Khi phát hiện con tiêu chảy hay bị ốm, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mẹ luôn là: Ôi không! Trẻ bị tiêu chảy cấp uống thuốc gì nhanh khỏi đây? Con đi ngoài nhiều, phân lỏng quá phải mau mau uống kháng sinh thôi. Hay tiêu chảy thì cần cho uống ngay thuốc cầm, con đi ngoài ít hơn con sẽ đỡ mất nước @@. Những phương án này có thực sự hiệu quả hay sai lầm? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé.
Nhiều mẹ vẫn nghĩ thuốc kháng sinh là “cứu cánh” giúp trị dứt điểm tiêu chảy cho con. Nhưng sự thật không phải vậy đâu mẹ. Mẹ biết không, kháng sinh tiêu diệt được vi khuẩn, nhưng không thể tiêu diệt virus. Trong khi đó:
Hầu hết 99% tiêu chảy cấp ở trẻ em do virus gây ra. Có hay không dùng kháng sinh thì bệnh cũng sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày.
1% còn lại là do vi khuẩn như tả, Shigella, E Coli, trùng amip,… Bệnh thường không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3-5 ngày, phân có lẫn máu, trắng đục, nhầy,… Trường hợp này mẹ cần đưa con đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Từ kết quả xét nghiệm bác sĩ mới xác định được nguyên nhân bệnh và kháng sinh cần dùng.
Đọc thêm: Trẻ Bị Tiêu Chảy Cấp: Nguyên Nhân Và Cách Chăm Sóc
Như vậy, tự dùng kháng sinh trị tiêu chảy cho trẻ em tại nhà là không cần thiết mẹ nhé. Thuốc không chữa được bệnh mà tác dụng phụ của thuốc còn làm con tiêu chảy nặng hơn.
Đây cũng là hiểu lầm phổ biến của các mẹ khi trị tiêu chảy cho con. Trong khi mẹ rất muốn biết trẻ bị tiêu chảy cấp uống thuốc gì nhanh cầm. Thuốc kháng tiêu chảy (smectite intergrade, berberin, loperamid,…) lại không được các bác sĩ khuyến khích.
Tiêu chảy là hình thức cơ thể tự đào thải các chất độc, vi khuẩn, virus ra bên ngoài. Thuốc cầm tiêu chảy ngăn cản quá trình này có thể gây ra:
Tích tụ chất độc trong cơ thể, trẻ sẽ lâu khỏi, thậm chí bệnh nặng hơn.
Phân bị ứ đọng lại sinh đầy hơi, chướng bụng dẫn đến trẻ nôn nhiều.
Phân không được tống ra ngoài có thể gây viêm ruột, tắc ruột, dẫn đến tử vong.
Thuốc cầm tiêu chảy giảm số lần đi ngoài thực chất là đang che dấu bệnh, không chữa được bệnh. Vậy nên, mẹ không nên dùng các thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp, mẹ không nên tự điều trị tại nhà. Mẹ hãy đưa con đến bác sĩ để được điều trị phác đồ đúng lứa tuổi.
Bây giờ mẹ đã hiểu những thuốc này đều không giải quyết được vấn đề đúng không nào. Vì vậy, mẹ thông thái đừng để con bị ám ảnh chuyện uống thuốc mỗi lần bệnh nữa nhé!
Thuốc trị tiêu chảy mẹ nên dùng tại nhà chỉ gồm 2 loại đơn giản sau đây.
Bản chất probiotic là các vi khuẩn sống hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu dưỡng chất cho trẻ. Probiotic giúp bổ sung lượng lớn lợi khuẩn đã mất đi trong quá trình trẻ bị tiêu chảy. Nhờ đó, men vi sinh này có thể giúp con giảm thời gian tiêu chảy xuống xấp xỉ 1 ngày.
Mẹ băn khoăn về thuốc trị tiêu chảy thì có thể cho con uống probiotic nhé.
Probiotic có nhiều trong sữa chua và các loại cốm vi sinh dành cho trẻ em. Sữa chua con có thể ăn 2-3 lần/ngày. Cốm vi sinh thì 1-2 gói/ngày. Tuy nhiên, các loại cốm khác nhau sẽ chứa các chủng men vi sinh khác nhau. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết loại cốm nào phù hợp tình trạng của con nhé!
Trẻ đủ dinh dưỡng, tiêu chảy <10 ngày không có nguy cơ thiếu hụt không cần bổ sung kẽm.
Trẻ thiếu chất, suy dinh dưỡng bị tiêu chảy hay tiêu chảy trên 10 ngày có nguy cơ thiếu kẽm. Các trường hợp này mẹ nên cho con bổ sung kẽm. Kẽm có tác dụng giúp con giảm mức độ, thời gian bệnh và nguy cơ tái phát tiêu chảy.
Mẹ cho con uống siro kẽm, liều dùng 10mg/ngày cho trẻ dưới 6 tháng. Trẻ trên 6 tháng là 20mg/ngày.
Đến đây mẹ đã có câu trả lời trẻ bị tiêu chảy cấp uống thuốc gì rồi nhỉ. Con không cần uống quá nhiều thuốc vì hầu hết các trường hợp tiêu chảy ở trẻ sẽ tự khỏi. Vấn đề quan trọng nhất mẹ cần quan tâm khi con bị tiêu chảy là tình trạng mất nước. Mất nước có thể làm cơ thể trẻ kiệt nước, suy thận cấp dẫn đến tử vong. Do đó, bù nước và điện giải là nhiệm vụ quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy, mẹ tích cực cho con uống nhiều nước và dung dịch điện giải (oresol, hydrite).
Rửa tay sạch và dùng bình nước sạch để pha dung dịch.
Pha đúng tỷ lệ với nước đun sôi để nguội, không pha nước khác.
Sử dụng oresol đã pha trong 24h. Qua 1 ngày mẹ đổ bỏ, pha nước mới.
Tùy độ tuổi, mẹ chọn gói pha với 200ml, 250ml hay 1 lít.
Cho trẻ uống chậm, liên tục trong ngày, nhất là sau mỗi lần tiêu chảy.
Trẻ dưới 2 tuổi: uống bằng muỗng, 50-100ml (10-20 muỗng cà phê/lần).
2-10 tuổi: 100-200ml, uống từng ngụm nhỏ.
Trẻ >10 tuổi: uống theo nhu cầu. Lượng dịch cần cho trẻ uống trong 4 giờ đầu tính theo: Số lượng dịch (ml) = Cân nặng (kg) x 75.
Trẻ nôn ói thì mẹ đợi 10 phút sau cho uống lại, uống chậm hơn.
Dung dịch điện giải như oresol hay hydrite có vị mặn lợ lợ khá khó uống với con. Nhiều mẹ nghĩ rằng con không chịu uống oresol thì tăng cường uống nhiều nước lọc là được. Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy mất nước nhiều chỉ uống nước lọc thôi là không đủ mẹ nhé.
Nước lọc chỉ bù được nước, không bù được các điện giải cần thiết như natri, kali, clo,… Trẻ thiếu điện giải sẽ có nguy cơ gặp nguy hiểm. Do đó, để “dụ dỗ” con uống dung dịch điện giải, mẹ có thể tham khảo các mẹo dưới đây.
Mẹ có gặp tình huống càng cố gắng phân tích oresol tốt cho con, con lại càng từ chối không? Trong trường hợp này, mẹ hãy kể cho con một câu chuyện nhé. Mẹ có thể tham khảo những mẫu chuyện mình hay kể cho con nghe là:
Mẫu 1: Virus, vi khuẩn xấu xí (mẹ sáng tạo thêm) rất sợ nước. Siêu nhân của mẹ uống ực 3 muỗng chúng sẽ khóc thét lên (mẹ giả vờ hoảng sợ, khóc lóc). Con sẽ ngoan ngoãn uống ngay. Virus tìm chỗ ẩn nấp, siêu anh hùng uống thêm 3 muỗng nữa để virus không thể sống sót nào,…
Mẫu 2: Bạn Gấu/Thỏ (đồ chơi con yêu thích) không tin con uống được. Con uống cho các bạn xem nào.
Mẫu 3: đếm số muỗng con uống được 1 2 3. Rồi giả vờ ngưng một lát rồi uống tiếp.
Nói chung là mẹ không nên la mắng ép con uống hay dọa nạt. Càng làm như thế con sẽ càng sợ và phản kháng đấy! Mẹ chỉ cần nói ngọt, kể chuyện hấp dẫn các bạn sẽ hợp tác ngay thôi!
Cuối cùng, nếu con vẫn không chịu uống, mẹ có thể cho con uống nước dừa thay thế cũng được. Nước dừa là “điện giải” tự nhiên rất tốt cho trẻ bị tiêu chảy.
Nếu không có oresol, mẹ tự làm dung dịch cho con uống dần theo những cách sau:
Nước cháo muối: 1 nắm gạo (50g) + 1 thìa gạt muối (3,5g) + 6 chén nước sạch, nấu nhuyễn. Mẹ chắt lấy nước hoặc lọc qua rây cho con uống.
Nước gạo rang muối: Gạo rang vàng (50g) + 1 thìa gạt muối ăn (3,5g) + 6 chén nước, nấu nhuyễn, lọc qua rây.
Nước chuối, hồng xiêm xanh: chuối hoặc hồng xiêm 5 quả xay nhuyễn hoặc nghiền nát. Mẹ ngâm trong 1 lít nước sôi để nguội + 1 thìa gạt muối (3,5g) cho trẻ uống.
Sau mỗi 4h mẹ đánh giá lại tình trạng mất nước của con nhé. Nếu con có dấu hiệu mất nước nặng, mẹ nên đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch để tránh con bị mất nước nặng nguy hiểm.
*Dấu véo da: dùng lòng ngón cái và cạnh ngón trỏ, tóm cả da và mô dưới da nhấc lên rồi buông ra. Vị trí thực hiện: ở da bụng, đường dọc giữa rốn và hông.
Mình cũng từng chăm con bị tiêu chảy cấp nên rất hiểu cảm giác đứng ngồi không yên của mẹ. Mình cũng từng mong biết được trẻ bị tiêu chảy cấp uống thuốc gì có thể sớm chấm dứt bệnh. Nhưng mẹ thấy rồi đấy. Thực tế con chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, bù nước và ăn uống đầy đủ chất. Do đó, thay vì lao tâm khổ tứ lo tìm thuốc, mẹ hãy nghiên cứu:
Trẻ Bị Tiêu Chảy Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì
Và cuối cùng là mẹ nên nhủ lòng kiên nhẫn chờ đợi con tự phục hồi nhé. Sau trận ốm này, mẹ đừng quên ăn chín uống sôi, luôn vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa tiêu chảy. Như vậy, không chỉ bé yêu mà cả gia đình cũng sẽ được bảo vệ trước tiêu chảy đấy!