Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, trẻ hay ra mồ hôi nhiều. Viêm da mủ là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ em. Viêm da có mủ có các triệu chứng đa dạng từ mụn mủ, nhọt, chốc đến hăm kẽ,… Mẹ Việt sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị viêm da mủ nói riêng, trẻ em nói chung nhé!
Bệnh viêm da mủ là hiện tượng da bị viêm có xuất hiện mủ. Triệu chứng của bệnh khác nhau tùy nguyên nhân. Bệnh thường được phân chia thành 2 nhóm, dựa theo 2 loại vi khuẩn hay gây bệnh gồm tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn.
Trẻ sơ sinh bị viêm da mủ do tụ cầu khuẩn thường bị tổn thương ở vùng nang lông. Điển hình là viêm nang lông, viêm lỗ chân lông. Bệnh phân chia thành các cấp độ như sau:
Viêm nang lông nông: đầu tiên lỗ chân lông sưng đỏ và đau, sau chuyển sang nổi mụn nhỏ có mủ. Mụn mủ khô tạo thành vảy trên da, một thời gian sẽ bong vảy mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, viêm nang lông nông gây ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ.
Viêm nang lông sâu: lỗ chân lông bị sưng tấy, có mụn mủ xung quanh. Các mụn mủ có thể mọc rải rác hay thành từng cụm màu đỏ, cứng, nổi lên bề mặt da. Viêm nang lông sâu cũng gây ngứa và dễ bị nhiễm trùng khi các mụn mủ bị vỡ, chảy mủ không được vệ sinh cẩn thận.
Nhọt: mụn nhọt, bên trong có mủ sưng đau và có độc tính cao. Mụn vỡ mủ có nhiều ngòi như tổ ong rất đau. Nhọt có thể kéo dài dai dẳng cả tháng gây đau nhức. Sức đề kháng của trẻ cũng vì thế mà giảm sút, dễ nhiễm các bệnh khác.
Cùng chủ đề: Bé Bị Nổi Mẩn Đỏ Khắp Người Không Sốt – Cách Chăm Sóc Hiệu Quả Tại Nhà
Chốc: ban đầu trên da xuất hiện các bọng nước, sau đó biến thành bọng mủ và mủ đục. Mụn mủ này từ dưới chân bọng nước lên, thường mọc quanh miệng. Mụn mủ khi bị vỡ ra sẽ đóng vảy và tiết dịch vàng. Sau đó sẽ nhanh chóng lan rộng quanh vị trí mụn. Dưới nền da mụn khô khi cạy ra có màu đỏ và ướt. Nếu chốc xuất hiện trên da đầu sẽ khiến cho da đầu, tóc luôn bị dính bết dễ gây nhiễm khuẩn.
Hăm kẽ: Xuất hiện ở vùng có nếp gấp ở da như kẽ cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, sau tai, rốn. Vì trẻ ra nhiều mồ hôi ẩm ướt ở những vùng da này nên dễ bị hăm. Vùng da bị bệnh thường xuất hiện các đám đỏ, trượt, tiết dịch, viền da mỏng và gây đau rát. Điều này khiến bé khó chịu và hay quấy khóc.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ. Có thể kể đến là do sức đề kháng trẻ yếu, môi trường không sạch sẽ, thông thoáng. Ngoài ra, do trẻ mặc tã chật hay không thay tã, trẻ không được lau sạch khi đi vệ sinh,…
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mỗi bệnh lại có cách điều trị khác nhau. Bệnh này do vi khuẩn gây ra nên phải được điều trị bằng kháng sinh mới dứt điểm được.
Đối với trẻ bị viêm nang lông nông và viêm nang lông sâu, trẻ cần được dùng kháng sinh toàn thân từng đợt. Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và đạm giúp nâng cao đề kháng.
Trẻ có thể bị một hay nhiều nhọt. Nhiều nhọt phát triển sẽ kèm theo sốt, sưng hạch bạch huyết gây đau. Nhọt ở lỗ tai (dân gian gọi là đằng đằng) rất đau. Nhọt ở quanh miệng (còn gọi là “đinh râu”) rất nguy hiểm. Vì chúng có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết dễ gây tử vong. Khi vỡ mủ có nhiều ngòi lỗ chỗ như tổ ong, có thể có biến chứng nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Nhọt thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi là nhọt bày, nhiều đinh. Nhọt có thể mọc liên tiếp hết đợt này đến đợt khác dai dẳng hàng tháng.
Điều trị cho trẻ sơ sinh bị viêm da mủ dạng nhọt phải rất thận trọng. Mẹ nên dùng kháng sinh đủ mạnh càng sớm càng tốt. Tùy theo tình trạng bệnh, sức khỏe của trẻ mà có thể cho uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Mẹ tăng cường bổ sung vitamin, đạm, gamma globulin để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Mẹ tuyệt đối không được nặn các nhọt mủ vì sẽ dẫn đến các biến chứng nhiễm khuẩn huyết, gây tử vong.
Có 3 loại chốc thường gặp gồm: chốc lây, chốc loét và chốc mép. Các mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện da liễu để được thăm khám và chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Đối với chốc lây, để điều trị buộc phải dùng kháng sinh toàn thân sớm tại chỗ. Chăm sóc tại nhà, mẹ sẽ được hướng dẫn bôi các thuốc sát trùng, đắp gạc cho bong hết vảy. Sau đó mẹ bôi xanh methylen 1% hoặc dùng dung dịch milian. Khi vảy tróc bong hết có thể bôi các loại mỡ kháng sinh để tái tạo da.
Đối với chốc loét: trẻ phải dùng kháng sinh nhiều đợt, kết hợp với vitamin, đạm, chiếu tia cực tím mới nhanh khỏi.
Chốc mép: thường gây mất thẩm mỹ, trẻ bị đau, không ăn uống được nhưng lại lành tính, không cần dùng kháng sinh. Chăm sóc trẻ bằng cách chấm dung dịch jarish, thuốc màu, thuốc mỡ kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hăm kẽ: mẹ pha loãng thuốc tím với nước tỷ lệ 1/4.000 rửa sạch vùng hăm kẽ, sau đó chấm dung dịch jarish.
Thực tế, các vi khuẩn này vẫn tồn tại trên cơ thể trẻ hàng ngày. Chúng chỉ đợi sức đề kháng của trẻ suy yếu đồng thời với các yếu tố thuận lợi như thời tiết, vệ sinh da, ra nhiều mồ hôi tăng lên là tấn công trẻ. Cách phòng ngừa tốt nhất là mẹ không tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua:
Lên thực đơn giàu dinh dưỡng, ưu tiên đạm và vitamin cho trẻ.
Vệ sinh da sạch cho trẻ bằng nước ấm sau khi trẻ đại, tiểu tiện.
Thay tã lót thường xuyên, chậm nhất là 4h.
Tắm cho trẻ với xà phòng diệt khuẩn không gây kích ứng da trẻ.
Tránh cho trẻ tiếp xúc trẻ bệnh.
Từ bỏ thói quen ngưng thuốc giữa chừng khi thấy bệnh tiến triển tốt. Nếu trẻ đã dùng kháng sinh, mẹ nên cho trẻ theo đúng, đủ liều để tránh kháng kháng sinh, gây khó khăn cho điều trị sau này.
Trẻ khi mắc những bệnh này đều rất đau nhức và khó chịu, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Những bà mẹ như chúng ta cũng không tránh khỏi xót xa. Mẹ đừng quá lo lắng. Mẹ có thể cập nhật những mẹo hay của các mẹ đã có kinh nghiệm trong cộng đồng Mẹ Việt để giúp con giảm đau và nhanh dứt điểm viêm da có mủ nhé.
Viêm da ở trẻ nhỏ thường xảy ra đơn độc hoặc cùng lúc nhiều loại viêm da khác nhau. Nguyên nhân và biểu hiện các loại viêm da khác, mẹ đọc thêm tại đây: Trẻ Bị Viêm Da: Phân Loại Đúng, Chữa Trị Hiệu Quả
Một bệnh khác cũng rất phổ biến vào mùa hè mà mẹ có thể chủ động phòng ngừa cho con là: Trẻ Sơ Sinh Bị Rôm Sảy Ở Mặt: Mẹo Hay Cho Mẹ