Bé 1 tháng tăng bao nhiêu kg là được? Con mình 5 tháng 7kg có nhỏ quá không? Bé 9 tháng 12kg mẹ vẫn hỏi sữa nào giúp con tăng cân tốt. Sự thật là có nhiều mẹ vẫn mơ hồ về việc cân nặng của con như thế nào là chuẩn. Thế nên mẹ rất dễ hoang mang, dao động khi người khác nhận xét con gầy, con thiếu cân. Hay con ngấp nghé ngưỡng béo phì vẫn cho ăn vô tư vì nghĩ con bụ bẫm mới dễ thương. Mẹ cần hiểu rõ về chuẩn chiều cao cân nặng của trẻ để theo dõi tình trạng sức khỏe con. Mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ theo WHO. Hoặc mình sẽ hướng dẫn mẹ sử dụng app Growth Chart để theo dõi tăng trưởng của trẻ.
Mẹ tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé theo WHO dưới đây:
Mẹ muốn theo dõi sức khỏe và phát triển thể chất của con trong thời gian dài có thể sử dụng các app. Như mình đang theo dõi cho con bằng app Growth Chart. Nếu mẹ cần hướng dẫn cách sử dụng app Growth Chart hãy bình luận bên dưới để Mẹ Việt hỗ trợ nhé!
Đọc thêm:
Làm Thế Nào Để Trẻ Sơ Sinh Ngủ Sâu Giấc?
10 Lợi Ích Tuyệt Vời Của Sữa Mẹ
Mẹ có thể yên tâm khi kết quả theo bảng chiều cao cân nặng cho thấy con đang trong chuẩn. Nhưng nếu con đang lệch về phía ngưỡng dưới hay ngưỡng trên thì cũng đừng quá lo lắng. Các chỉ số trong bảng dựa trên thông tin của các trẻ sinh đủ tháng, lúc chào đời đảm bảo mức cân nặng trung bình. Những bé sinh non, ít cân, cân nặng lúc chào đời vượt chuẩn có thể có sự khác biệt.
Trẻ không nhất thiết phải tăng cân theo chuẩn mà cần phù hợp với thể trạng từng bé. Miễn là con vẫn đang phát triển theo hướng đi lên là được mẹ nhé.
Mẹ tham khảo bảng để yên tâm và tự tin đối phó những bàn tán về cân nặng của con. Chứ mẹ đừng xem bảng như công cụ đo lường và áp lực phải nuôi con theo chuẩn. Như thế sẽ cực kỳ mệt mỏi và căng thẳng đấy.
Mình đã từng chạnh lòng khi nghe những câu như sao con gầy thế? Sao nuôi mãi mà chẳng thấy lớn? Mình cũng từng ôm con đi khám dinh dưỡng từ bắc vào nam, từ Nhi Trung Ương đến bệnh viện quốc tế. Mặc dù so với chuẩn trong bảng, con mình luôn ngấp nghé thiếu dinh dưỡng. Nhưng các bác sĩ đều kết luận rằng con ổn. Thậm chí đang phát triển tốt theo biểu đồ tăng trưởng của riêng con.
Thêm vào đó, không phải cứ con nặng cân là khỏe đâu. Mà còn căn cứ vào chỉ số phát triển chiều cao, chu vi vòng đầu, khả năng vận động nữa. Do đó, mẹ hãy ngưng ám ảnh về chuyện tăng cân của con nhé!
Cân nặng là chỉ số khá nhạy và dễ đo lường nên thu hút sự chú ý của mẹ nhất. Vì vậy, mẹ thường chỉ tập trung cân nặng mà bỏ qua chỉ số chiều cao, chu vi vòng đầu.
Trong khi đó, chiều cao phản ánh trung thực hơn về tình trạng dinh dưỡng, tăng trưởng của con. Chu vi vòng đầu cho biết tình trạng “sức khỏe” của não bộ cũng rất quan trọng. Và còn cả khả năng vận động của con nữa. Mẹ đánh giá đầy đủ các chỉ số sẽ thấy được sự phát triển toàn diện của con. Như vậy sẽ không nặng nề chuyện tăng cân ít với tăng cân nhiều nữa.
Về cân nặng, đảm bảo mức tăng cân hợp lý theo các giai đoạn là con đang phát triển tốt.
Trẻ sơ sinh – 3 tháng: tăng trung bình 750g/tháng.
4 – 6 tháng: 600g/tháng.
7 – 9 tháng: 450g/tháng.
10 – 12: 300g/tháng.
Trên 1 tuổi, trung bình mỗi năm tăng 2kg.
Trọng lượng của con sẽ tăng nhanh trong 3 tháng đầu, sau đó tăng chậm dần. Những quan điểm như sữa mẹ nóng, hết chất,… Hay cần dặm thêm sữa ngoài cho con tăng cân nhanh là không đúng. Trọng lượng của con vẫn đang đạt chuẩn nên mẹ không phải lo lắng. Trường hợp con chỉ tăng ⅓ mức trên hoặc cả tháng không tăng lạng nào. Lúc ấy mẹ mới cần đưa con đi khám nhé.
Mốc tham chiếu nhanh để biết con có tăng cân tốt không: 6 tháng gấp đôi cân nặng lúc sinh. 12 tháng gấp ba cân nặng lúc sinh. 24 tháng gấp 4 lần cân nặng lúc chào đời.
Cân nặng trẻ sơ sinh đủ tháng thường từ 3-3.5kg.
Trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ sinh non có thể không đạt cân nặng theo bảng. Nhưng đảm bảo mức tăng trên thì cũng được xem là tăng cân chuẩn mẹ nhé! Trẻ sơ sinh nặng hơn 3.5kg chắc chắn sẽ tăng cân nhiều hơn chuẩn trong bảng.
Để giải tỏa áp lực không cần thiết cho mình, mẹ không nên cân trẻ quá thường xuyên. 3 tháng đầu cân trẻ vào cuối tháng. Từ 3 – 12 tháng cân trẻ mỗi 3 tháng 1 lần. Từ 12 tháng trở đi theo dõi cân nặng của con mỗi 6 tháng. Nếu con không tăng cân hoặc tăng quá ít mẹ mới cần đưa con đi khám dinh dưỡng nhé.
Đọc thêm
Mách Mẹ Cách Kết Hợp Sữa Ngoài Và Sữa Mẹ Khoa Học Nhất
Thành Phần Dinh Dưỡng Của Sữa Công Thức Tốt Cho Tiêu Hóa Của Bé
Chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh đủ tháng là 50cm.
Năm đầu trẻ tăng nhanh từ 20 – 25cm
Năm thứ 2 tăng thêm ~12 cm.
Năm thứ 3 tăng thêm ~9 cm.
Năm thứ 4 tăng thêm ~7cm.
4 tuổi trẻ cao khoảng chừng 1m và mỗi năm tăng trung bình 5cm cho đến khi dậy thì.
Nếu trẻ suy dinh dưỡng hơn 2 – 3 tháng thì chiều cao của trẻ sẽ đứng lại hoặc tăng chậm. Ngược lại, chiều cao của trẻ tháng sau tăng hơn tháng trước là dấu hiệu tốt nha.
Ba mẹ nên bổ sung vitamin D3 giúp xương trẻ phát triển khỏe mạnh, cứng cáp. Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Dùng Vitamin D3 Cho Trẻ Sơ Sinh Từ A-Z
Đo vòng đầu của trẻ là vòng quanh phần rộng nhất trán của bé. Ở ngay sát trên tai và điểm giữa phía sau đầu.
Trung bình vòng đầu trẻ sơ sinh sẽ đạt từ 34-35 cm.
0 – 3 tháng tuổi: chu vi vòng đầu của bé tăng khoảng 2cm mỗi tháng.
4 – 6 tháng tuổi: vòng đầu sẽ tăng trung bình đều đặn 1cm/tháng.
6 – 12 tháng tuổi mỗi tháng tăng thêm ~0,5cm.
Vòng đầu của trẻ phát triển không bình thường sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng:
Vòng đầu lớn bất thường có thể do bẩm sinh hoặc bị não úng thủy. Bé bị não úng thủy bẩm sinh sẽ có biểu hiện mắt trợn ngược, chậm phát triển, thóp giãn rộng.
Vòng đầu nhỏ hơn trung bình có thể là dấu hiệu não không phát triển tốt. Thậm chí ngừng phát triển. Vòng đầu nhỏ có thể do bất thường về não, di chứng bệnh lý từ khi còn là bào thai như bệnh Zika. Hay trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến não,…
Bên cạnh cân nặng và chiều cao, mẹ cũng cần theo dõi chu vi vòng đầu của trẻ. Nếu chỉ số không tăng trong vòng 2 tháng, mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ để thăm khám.
Mẹ thấy đấy, cân nặng không phải là chỉ số duy nhất phải ánh tình trạng sức khỏe của con. Mẹ cần kết hợp với các chỉ số khác để đánh giá thể chất của con một cách toàn diện. Nếu trẻ tăng cân chậm nhưng chiều cao, chu vi vòng đầu tăng đều là con phát triển bình thường.
Thực tâm mẹ nào nuôi con cũng muốn con có các chỉ số đẹp cả. Nhưng cân nặng của con ngoài chế độ dinh dưỡng còn phụ thuộc vào sở thích. Ba hay mẹ kén ăn thì con ít có hứng thú ăn uống cũng là điều dễ hiểu. Hay chiều cao cũng phụ thuộc nhiều vào gen di truyền. Ba mẹ cao vừa phải thì không thể mong chiều cao của con vượt trội xuất sắc được.
Cho nên, trước tiên mẹ cần giải quyết bài toán tâm lý từ chính bản thân mình. Mẹ tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ. Hoặc tự đánh giá theo các mức tăng trưởng trên. Và mẹ cũng đơn giản hoá vấn đề, suy nghĩ nhẹ nhàng thôi. Thiếu cái gì thì mình bổ sung cái đó.
Con nhẹ ký có nguy cơ suy dinh dưỡng thì điều chỉnh chế độ ăn đủ chất, tăng cữ sữa/bữa ăn. Nhưng không ép con ăn nhé. Chỉ số chạm ngưỡng béo phì thì giãn cữ, giảm sữa, hạn chế chất béo, đường, tinh bột,… Tăng cường cho con vận động để thúc đẩy trao đổi chất – yếu tố này mẹ hay bỏ qua lắm.
Chỉ số ổn cả thì mẹ quẳng cái cân đi cho nhẹ lòng và thoải mái tinh thần chăm con.
Hầu như mẹ bỉm nào cũng từng trải qua nỗi đau mang tên cân nặng. Trong đó có những trường hợp con có vấn đề thực sự. Nhưng cũng nhiều trường hợp con vẫn bình thường mà mẹ vẫn cho rằng sức khỏe con bất ổn. Rồi lo sốt vó tìm sữa biếng ăn, cốm vi sinh hay thực phẩm chức năng giúp con tăng cân.
Hy vọng khi mẹ đã hiểu rõ hơn về các chỉ số sẽ không còn những lo lắng thái quá như thế nữa.
Con không chỉ phát triển về thể chất mà còn có sự phát triển trí não và tâm sinh lý. Thực ra, việc con thấp bé nhẹ cân hơn một tí vẫn dễ chịu hơn nhiều so với việc con có vấn đề về trí não hay tâm sinh lý. Do đó, thay vì mẹ dành toàn bộ thời gian để tìm cách giúp con tăng cân. Mẹ hãy tìm hiểu những hoạt động bổ ích giúp giáo dục sớm cho con.
Dành thời gian đưa con đi dạo chơi, tập cho con những bài vận động vừa sức. Hoặc thiết kế và cùng con chơi những trò chơi phát triển trí tuệ, giác quan, kỹ năng,… Chắc chắn sự phát triển toàn diện của con sẽ giúp mẹ có cái nhìn tổng thể khách quan hơn. Từ đó, mẹ sẽ thấy việc quá tập trung vào cân nặng không còn cần thiết nữa. Mẹ có thể trút gánh nặng trên vai xuống và tận hưởng những niềm vui khác cùng con rồi.
Trẻ phát triển tinh thần, vận động song song với tăng trưởng thể chất và các chức năng cơ thể. Mẹ theo dõi các mốc vận động của trẻ để sớm nhận ra các vấn đề về vận động và trí não nhé.
Trẻ thực hiện được các kỹ năng vận động sau chứng tỏ trẻ phát triển bình thường. Tất nhiên thời điểm thực hiện các mốc này sẽ khác nhau tùy trẻ. Nhưng nếu mãi mà trẻ không thực hiện được, hoặc thực hiện rất hạn chế các vận động cơ bản. Mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để kiểm tra kỹ lưỡng nhé.
Trẻ ngủ nhiều nhưng có thể giật mình khi có tiếng động mạnh.
Có thể nếm (biểu hiện thích vị ngọt, đắng, chua thì nhăn mặt).
Có thể ngửi (ngửi mùi sữa và tìm ti mẹ).
Khả năng nhìn (trẻ nhìn theo ánh đèn pin rọi trên tường) và cảm giác đau.
Có phản xạ bú mẹ, phản xạ nắm chặt khi đặt ngón tay vào tay trẻ.
Đặt nằm ngửa chân tay ở tư thế co duỗi khác nhau.
Vận động tự phát, không chủ động được mọi động tác.
2 tháng tuổi: Biết hóng chuyện, mỉm cười (vô thức), đặt nằm sấp trẻ có thể ngẩng đầu.
3 – 4 tháng tuổi: Trẻ có thể nhìn theo vật di động, biết lẫy từ ngửa sang sấp.
5 – 6 tháng tuổi: Trẻ biết phân biệt lạ quen, nhận được mẹ, lẫy được từ sấp sang ngửa. Bé có thể ngồi nhưng chưa vững.
7 – 9 tháng tuổi: Trẻ biểu hiện được cảm xúc vui mừng hoặc sợ hãi. Biết phát âm ba ba (vô thức). Trẻ biết bò, đã có thể tự ngồi vững hơn, có thể vẫy tay chào, vỗ tay (khi được dạy).
10 – 12 tháng tuổi: Có thể phát âm 1 âm tiết như ba, bà, mẹ. Cầm đồ vật với 2 ngón tay cái và trỏ. Trẻ đứng vững, bắt đầu tập đi lúc 12 tháng có thể tự đi được vài bước.
Ba mẹ tham khảo:
Top 10 Đồ Chơi Thông Minh Cho Bé Dưới 1 Tuổi
Từ 1 – 2 tuổi:
Khả năng nói phát triển nhanh, có thể nói được câu ngắn…
Biết các thành phần cơ thể của mình: mặt, mũi, tai,…
Vận động tinh khéo léo hơn: cầm được ly uống nước, uống ống hút, xúc cơm ăn…
Đi vững.
Bò được lên cầu thang (nếu nhà có cầu thang).
Đứng lên ngồi xuống một mình.
Ba mẹ tham khảo:
7 Món Đồ Chơi Thông Minh Cho Bé 1 Tuổi Phát Triển Toàn Diện
9 Món Đồ Chơi Cho Bé 2 Tuổi Chơi Hoài Không Chán
Từ 3 tuổi:
Khả năng nói linh hoạt, bùng nổ ngôn ngữ, diễn đạt tốt (nếu được phát huy).
Thích tự đặt câu hỏi, học thuộc được bài hát ngắn.
Có thể đi nhanh, chạy leo được bậc cửa, tập múa được.
Tự phục vụ bản thân những việc đơn giản như mặc quần áo, cài cúc áo, đi tất, đi giày,…
Bí Quyết Chọn Đồ Chơi Cho Bé 3 Tuổi Phát Triển Tư Duy
Trẻ 4 – 5 tuổi:
Tinh thần phát triển nhanh, khả năng diễn đạt tốt, trẻ học được bài hát dài.
Thích tìm hiểu môi trường xung quanh, thích nghe kể chuyện.
Đồ Chơi Cho Bé 4-6 Tuổi Kích Thích Tư Duy Sáng Tạo
Đến đây, mẹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm và quẳng cái cân đi rồi chứ? Suy nghĩ nhẹ nhàng một chút, thoáng một chút. Con nhẹ cân, thấp một chút nhưng vẫn khỏe mạnh, lanh lợi là tốt. Mẹ cũng hiểu rõ mỗi trẻ có một biểu đồ tăng trưởng riêng và không cần đạt chuẩn nào hết. Thay vì luôn bị ám ảnh bởi cái cân, tìm trăm phương nghìn kế để con tăng cân. Mẹ dành thời gian chơi với con một chút, đi dạo mỗi chiều, cho con đạp xe cùng các bạn,… Quan tâm nhiều hơn đến nuôi dưỡng tinh thần, trí tuệ và tâm hồn của con mẹ nhé! Nếu mẹ chưa biết nuôi dưỡng những điều trên bằng cách nào, hãy tham khảo những ý tưởng đơn giản từ Mẹ Việt Edu nhé.
Bài tiếp theo: