Mấy hôm trước con đi học về thì bị sốt cao. Nhận biết qua các dấu hiệu đặc trưng mẹ xác định con bị sốt siêu vi. Vậy mà hôm nay mẹ lại thấy xuất hiện thêm mấy nốt đỏ lấm tấm trên người con. Mẹ hoang mang tự hỏi sốt siêu vi có phát ban không? Nếu có thì sốt siêu vi phát ban ở trẻ em có nguy hiểm không? Trẻ sốt siêu vi phát ban cần chăm sóc đặc biệt như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp những thắc mắc của mẹ nhé.
Sốt siêu vi là bệnh thường gặp ở trẻ em. Có hàng ngàn chủng virus là tác nhân gây bệnh sốt siêu vi. Những triệu chứng chung của sốt siêu vi như sốt cao, đau nhức cơ, mệt mỏi,… Ngoài ra, trẻ nhiễm siêu vi còn xuất hiện những triệu chứng khác như: viêm họng, ho, đau bụng, buồn nôn,…
Trong nhiều virus gây ra sốt siêu vi, một số virus có khả năng gây phát ban. Phát ban thường xảy ra sau 2-3 ngày, khi trẻ đã bắt đầu hạ sốt. Trẻ có thể nổi những nốt mẩn đỏ hay nổi những mảng da màu hồng nhỏ khắp cơ thể. Như vậy, trẻ sốt siêu vi có thể phát ban mẹ nha.
Một số bệnh nguy hiểm cũng có triệu chứng phát ban như sởi, rubella, sốt xuất huyết, nhiễm trùng da,… rất dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi. Những bệnh này cần theo dõi và điều trị riêng. Trong khi đó, phát ban ở sốt siêu vi không gây nguy hiểm và có thể tự lặn sau một thời gian.
Thường mẹ rất khó phân biệt giữa sốt siêu vi phát ban và các bệnh sởi, rubella, sốt xuất huyết,… An toàn nhất là khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện. Các bác sĩ có thể yêu cầu trẻ làm xét nghiệm máu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Nếu kết luận trẻ sốt siêu vi phát ban thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc và cho bé về nhà nghỉ ngơi. Như vậy, sốt siêu vi phát ban không nguy hiểm. Mẹ đừng quá lo lắng nhé!
Xem thêm: Sốt Siêu Vi Ở Trẻ – Thông tin từ A-Z
Thực ra, chăm sóc sốt siêu vi phát ban ở trẻ em không có yêu cầu gì đặc biệt. Mẹ chủ yếu giúp trẻ tăng cường sức đề kháng qua những yếu tố sau:
Theo dõi nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ khi cần thiết. Mẹ kết hợp chườm ấm giúp trẻ hạ sốt nhanh.
Mẹ mặc quần áo mỏng, rộng rãi để trẻ thoáng mát, tránh trầy xước các nốt ban gây nhiễm trùng.
Bù đủ nước, điện giải cho trẻ: mẹ cho trẻ uống nhiều nước như nước lọc, nước hoa quả, súp hoặc oresol.
Cách ly trẻ để tránh nhiễm khuẩn cũng như lây nhiễm cho các trẻ khác.
Mẹ cắt ngắn móng tay cho trẻ, hạn chế trẻ gãi làm trầy xước các nốt ban.
Nếu trẻ bị ngứa, bác sĩ sẽ cho trẻ thuốc uống/kem bôi giảm ngứa tạm thời để giúp trẻ đỡ khó chịu.
Những hướng dẫn về hạ sốt bằng thuốc hay bằng phương pháp dân gian, các lưu ý chăm sóc khác, mẹ xem TẠI ĐÂY. Bên cạnh một chế độ chăm sóc hợp lý, để trẻ nhanh khỏi bệnh mẹ nên tránh những sai lầm sau đây.
Sau khi trả lời được câu hỏi sốt siêu vi có phát ban không sẽ là ti tỉ câu hỏi xoay quay vấn đề phát ban. Những câu hỏi “được truyền tụng theo năm tháng” này gây không ít hoang mang cho các mẹ. Mình sẽ bàn về những hiểu lầm phổ biến nhất để giúp các mẹ hiểu đúng về sốt siêu vi phát ban nhé.
Các bà các mẹ thường bảo nhau trẻ phát ban nhiều là tốt. Phát ban ít là còn ban trong người sẽ gây độc, trẻ lâu hết bệnh. Sự thật là, phát ban cũng giống như các triệu chứng khác như sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy,… Ban có thể phát nhiều hay ít, phát một chỗ hay toàn thân. Thời gian lặn ban có thể nhanh hay chậm. Ban có thể ngứa hay không.
Mẹ không cần quá chú tâm bởi những yếu tố này là không thể can thiệp được và cũng không mang nhiều ý nghĩa. Triệu chứng sẽ được quyết định bởi bệnh nền (do virus nào gây ra) và cơ địa của mỗi người. Những yếu tố này không nói lên bệnh nặng hay nhẹ, bệnh diễn tiến tốt hay không.
Vì vậy, điều mà mẹ cần quan tâm không phải là phát ban như thế nào. Mẹ nên quan sát con sốt siêu vi có phát ban không để lựa chọn cách chăm sóc phù hợp.
Chính hiểu lầm trẻ nên phát ban nhiều ra để tránh tồn độc tố mà thuốc “xuất ban” có mặt. Nếu bệnh trẻ mắc phải có triệu chứng phát ban, trẻ sẽ theo đúng “lộ trình” đã định sẵn mà phát ban. Dù trẻ có uống thuốc gì thì cũng không tác động được lên việc phát ban đâu mẹ ạ.
Chuyện kiêng cữ gió máy, tránh lạnh, kiêng nước, kiêng thức ăn, cũng không thể giúp can thiệp vào vấn đề phát ban. Chăm sóc khi trẻ bệnh cũng đủ mệt rồi nên mẹ có thể cắt bớt những bước rườm rà, không ý nghĩa này nhé. Mẹ sẽ cảm thấy thoải mái và đỡ áp lực hơn nhiều đấy!
Chuyện này không biết bao nhiêu lần đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng giữa bà và mẹ. Bà theo kinh nghiệm ngày xưa thì không cho trẻ tắm vì sợ nhiễm nước. Mẹ thì khăng khăng tắm cho trẻ bằng được.
Ngày nay, các bác sĩ khuyên mẹ nên tắm cho trẻ sốt siêu vi để giữ vệ sinh sạch sẽ cho con. Trẻ bệnh đổ mồ hôi nhiều rất dễ bị ngứa ngáy, khó chịu. Thêm vào đó, bụi bẩn tích tụ trên da trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn, virus ẩn nấp. Điều này tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bội nhiễm ở trẻ.
Sốt siêu vi phát ban ở trẻ em tuy trông khá “sợ” nhưng thực chất lại lành tính. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng chủ quan. Nếu thấy ban sau 1 tuần không có dấu hiệu thuyên giảm hay xuất hiện mủ là có dấu hiệu bội nhiễm. Hoặc nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng KHÁC như: có sốt cao, lừ đừ, biếng ăn, ói nhiều, thở mệt,… Đó là những dấu hiệu nguy hiểm. Mẹ cần đưa trẻ tái khám ngay. Nếu tất cả các yếu tố khác đều tốt, mẹ hãy yên tâm chăm sóc trẻ ở nhà và đợi ban lặn.
Như vậy, loại trừ các trường hợp nguy hiểm ra, sốt virus phát ban lành tính. Cách chăm sóc ở nhà cũng khá đơn giản. Những nốt phát ban dù mẹ có làm gì hay không thì cũng sẽ tự lặn. Vì vậy, mẹ không cần “lao tâm khổ tứ” tìm mọi cách để “trị” ban đâu. Bên cạnh những phương pháp dân gian có hiệu quả, cũng có nhiều cách cần kiểm chứng thêm. Mẹ hãy tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi áp dụng cho con nhé. Mẹ cũng có thể tham khảo những kinh nghiệm đã được áp dụng thực tế của mẹ Việt trong các bài viết. Nếu mẹ cần thêm thông tin hay còn thắc mắc cần tư vấn, mẹ liên hệ mình tại đây nhé!