Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt Xuất Huyết An Toàn Tại Nhà

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào:
16 phút đọc

Hoang mang, bất an là tâm trạng chung của các mẹ khi con không may bị sốt xuất huyết. Mình hiểu những cảm giác này của mẹ vì sốt xuất huyết là một căn bệnh không thể chủ quan. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên quá lo lắng. Nếu mẹ hiểu và chăm sóc đúng cách, sẽ tránh được biến chứng nguy hiểm cho con. Vậy cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay dưới đây mẹ nhé.

Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt Xuất Huyết 

Hạ Sốt Đúng Cách

Trẻ sốt xuất huyết khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao trong 3 ngày đầu. Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ lúc này chưa rõ ràng. Mẹ rất dễ nhầm lẫn biểu hiện bệnh của trẻ với sốt phát ban hay bệnh về đường hô hấp

Ưu tiên nhất giai đoạn này là mẹ giúp trẻ hạ sốt. Khi trẻ sốt cao mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt kết hợp chườm mát, đắp lá,… Các mẹ thường lo lắng vì trẻ sốt cao đã uống thuốc vẫn không hạ. Mình hiểu tâm lý muốn con nhanh hạ sốt nhưng không vì thế mà mẹ cho trẻ uống nhiều thuốc hơn được. Uống thuốc hạ sốt không đúng sẽ dẫn đến quá liều, sốc thuốc, rất nguy hiểm cho trẻ lúc này. 

Về loại thuốc mẹ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol đơn chất, liều lượng 10-15mg/kg/lần. Thời gian dãn cách 2 liều đảm bảo đủ 4-6 giờ và tổng liều thuốc không quá 60mg/kg/ngày.

Mẹ tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen cho trẻ sốt xuất huyết nhé. Vì aspirin có thể gây hội chứng Reyes nguy hiểm cho trẻ. Còn ibuprofen thì gây xuất huyết nặng thêm.

Nếu nhận thấy trẻ sốt cao liên tục, bỏ chơi, lừ đừ, mẹ nên cân nhắc cho con đi viện. Như vậy mẹ vừa yên tâm vừa đảm bảo kiểm soát an toàn các vấn đề của con nhé!

Bù Nước Và Điện Giải

BlockNote image

Bù nước và điện giải: sốt xuất huyết mẹ ưu tiên dung dịch bù nước và điện giải oresol, hydrite. Trẻ sốt cao liên tục nên bị mất nước nhiều. Tình trạng này kéo dài máu sẽ bị cô đặc lại, không luân chuyển được sẽ gây ra biến chứng. Các dung dịch oresol, hydrite tác dụng nhanh sẽ giải quyết vấn đề hiệu quả. Mẹ lưu ý pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn sử dụng trên gói dung dịch nhé. 

Bên cạnh đó mẹ cũng cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây, nước ép rau củ,… Nước trái cây giàu vitamin C, tăng tính bền vững của thành mạch, tốt cho trẻ sốt xuất huyết. Đặc biệt nước dừa còn chứa điện giải tự nhiên. Khi trẻ (từ 6 tháng tuổi) không chịu uống oresol, mẹ có thể dùng nước dừa thay thế.

Sữa mẹ: Với trẻ vẫn đang trong giai đoạn bú mẹ thì mẹ hãy tăng cường cho con bú nhé. Sữa mẹ vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa chứa kháng thể giúp con tăng sức đề kháng chống lại bệnh.

Truyền Dịch Cho Trẻ

Từ ngày 3 đến ngày 7, trẻ có nhiều khả năng xuất hiện tiêu chảy, nôn ói liên tục. Trong trường hợp này truyền dịch sẽ giúp trẻ bù đắp nước và điện giải cần thiết.

Tuy nhiên, trẻ có cần thiết truyền dịch hay không nên theo đánh giá của bác sĩ mẹ nhé. Nếu trẻ vẫn có thể ăn dù là ít thôi thì mẹ ưu tiên cho trẻ tự ăn thay vì truyền dịch mẹ à.

Trong trường hợp phải thực hiện, nhiều mẹ ngại đi viện sẽ muốn truyền dịch tại nhà. Tuy nhiên, sức khỏe của con lúc này đang yếu. Nếu vệ sinh tiêm truyền không đảm bảo hoặc có vấn đề khác xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy mẹ cần cho con truyền dịch ở bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Dinh Dưỡng Cho Trẻ

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ sốt xuất huyết nhanh hồi phục. 

Thực phẩm trẻ nên ăn: 

  • Các thực phẩm giàu vitamin A, B1, C,…

  • Các món lỏng như cháo, soup, ngũ cốc,… vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa với trẻ. Mẹ hãy chia nhỏ các bữa ăn và cho con ăn nhiều lần trong ngày.

Thực phẩm không nên ăn:

  • Thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen: vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hay đi ngoài.

  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ hay đồ ăn cay nóng: làm trẻ khó tiêu, thân nhiệt tăng cao hơn.

BlockNote image

Một Số Lưu Ý Chăm Sóc Khác

Ngoài những yếu tố trên, cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết mẹ lưu ý thêm:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều để nhanh lại sức. 

  • Mặc quần áo thoáng mát để trẻ dễ thoát mồ hôi, nhanh hạ sốt.

  • Mẹ chú ý đến vấn đề cách ly. Không chỉ khi trẻ bệnh mà bất kỳ ai trong nhà mắc phải sốt xuất huyết đều cần nghỉ ngơi trong màn. Như vậy sẽ tránh được muỗi đốt và lây truyền virus từ người bệnh sang người khỏe. Cả gia đình của mẹ sẽ được bảo vệ.

  • Trẻ sốt xuất huyết cũng có phát ban. Nhưng ban – đúng hơn là nốt xuất huyết nổi lên rồi sẽ tự lặn sau vài ngày. Vì vậy mẹ chỉ cần giữ vệ sinh da trẻ luôn sạch. Trẻ sốt xuất huyết không nên tắm. Mẹ chỉ nên lau mình nhẹ nhàng cho trẻ rồi lau nhanh lại bằng khăn khô.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ luôn theo dõi những biểu hiện của trẻ liên tục nhé. Điều này sẽ giúp mẹ nhanh chóng phát hiện ra các dấu hiệu nguy hiểm kịp thời.

Dấu Hiệu Trẻ Cần Được Chăm Sóc Y Tế

Dấu hiệu đặc trưng nhất của trẻ mẹ cần quan tâm là sốt xuất huyết. Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm bao gồm:

  • Trẻ sốt cao liên tục trên 39°C, lừ đừ.

  • Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

  • Xuất huyết nghiêm trọng: chảy máu cam, chảy máu chân răng.

  • Xuất huyết tiêu hóa: phân lẫn máu, phân đen, ói ra máu, tiểu ra máu.

  • Sưng phù ở bụng, đau bụng dữ dội do tràn dịch phổi.

  • Quấy khóc, bứt rứt, hoặc ngủ li bì gọi khó dậy.

  • Không đo được mạch, huyết áp của trẻ.

Khi nhận ra những dấu hiệu này, mẹ nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết bao gồm xuất huyết ồ ạt, giảm huyết áp đột ngột. Trẻ có thể bị suy tuần hoàn, trụy tim trong vòng 8-24h, nguy cơ tử vong cao. Khi tình huống xấu xảy ra, bác sĩ chuyên môn cao được sự hỗ trợ của thiết bị y tế đầy đủ sẽ đảm bảo con luôn được an toàn. 

Trẻ được chăm sóc tại nhà mẹ cũng phải luôn theo dõi 24/24. Mẹ nên biết là biến chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả lúc con đã hạ sốt. Vì thế mẹ không nên chủ quan mà vẫn phải theo sát trẻ liên tục cho đến khi phục hồi.

Mẹ biết không, trẻ mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có nguy cơ mắc lại lần 2, lần 3. Đặc biệt, những lần sau diễn biến bệnh thường nặng hơn so với lần trước. Vì vậy, rút kinh nghiệm lần 1, lần 2 chúng ta phòng ngừa hiệu quả hơn các mẹ nha!

Cách Phòng Bệnh Sốt Xuất Huyết Hiệu Quả

BlockNote image

Mẹ hãy bảo vệ trẻ và gia đình bằng cách:

  • Luôn ngủ màn dù là ban ngày.

  • Mặc quần áo dài tay, bôi thuốc/kem/tinh dầu chống muỗi ở vị trí không được che chắn, nhất là hai chân.

  • Dùng nhang muỗi, bình xịt côn trùng. Tuy nhiên thực lòng mà nói mẹ nên hạn chế dùng những cách này. Hóa chất trong nhang hay bình xịt đều không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó mẹ nên dùng vợt bắt muỗi hoặc tinh dầu tự nhiên xông chống muỗi,…

  • Dọn dẹp nhà cửa, vườn cây xung quanh để làm mất nơi ẩn náu của muỗi. Các dụng cụ chứa nước nên được đậy kín hoặc thả cá bảy màu. Mẹ úp chúng lại luôn nếu không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng.

  • Thu gom tất cả chai lọ, mảnh vỡ có nước đọng. Các ao tù, vũng nước nên được khơi thông.

  • Hưởng ứng các đợt phun thuốc chống muỗi.

Lời Kết

Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ thật là “khó ưa” phải không mẹ? Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết chủ yếu là hạ sốt và nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho trẻ. Điều quan trọng khi chăm con là mẹ hãy thật bình tĩnh và kiên nhẫn. Hãy luôn chủ động theo dõi các dấu hiệu của con để tránh những biến chứng nguy hiểm mẹ nhé. 

Mình biết sẽ có những lúc mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, stress, dường như không thể vượt qua. Những lúc ấy, đừng ngại ngần chia sẻ cùng các mẹ Việt khác trong Cộng Đồng Mẹ Việt nhé. Chúng mình sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng mẹ trên hành trình cùng con trưởng thành.