Trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm là biểu hiện thường gặp ở trẻ. Trẻ đột nhiên thở khò khè làm mẹ hoang mang, không biết con bị bệnh gì. Câu trả lời không hề khó các mẹ à. Mẹ kết hợp quan sát thêm các yếu tố khác để tìm nguyên nhân gây cho trẻ thở khò khè. Mình sẽ hướng dẫn các mẹ về các dấu hiệu cần lưu ý ở bên dưới nhé.
Cộng Đồng Mẹ Việt thường xuyên chia sẻ các kinh nghiệm, mẹo hay chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chủ đề giáo dục sớm, nuôi dạy trẻ thông minh. Hãy trở thành thành viên để cùng thảo luận chăm con khỏe, dạy con ngoan. THAM GIA NGAY
Thở khò khè ở trẻ sơ sinh là dấu hiệu con đang có vấn đề về đường hô hấp. Cụ thể là đường hô hấp bị tắc nghẽn, sưng, phù nề dẫn tới thu hẹp đường đi của không khí. Do đó, không khí khi lưu thông qua đây sẽ phát ra âm thanh khò khè.
Biểu hiện thở khò khè thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Độ tuổi này cuống phổi của con kích thước còn nhỏ sẽ rất nhạy cảm khi bị bệnh. Chúng rất dễ bị co thắt, phù nề, tiết dịch và dẫn đến tắc nghẽn.
Trẻ sơ sinh có đờm ngoài thở khò khè còn có các biểu hiện như: Khó thở, ho, tức ngực,… Con phải thở nhanh, hai cánh mũi phập phồng (thở gắng sức) để lấy đủ oxy. Vén áo con lên, mẹ sẽ thấy những cơ ở ngực co kéo nhiều hơn bình thường. Da mặt, môi, lưỡi hay móng tay, móng chân sẽ có màu xanh/tím nếu con không nhận đủ oxy. Con cũng đồng thời biếng ăn, hay sốt cao.
Cần tư vấn trực tiếp về trường hợp của bé: CLICK VÀO ĐÂY
Trường hợp này thường xảy ra đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ sinh mổ. Quá trình chuyển dạ khi sinh tự nhiên giúp trẻ tống hết dịch ối trong cơ thể ra ngoài. Trẻ sinh mổ không qua chuyển dạ sẽ còn sót dịch ối nên có thể thở khò khè.
Nếu trẻ khò khè do nguyên nhân này, mẹ sẽ không thấy trẻ sốt. Nhưng sau khi cho bú xong con thường nôn trớ nhiều. Trong bãi nôn có lẫn dịch nhầy trong. Mẹ nên tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều. Trẻ bú xong nôn trớ thêm vài lần sẽ tống hết dịch ối ra ngoài rồi thở lại bình thường.
Tuy nhiên, nếu trẻ còn sót nhiều, mẹ nên áp dụng vỗ lưng. Cách thực hiện mẹ xem tại phần chăm sóc nhé. Mẹ yên tâm triệu chứng này sẽ chấm dứt khi trẻ 3 tháng tuổi.
Trẻ khò khè có đờm thường là triệu chứng của viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, viêm amidan,… Tiếng thở khò khè tạo nên khi các ống phế quản, tiểu phế quản bị sưng, phù nề. Mẹ áp sát tai gần miệng hoặc phía sau lưng trẻ sẽ nghe rõ.
Bên cạnh đó, mẹ xem trẻ có thêm những dấu hiệu sau đây không nhé:
Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao.
Ho có đờm.
Nghẹt mũi, chảy mũi.
Đỏ mắt, chảy nước mắt.
Đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc.
Nếu trẻ có từ 2 dấu hiệu trở lên thì khả năng cao là bị viêm đường hô hấp dưới. Bệnh thường diễn ra trong thời gian ngắn 7-10 ngày. Riêng triệu chứng ho thường kéo dài hơn.
Chi tiết mẹ tham khảo: Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em Và Cách Mẹ Nhận Biết
Trẻ khò khè có đờm cũng có thể là triệu chứng của bệnh hen suyễn – một dạng viêm hô hấp mãn tính. Trẻ hen suyễn thường thở khò khè khi ngủ; ban đêm và về sáng có dấu hiệu nặng hơn, có thể kèm ho. Bệnh kéo dài dai dẳng và thường tái phát lúc giao mùa, thời tiết lạnh.
Hen suyễn là một bệnh di truyền. Trẻ khò khè có đờm nhiều mà trong nhà có người thân mắc hen thì mẹ nên nghĩ đến nguyên nhân này.
Trẻ bị hen mẹ nên cho trẻ tránh tiếp xúc các chất kích thích dị ứng: lông động vật, phấn hoa, hóa chất, bụi, xơ vải, phấn hoa, khói thuốc lá,…
Trẻ sơ sinh khò khè có đờm mà hay nôn trớ có thể do trào ngược dạ dày. Khi trẻ nôn trớ, ợ hơi có thể làm dịch tràn ngược vào khí quản, phổi dẫn đến khò khè.
Mẹ điều trị dứt điểm trào ngược dạ dày trẻ cũng sẽ chấm dứt thở khò khè như có đờm.
Một số bệnh sau cũng gây cho trẻ thở khò khè như có đờm. Tuy nhiên, tỷ lệ các bệnh này thường rất ít gặp. Vì thế, khi trẻ khò khè mẹ xem xét 4 nguyên nhân phổ biến trên trước. Loại trừ hết những bệnh trên mẹ mới xem về các bệnh lý sau nhé:
Mềm sụn thanh quản hoặc các mạch máu lớn chèn lên vùng thanh quản khiến bé bị khó thở. Các trường hợp này hầu hết tự khỏi khi con lớn, mẹ không cần can thiệp.
Trẻ bị tim bẩm sinh.
Trẻ có dị tật bất thường ở hệ hô hấp, dị tật hộp sọ.
Phổi có khối u.
Trẻ bị hóc, sặc dị vật.
Bệnh bẩm sinh hay dị tật thường ảnh hưởng đến sức khỏe chung của trẻ. Mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu thấy khò khè kéo dài cùng bú kém, chậm hoặc không tăng cân,…
Trẻ bị hóc, sặc dị vật ngoài thở khò khè thường cố gắng ho dữ dội để tống dị vật ra. Trẻ có thể xuất hiện chảy mủ, sốt do dị vật mắc kẹt lâu ngày gây viêm. Nên khi mẹ thấy trẻ đột nhiên thở khò khè và ho dữ dội, mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.
Cũng có trường hợp bé ăn ngoan ngủ khỏe, không sốt, không bệnh mà vẫn thở khò khè. Lúc này, có lẽ mẹ cần xem lại thói quen sinh hoạt cho trẻ nhé. Một số sai lầm sau có thể làm cho hệ hô hấp còn yếu của trẻ hoạt động yếu hơn.
Trẻ nằm gối quá cao.
Quần áo bó chật hay quá dày, nhiều lớp làm trẻ khó thở.
Đắp nhiều chăn.
Nằm sấp khi ngủ.
Mẹ chỉ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt, trẻ sẽ nhanh chóng thở lại bình thường.
Tùy vào nguyên nhân gây khò khè cho trẻ mà mẹ lựa chọn hướng xử trí phù hợp. Tuy nhiên, về cơ bản mẹ có thể chăm sóc trẻ như sau:
Vệ sinh mũi, họng sạch sẽ: bằng nước muối sinh lí. Con sẽ tránh bị ứ đọng đờm trong khoang mũi.
Giữ ấm cho trẻ để hạn chế bị sổ mũi, nghẹt mũi. Vì chất nhầy ở mũi chảy ngược vào cuống họng sẽ làm trẻ ho.
Tăng cường cho con bú mẹ: kháng thể từ sữa mẹ truyền sang giúp con nâng cao sức đề kháng. Hệ miễn dịch khỏe sẽ tự đẩy lui bệnh cho con.
Massage ngực và cổ cho con trước khi đi ngủ để giữ ấm và giúp thông thoáng đường thở. Con sẽ bớt khò khè hơn.
Chi tiết: 5 Bí Quyết Trị Khò Khè Cho Trẻ Sơ Sinh Mẹ Cần Bỏ Túi Ngay
Trường hợp trẻ thở khò khè do còn sót dịch ối, mẹ vỗ lưng cho con nhé!
Mẹ đặt trẻ nằm ngửa, không kê gối đầu.
Nhỏ từ ⅓-½ chai nước muối sinh lý 0.9% ( loại chai 10 ml) vào mũi trẻ. Mẹ đợi 2-3 phút cho nhầy loãng ra.
Thao tác nhanh và cẩn thận lật trẻ nằm úp xuống đùi mẹ, đầu thấp hơn mông. Một tay mẹ đỡ đầu trẻ, tay kia vỗ mạnh vừa phải vào mông hoặc giữa 2 bả vai. Trẻ khóc sẽ ói ra hết dịch đờm trong cổ họng.
Nếu mẹ không tự tin làm cách trên thì có thể thử cách này. Mẹ đặt trẻ nằm nghiêng trên một mặt phẳng. Một tay mẹ giữ đầu, tay kia (rửa sạch, mang gạc rơ lưỡi) đưa vào trong má trái/phải của trẻ. Mẹ ngoáy nhẹ kích thích trẻ nôn hết đờm.
Một hai lần đầu mẹ chưa quen có thể cảm giác lóng ngóng. Nhưng chỉ thêm vài lần thôi mẹ đã trở thành chuyên gia của con đấy. Và mẹ sẽ tự tin hơn khi áp dụng các kiến thức chuẩn chăm con đúng không nào :)
Trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm nếu vẫn ngủ ngoan, bú tốt thì mẹ có thể yên tâm. Triệu chứng hoàn toàn không ảnh hưởng đến trẻ và sẽ tự hết sau một thời gian.
Nếu mẹ bắt gặp con:
Mệt mỏi, quấy khóc.
Hai cánh mũi phập phồng.
Lồng ngực lõm sâu khi con hít thở.
Sốt cao liên tục trên 3 ngày.
Thở dốc, thở nhanh, rên rỉ, thở rít, khó thở.
Da tím tái, môi thâm.
Trẻ có dấu hiệu rối loạn tri giác, lừ đừ, ngủ mê,…
Khi nhận thấy con có những dấu hiệu nguy hiểm trên, mẹ ngay lập tức đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời sẽ bảo vệ con luôn an toàn.
Vậy đó mẹ à, tiếng thở của trẻ hơi khác lạ chút thôi mà đã có biết bao vấn đề. Nhưng mẹ đừng quá lo lắng nhé. Trước tiên mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện của con. Tiếp đó mẹ sàng lọc thông tin như đã hướng dẫn sẽ sớm nhận ra vấn đề và giải quyết.
Nếu có thắc mắc, mẹ có thể nhắn tin, mình sẽ tư vấn để giúp mẹ hiểu con hơn. Những lần đầu mẹ có thể bối rối nhưng hãy tin tưởng vào bản năng làm mẹ của mình nhé! Mẹ chẳng mấy chốc mà thành chuyên gia của con ấy chứ. Ngoài khò khè ra, con có ti tỉ vấn đề mà mẹ cần “tinh thông” càng nhanh càng tốt. Mẹ có thể tìm hiểu “kinh nghiệm đối phó” những vấn đề ấy trong Cộng Đồng Mẹ Việt. Chúng thực sự rất hữu ích cho mẹ đấy. ^^