Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ Cập Nhật Mới Nhất 

Tác giả
Team Mẹ Việt
24 phút đọc

Trẻ em, đặc biệt là dưới 1 tuổi thường dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch còn yếu. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia miễn phí thực hiện tiêm chủng vắc xin ngừa các bệnh phổ biến cho trẻ. Những thông tin sau đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ các tiêm chủng mở rộng gồm những mũi nào?    

...

Chương Trình Tiêm Chủng Mở Rộng Là Gì?

Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai lần đầu tiên vào năm 1981 do Bộ Y Tế và được hỗ trợ rất lớn từ Tổ Chức Y Tế thế giới WHO, Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc UNICEF. Lúc đầu chương trình tiêm chủng vắc xin chỉ được thực hiện ở một vài địa phương. Đến nay, chương trình đã phủ sóng ở tất cả các tỉnh/thành trong cả nước. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã thực hiện hàng triệu mũi tiêm vắc xin miễn phí cho trẻ em, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa bùng phát các căn bệnh nguy hiểm.

Lịch tiêm chủng mở rộng còn có tên gọi: Lịch tiêm chủng cơ bản, lịch tiêm chủng quốc gia, lịch tiêm chủng bắt buộc, lịch tiêm chủng thường xuyên…

Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ 

Tiêm Chủng Mở Rộng Đối Với Trẻ Sơ Sinh

Giai đoạn này trẻ sẽ được tiêm 2 mũi quan trọng gồm:

Vắc Xin Viêm Gan B – Mũi Sơ Sinh

Vắc xin viêm gan B được tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh vì tiêm phòng trong khoảng thời gian này được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến nghị sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất cho trẻ.

Vắc xin này thường được tiêm cho trẻ ngay tại bệnh viện, sau khi con đã hồng hào, bú được, hô hấp tốt. Vắc xin viêm gan B an toànrất ít gây phản ứng phụ cho con nên mẹ không cần phải lo lắng con bị sốt sau tiêm nhé.

Chi tiết: Tiêm Vacxin Viêm Gan B Cho Trẻ Sơ Sinh

Vắc Xin Ngừa Bệnh Lao – Mũi 1

Mũi vắc xin phòng ngừa lao cần được tiêm cho trẻ trong vòng 28 ngày đầu tiên sau sinh. Một số mẹ lầm tưởng phải đợi con đủ ngày đủ tháng mới được tiêm là không đúng mẹ nha. Trong vòng 28 ngày, con có lịch tiêm phòng lao khi nào thì mẹ hãy đưa con đi tiêm chủng ngay nhé.

Những thông tin mẹ cần biết về mũi lao: Tiêm phòng Lao cho trẻ sơ sinh: 1 mũi bảo vệ con trọn đời

Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ 2 – 3 – 4 Tháng Tuổi

Giai đoạn này, trẻ có lịch tiêm chủng 6 bệnh nguy hiểm hay tấn công trẻ em bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, hay thường được các mẹ biết đến với tên gọi 5 trong 1, 6 trong 1.

Vắc xin tiêm phòng trong chương trình TCMR là vắc xin 5 trong 1, thành phần không chứa kháng nguyên bại liệt nên trẻ được uống kèm vắc xin bại liệt OPV.

Lịch tiêm vắc xin 5 trong 1: tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5. Riêng tháng 5, trẻ sẽ được tiêm 1 mũi bại liệt IPV thay vì đường uống OPV để đảm bảo miễn dịch tốt hơn. 

Đối với vắc xin này, trẻ phải đủ tháng tuổi trở lên mới được tiêm phòng.

Vd: Lịch tiêm phòng ngày 10/7

  • Những trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên (>=60 ngày) đủ điều kiện tiêm chủng

  • Những trẻ chưa đủ 2 tháng tuổi (<60 ngày) sẽ đợi đến lịch tiêm phòng ngày 10/8 mới được tiêm mũi 5 trong 1 đầu tiên.

Thông tin chi tiết về vắc xin 5 trong 1, chích mũi  5 trong 1 dịch vụ hay 6 trong 1 được giới thiệu trong bài: Vắc Xin 5 Trong 1 Là Gì? Phân Biệt Các Loại Vắc Xin Hiện Nay

BlockNote image

Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ 9 Tháng Tuổi

Lịch tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi có 1 mũi Sởi – Quai bị – Rubella. Nhưng mũi tiêm cho tháng 9 là vắc xin sởi đơn, chỉ có tác dụng ngừa bệnh sởi. Dù vậy, đây vẫn là mũi tiêm cần thiết cho con mẹ nhé!

Thông tin chi tiết về lịch tiêm, vắc xin tiêm và tác dụng phòng bệnh của các loại vắc xin liên quan đến Sởi – Quai bị – Rubella, mẹ tham khảo bài viết: Vacxin Sởi Quai Bị Rubella Tiêm Mấy Mũi? Thông Tin Cập Nhật Mới Nhất

Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ 12 Tháng Tuổi

Theo lịch TCMR, trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cần tiêm phòng vắc xin Viêm não Nhật Bản với lịch tiêm như sau:

  • Mũi 1: lúc 12 tháng tuổi

  • Mũi 2: sau mũi 1 từ 1-2 tuần. 

  • Mũi 3: tiêm sau mũi 2 một năm.

Viêm não Nhật Bản sau 3 năm các mẹ nên tiêm nhắc cho con 1 lần cho đến hết tuổi 15. Tuy nhiên, TCMR chỉ miễn phí 3 mũi đầu tiên, kể từ các mũi sau, mẹ tiêm phòng dịch vụ cho con.

Thông tin về bệnh Viêm não Nhật Bản, vắc xin và lịch tiêm, các mẹ tham khảo bài viết: Chích Ngừa Viêm Não Nhật Bản 

Trên thực tế, sau 1 tuổi con còn nhiều vắc xin cần chủng ngừa không nằm trong danh mục TCMR. Các mẹ tham khảo: Các Mũi Tiêm Phòng Dịch Vụ Cho Trẻ Mẹ Cần Biết để tiêm phòng đầy đủ cho con nhé.

Lịch Tiêm Chủng Mở Rộng Cho Trẻ 18 Tháng Tuổi

Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, lịch TCMR có 2 mũi nhắc cho trẻ, đó là:

  • Ho gà – Uốn ván – Bại liệt (vắc xin 3 trong 1).

  • Sởi – Rubella (không có Quai bị)

Lịch Tiêm Chủng Cho Trẻ 24 Tháng Tuổi – 10 Tuổi

  • Lịch TCMR cho trẻ 24 tháng tuổi chỉ có vắc xin Viêm não Nhật Bản – mũi 3.

  • Trẻ 2-5 tuổi: được uống vắc xin phòng Tả ở những vùng có nguy cơ cao. Liều uống: 2 liều, cách nhau từ 1-2 tuần.

  • Trẻ từ 2-10 tuổi: được tiêm vắc xin phòng Thương hàn 1 mũi duy nhất ở những vùng có nguy cơ cao. Sau 3 năm tiêm nhắc 1 lần đối với những đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao.

Đối Tượng Của Chương Trình Tiêm Chủng Mở Rộng

Đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng là tất cả các trẻ em trong độ tuổi 0 – 15 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng các bệnh nằm trong danh mục của chương trình.

Sau khi sinh, mẹ hoặc người thân có thể mang theo giấy khai sinh của con (một số nơi có thể cần thêm chứng minh nhân dân của cha hoặc mẹ) đến Ủy Ban Nhân Dân xã/phường/thị trấn để làm hồ sơ xin cấp thẻ Bảo Hiểm Y Tế cho con. Sau 10 ngày, cha mẹ/người thân có thể đến nơi nộp hồ sơ để nhận lại thẻ bảo hiểm y tế của con.

Mẹ hãy theo dõi lịch tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng ở cơ sở y tế địa phương để đưa con đi chủng ngừa đúng vắc xin, đúng tháng tuổi. Khi đi tiêm chủng mẹ nên mang theo chứng minh nhân dân của mẹ hoặc cha (ưu tiên chứng minh nhân dân của mẹ) và thẻ bảo hiểm y tế của con. Con sẽ được cấp phát một quyển sổ chủng ngừa để ghi lại tất cả những thông tin bao gồm tên vắc xin, thời gian chủng ngừa cho con. Mẹ nhớ giữ kỹ sổ chủng ngừa và bảo hiểm y tế của con cho những lần tiêm phòng sau nhé. 

Trong danh mục tiêm chủng mở rộng có nhiều vắc xin tương đồng với tiêm phòng dịch vụ. Đối với các mẹ muốn thay thế những mũi tiêm chủng mở rộng bằng những mũi tiêm dịch vụ, sổ chích ngừa sẽ giúp bác sĩ/cán bộ y tế biết được lịch sử chủng ngừa của con để lựa chọn vắc xin và lịch chích ngừa phù hợp. 

Để nắm rõ tổng quát và phân biệt lịch tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, mời các mẹ đọc thêm: Lịch Tiêm Chủng Cho Trẻ – Những Điều Cha Mẹ Cần Biết

Thông Tin Mẹ Cần Lưu Ý Khi Đưa Con Đi Tiêm Chủng

BlockNote image

Trước khi chủng ngừa, con luôn được khám sàng lọc như đo thân nhiệt, chiều cao, cân nặng. Cha mẹ nên chủ động thông báo tình trạng sức khỏe của con như con có đang bệnh gì không, có dị ứng hay gia đình có ai dị ứng gì không, con có đang điều trị kháng sinh… để bác sĩ nắm rõ tình hình và tư vấn phù hợp.

Mẹ luôn mang theo sổ chích ngừa và thẻ bảo hiểm y tế của con nếu con tiêm những mũi tiêm chủng mở rộng ở trạm y tế xã, phường, quận, huyện trong cả nước. Nếu mẹ tiêm ở bệnh viện hay các trung tâm tiêm chủng thì sẽ có phí. Mẹ nên hỏi kỹ, xem bảng giá công bố trên website để chuẩn bị trước khi đi tiêm phòng cho trẻ nhé.

Các mẹ nên cho con ở lại trung tâm y tế / bệnh viện theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm và theo dõi thêm 48h sau khi con về nhà.

Nếu con có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… các mẹ ngay lập tức đưa con tới cơ sở y tế gần nhất nhé.

Mẹ tuyệt đối không bôi, đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm của bé. Vết tiêm có thể bị sưng đỏ, đau – đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi. Nếu mẹ sốt ruột có thể chườm lạnh chỗ vết tiêm cho con.

Sau khi tiêm phòng, mẹ có thể cho trẻ tắm rửa, ăn uống bình thường và theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của bé. Nếu con chỉ sốt nhẹ, quấy khóc hơn bình thường mà không có biểu hiện bất thường như trên thì mẹ cứ yên tâm, vắc xin đang phát huy tác dụng nên mình kiên nhẫn chờ đợi con khỏe mạnh thôi mẹ nha.

Chăm Sóc Và Theo Dõi Trẻ Sau Tiêm Chủng

Theo Dõi Sau Tiêm Chủng

Bố mẹ cần theo dõi con tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện những bất thường như nôn, thở nhanh, thở ngắt quãng, khò khè, da mẩn đỏ… cần báo ngay cho nhân viên y tế nhé.

  • Sau 24 – 48h, vẫn tiếp tục theo dõi con về thân nhiệt, nhịp thở, sinh hoạt hằng ngày bao gồm ăn, ngủ, chơi đùa…

  • Quan sát vùng tiêm và da toàn thân của trẻ xem có sưng, phát ban hay nổi mẩn đỏ.

Chăm Sóc Sau Tiêm Chủng

  • Mẹ nên cho con mặc quần áo mỏng, thoáng mát.

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nước nhiều, nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều.

  • Nếu trẻ sốt trên 38°5C, có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, ibuprofen với liều phù hợp. Mẹ nhớ nguyên tắc tính liều lượng hạ sốt phù hợp với cân nặng của con: 15mg/kg và thời gian giữa hai lần uống là 6-8 tiếng (bé dưới 1 tuổi) hay 4-6 tiếng (1 tuổi trở lên). Nếu con không chịu uống thuốc hạ sốt, mẹ có thể dùng thuốc nhét hậu môn để hạ sốt nhanh hơn. Mẹ không tự ý dùng Aspirin và các liều thuốc ho, thuốc hạ sốt khác vì những loại thuốc này có thể tăng liều paracetamol. 

  • Nếu con sốt mà vẫn ăn, chơi, ngủ được bình thường thì không sao mẹ nha.

Xem thêm: Trẻ Tiêm Phòng Bị Sốt Phải Làm Sao

Trường hợp tại vết tiêm sưng, đỏ, mẹ có thể chườm lạnh để con giảm sưng, giảm đau. Mẹ dùng khăn bọc 1 viên đá nhỏ bên trong hoặc thấm ướt khăn cho vào ngăn đá tủ lạnh vài phút cho lạnh rồi lăn xung quanh vết tiêm của con sẽ giúp giảm sưng tấy.

Các mẹ không nên tiếp xúc trực tiếp vào vết tiêm của con, không thoa hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì như vậy có thể làm nhiễm trùng vết tiêm.

Cuộc chiến giữa đội quân kháng thể và lực lượng vi khuẩn, vi rút xâm nhập bất hợp pháp có thể rất cam go nên bé yêu có thể khó tính hơn ngày thường, đau, khóc, quấy và chỉ đòi mẹ làm cho mẹ cũng mệt gấp đôi, gấp ba. Nhưng chỉ 1-2 ngày là con trở lại bình thường. Mẹ chịu khó kiên nhẫn và nhẹ nhàng với em một chút mẹ nhé. Biết là con quấy, nhưng đang mệt trong người mà còn bị mắng nữa thì tội nghiệp con lắm đúng không nào?

Lời Kết

Thú thật với các mẹ, lần đầu làm mẹ, những lần đầu đưa con đi tiêm vắc xin về thấy con sốt, con đau mình xót đến chảy nước mắt. Xót quá nên có lúc lại nghĩ biết thế không đi tiêm còn hơn. Cho đến một lần chứng kiến con của đứa bạn thân bị mắc sởi do quên tiêm phòng mũi lúc 9 tháng tuổi, mình mới thấm thía. Nhìn cảnh con còn bé xíu mà phải vật vã chống chọi với bệnh mà không có thuốc đặc trị, mình chỉ biết cầu trời cho con mau khỏe lại. Bạn thân mình suốt cả tháng phải gác lại công việc, dọn đồ vào viện chăm con, cực không thể tả. Đã vậy, trong lòng cứ như lửa đốt, nơm nớp lo sợ con bị biến chứng. Cuối cùng, may mắn là con bình phục khỏe mạnh. Đó thực sự là trải nghiệm đáng nhớ giúp mình hiểu rõ về lợi ích của tiêm chủng. Phòng bệnh luôn tốt hơn là chữa bệnh!!! Các mẹ hãy đưa con đi tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe toàn diện của con mẹ nhé!