Một ngày đẹp trời, mẹ tình cờ phát hiện khuôn mặt bé yêu đang… thập thò hai con “sâu mũi”. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì con lại ho. Thế là ho sổ mũi đã tìm đến con rồi mẹ à. Trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi phải làm sao đây? Trẻ 2 tháng tuổi bị ho phải làm sao? Mẹ đừng quá lo lắng nhé! Cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Mẹ chăm sóc đúng cách sẽ giúp con ngăn ngừa được nhiều bệnh về hô hấp của con đấy!
Mẹ cần hỗ trợ tư vấn về trường hợp trẻ sơ sinh ho sổ mũi, nhắn tin TẠI ĐÂY.
Trước tiên, mình chia sẻ một chút về cấu tạo mũi của con. Mẹ hiểu rõ cấu tạo rồi có thể linh động chọn những cách trị sổ mũi khác nhau cho con.
Hai lỗ mũi bé xinh của con thông với nhau. Bình thường, mũi tiết ra ít dịch nhầy ngăn chặn các “vị khách lạ” xâm nhập vào đường hô hấp. Khi con bị vi khuẩn, virus tấn công, dịch nhầy này sản sinh nhiều và gây sổ mũi.
Ngoài dịch mũi chảy ra ngoài là phần mẹ nhìn thấy, ở phía trong mũi vẫn chứa rất nhiều dịch. Cũng có khi dịch mũi không chảy ra ngoài mà chảy ngược về phía sau. Dịch mũi chảy xuống cổ họng sẽ gây ho cho trẻ, chảy qua tai thì gây viêm tai giữa.
Lúc mới bắt đầu sổ mũi, con chỉ chảy nước mũi trong. Giai đoạn này triệu chứng còn nhẹ, mẹ tích cực chăm sóc thì sau 2-3 ngày là con dứt hẳn. Ngược lại, nếu không được chăm sóc đúng cách, triệu chứng sẽ nặng dần. Con xuất hiện mũi vàng, mũi xanh là dấu hiệu bị nhiễm khuẩn. Việc điều trị sẽ khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn.
Vì vậy, vệ sinh mũi sạch là bước rất quan trọng mẹ nên chăm sóc kỹ cho con nhé. Nhiều mẹ thắc mắc mình đã nhỏ mũi, lau sạch dịch mũi chảy ra mà sao con vẫn không hết. Là bởi vì mẹ chỉ làm sạch bên ngoài mà chưa làm sạch sâu bên trong đó. Vệ sinh mũi đúng cách cho con mẹ thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.
Nhỏ mũi: mẹ đặt con nằm ngửa, nhỏ nước muối sinh lý 0.9% vào hai bên mũi con. Đợi nước mũi chảy ra, mẹ dùng khăn giấy lau sạch nhẹ nhàng. Dùng khăn vải lau nhiều lần có thể làm mầm bệnh vương lại, tiếp tục gây bệnh cho con. Mẹ thực hiện nhỏ mũi 3-4 lần/ngày, mỗi lần 1 giọt mỗi bên.
Mẹ lau mũi nhiều có thể làm vùng da dưới mũi con ửng đỏ. Mẹ nên bôi một lớp mỏng kem dưỡng da em bé để bảo vệ con nhé.
Trường hợp mũi chảy nhiều, mẹ phải hút mũi hoặc rửa mũi mới sạch sâu và hết dịch được.
Hút mũi: Thông thường mẹ nhỏ và hút mũi cùng bên (bên trái hoặc bên phải) chỉ hút được dịch mũi trước. Dịch mũi sau còn nhiều vẫn có thể chảy xuống họng, con mãi không dứt bệnh. Cách đúng là mẹ làm ngược lại. Nhỏ nước muối vào mũi trái, đợi dịch nhầy loãng ra rồi hút mũi phía bên phải. Chất nhầy bị hút từ mũi trái sang mũi phải sẽ kéo toàn bộ nhầy trên đường đi ra ngoài. Như vậy mới sạch hết nhầy được.
Tuy nhiên, mẹ biết là niêm mạc mũi của con rất mỏng. Hút mũi liên tục vài ngày có thể làm con bị đau rát, sưng niêm mạc. Thay vì hút, mẹ rửa mũi cho con vừa làm sạch sâu lại không gây đau cho con.
Cách rửa mũi, hút mũi, mẹ xem hướng dẫn chi tiết Tại Đây.
Ngoài những cách trên, mẹ đừng quên cho con uống nhiều nước nhé. Nước giúp làm loãng dịch nhầy hiệu quả đến bất ngờ đấy mẹ ạ. Trẻ dưới 6 tháng chưa uống nước được thì mẹ tăng thêm cữ bú cho con.
Mẹ biết đấy, trẻ con rất dễ bị ho. Tiếng ho của con thoạt nghe có vẻ khá giống nhau. Nhưng khi nghe kỹ sẽ có nhiều điểm giúp mẹ hiểu được tình trạng sức khỏe của con. Vì vậy, mẹ có con nhỏ nhất định phải học cách nhận biết thông điệp sức khỏe qua tiếng ho.
Chi tiết: Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Phải Làm Sao? Ý Nghĩa Tiếng Ho Của Trẻ
Nếu con ho khan, mẹ hãy làm những bài thuốc sau để trị ho cho con.
Củ cải trắng: mẹ xay nhuyễn, cho thêm ít nước hấp cách thủy cùng đường phèn 15-20 phút. Mẹ cho con nhấp từ từ, mỗi lần 1-2 thìa cà phê, 2 lần/ngày.
Nghệ tươi: rửa sạch và cạo vỏ, giã nhỏ ra. Mẹ đổ chút nước lọc, thêm đường phèn rồi cũng hấp cách thủy trong 10 phút. Mẹ cho con uống khi còn âm ấm, uống 2 lần/ngày cho đến khi dứt hẳn.
Tỏi: giã nát 2 tép tỏi lớn (nửa củ tỏi ta), trộn ít đường phèn hấp cách thủy. Mẹ canh hấp tỏi vừa chín tới thôi để tỏi còn tác dụng. Mỗi ngày 2 lần uống, mỗi lần 1-2 thìa cà phê.
Nếu trẻ ho đờm, mẹ tham khảo các bài thuốc dân gian chữa ho đờm trong bài viết:
Chữa Ho Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Không Dùng Kháng Sinh
Như vậy là mẹ đã biết cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chăm sóc con hàng ngày mẹ thực hiện thêm những bước sau để nâng cao sức khỏe cho con nha.
Tâm lý các mẹ khi con ho sụt sịt thì sợ tắm làm con bị nhiễm lạnh thêm. Đúng là tắm con như bình thường có thể làm con cảm lạnh nhưng không đến mức phải kiêng khem. Bụi bẩn, tế bào chết trên da con không được tắm sạch sẽ gây ngứa ngáy, dễ bệnh ngoài da. Vì vậy, mẹ tắm cho con cẩn thận là được. Tắm cho trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi phải làm sao?
Mẹ nên tắm con nhanh trong 5-10 phút trong phòng kín gió. Tắm một lượt rồi quấn khăn lau khô cho con thật kỹ.
Mẹ pha nước ấm tắm cho con, có thể thêm vài giọt tinh dầu tràm vào nước. Tinh dầu khuếch tán vào không khí giúp dịch nhầy loãng và chảy ra làm cho con dễ thở.
Tắm với gừng: mẹ giã gừng thật nát, ngâm vào bát nước sôi 15 phút cho tinh chất tiết ra. Hoặc mẹ nấu nồi nước gừng, có thêm vài cây sả càng tốt pha nước ấm tắm cho con. Chậu tắm nên có lòng sâu để con có thể ngâm mình đến ngang ngực. Gừng (+sả) có tác dụng giữ ấm, giúp con lưu thông khí huyết, tăng cường sức đề kháng.
Xông hơi/ngâm chân với gừng: thời tiết lạnh, mẹ không tắm con được thì thay thế bằng cách này. Nấu nước xông mẹ tương tự như trên, có thể cho thêm ít muối hột để tăng tính sát khuẩn khi cho con xông hay ngâm chân.
Tuy nhiên, mẹ lưu ý những cách có gừng không áp dụng cho trẻ ra nhiều mồ hôi mẹ nhé. Tính ấm của gừng sẽ làm con đổ mồ hôi nhiều hơn.
Giữ ấm cho trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi phải làm sao để giúp con không bệnh nặng thêm?
Mẹ mặc quần áo ấm phù hợp cho con: mẹ nên chọn chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
Xoa tinh dầu tràm/khuynh diệp: vào gan bàn chân con, day day lòng bàn chân 1 phút mỗi bên. Mẹ có thể xoa một lượng nhỏ tinh dầu ở ngực, lưng (vị trí phổi) kết hợp massage nhẹ nhàng. Mẹ nào chưa biết cách massage cho con có thể nhắn tin mình sẽ hướng dẫn cho mẹ. Massage đơn giản mẹ thực hiện hàng ngày cũng rất tốt cho sự phát triển của con đấy.
Các món ăn giải cảm: Trẻ đến tuổi ăn dặm, mẹ có thể cho con ăn cháo hành, cháo tía tô. Hành lá, tía tô mẹ nên xay nhuyễn hay cắt nhỏ để con không bị lợn cợn gây nôn trớ. Mẹ lưu ý chỉ bỏ thêm ít thôi nhé vì con rất nhạy mùi. Mùi nồng quá có thể làm con không thích và từ chối món cháo bổ dưỡng này.
Kê cao đầu khi ngủ: là cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đơn giản nhất. Mẹ lót một chiếc gối con hoặc một cái khăn dày 1-2cm lót dưới đầu con. Bé yêu sẽ ngủ giấc sâu hơn và có nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe trong giấc ngủ.
Thông thường, khi con vừa xuất hiện ho sổ mũi, mẹ nên chăm sóc tích cực các triệu chứng. Đối với các bệnh nhẹ con sẽ nhanh lướt qua. Nếu các triệu chứng nặng hơn, có thể con đã bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Mẹ tìm hiểu nguyên nhân để chủ động chăm sóc con đúng cách và nhanh chóng khỏe lại nhé!
Con hay sụt sịt, ho, sốt, viêm họng,… với thời gian bệnh kéo dài cả tuần liền. Mẹ chăm con cũng khổ mà nghỉ phép chăm con ốm cũng muôn vàn khó khăn. Mình đã trải qua quãng thời gian “khủng hoảng”, vất vả và đầy áp lực ấy như các mẹ. Vì thế mình rất hiểu vì sao mẹ rất lo những lúc con bệnh. Mẹ biết không, những trận ốm được xem như là đợt huấn luyện tự nhiên. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, sức đề kháng của trẻ được nâng cao. Con khỏe mạnh và có khả năng tự bảo vệ mình trước nhiều mầm bệnh hơn.
Vì vậy, hy vọng mẹ sẽ vơi bớt nỗi lo lắng khi con bệnh nhé. Thay vào đó, mẹ luôn giữ tâm thế bình tĩnh chăm sóc và theo dõi tiến triển bệnh của con. Nếu đơn giản chỉ là ho, sổ mũi, mẹ bình tĩnh thực hiện cách trị ho sổ mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nếu là những bệnh khác mẹ tìm hiểu về bệnh trên blog Mẹ Việt. Hoặc tham gia thảo luận, tâm sự về cách chăm con trên Cộng Đồng Mẹ Việt. Có nhiều bạn đồng hành, hành trình làm mẹ sẽ nhiều niềm vui và thuận lợi hơn, phải không mẹ!