Hỏi - Đáp Tiêm Vacxin Lao, Viêm Gan B Và Tiêm Chủng Cho Trẻ 

Tác giả
Cô Thuần Mẹ Việt
21 phút đọc

Chào các mẹ, Tiêm chủng cho trẻ là một trong những chủ đề được các mẹ nuôi con nhỏ quan tâm nhiều nhất. Theo lịch tiêm chủng khuyến nghị thì mọi chuyện khá đơn giản. Con chỉ cần đủ ngày đủ tháng là mẹ có thể đưa con đi chích ngừa. Nhưng thực tế thì lại phức tạp hơn nhiều!!! Con ốm có thể đi tiêm phòng được không? Con đi tiêm về có biểu hiện thế này có bình thường? Tiêm kết hợp nhiều vacxin trong cùng 1 lần có ảnh hưởng sức khỏe của con? Trễ lịch tiêm phải làm thế nào?… 

Trong chuỗi bài viết hỏi đáp về lịch tiêm chủng mình sẽ lần lượt trả lời câu hỏi của các mẹ. Bài viết đầu tiên này, mình giải đáp thắc mắc về 2 mũi vacxin cho trẻ <1 tháng tuổi. Và thắc mắc chung về quá trình chuẩn bị tiêm chủng, đi tiêm và chăm sóc trẻ sau tiêm nhé. 

Hỏi – Đáp Về Chủng Ngừa Viêm Gan B

Thời Gian Tiêm

Hỏi: Tại sao phải tiêm vacxin Viêm Gan B trong vòng 24 giờ sau sinh?

Đáp: Vì đây là cách tốt nhất để đề phòng lây lan virus viêm gan B từ mẹ truyền sang con. Đồng thời, trẻ cũng tránh bị lây nhiễm virus từ những người chăm sóc trẻ, thành viên trong gia đình,… Thời gian tiêm sớm sẽ đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất, 85-90%. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57%. Sau 7 ngày sẽ không còn hiệu quả. 

Hỏi: Tiêm vacxin viêm gan B ngay sau khi sinh có sớm quá không?

Đáp: Trẻ được tiêm khi đã ổn định nhịp thở, da hồng, bú tốt (trẻ khỏe mạnh) nên rất an toàn. Thời gian tiêm thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Bộ Y tế. Chính vì vậy, ba mẹ hoàn toàn yên tâm cho con tiêm chủng.

Trường Hợp Hoãn Tiêm

Hỏi: Những trường hợp nào không nên tiêm vacxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh?

Đáp: Trẻ sơ sinh có thể được hoãn tiêm vacxin viêm gan B sau sinh nếu:

  • Trẻ đang ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp, đẻ khó.

  • Mẹ bị sốt trước và sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng.

  • Trẻ bị dị tật bẩm sinh. 

Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình và báo cho mẹ biết nếu con không đủ tiêu chuẩn tiêm chủng. 

Quá Thời Gian Tiêm

Hỏi: Cho em hỏi, con em sinh được 5 tuần chỉ mới tiêm ngừa mũi lao. Bé chưa được tiêm mũi viêm gan B. Em có hỏi Trung tâm y tế dự phòng để tiêm cho cháu. Trung tâm trả lời phải đợi đến lúc cháu đủ 2 tháng tuổi sẽ tiêm cùng lúc mũi 5 trong 1. Em được biết mũi 5 trong 1 cũng có ngừa viêm gan B. Vậy em có cần cho con tiêm thêm 1 mũi viêm gan B riêng không?

Đáp: Trẻ hơn 7 ngày tuổi mà chưa tiêm mũi viêm gan B sơ sinh thì không cần tiêm nữa. Mẹ đợi con đủ 2 tháng tuổi tiêm mũi 5 trong 1 là đủ bảo vệ cho con. Thành phần mũi 5 trong 1 đã có viêm gan B nên mẹ không cần tiêm mũi riêng cho con mẹ nhé.

BlockNote image

Hỏi Đáp Về Chủng Ngừa Mũi Lao

Thời Gian Tiêm

Hỏi: Mình muốn hỏi theo quy định thì trẻ đến bao nhiêu tháng tuổi thì không được tiêm phòng BCG? Mỗi lần đến lịch tiêm con mình lại ốm hoặc nhiều lý do khác. Bây giờ con hơn 5 tháng tuổi rồi có tiêm được không?

Đáp: vacxin BCG phòng bệnh lao sử dụng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trẻ từ 1 tuổi trở lên vacxin không tác dụng nữa. Do đó, bé của mẹ 5 tháng tuổi vẫn có thể tiêm mũi lao bình thường. Tuy nhiên, nếu bé đã nhiễm vi khuẩn lao từ trước thì vacxin không còn hiệu quả bảo vệ. Mẹ có thể cho con làm xét nghiệm Mantoux để biết có cần tiêm phòng lao hay không.

Phản Ứng Phụ Sau Tiêm

Hỏi: Các mẹ cho em hỏi tiêm phòng mũi lao bao lâu thì bắt đầu mưng mủ, tạo thành sẹo?

Đáp: Sau khi tiêm mũi lao từ 2 tuần – 1 tháng, vết tiêm sẽ bắt đầu mưng mủ. Sau đó, mủ rỉ ra dần rồi làm sẹo sau vài tháng. Cũng có trẻ mưng mủ và làm sẹo trễ hơn nên mẹ cứ yên tâm theo dõi nhé. Miễn là sau 6 tháng vết tiêm làm sẹo là con có miễn dịch. 

Hỏi: Bé nhà em tiêm lao được 4 tháng, mấy hôm nay cháu lên hạch ở nách và có biểu hiện đỏ và có mủ. Em sờ vào hạch thì con không thấy đau, con cũng không sốt, vẫn ăn ngủ bình thường. Mình có phải đi bác sĩ chích cho con không?

Đáp: Mẹ xem nếu hạch đó xuất hiện ở vùng nách trái, vùng hõm ức trái mà con vẫn vui vẻ, lên cân thì không sao. Nếu hạch cứng sẽ hóa vôi và tự hết. Hạch to mềm mẹ đợi hạch thật mềm rồi đưa con đến bác sĩ nạo vét mủ sẽ nhanh lành.

Hỏi: Bé nhà mình tiêm mũi lao về được 1 tháng thì mưng mủ. Mấy ngày nay bé nóng sốt (39°C) thì có sao không?

Đáp: Tiêm lao chỉ làm trẻ sốt nhẹ trong 2-3 ngày đầu sau tiêm. Bé tiêm lâu có biểu hiện sốt cao thì khả năng là vết tiêm nhiễm trùng hoặc nhiễm bệnh khác. Mẹ đưa con đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây sốt.

Chuẩn Bị Trước Tiêm Chủng

Chuẩn Bị Cho Đi Tiêm 

Hỏi: Bé nhà mình gần 4 tuần tuổi rồi và chuẩn bị đi tiêm chủng lần đầu tiên. Cho hỏi mình cần chuẩn bị những gì cho bé trước khi tiêm?

Đáp: Khi cho trẻ đi tiêm chủng, mẹ cần lưu ý:

  • Mang theo thẻ BHYT của con, sổ tiêm chủng, sổ khám bệnh, sổ dinh dưỡng (nếu có). Mẹ cất giữ những giấy tờ này trong một túi xách riêng. Như thế mỗi lần đi tiêm, mẹ không phải đi tìm hay bị sót giấy tờ.

  • Mặc cho con quần áo dễ cởi. Mũi tiêm ở bắp tay nên mặc cho con áo ngắn tay. Mũi tiêm ở đùi thì mặc quần ngắn hoặc quần dễ cởi. 

  • Cho trẻ bú trước 1-2 tiếng hoặc mang theo bình sữa cho trẻ bú sau khi tiêm chủng.

  • Thông báo cho bác sĩ về tình hình sức khỏe của con: bệnh, tiền sử bệnh tật, dị ứng,…

  • Mẹ vỗ về, âu yếm và nhẹ nhàng để trấn an con.

Mẹ tranh thủ đưa con đi tiêm phòng mũi lao sớm nhé. Vì trẻ được tiêm lao trong vòng 28 ngày có hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

Trường Hợp Tiêm Và Không Tiêm

Hỏi: Bé nhà mình được 6 tuần tuổi, lần đầu tiêm chủng bị sốt. Vậy những mũi sau bé có được tiêm chủng nữa không?

Đáp: Sốt là phản ứng thường gặp và thể hiện cơ thể trẻ đáp ứng với vacxin để tạo miễn dịch cần thiết. Đây là tín hiệu tốt nên ba mẹ không cần quá lo lắng. Những mũi sau con vẫn tiêm được bình thường nha.  

Hỏi: Khi nào bé không nên đi tiêm vắc-xin?

Đáp: Các trường hợp trẻ nên hoãn tiêm vacxin:

  • Trẻ sinh non, cân nặng <2,5 kg có thể hoãn tiêm chủng cho đến khi có chỉ định của bác sĩ.

  • Trẻ mắc bệnh sốt cao, mệt mỏi, ho gà, sổ mũi, tiêu chảy,… 

  • Trẻ mắc bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch,…

Do đó, mẹ chủ động trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của con (nếu có) trước khi tiêm.

Thời Gian Tiêm Tốt Nhất 

BlockNote image

Hỏi: Nên cho bé tiêm vắc-xin vào buổi sáng hay chiều?

Đáp: Mẹ nên cho con tiêm chủng vào buổi sáng là tốt nhất. Tiêm buổi sáng mẹ sẽ có thời gian cả ngày để theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu xảy ra vấn đề gì thì việc xử lý cũng đơn giản hơn. Đồng thời, trẻ cũng có nhiều thời gian để giảm thiểu phản ứng phụ của vacxin. Nếu tiêm vào buổi chiều, con có thể quấy khóc, sốt vào buổi đêm khiến cho mẹ vất vả hơn. 

Chăm Sóc Sau Tiêm Chủng

Theo Dõi Ở Cơ Sở Tiêm

Hỏi: Tại sao sau khi tiêm xong phải cho con nán lại trung tâm chủng ngừa 30 phút rồi mới về?

Đáp: Mẹ cho con ở lại theo dõi để đề phòng việc trẻ bị sốc phản vệ cần cấp cứu ngay. Trẻ sốc phản vệ được can thiệp kịp thời sẽ không nguy hiểm tính mạng. 

Hỏi: Em thắc mắc mình cần hỏi bác sĩ những gì trước khi rời phòng tiêm ạ? Con em mới đi tiêm lần đầu.

Đáp: Mẹ có thể hỏi bác sĩ những câu sau:

  • Con có thể gặp tác dụng phụ nào sau mũi tiêm này?

  • Mẹ nên làm gì nếu con xuất hiện các phản ứng phụ đó?

  • Những dấu hiệu nào cần quan tâm sau chủng ngừa?

  • Lịch chủng ngừa tiếp theo là khi nào và có yêu cầu gì không?

Chăm Sóc Tại Nhà

Hỏi: Mình nghe các mẹ bày mẹo chườm khoai tây/lát chanh lên vết tiêm để tránh sưng cho trẻ? Cách này có an toàn không?

Đáp: Mẹ không nên dùng các mẹo chườm khoai tây, lát chanh, lòng trắng trứng gà, miếng dán hạ sốt,… lên vết tiêm. Những cách này có thể gây ra viêm nhiễm nơi vết tiêm của trẻ. Vết tiêm có thể sưng, đau trong vòng 2-3 ngày sau tiêm sẽ tự hết. Nếu sốt ruột, mẹ có thể bỏ viên đá nhỏ vào khăn hoặc dùng khăn lạnh để chườm mát cho con. 

Hỏi: Sau khi tiêm ngừa, bé có thể gặp các phản ứng gì?

Đáp: Tùy thuộc vào vacxin tiêm là gì, con sẽ có những phản ứng khác nhau. Trong đó thường gặp là:

  • Sốt nhẹ. 

  • Vết tiêm sưng tấy đỏ, đau.

  • Dị ứng như nổi mề đay, ngứa toàn thân,…

Các phản ứng phụ thường kéo dài 2-3 ngày sau tiêm. Mẹ không cần phải lo lắng nhiều. Mẹ cũng không nhất thiết tìm cách xử lý ngay vì chúng sẽ tự hết. Trong trường hợp phản ứng phụ kéo dài mẹ đưa con đi khám bác sĩ để được tư vấn thêm.

Cách xử lý tác dụng phụ sau tiêm mẹ xem ở bài 10 trong seri bài viết chủ đề này.

Để hiểu rõ hơn về chủ đề tiêm chủng cho trẻ, mời mẹ đọc thêm seri bài viết dưới đây:

Lời Kết 

Tiêm phòng vacxin là cách tốt nhất bảo vệ con trước nhiều bệnh nguy hiểm phổ biến ở trẻ. Vì lợi ích sức khỏe của con, mẹ hãy cho con chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch. Hy vọng phần giải đáp đã giúp mẹ hiểu thêm về tiêm chủng. Đồng thời giúp mẹ nắm được thông tin về 2 mũi vacxin quan trọng đầu đời của con. Nếu mẹ có câu hỏi thắc mắc khác, mẹ hãy bình luận câu hỏi phía dưới. Mình sẽ cố gắng phản hồi sớm nhé.