Chữa Ho Đờm Ở Trẻ Sơ Sinh Không Dùng Kháng Sinh

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 12/12/2019
17 phút đọc

Trong bài chia sẻ trước, mẹ đã hiểu về tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc khi trẻ ho. Đặc biệt là thuốc kháng sinh. Không những tỷ lệ trẻ ho cần sử dụng thuốc kháng sinh là rất thấp (chỉ vào khoảng 1%). Mà sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi còn gây nên tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Vì vậy trong bài viết này mình chia sẻ cùng các mẹ những cách chữa ho đờm ở trẻ sơ sinh không dùng kháng sinh. Thay vào đó, mẹ dùng những bài thuốc dân gian trị ho vừa hiệu quả lại an toàn cho con.

Bài Thuốc Chữa Ho Đờm ở Trẻ Sơ Sinh

Những bài thuốc chữa ho đờm ở trẻ sơ sinh hầu hết dùng hình thức chưng (hấp) cách thủy. Mẹ sử dụng các nguyên liệu khác nhau dưới đây chưng với đường phèn trong 15-20 phút. Mật ong cũng rất tốt nhưng có thể làm trẻ dưới 1 tuổi bị dị ứng, ngộ độc. Vì thế, mẹ có thể thay thế đường phèn bằng mật ong khi trẻ đã trên 1 tuổi nhé. 

Chanh Đào

Vỏ chanh chứa nhiều tinh dầu, ruột chanh có nhiều vitamin có tác dụng kháng viêm, trị ho rất tốt. Đường phèn có hương vị ngọt, tốt cho phổi. 

Để chữa ho đờm bằng chanh đào, mẹ làm như sau:

  • Cắt chanh đào thành những lát mỏng, cho vào bát, thêm ít đường phèn, hấp cách thủy rồi để nguội.

  • Mẹ cho con uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1 muỗng cà phê.

Nhà có con nhỏ, mẹ cũng nên làm 1 hũ chanh đào ngâm mật ong/đường phèn để dùng dần. Mẹ nên chọn mua chanh vào tháng 9-10 là chính vụ, giá rẻ, quả chất lượng nhất và đồng đều. Mua trái vụ, quả vừa không ngon giá lại chát mẹ à.

Tuy nhiên, chanh còn có khả năng kích thích dạ dày. Vậy nên nếu bụng em đang yếu, hay đi ngoài, mẹ không dùng cách này nha.

Quất (Tắc)

Theo Đông y, quất có vị chua ngọt, tính mát, chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường, vitamin,… Quất có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, kháng virus, vi khuẩn

Cách làm:

  • Mẹ chọn quất xanh còn non 2-3 trái, cắt nhỏ, cho ít đường phèn rồi đem hấp cách thủy.

  • Mẹ để nguội hoặc cho con dùng lúc còn ấm, 3 lần/ngày. Mỗi lần 1 muỗng.

  • Quất xanh mẹ chưng chung với hoa đu đủ đực/hoa hồng bạch và lá hẹ cũng rất hiệu quả.

Quất xanh chưng lên có thể còn hơi đắng do tinh chất trong phần vỏ. Nhưng vị đắng này là tốt nên mẹ chịu khó cho con uống nhé. Con không uống được nhiều một lần, mẹ cho con nhấp từ từ từng chút một.

Quả Lê

BlockNote image

Theo Đông y, quả lê có vị ngọt, tính hàn, tốt cho phổi và dạ dày. Mẹ làm bài thuốc lê chưng đường phèn sẽ giúp con hết ho và tiêu đờm.

Mẹ chọn quả lê chín vàng, mọng nước, cắt nhỏ hoặc cắt lát mỏng khoảng 100gr. Mẹ cho vào chén cùng đường phèn đem hấp cách thủy. Nước lê chưng ngọt ngọt, thơm thơm dễ uống nên con sẽ thích hơn những cách khác. Mẹ cho con uống 3-4 lần/ngày, mỗi lần 2-3 muỗng để nhanh có tác dụng nhé.

Mẹ cũng có thể làm nước lê – gừng để chữa ho cho con cũng rất hiệu quả.

Cách làm:

  • Lê rửa sạch, gọt vỏ, cắt hạt lựu.

  • Gừng (chỉ cần 1 nhánh nhỏ), rửa sạch, cạo vỏ, cắt sợi.

  • Mẹ cho tất cả vào nồi cùng một ít đường phèn, đổ nước lọc ngập lê và gừng. 

  • Ngâm trong vòng 30 phút cho các nguyên liệu ra nước.

  • Tiếp theo, mẹ nấu nhừ trong 45 phút rồi tắt bếp, để nguội.

  • Mẹ cho con uống 1 ít. Phần còn lại có thể bỏ trong hũ thủy tinh đậy kín bảo quản trong vài ngày.

Cách này sẽ cho nhiều nước lê-gừng hơn so với chưng. Bất kỳ khi nào con ho, mẹ cho con nhấm nháp một ít. Vị ngọt thanh của nước lê và the the của gừng giúp làm dịu cơn ngứa rát cổ họng. Con sẽ không ho nhiều nữa.

Lá Hẹ

Lá hẹ có tính ấm, vị cay ngọt, có tác dụng kháng khuẩn, tiêu đờm cho trẻ. Hẹ rất dễ sống nên mẹ có thể tự trồng trong một chậu cảnh nhỏ ngoài vườn hay ban công. Khi nào con ho mẹ đều có dùng ngay.

Cách làm: 

  • Lá hẹ mẹ rửa sạch, cho vào chén cùng ít đường phèn đem hấp cách thủy.

  • Mẹ chắt lấy nước cho con uống 2 lần/ngày. Mỗi lần 2-3 muỗng.

  • Mẹ nên dùng lá hẹ nhỏ (hẹ sẻ) sẽ hiệu quả hơn.

  • Trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể xay lá hẹ cùng một ít mật ong rồi cho con uống sống.

Lá hẹ đối với trẻ sơ sinh có vị tanh hơi khó nuốt. Con sẽ hợp tác hơn nếu mẹ chịu khó bày trò, tạo không khí vui vẻ lúc cho con uống. Đồng thời, mẹ tập cho con thói quen ăn đa dạng các loại rau ngay khi bắt đầu ăn dặm. Con quen mùi vị sẽ không từ chối những bài thuốc ho hiệu quả này đâu.

Lá Húng Chanh (Tần dày lá)

Lá húng chanh có chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là cavaron. Đây là thành phần có tác dụng tiêu đờm nên chữa ho có đờm ở trẻ sơ sinh rất tốt.

Cách làm: 

  • Lá húng chanh mẹ rửa sạch giã nhỏ, cho vào 10ml nước sôi ngâm cho tinh dầu tiết ra nước. 

  • Mẹ chắt nước cho con uống 2 lần/ngày.

Nếu cách này mùi lá húng chanh vẫn còn nồng, con khó uống thì mẹ thay bằng hấp cách thủy nhé. 

  • Mẹ xay nhuyễn 1 nắm lá húng chanh và 2 quả quất xanh. 

  • Cho thêm ít đường phèn rồi mẹ hấp cách thủy. Mẹ để nguội cho con uống ngày 2 lần, uống liên tục sẽ thấy con giảm ho đờm rõ rệt.

Lá Tía Tô (é tía)

BlockNote image

Tía tô có tính ấm, vị cay, kháng khuẩn cao, mẹ có thể dùng trị ho cho trẻ sơ sinh. 

Cách làm:

  • 20gr lá tía tô kết hợp 5gr hoa đu đủ đực, 5 gr hoa khế, mẹ đem chưng đường phèn.

  • Mẹ cho con uống 3-4 lần/ngày, mỗi lần nửa muỗng cà phê.

Tía tô mẹ dùng nấu cháo cho con ăn vừa trị ho, vừa giải cảm nhanh chóng. Mẹ nấu cháo trắng, có thể thêm ít thịt heo, thịt gà xay nhuyễn hay xé nhỏ (tùy độ tuổi). Cháo gần chín, mẹ xắt thật nhỏ/xay lá tía tô bỏ vào rồi đảo đều cho chín thì tắt bếp. Lá tía tô cắt dạng sợi có thể làm con lợn cợn dễ bị nôn. Mẹ nên cắt nhỏ ra nữa để con dễ nuốt nhé. Nếu nhà có sẵn củ gừng, mẹ lấy một nhánh con cắt nhỏ bỏ vào chung ăn cũng rất tốt.

Ngoài ra, mẹ có thể dùng lá diếp cá, cải cúc, lá xương sông chưng đường phèn theo cách trên. Mẹ chắt lấy nước cho con uống có tác dụng chữa ho đờm ở trẻ sơ sinh rất hiệu nghiệm.

Nếu không có thời gian chưng, mẹ có thể hấp cơm cũng được nhé. Mẹ chỉ cần đậy nắp bát thuốc để mùi không lẫn vào cơm là được.

Những bài thuốc này, hầu hết các mẹ đều đã biết. Có mẹ áp dụng rất hiệu quả cho con. Mẹ thì lại bảo không. Qua nhiều năm tư vấn, mình nhận ra một số hiểu lầm mẹ thường gặp trong quá trình áp dụng. Mình đã chia sẻ về cách hiểu đúng dưới đây để các mẹ cùng tham khảo nhé!

Hiểu Đúng Về Chữa Ho Bằng Các Bài Thuốc Dân Gian

BlockNote image

Thời điểm phát huy tác dụng tốt nhất: ngay khi con vừa chớm ho. Nếu con ho mấy ngày mẹ mới bắt tay vào chữa thì thời gian chữa dứt điểm sẽ kéo dài.

Đều đặn: Mẹ cho con uống đều cho đến khi dứt ho hẳn mới ngưng. Quân địch chỉ mới yếu đi mà mẹ đã vội rút binh thì chúng chớp thời cơ phản công đấy. 

Bài thuốc hợp với con. Cũng giống như món ăn, có món con thích con không thích. Nên mình giới thiệu nhiều bài thuốc để mẹ thử vài lần xem con hợp với cách nào hơn nhé!

Điều trị cùng lúc: để các triệu chứng không tự làm nặng lẫn nhau. Ví dụ, con ho kèm sổ mũi, nghẹt mũi mẹ phải trị đồng thời cả hai. Sổ mũi, nghẹt mũi không được “trị” sẽ nặng dần, chảy nước mũi xuống họng gây ho dai dẳng.

Đọc thêm: Cách Trị Ho Sổ Mũi Cho Trẻ Sơ Sinh Nhanh Chóng Và Hiệu Quả

Bài thuốc dân gian trị ho chỉ điều trị triệu chứng trong các trường hợp bệnh nhẹ. Bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản (do vi khuẩn) cần được điều trị tận gốc. Do đó, nếu sau vài ngày chăm sóc mà ho không thuyên giảm, mẹ nên đưa con đi khám. Điều này không có nghĩa là các bài thuốc không có tác dụng. Đơn giản là bệnh nặng hơn con cần được điều trị thêm các triệu chứng khác. Mẹ để ý quan sát các biểu hiện của con sẽ biết con đang mắc bệnh gì.

Chi tiết: Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Phải Làm Sao? Ý Nghĩa Tiếng Ho Của Trẻ

Kết Luận

Chữa ho đờm ở trẻ sơ sinh bằng các bài thuốc dân gian không hề khó đúng không các mẹ! Những cách này thực hiện cũng khá đơn giản. Cái chính là mẹ cần hiểu đúng và kiên trì thực hiện sẽ thấy kết quả bất ngờ. Chúc bé yêu của mẹ luôn khỏe mạnh, vui vẻ, tươi tắn mỗi ngày ^^