Trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi thường có lịch tiêm nhiều mũi vacxin trong cùng 1 tháng. Những năm gần đây xuất hiện thông tin có thể tiêm nhiều mũi cho trẻ cùng lúc. Nhiều mẹ không rõ tính xác thực thông tin này đã nhắn tin vào group Mẹ Việt nhờ tư vấn. Các thành viên team Mẹ Việt cũng có con nhỏ và cực kỳ quan tâm chủng ngừa cho con. Team Mẹ Việt đã tìm hiểu rõ thông tin trước hết để áp dụng cho chính các bé nhà mình. Sau là giải đáp, phổ biến thông tin để nhiều mẹ biết và cùng thực hiện. Có tiêm nhiều mũi vacxin cùng lúc cho con được không, mẹ sẽ có câu trả lời dưới đây.
Vấn đề các mẹ thường lo ngại nhiều nhất khi cho con tiêm nhiều loại vacxin cùng lúc là: Tiêm nhiều loại vắc xin cùng lúc có an toàn cho trẻ không? Một mũi tiêm đã làm con sốt, mệt mỏi, khó chịu. Tiêm nhiều mũi con có chịu được không? Sốt cao hơn, quấy khóc hơn không? Tiêm nhiều vacxin như thế liệu các vacxin có “chống” nhau, dẫn đến giảm hiệu quả?
Theo các chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trẻ có thể tiêm nhiều loại vacxin cùng lúc. Việc tiêm 2 hay nhiều loại vắc-xin trong cùng một buổi tiêm không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Càng không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh kháng thể miễn dịch của riêng từng vắc-xin. Hệ miễn dịch vẫn tạo kháng thể bảo vệ cơ thể hiệu quả như tiêm từng vắc xin riêng lẻ.
Nói cách khác, tiêm nhiều vacxin cùng lúc cho trẻ không hề có hại mà còn rất có lợi. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những cơ sở, lợi ích việc tiêm nhiều vacxin cho trẻ cùng lúc.
Ba mẹ tìm hiểu thêm:
Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ Cập Nhật Mới Nhất
Các Mũi Tiêm Phòng Dịch Vụ Cho Trẻ Mẹ Cần Biết
Trước tiên, nhắc lại một chút về cơ chế hoạt động của vacxin đối với cơ thể trẻ. Bản chất của tiêm vacxin là đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể trẻ. Vắc xin kích thích hệ miễn dịch của trẻ tạo ra kháng thể chống lại bệnh.
Trung bình mỗi ngày trẻ đối phó với khoảng 20-40 kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể từ môi trường. Hệ miễn dịch trẻ đủ khả năng tạo kháng thể đáp ứng 10.000 kháng nguyên xâm nhập cùng lúc. Do đó, về lý thuyết, trẻ có khả năng tiếp nhận cùng lúc 10.000 loại vắc-xin khác nhau.
Trong khi trên thực tế, mỗi loại vắc-xin chỉ chứa dưới 100 kháng nguyên. Thậm chí có loại chỉ chứa 1 kháng nguyên duy nhất (ví dụ vắc-xin viêm gan B, bạch hầu, uốn ván),… Giả sử tiêm cho con cùng lúc 11 loại vắc-xin. Thì con cũng chỉ cần dùng 0.1% “công suất” của hệ miễn dịch để ứng phó. Vì vậy, tiêm nhiều mũi vacxin cùng lúc cho trẻ là an toàn ba mẹ nhé.
Đợt vừa rồi mình đưa Xuka nhà mình 2m15d đi tiêm phòng. Con được tiêm cùng lúc 6in1, phế cầu mũi 1 và uống Rota liều 1. Các bạn nhỏ đến tiêm tại trung tâm cũng tiêm cùng lúc nhiều mũi vacxin tương tự như vậy. Thường là bác sĩ khuyên tiêm 2 mũi cùng một lần đi tiêm. Cũng còn tùy lịch tiêm và sức khỏe ở thời điểm thăm khám trước tiêm của từng bé nữa. Vậy nên khi đến lịch, ba mẹ cứ đưa con đến trung tâm uy tín, bác sĩ thăm khám sẽ đề xuất mũi vacxin nào cần thiết tiêm được trong lần tiêm đó nhé.
Chủ đề ba mẹ thường quan tâm:
Hỏi – Đáp Tiêm Chủng Vắc Xin 5 Trong 1, Rota, Phế Cầu
Hỏi Đáp Vắc Xin Sởi-Quai Bị-Rubella, Cúm, Viêm Não Nhật Bản, Thủy Đậu
Tiêm nhiều vắc xin cho trẻ cùng lúc có nhiều lợi ích cho cả bé lẫn ba mẹ.
Giảm số lần trẻ bị đau, quấy khóc: có nhiều bé sợ chích ngừa, sợ bác sĩ, sợ bệnh viện,… Một lần đi chích cùng lúc nhiều mũi sẽ giống như thà đau một lần còn hơn.
Giảm số lần bị tác dụng phụ sau tiêm (nếu có): Ba mẹ cũng biết sốt là phản ứng có lợi cho trẻ sau tiêm. Biết là vậy nhưng thấy con sốt ba mẹ xót vô cùng. Nên thà rằng trẻ sốt 1-2 ngày sau tiêm nhưng ngừa được 5-6 bệnh. Còn tốt hơn tiêm từng vacxin, phòng 5-6 bệnh tương ứng 5-6 lần sốt.
Điều ba mẹ quan tâm nhất là tiêm nhiều mũi có làm quá tải hệ miễn dịch của bé không? Có làm bé quấy khóc nhiều hơn hay sốt cao hơn hay không? Các chuyên gia của nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới là Sanofi Pasteur đã khẳng định: Không ghi nhận tác dụng phụ như sốt cao hơn, quấy khóc hơn. Hay là gia tăng/suy giảm miễn dịch ở trẻ khi được tiêm nhiều mũi vắc-xin cùng lúc. Chỉ cần vị trí tiêm khác nhau thì việc tiêm phòng nhiều mũi cùng lúc trong một ngày hoàn toàn không gây hại cho trẻ.
Giảm thiểu số lần đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng. Nghĩa là hạn chế ra ngoài, hạn chế nắng nóng hay mưa rét khi đưa các em bé xíu xiu đi tiêm. Cũng hạn chế trẻ phải tiếp xúc với nhiều nguồn bệnh từ môi trường.
Hạn chế tình trạng hết vắc xin trong các đợt dịch bệnh bùng phát. Trẻ được tiêm đúng lịch, đầy đủ số mũi tiêm nên sức khỏe được bảo vệ tốt. Hạn chế tiêm muộn hay sót mũi tiêm do ba mẹ quên lịch hay do trẻ ốm.
Tiết kiệm thời gian cho ba mẹ trong việc sắp xếp đưa con đi chích ngừa. Quá trình di chuyển, làm thủ tục, tiêm và theo dõi sau tiêm kéo dài ít nhất 3-4 tiếng. Trong khi đó, ba mẹ xin nghỉ 1 buổi làm thường không dễ dàng.
Giảm bớt thời gian phải chăm sóc, theo dõi bé sau khi tiêm.
Giúp ba mẹ tiết kiệm chi phí. Ba mẹ có thể tiết kiệm được chi phí đi lại nhiều lần khi đưa con đi tiêm.
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm phòng tùy thuộc vào từng loại vắc-xin. Về nguyên tắc, mẹ chỉ cần ghi nhớ như sau.
Trường hợp 2 mũi tiêm phòng cần áp dụng khoảng cách tối thiểu (cách nhau ít nhất 4 tuần):
Cùng một loại vắc xin: ví dụ cùng là mũi 5in1, mũi 2 phải cách mũi 1 ít nhất 4 tuần.
Hai vắc xin sống giảm độc lực khác nhau mà CHÍCH KHÁC NGÀY. Hiện nay các loại vắc xin sống gồm: sởi – quai bị – rubella, thủy đậu. Có nghĩa là nếu các vắc xin này không chích cùng 1 buổi thì nay chích 1 mũi vắc xin này. Tháng sau chích vắc xin khác.
Trường hợp các mũi tiêm KHÔNG CẦN áp dụng khoảng cách tối thiểu:
Hai hay nhiều vắc xin sống chích trong cùng một 1 buổi. Ví dụ: con có thể chích đồng thời sởi – quai bị – rubella và thủy đậu.
Giữa hai loại vắc xin bất hoạt khác nhau. Hay phối hợp giữa vắc xin sống giảm độc lực với vắc xin bất hoạt. Ví dụ: Hôm nay chích viêm gan B, ngày mai chích viêm gan A. Hoặc hôm nay chích viêm gan A, ngày mai chích sởi – quai bị – rubella.
Lịch chích ngừa được các nhà sản xuất vắc xin nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Căn cứ dựa trên nguy cơ mắc bệnh (lứa tuổi nào dễ mắc), khả năng tạo miễn dịch của cơ thể và hiệu lực của vắc xin. Nhằm đảm bảo trẻ được tiêm chủng có đủ nồng độ kháng thể cần thiết phòng ngừa bệnh. Giúp con có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm càng sớm càng tốt, trước khi quá muộn!
Phần này dành cho các mẹ muốn hiểu rõ thêm về các dạng vắc xin tiêm cho con nha. Có nhiều loại vắc-xin khác nhau như: Vắc-xin sống giảm độc lực, vắc-xin chết, vắc-xin tái tổ hợp và vắc-xin tách chiết. Trong đó, mẹ chỉ cần nắm rõ về vắc xin sống và vắc xin chết là đủ. Hiểu về dạng vắc xin giúp mẹ biết cách phối hợp các mũi tiêm hay không còn lo lắng kiểu: Sắp tới con có lịch tiêm mũi abc. Không biết tiêm về con có bị sốt không?
Vắc xin sống giảm độc lực: thành phần vắc xin là tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) được làm yếu đi. Khi đưa vào cơ thể có thể gây bệnh nhẹ cho trẻ để giúp kích hoạt hệ miễn dịch. Phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin này là trẻ có thể sốt nhẹ đến sốt cao. Ba mẹ cần chú ý chăm sóc hơn. Có thể có biểu hiện nhẹ của bệnh đó nhưng không gây nguy hiểm. Và nhanh chóng hết bệnh sau 1-2 ngày. Các vắc xin sống hiện nay gồm: Vắc xin sởi, quai bị, rubella, bại liệt (uống), đậu mùa, thủy đậu, BCG, thương hàn (uống), sốt vàng, rota virus và cúm.
Vắc xin chết (bất hoạt): thành phần vắc xin là các tác nhân gây bệnh đã chết. Nên hoàn toàn lành tính, không gây bệnh cho trẻ khi vào cơ thể. Trẻ đi tiêm về vẫn có thể vui vẻ, ăn uống bình thường. Ba mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm được rồi. Các vắc xin bất hoạt gồm: Vắc-xin ho gà, thương hàn, tả, dịch hạch, bại liệt, bệnh dại, cúm, viêm gan A.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt sau tiêm phòng ba mẹ xem TẠI ĐÂY.
Nhiều ba mẹ thắc mắc quên lịch tiêm phòng của con thì có cần tiêm lại mũi trước hay không? Ba mẹ cần biết vắc-xin chỉ có khoảng cách tối thiểu chứ không có khoảng cách tối đa. Do đó, nếu quên lịch tiêm hay lịch tiêm cách lâu, ba mẹ tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo. Không cần tiêm lại các mũi trước cho con.
Tuy nhiên, nên hạn chế trường hợp này nhé. Vì mũi tiêm sau đảm bảo bổ sung kháng thể kịp thời khi kháng thể mũi tiêm gần hết. Nếu không tiêm đúng lịch, con vẫn có thể bị mắc bệnh trong thời gian mũi 1 giảm hiệu lực. Tốt nhất, là ba mẹ nên đăng ký dịch vụ nhắc lịch ở các cơ sở tiêm chủng. Hoặc cài nhắc nhở trên điện thoại để tránh sót lịch tiêm cho con.
Như vậy, ba mẹ đã biết tiêm nhiều mũi vắc xin cùng lúc cho con là an toàn và nhiều lợi ích. Tuy nhiên, dịch vụ này thường phổ biến hơn ở các tỉnh thành lớn trong cả nước. Ở các bệnh viện lớn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ như VNVC,…
Các cơ sở tiêm chủng ở các tỉnh có thể vẫn còn áp dụng tiêm các mũi vắc xin riêng lẻ. Chỉ thực hiện tiêm chủng nhiều mũi vacxin cùng lúc khi được ba mẹ yêu cầu. Vì thế, ba mẹ nên hỏi kỹ trước khi sắp xếp đưa con đi chích ngừa. Nếu không có nhiều thời gian đưa con đi chích ngừa nhiều lần. Ba mẹ có thể sắp xếp đưa trẻ đến các bệnh viện lớn, trung tâm tiêm chủng các tỉnh lân cận. Để được tiêm nhiều mũi cùng lúc, bảo vệ sức khỏe của trẻ đúng lịch và càng sớm càng tốt nhé.
Bài đọc thêm liên quan: