Cách Trị Nghẹt Mũi Ở Trẻ Sơ Sinh - Mẹo Hay Không Dùng Thuốc

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 06/11/2019
19 phút đọc

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là một triệu chứng rất hay gặp. Trẻ thường khó bú mẹ, bỏ bú, ngủ không sâu giấc và hay quấy khóc. Vì vậy mẹ luôn mong muốn tìm cách nhanh nhất trị dứt điểm nghẹt mũi cho con. Và câu hỏi thường trực của mẹ là: làm gì khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi? Hay mẹo chữa nghẹt mũi ở trẻ em? Oke bài viết này mình sẽ chia sẻ với mẹ cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh với các mẹo hay không dùng thuốc nhé!

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện thoáng qua. Nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em. Triệu chứng này mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc tốt tại nhà. Vậy mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi? Có 2 việc mẹ cần làm:

  • Làm thông thoáng mũi cho trẻ. 

  • Tìm hiểu nguyên nhân gây nghẹt mũi để trị dứt điểm.

Làm thông thoáng mũi trẻ có nhiều cách. Trong đó dùng nước muối sinh lý là cách hiệu quả nhanh và mẹ dễ thực hiện ngay tại nhà. Ngoài ra, cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh còn có làm ẩm không khí, dùng tinh dầu,… Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lần lượt nhé.

Cách Trị Nghẹt Mũi Ở Trẻ Sơ Sinh Bằng Nước Muối Sinh Lý

Nước muối sinh lý 0.9% mẹ có thể mua dễ dàng ở các tiệm thuốc tây. Có nhiều cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh với nước muối như sau:

Cách Nhỏ Mũi

Mẹ đặt trẻ nằm ngửa, nhỏ vào mỗi bên mũi một giọt nước muối. Chất nhầy sẽ loãng dần và chảy ra sau vài phút, mẹ dùng khăn mềm lau sạch cho trẻ. Mẹ nhỏ mũi cho trẻ 3 lần/ngày.

Mẹ cũng có thể sử dụng chai xịt nước biển sâu, xịt 2-3 lần/ngày cũng hiệu quả. Cách này phù hợp cho những trẻ nghẹt mũi nhẹ. Trường hợp trẻ nghẹt mũi nhiều, mẹ có thể rửa mũi cho trẻ hay dùng dụng cụ hút mũi. 

Dùng Dụng Cụ Hút Mũi

Mẹ nhỏ vào mũi trái của con 2-3 giọt nước muối, đợi 2-3 phút cho nhầy loãng ra rồi bắt đầu hút.

  • Mẹ bóp chặt quả bóng đẩy hết khí ra ngoài rồi đưa vào mũi phải của trẻ

  • Thả lỏng quả bóng từ từ, chất nhầy sẽ bị hút ra ngoài. 

  • Lau sạch đầu quả bóng trước khi hút mũi còn lại. 

Ở đây, thói quen các mẹ thường nhỏ mũi nào hút mũi đó. Cách này mẹ vẫn hút được dịch mũi bên ngoài nhưng không hút được dịch sâu bên trong. Mẹ lưu ý cách đúng là nhỏ mũi trái thì hút bên mũi phải nhé. Lúc ấy chất nhầy từ mũi trái bị lực hút hút qua mũi phải sẽ cuốn toàn bộ dịch trong mũi ra ngoài.

Mẹ dùng lực nhẹ nhàng để tránh làm đau rát mũi trẻ nhé. Chất nhầy được hút ra nên rửa sạch, tránh vương vãi xung quang sẽ làm phát tán mầm bệnh.

Đặc biệt, không nên dùng miệng để hút mũi cho trẻ vì cách này không đảm bảo vệ sinh. Trẻ có thể bị đau hoặc nhiễm thêm các virus khác từ miệng người lớn.

Rửa Mũi Cho Trẻ

BlockNote image

Mỗi lần rửa có thể sử dụng 1 chai nước muối dung tích 10ml cho mỗi bên. Mẹ nên chọn chai có đầu tròn để không đau mũi trẻ.

  • Đặt trẻ nằm nghiêng.

  • Đưa chai nước muối vào mũi trẻ bóp nhẹ nhàng

  • Nước muối sẽ thông từ mũi này qua mũi kia và tống hết chất nhầy ra ngoài. 

  • Mẹ lau sạch mũi trẻ rồi đổi bên.

Trẻ sơ sinh mới lần đầu rửa mũi có thể khóc làm mẹ lo lắng. Mẹ có thể nhờ người trợ giúp giữ con trong những lần đầu. Đồng thời thao tác thực hiện của mẹ nhanh và dứt khoát. Sau 1-2 lần trẻ sẽ quen, hiểu mẹ làm như vậy giúp mình dễ chịu nên sẽ hợp tác trong những lần sau.

Nếu mẹ chưa tự tin thực hiện cho con, mẹ hãy thử rửa mũi cho chính mình. Khi đó mẹ sẽ cảm nhận được rửa mũi như thế nào là phù hợp nhất cho con.

Nhiều mẹ hỏi mình có nên dùng nước muối sinh lý có bổ sung dược chất để rửa mũi cho con? Câu trả lời là không cần và cũng không nên mẹ nhé. Mẹ chỉ cần sử dụng nước muối sinh lý cho con là đủ. Những loại khác mẹ chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Về rửa mũi bằng ống xilanh: niêm mạc mũi của con rất mỏng. Lực đẩy mạnh của xilanh có thể làm đau, xước thậm chí làm trẻ chảy máu mũi. Rửa sai cách có thể đẩy chất nhầy cùng virus, vi khuẩn lan sang tai, gây viêm tai giữa.  Vì vậy tốt nhất mẹ chỉ nên sử dụng những dụng cụ chuyên dùng cho trẻ sơ sinh nhé.

Nước Muối Sinh Lý Pha Tỏi

Gần đây các mẹ hay truyền tai nhau về mẹo chữa nghẹt mũi ở trẻ em bằng nước muối sinh lý pha tỏi. Theo Tây y, thành phần tỏi chứa kháng sinh tự nhiên Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Theo Đông y, tỏi có tính cay, ấm và được dùng trong điều trị cảm cúm. Đặc tính này rất dễ làm đau, rát, khô, ửng đỏ niêm mạc mũi vốn rất mỏng của con. Vì vậy, mẹ tuyệt đối không dùng cách này cho trẻ sơ sinh nhé. 

Những Lưu Ý Quan Trọng

Những cách trên sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi mẹ đảm bảo các yếu tố sau:

Làm sạch dụng cụ rửa mũi, hút mũi  trước và sau khi sử dụng cho trẻ.

– Mẹ luôn rửa tay sạch với xà phòng trước khi chăm sóc trẻ.

– Mẹ sử dụng liều lượng theo đúng hướng dẫn. Dùng nhiều không giúp trẻ nhanh hết bệnh mà còn gây tác dụng phụ khiến điều trị phức tạp hơn.

Mẹ nên làm thông thoáng mũi trẻ ít nhất 15 phút trước khi cho trẻ bú hoặc đi ngủ. Như vậy trẻ sẽ măm măm ngon miệng hơn và ngủ cũng sâu giấc hơn đấy. Đặc biệt, trị nghẹt mũi tốt sẽ ngăn chất nhầy chảy vào sâu gây viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,…

Đọc thêm: Trẻ Bị Viêm Họng Sốt Cao – Mẹ Nên Làm Gì

Massage Mũi

Sau khi nhỏ mũi, mẹ kết hợp massage mũi trẻ sẽ giúp làm loãng chất nhầy nhanh chóng. Hai cách massage đơn giản mẹ thực hiện như sau:

Cách 1: mẹ dùng 2 ngón trỏ vuốt nhẹ nhàng từ đỉnh mũi xuống hai bên má. Mẹ lặp lại thao tác 6-8 lần.

Cách 2: mẹ dùng 2 ngón tay đẩy lỗ mũi của con lên trên. Đồng thời ấn ấn lỗ mũi bên trái và xoa xoa lỗ mũi bên phải, con sẽ dễ chịu.

Ngoài ra, mẹ còn có thể điều trị chứng nghẹt mũi của trẻ bằng nhiều cách khác. Phối hợp các cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh với nhau sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn.

Làm Ẩm Mũi Cho Trẻ

Mẹ có thể làm ẩm mũi cho trẻ bằng tắm, xông hơi hay dùng máy tạo độ ẩm không khí.

Tắm/xông hơi bằng nước ấm: mẹ dễ dàng nhận thấy sau mỗi lần tắm con hít thở dễ dàng hơn. Cách xông hơi: mẹ chuẩn bị một chậu nước nóng trong phòng tắm hoặc phòng kín. Mẹ có thể cho thêm ít muối trắng vào nước để tăng cường khả năng sát khuẩn. Trẻ hít thở không khí đã được làm ẩm sẽ giúp dịch mũi lỏng và chảy ra. Mẹ lau bên ngoài mũi trẻ nhẹ nhàng bằng khăn. Mẹ cẩn thận không để để trẻ chạm vào nước nóng nhé. 

Đặt máy hóa hơi/máy làm ẩm phun sương trong phòng: hơi ẩm sẽ giúp con dễ thở hơn. Mẹ đặt máy ở khoảng cách đủ gần để sương có thể bay đến chỗ của con. Tuy nhiên, chỉ nên bật máy khi cảm thấy không khí khô thôi mẹ nhé. Mẹ thay nước mỗi ngày, vệ sinh máy thường xuyên để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển.

Chườm nước ấm lên tai: Dùng khăn thấm nước ấm và đặt ở tai trẻ trong khoảng 10-15 phút. Hai bên tai tập trung những dây thần kinh có tác dụng điều tiết máu ở mũi. Hơi ấm sẽ làm cách mạch máu giãn ra và giúp thông mũi cho trẻ.

Mẹo Chữa Nghẹt Mũi Ở Trẻ Em Bằng Tinh Dầu

BlockNote image

Mẹ cho 1-2 giọt tinh dầu vào chậu tắm vừa giúp trẻ giảm nghẹt mũi vừa tác dụng thư giãn. 

Sau khi tắm xong, mẹ có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân trẻ sơ sinh. Tinh dầu sẽ giúp làm ấm các huyệt đạo, lưu thông khí huyết. Triệu chứng nghẹt mũi của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể đấy. Mẹ còn có thể thoa một ít tinh dầu lên ngực, lưng, lòng bàn tay trẻ để giữ ấm cho cơ thể trẻ. Những tinh dầu thường sử dụng như: tinh dầu tràm, gừng, khuynh diệp, oải hương,… 

Dầu tràm cũng cho hiệu quả tương tự nên mẹ có thể dùng thay thế cho tinh dầu. Ngoài ra, trước khi ngủ, mẹ chấm một ít dầu tràm lên mũi, hai bả vai và gối ngủ của trẻ. Mùi the the của dầu tràm thoảng nhè nhẹ sẽ giữ ấm mũi trẻ, giúp trẻ ngon giấc cả đêm.

Có một lưu ý mà cần biết đó là với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên hạn chế sử dụng tinh dầu nhé! Với trẻ lớn hơn mẹ cũng chỉ nên sử dụng một lượng rất nhỏ, sẽ giúp con dễ chịu.

Thực ra nếu mẹ biết cách massage hay bấm một vài huyệt đơn giản, bệnh của con sẽ nhanh cải thiện hơn. Mẹ quan tâm những cách này có thể kết bạn với mình, mình sẽ hướng dẫn kỹ hơn nhé.

Tạm Kết

Mẹ thấy đấy, vấn đề nghẹt mũi của con bây giờ đã bé lại bằng con kiến rồi mẹ nhỉ? Những mẹo này khi mẹ đọc kỹ, làm chuẩn con sẽ nhanh chóng hết nghẹt mũi. Ngoài ra, mẹ tích cực cho con bú giúp tăng cường hệ miễn dịch, con sẽ nhanh hồi phục. Mẹ không cần thiết sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh cho vấn đề tí ti này đâu. Các loại thuốc được quảng cáo hay giới thiệu là thuốc gia truyền mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ. Mẹ nên tham khảo thông tin ở nguồn uy tín như web các hội Đông y, bệnh viện, bác sĩ,… 

Nếu mẹ không có thời gian mẹ có thể xem nhanh các bài thuốc mình đã tổng hợp trên Cộng Đồng Mẹ Việt. Mẹ hãy đăng ký thành viên và tìm kiếm các bài thuốc phù hợp cho con nhé!