nhập bất hợp pháp. Hai bên giao tranh, nếu ta mạnh địch yếu thì biểu hiện bình thường. Nếu hai bên cân tài cân sức ắt hẳn cuộc chiến bắt buộc phải quyết liệt. Kết thúc, kẻ địch thương vong thì quân ta cũng te tua nhưng chiến lợi phẩm là quân ta có kinh nghiệm chinh chiến, lần sau mà gặp lại ta đánh nhanh tiêu diệt gọn ngay. Như vậy, phản ứng sau tiêm có thể làm mẹ hơi lo lắng nhưng thực chất là lợi nhiều hơn hại mẹ nha.

  • Nếu tiêm phòng, cơ thể con sẽ có phản ứng một chút (như trên) nhưng vẫn còn nhẹ nhàng và lành mạnh hơn rất nhiều so với việc con bị nhiễm bệnh do không tiêm phòng. Một khi đã bệnh, việc điều trị sẽ khó khăn hơn vì con còn quá bé, mất nhiều thời gian. Chưa kể một số bệnh tuy lành tính nhưng lại có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Sau thời gian điều trị, trẻ vẫn có thể bị ảnh hưởng sức khỏe hay phải chịu những di chứng về sau.

  • Các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí. Các mũi dịch vụ thì tùy loại từ vài trăm cho đến khoảng 1 triệu. Tuy nhiên chi phí này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị nếu bé mắc bệnh.

Trường Hợp Nào Không Được Tiêm Phòng Cho Trẻ?

Các mẹ thường thắc mắc không biết trong trường hợp nào thì không nên tiêm phòng cho con. Sau đây là những trường hợp không được tiêm phòng cho trẻ:

  • Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm liều vắc xin trước đó, kể cả vắc xin có chứa thành phần: Sốt cao trên 39 độ, sốt co giật hoặc dấu hiệu viêm não, viêm màng não, tím tái, khó thở.

  • Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận…

  • Không tiêm vắc xin khi trẻ đang ốm hay mắc các bệnh lý khác, đang điều trị kháng sinh dài ngày.

  • Không tiêm vắc xin sống với trẻ bị suy giảm miễn dịch như bệnh suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch nặng.

  • Không tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền.

  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin cụ thể.

Để phát hiện những trường hợp trẻ không được tiêm phòng, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe của bé thông qua đo thân nhiệt, đánh giá tri giác, quan sát nhịp thở, nghe tim để phát hiện các bất thường. Các mẹ nên phối hợp cung cấp thông tin chi tiết để các y bác sĩ có cơ sở chẩn đoán chính xác nhất.

Kết Luận

Tiêm phòng đầy đủ cho con, mẹ có thể yên tâm con không mắc những bệnh nguy hiểm đã được chủng ngừa. Tùy điều kiện, các mẹ có thể chọn tiêm vắc xin dịch vụ cho con hay không, nhưng các mũi tiêm chủng mở rộng mẹ nhất định phải tiêm đầy đủ cho con để không chỉ bảo vệ sức khỏe cho con mà còn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Hiện nay, có rất nhiều thông tin đề cập về tác dụng phụ, những biến chứng sau tiêm vắc xin như sốt, sốc phản vệ làm các mẹ hoang mang. Các mẹ hãy thực sự bình tĩnh và tỉnh táo trước nhiều thông tin trái chiều khác nhau nhé. Mẹ Việt sẽ luôn cùng đồng hành với các mẹ, theo dõi, phân tích và sẽ đưa ra những thông tin đáng tin cậy nhất để chăm sóc thật tốt cho bé yêu của mẹ. 

Để có thêm kiến thức giúp các mẹ an tâm chăm sóc trẻ khi tiêm chủng, mời các mẹ đọc thêm: Trẻ Tiêm Phòng Bị Sốt Phải Làm Sao

Trên đây là toàn bộ thông tin tổng hợp về lịch tiêm chủng cho trẻ, các mẹ chú ý đảm bảo chích ngừa đúng lịch cho con. Thông tin về các mũi chủng ngừa quan trọng được giới thiệu trong từng bài riêng sẽ giúp mẹ cập nhật thông tin và hướng dẫn chi tiết nhé!