Biểu Hiện Viêm Phổi Ở Trẻ Sơ Sinh Mẹ Có Thể Nhận Biết Sớm

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 18/11/2019
23 phút đọc

Viêm phổi ở trẻ em là mối lo hàng đầu của các mẹ khi con bị các bệnh về hô hấp kéo dài. Lo lắng này là có cơ sở vì viêm phổi là bệnh nguy hiểm và có diễn biến nhanh. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời con sẽ được an toàn. Vì vậy, dù bé của mẹ có đang bệnh về hô hấp hay không, mẹ vẫn nên đọc bài này. Tìm hiểu trước biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ giúp mẹ luôn chủ động bảo vệ con yêu đấy.

Ba điểm quan trọng về bệnh viêm phổi ở trẻ em mẹ cần biết là:

  • Viêm phổi là gì? Những dấu hiệu điển hình giúp nhận biết sớm bệnh viêm phổi. 

  • Biết được viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thực sự nguy hiểm không? Khi nào mẹ nên đưa con đi bệnh viện?

  • Việc mẹ cần làm khi con bị viêm phổi.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tìm hiểu về nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em. Hiểu nguyên nhân sẽ giúp mẹ phòng bệnh hiệu quả cho con và cả gia đình.

Nào, bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu viêm phổi là gì nhé!

Viêm Phổi Là Gì?

Như chúng ta đã biết, phổi là nơi trao đổi khí của cơ thể. Khi trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, virus/vi khuẩn có thể xâm nhập vào phổi, cụ thể là các phế nang. Phổi lúc này sẽ tiết ra dịch để ngăn ngừa phổi bị nhiễm trùng. Chất dịch làm tắc nghẽn các túi khí nhỏ trong phổi, tạo nên những phế nang chứa mủ và gây viêm phổi.

Các dịch nhầy ngày càng nhiều sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp cho máu. Trẻ thiếu oxy sẽ gặp khó thở và cơ thể không thể hoạt động bình thường.

Tìm hiểu thêm về bệnh đường hô hấp: Bách Khoa Toàn Thư Về Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em 

Biểu Hiện Viêm Phổi Ở Trẻ Sơ Sinh, Trẻ Nhỏ

BlockNote image

Thở Nhanh

Trẻ con vốn dĩ đã thở nhanh hơn người lớn do hệ hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, khi bị viêm phổi, các khoang phổi đầy mủ và dịch nhầy, choáng hết chỗ của không khí. Con phải thở nhanh hơn để lấy đủ oxy. Thở nhanh ở trẻ được xác định theo từng độ tuổi:

  • Dưới 2 tháng tuổi: >60 lần/phút.

  • Từ 2 tháng – 1 tuổi: >50 lần/phút.

  • Trên 1 tuổi: >40 lần/phút .

Cách mẹ đếm nhịp thở chính xác:

  • Dùng đồng hồ có kim giây, đồng hồ bấm giờ đếm nhịp thở của trẻ trong đúng 1 phút. 

  • Mẹ vén áo trẻ lên, nhìn vào bụng hoặc ngực của trẻ để đếm. Mỗi lần hít vào, thở ra được tính là một nhịp thở. Hoặc mẹ cũng có thể sờ tay lên ngực con để cảm nhận và đếm.

  • Cho con nằm yên hoặc đợi con ngủ sẽ cho kết quả đo chính xác. Nếu con khóc, sợ hãi hay bị kích thích làm tăng nhịp thở sẽ làm sai lệch kết quả.

  • Mẹ có thể đếm như vậy ít nhất 2-3 lần để có kết quả chính xác.

Rút Lõm Lồng Ngực

Rút lõm lồng ngựcdấu hiệu viêm phổi ở trẻ em điển hình mẹ có thể nhận biết sớm.

Trẻ gặp khó khăn về đường thở sẽ phải gắng sức thở. Mẹ dễ dàng biết được điều này khi thấy hai cánh mũi con phập phồng, thở rên. Ngay khi phát hiện con gắng sức thở, mẹ vén áo lên xem con có dấu hiệu rút lõm không.

Khi con hít vào, phần dưới lồng ngực lõm xuống. Dấu hiệu này là do con phải huy động cả cơ hoành và lồng ngực cùng tham gia thở. 

Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi hít thở cũng sẽ có lõm nhẹ do lồng ngực của trẻ còn yếu. Khi nào mẹ thấy trẻ hít thở lõm sâu thì mới là dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em mẹ nhé.

Trẻ Bị Ho

Trẻ bị viêm phổi có thể bị ho vừa đến ho nặng tiếng. Ban đầu là ho khan, sau chuyển thành ho có đờm. Tuy nhiên với một số trẻ nhỏ hoặc yếu sẽ không ho hoặc ho ít. 

Ho là phản xạ tự vệ của cơ thể đẩy chất nhầy nhiễm khuẩn ra khỏi cơ thể. Thế nên nếu trẻ không quá mệt, mẹ không cần can thiệp bằng các loại thuốc ức chế ho. Mẹ cho trẻ uống các bài thuốc giảm ho tự nhiên sẽ hiệu quả và an toàn hơn.

Trẻ ho ra máu thì lại là trường hợp rất nguy hiểm. Trẻ cố gắng ho có thể khạc ra máu tươi, có bọt. Kèm theo đó trẻ cảm thấy đau ngực, nóng rát sau xương ức, ngứa ran cổ họng. Tình trạng này mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ sớm mẹ nhé.

Trẻ Bị Sốt 

Biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh ban đầu có thể không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Tuy nhiên, mẹ không nên chủ quan vì trẻ vẫn có nguy cơ suy hô hấp mà không hề sốt. 

Đây là lý do mình luôn tư vấn cho các mẹ không nên quan tâm nhiều đến triệu chứng sốt. Thay vào đó, mẹ hãy tập trung quan sát dấu hiệu đặc trưng thở nhanh và rút lõm lồng ngực.

Những Dấu Hiệu Khác

  • Đau tức ngực: không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho.

  • Đau bụng, nôn:  không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.

  • Da mặt và môi xanh, tím tái: do thiếu oxy.

  • Thở rít, thở khò khè. 

  • Các dấu hiệu viêm đường hô hấp khác như viêm họng, nghẹt mũi,… 

  • Mệt mỏi, quấy khóc, đau đầu, biếng ăn,…

BlockNote image

Viêm phổi là một trong những bệnh viêm hô hấp dưới. Tuy nhiên, các bệnh viêm hô hấp dưới khác cũng có triệu chứng tương đồng như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản,… thường lành tính. Mẹ chỉ cần chăm sóc và theo dõi trẻ ở nhà. Trong khi với viêm phổi, mẹ cần phát hiện sớm để tránh nguy hiểm cho trẻ. Vậy làm thế nào mẹ biết được các dấu hiệu của con là viêm phổi hay các bệnh viêm đường hô hấp dưới khác? Phần tiếp theo mình sẽ gợi ý cho mẹ một vài cách xác định chính xác.

Đọc thêm: Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em Và Cách Mẹ Nhận Biết

Làm Sao Xác Định Trẻ Có Bị Viêm Phổi Không?

Mẹ quan sát nếu trẻ có TẤT CẢ các biểu hiện trên thì nhiều khả năng là trẻ đã bị viêm phổi.

Nếu con chỉ có 1 hay 2 triệu chứng thì khả năng con bị viêm phổi thấp. Con có thể nhiễm các bệnh khác như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản,…

Ba dấu hiệu quan trọng nhất mẹ đặc biệt chú ý là ho, sốt và thở nhanh/rút lõm lồng ngực. Cụ thể:

  • Trẻ ho rất nhiều, sốt, đau ngực nhẹ khi ho, thở bình thường: trẻ ít có khả năng viêm phổi.

  • Trẻ ho nhiều, có nôn nhưng KHÔNG SỐT, không thở nhanh hay thở rút lõm lồng ngực: ít khả năng viêm phổi.

  • Con vừa ho, sốt và thở nhanh/rút lõm lồng ngực, khả năng cao là viêm phổi.

Viêm Phổi Ở Trẻ Sơ Sinh Có Nguy Hiểm Không?

Đây là câu hỏi đặc biệt cần thiết với các mẹ lần đầu có con nhỏ. Các mẹ biết không, khác với việc sổ mũi, viêm họng là dấu hiệu thông thường của bệnh đường hô hấp. Trẻ có thể tái phát nhiều lần khi thời tiết thay đổi. Mẹ cũng chỉ cần chăm sóc con ở nhà là đủ. Tuy nhiên viêm phổi không đơn giản như vậy. Cũng khởi phát với các triệu chứng thông thường trên, nhưng khi viêm nhiễm lan tới phổi thì trẻ cần phải được chăm sóc y tế kịp thời.

Trẻ viêm phổi nặng nếu không được cấp cứu kịp thời dễ bị thiếu oxy, suy hô hấp, ngưng thở. Do đó, viêm phổi được xếp là bệnh nguy hiểm. Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

Không chỉ ảnh hưởng hệ hô hấp, viêm phổi còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác:

  • Viêm màng não.

  • Nhiễm trùng máu.

  • Tràn mủ màng phổi (ít gặp).

  • Tràn dịch màng tim, trụy tim.

  • Gây còi xương về sau.

Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em, mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. 

Khi Nào Con Cần Đi Bệnh Viện Ngay?

BlockNote image

Mình rất hiểu nỗi lo lắng lớn nhất của mẹ là con thường có triệu chứng nặng vào ban đêm. Mẹ băn khoăn không biết có nên đưa con đi khám liền hay không? Cách tốt nhất để đưa ra quyết định là xem xét các biểu hiện của con.

Nếu con chỉ thở nhanh hay rút lõm lồng ngực, mẹ có thể bình tĩnh chăm sóc trẻ. Mẹ sắp xếp đưa trẻ đi khám sớm sáng hôm sau. 

Nếu trẻ có dấu hiệu TÍM TÁI ở môi, mặt, mẹ lập tức đưa trẻ đi cấp cứu. Trẻ đang thiếu oxy nên cần được cấp cứu nhanh nhất có thể.

Con được bác sĩ chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ không gặp nguy hiểm. Con được an toàn, mẹ cũng vơi bớt gánh nặng trong lòng phải không nào!

Ở bệnh viện, các bác sĩ sẽ yêu cầu con lấy máu xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây viêm phổi. 

Nguyên Nhân Gây Viêm Phổi Ở Trẻ Em

Trẻ có thể bị viêm phổi do các nguyên nhân sau:

Do virus: Rhino, Corona, cúm,  parainfluenza, virus hợp bào hô hấp RSV,… 

Do vi khuẩn: Haemophilus Influenzae (Hib), phế cầu khuẩn, Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm,… Vi khuẩn thường tấn công trẻ sau các đợt bệnh do virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch.

Do nấm mycoplasma, chlamydia: gây ra viêm phổi không điển hình.

Viêm phổi ở trẻ em có thể xảy ra độc lập. Tuy nhiên phần lớn bệnh là biến chứng của các trường hợp viêm đường hô hấp khác như viêm hô hấp trên, viêm phế quản,…

Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá,… cũng là tác nhân gây viêm phổi nếu trẻ tiếp xúc trong thời gian dài.

Cách Chữa Viêm Phổi Ở Trẻ Em

Cách chữa viêm phổi ở trẻ em sẽ khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. 

Kháng sinh: bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho con để điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Mẹ cho con uống đúng và đủ liều ngay cả khi các dấu hiệu thuyên giảm nhé! Việc này sẽ giúp con không bị vấn đề kháng kháng sinh.

Hít thở hơi nước ấm và vỗ lồng ngực: phương pháp này rất quan trọng và hiệu quả. Mẹ cho trẻ ngồi trong phòng tắm đã bật vòi sen với nước nóng, hít thở hơi nước ấm khoảng 10 phút. Mẹ thực hiện đều đặn 4-6 lần/ngày. Sau đó, khum bàn tay và vỗ vào lồng ngực nơi trẻ được chẩn đoán là có viêm phổi. Vỗ nhanh trong 1 phút, nghỉ 1 phút, rồi lặp lại như vậy trong vòng 10 phút. Động tác này giúp long đờm nên trẻ ho và khạc đờm trong lúc vỗ là tốt mẹ nhé!

Giảm triệu chứng ho: mẹ có thể dùng thuốc long đờm để làm loãng chất nhầy trong phổi của con. Buổi đêm nếu con ho nhiều, mẹ có thể dùng thêm thuốc ức chế cơn ho để con ngủ yên. Tuy nhiên, ho là phản xạ có ích nên mẹ chỉ dùng thuốc khi ho nhiều làm con mệt mỏi.

Dù biết rằng viêm phổi nếu được chữa sớm sẽ không nguy hiểm cho con. Mỗi lần con bệnh mẹ vẫn không tránh được cảm giác như ngồi trên đống lửa. Vì vậy, mẹ hãy phòng ngừa viêm phổi để không bao giờ phải lo lắng nữa nhé!

BlockNote image

Phòng Ngừa Bệnh Viêm Phổi Ở Trẻ Em

Chủng ngừa vắc xin: cúm, Ho gà, Hib, phế cầu hiện nay đã có vắc xin. Mẹ chủng ngừa đầy đủ là có thể yên tâm vì trẻ được bảo vệ an toàn.

Dùng riêng đồ dùng sinh hoạt, nhất là khi có các bệnh về đường hô hấp.

Chăm sóc bệnh về đường hô hấp thật tốt để trẻ không biến chứng sang viêm phổi.

Luôn rửa tay sạch trước khi chăm trẻ. Trẻ lớn mẹ nên tập thói quen rửa tay sau khi ăn, chơi đồ chơi, vệ sinh,…

Kết Luận

Viêm phổi ở trẻ em tuy là bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể nhận biết trong những ngày đầu. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ viêm phổi, mẹ chú ý quan sát kỹ các dấu hiệu quan trọng nhé! 

Kinh nghiệm của mình là đừng đợi nước tới chân mới nhảy các mẹ à. Các mẹ trong Cộng Đồng Mẹ Việt thường trao đổi thảo luận sôi nổi về các chủ đề nuôi con khỏe, chăm con ốm. Những trao đổi trở nên hữu ích khi giúp nhiều mẹ chủ động nhận biết bệnh và chăm sóc trẻ. Đặc biệt lợi ích lớn nhất là khi hiểu về bệnh mẹ dần có ý thức phòng bệnh hơn. Từ đó, bé của mẹ hết hẳn bệnh vặt, tập trung phát triển ngày càng khỏe mạnh, thông minh. Mẹ cũng tham gia Cộng Đồng những bà mẹ năng động của chúng mình. Chúng ta hãy cùng nhau đồng hành và chuẩn bị những điều tốt nhất cho con yêu mẹ nhé!