Trẻ bị viêm họng sốt cao – mẹ nào đã trải qua cảnh này mới hiểu được nỗi khổ. Bé con thường ngày hoạt bát của mẹ giờ sốt cao dụi đầu vào mẹ ngủ thiêm thiếp. Chỉ mỗi sốt cao thôi đã đủ mệt, họng con lại bị viêm đỏ rực chẳng ăn uống được gì. Ruột gan mẹ như ngồi trên đống lửa. Mẹ thắc mắc trẻ bị viêm họng sốt cao phải làm sao? Trẻ viêm họng sốt bao lâu? Rồi mẹ nghe các mẹ kháo nhau về viêm họng mủ ở trẻ em, khiến mẹ lo lắng không biết viêm họng của con rốt cuộc như thế nào?… Nếu mẹ còn đang trăn trở thì đây là bài viết giúp các mẹ “đọc vị” về viêm họng nhé.
Các dấu hiệu viêm họng phổ biến ở trẻ thường bắt đầu với ho, sốt, chán ăn, quấy khóc,… Biểu hiện viêm họng phụ thuộc vào mức độ bệnh và cơ địa mỗi trẻ mà có diễn biến khác nhau. Các biểu hiện gồm:
– Cổ họng sưng đau, nuốt thấy đau.
– Có thể sưng hạch ở cổ, sưng hàm ở một số trẻ.
– Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Trẻ sơ sinh thường sốt cao đột ngột từ 39-40°C.
– Trẻ nghẹt mũi, bú ít hoặc bỏ bú, sổ mũi, nước mũi trong và loãng.
– Hắt hơi, ho khan, ho có đờm, khàn giọng, mất tiếng.
– Đau đầu, chân tay tê mỏi.
Các dấu hiệu này thường làm mẹ nhầm lẫn với sốt mọc răng. Tuy nhiên, sốt mọc răng chỉ gây sốt nhẹ thôi mẹ nhé! Trẻ mọc răng và sốt cao, có nghĩa là trẻ đang nhiễm bệnh nào đó cùng lúc với mọc răng. Sốt mọc răng thì có thể tự khỏi sau khi răng đã mọc. Nhưng viêm họng sốt cao thì mẹ cần chú ý điều trị đúng cách để trẻ nhanh khỏi bệnh.
Trẻ bị viêm họng sốt cao nếu kéo dài sẽ bị mất nước và có nguy cơ gặp biến chứng. Vì vậy việc mẹ cần làm trước tiên là tập trung hạ sốt cho trẻ. Song song với đó là thực hiện các cách để giúp con giảm đau họng, sưng tấy.
Trẻ viêm họng sốt nhẹ: mẹ chỉ cần chườm khăn ấm ở cổ, trán, nách, bẹn của trẻ.
Trẻ viêm họng sốt cao: mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol hay ibuprofen. Liều dùng tính theo cân nặng của trẻ. Mẹ có thể kết hợp các cách hạ sốt tự nhiên trẻ sẽ giảm sốt nhanh hơn. Mẹ tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ vì sẽ gây hội chứng Reyes nguy hiểm.
Trẻ bị sốt do viêm họng thường không muốn ăn uống do đau họng, nuốt đau. Con bệnh đã mất sức mà lại không ăn uống gì sẽ làm con yếu hơn và bệnh kéo dài. Vì vậy giảm đau giúp trẻ bị sốt do viêm họng ăn uống tốt hơn và nhanh lại sức. Mẹ có thể tự tay làm những bài thuốc giảm đau họng cho trẻ như: mật ong chanh đào, gừng, hẹ hấp đường phèn,…
Bên cạnh đó, mẹ áp dụng những cách sau cũng giúp trẻ giảm đau họng hiệu quả.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, bú mẹ.
Giữ ấm vùng cổ họng, ngực, mũi cho con.
Hướng dẫn con súc miệng bằng nước muối ấm đều đặn 2 lần/ngày với trẻ trên 2 tuổi.
…
Đọc thêm: Trẻ Sốt Viêm Họng Kéo Dài Bao Lâu Thì Khỏi
Sau khi mẹ thực hiện các bước trên, bé của mẹ đã cảm thấy dễ chịu hơn rồi đấy. Tiếp theo, mẹ cũng nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ một chút. Một chế độ ăn khoa học phù hợp với thể trạng hiện tại sẽ giúp con nhanh chóng hồi phục. Trẻ bị viêm họng sốt cao nên kiêng gì, nên ăn gì các mẹ tham khảo phần tiếp theo nhé.
Các món trứng: trứng thường ngày là món ăn yêu thích của hầu hết các bạn nhỏ. Tuy nhiên, trứng vào cơ thể sinh ra lượng nhiệt lớn làm trẻ sốt cao khó hạ.
Món cay nóng, mặn, nhiều dầu mỡ, gia vị: dễ gây kích ứng làm cổ họng con đau rát, sưng to.
Món ăn dạng đặc, khô: phải nhai nhiều, nuốt khó, dẫn tới dễ mắc nghẹn nên con không muốn ăn.
Bánh kẹo, nước ngọt có gas: vừa không cung cấp chất dinh dưỡng, vừa làm con khó tiêu. Mẹ biết không, không chỉ có muối, mà đường cũng rất háo nước. Đường của các loại thực phẩm này hấp thu nước trong cơ thể, làm trẻ mất nước, khó hạ sốt.
Thực phẩm giàu vitamin C: trái cây vừa giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, vừa trị viêm họng. Mẹ có thể cho trẻ ăn trực tiếp, xay sinh tố hoặc nước ép cho con uống.
Mật ong: rất hữu ích cho các bé sưng họng đỏ, đau rát nhiều, nuốt khó dẫn đến biếng ăn. Mật ong vừa kháng viêm hiệu quả, vừa hỗ trợ cơ thể tạo kháng thể chống lại bệnh. Do đó, mẹ có thể pha mật ong với nước ấm, vắt thêm ít chanh hoặc gừng xắt sợi cho con uống. Cách này không áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây dị ứng, ngộ độc cho bé.
Các món súp, cháo, bún, phở, miến,…: các món lỏng, nhiều nước sẽ giúp con dễ ăn, dễ tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Các món canh mồng tơi, bầu, bí, mướp, rau đay,… trơn, mát dễ nuốt cũng rất tốt cho trẻ.
Mẹ biết đấy, hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm họng có thể theo dõi tại nhà. Mẹ chăm sóc kỹ lưỡng, cho con nghỉ ngơi đầy đủ sẽ nhanh khỏi bệnh.
Tuy nhiên, bệnh cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu trẻ bị viêm họng sốt cao kéo dài. Những biến chứng thường gặp là nhiễm khuẩn cổ họng, viêm họng mủ ở trẻ em, viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp…
Trẻ sẽ thông báo cho mẹ biết thông qua biểu hiện bứt rứt, khó chịu, quấy khóc nhiều. Hoặc trẻ sốt cao:
– Trẻ dưới 3 tháng: sốt 38°C.
– Trẻ từ 3–6 tháng: sốt trên 38,5°C.
– Trẻ 6 tháng tuổi: sốt 39°C trở lên.
Vì vậy, trẻ sốt cao kết hợp biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, mẹ thu xếp đưa trẻ đi khám sớm nhé!
Thực ra, việc trẻ có dễ xảy ra biến chứng hay không phụ thuộc một phần nguyên nhân gây bệnh. Các mẹ hiểu rõ về nguyên nhân để chăm sóc trẻ đúng cách.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị viêm họng sốt cao là do virus và vi khuẩn.
Viêm họng do virus: virus bệnh cảm cúm, tay chân miệng, sởi, thủy đậu, viêm hô hấp trên,… gây ra. Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus nên điều trị bệnh chủ yếu là giảm triệu chứng. Mẹ yên tâm chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà trong vòng 7-10 ngày.
Viêm họng do vi khuẩn: thường do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Bệnh phải được điều trị bằng kháng sinh (theo kê đơn của bác sĩ). Thời gian bệnh kéo dài từ 10-14 ngày và có nguy cơ cao xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Mẹ có thể phân biệt trẻ bị viêm họng sốt cao do vi khuẩn hay virus gây ra như sau:
Ngoài ra trẻ bị viêm họng sốt cao còn có thể do các nguyên nhân khác như:
– Trẻ dị ứng với lông chó, mèo, khói thuốc, cỏ dại, phấn hoa, bụi…
– Thời tiết thay đổi đột ngột, chuyển mùa, vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển mạnh.
– Ô nhiễm môi trường: khói bụi, chất độc hóa học, thuốc xịt, khói xăng xe, khói thuốc lá,…
Nguyên nhân khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viêm họng của trẻ diễn biến khác nhau mẹ nhé.
Khi trẻ bị nhiễm virus, vi khuẩn và có dấu hiệu viêm họng thì gọi là viêm họng cấp. Khi mẹ chăm sóc hợp lý, viêm họng cấp ở trẻ chỉ nặng 3-4 ngày đầu, sau đó giảm dần.
Một số loại virus, vi khuẩn có khả năng tạo mủ trong vòm họng như sởi, thủy đậu, quai bị,… Viêm họng cấp không được chăm sóc đúng cách cũng phát triển thành viêm họng mủ. Những nguyên nhân khác: viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản,…
Triệu chứng bệnh giống như viêm họng cấp và xuất hiện thêm họng có mủ, hơi thở có mùi hôi,… Khi phát hiện trẻ viêm họng mủ mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.
Trẻ bị viêm họng nhiều lần sẽ chuyển thành viêm họng hạt là dạng viêm họng mãn tính. Bệnh thường xuyên tái phát và gây rắc rối cho trẻ. Trẻ hay ngứa họng, họng khô rát, ngủ dậy hay khạc ra đờm,…
Điều trị viêm họng hạt rất mất thời gian. Ngay cả áp dụng biện pháp đốt điện cũng không giải quyết triệt để được. Vì vậy, mẹ cần chú ý chăm sóc và điều trị cho con ngay từ khi bệnh còn nhẹ.
Trẻ mắc các bệnh về viêm họng thường khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến ăn uống và phát triển. Mỗi lần bệnh trẻ phải nghỉ học rồi cha mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc cũng rất khó khăn. Không những thế, nếu để lâu bệnh ảnh hưởng đến giọng nói, khả năng giao tiếp, làm con không tự tin. Vì thế, mẹ hãy giải quyết ngay và luôn dấu hiệu viêm họng của trẻ từ lúc chớm bệnh nhé!