Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Phải Làm Sao? Ý Nghĩa Tiếng Ho Của Trẻ

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 03/12/2019
27 phút đọc

Với mẹ bỉm sữa, series ho ở trẻ sơ sinh chẳng khác nào phim “Cô dâu 8 tuổi”. Series này vừa kéo dài, vừa tái diễn nhiều lần lại ngày càng khó hiểu với nhiều tình tiết mới. Lúc thì trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè. Khi thì trẻ sơ sinh ho có đờm. Trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao đây??? Thực ra, khi nghe kỹ tiếng ho, mẹ sẽ biết được khá nhiều về tình trạng sức khỏe của con. Bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ với các mẹ cách nhận biết bệnh qua tiếng ho của con nhé!

Ho là một triệu chứng hay kéo dài dai dẳng. Thường mẹ tập trung vào những cách “trị ho” chứ ít khi quan tâm đến nguyên nhân trẻ ho. Mẹ biết không, các nguyên nhân khác nhau sẽ có những lưu ý khác nhau về cách chăm sóc. Vì vậy, khi bé ho có đờm thở khò khè hay ho khan,… Mẹ nên dành thời gian quan sát kỹ biểu hiện ho của con. Những biểu hiện mẹ cần chú ý là:

  • Kiểu ho: con ho đờm hay ho khan?

  • Tình trạng ho: nhiều hay ít? Liên tục hay ngắt quãng? Con thường ho thời gian nào?

  • Các triệu chứng kèm theo là gì?

Những thông tin này giúp mẹ xác định nguyên nhân trẻ bị ho. Đồng thời, sự thay đổi của tiếng ho cũng nói lên diễn biến bệnh của con đấy mẹ ạ.

Vì Sao Con Bị Ho?

Hầu như tất cả các mẹ đều cảm thấy sốt ruột khi phát hiện thấy con bị ho. Tuy nhiên, cũng giống như sốt ở trẻ em, ho là một phản xạ có lợi cho con với 2 chức năng quan trọng là:

  • Tống các dị vật lọt vào đường thở ra khỏi cơ thể (khi con bị hóc, sặc).

  • Loại bỏ đờm, chất nhầy ra ngoài (khi trẻ bị các bệnh về đường hô hấp).

Khi trẻ ho, tốc độ luồng khí lớn đi qua đường hô hấp đủ mạnh để làm bật dị vật và làm bong đờm nhớt bám trong thành phế quản.

Trong các nguyên nhân gây ho, trẻ bị ho do các bệnh về đường hô hấp là phổ biến nhất. Một số mẹ quá sốt sắng khi thấy con mới chớm ho đã con uống thuốc ho các loại. Đôi khi thuốc ho cản trở phản xạ bảo vệ cơ thể, vô tình làm bệnh của con nặng thêm. Vì vậy, sau khi đã hiểu rõ về ho, mẹ có thể yên tâm theo dõi tình trạng ho của con. Chỉ khi nào ho thật sự ảnh hưởng đến sức khỏe của con thì mẹ can thiệp nhé.

Tìm hiểu thêm: Bách Khoa Toàn Thư Về Bệnh Đường Hô Hấp Ở Trẻ Em 

BlockNote image

Con Ho Khan Hay Ho Đờm?

Xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau mà khi ho con có thể ho khan hoặc ho đờm.

Ho khan: thường xảy ra khi trẻ bị cảm lạnh hay dị ứng. Khi đó, thanh quản bị viêm gây ho khan, khàn tiếng, dẫn đến trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè. Tiếng ho khan của trẻ nghe có cảm giác to, vang.

Ho có đờm: là biểu hiện của bệnh về đường hô hấp. Trẻ sơ sinh ho có đờm nhầy có màu trắng, vàng hoặc xanh. Mẹ nghe tiếng ho có cảm giác là có gì đó vướng trong cổ họng của trẻ. Nếu trẻ sơ sinh không khạc được đờm cũng có thể thở khò khè hay nôn trớ để tống đờm ra ngoài.

Xác định con ho khan hay ho có đờm giúp mẹ lựa chọn những cách trị ho phù hợp. Ví dụ thuốc ức chế ho có thể dùng cho trẻ ho khan nhưng không dùng cho trẻ ho đờm. Trẻ ho có đờm mẹ phải dùng thuốc long đờm.

Tiếp theo, mẹ cũng cần biết về nguyên nhân gây bệnh cho trẻ để điều trị phù hợp cho con. Mình đã chọn lọc những triệu chứng điển hình để giúp mẹ nhận biết nhanh nguyên nhân làm trẻ ho. Mẹ theo dõi tình trạng ho của trẻ, triệu chứng đi kèm và đối chiếu dưới đây nhé!

Nhận Biết Bệnh Của Trẻ Qua Tiếng Ho 

Viêm Đường Hô Hấp Trên

Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh bị ho. Mẹ có thể nhận biết khi thấy con có các triệu chứng:

  • Ho khan.

  • Sốt (sốt nhẹ hay sốt cao, có thể kèm ớn lạnh).

  • Nghẹt mũi, chảy mũi.

  • Đau họng, nuốt đau.

  • Đau đầu, đau nhức cơ bắp.

  • Nôn, buồn nôn.

  • Mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc khó chịu.

Các bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp ở trẻ sơ sinh là viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, cảm lạnh, cảm cúm,… Những bệnh này tuy triệu chứng gây khó chịu cho con và kéo dài, nhưng đa số là lành tính. Vì vậy, mẹ chỉ cần cho con nghỉ ngơi nhiều và chăm sóc chu đáo, theo dõi bệnh tại nhà. Con sẽ hồi phục và hết hẳn các triệu chứng trong vòng 7-10 ngày. Riêng ho có thể kéo dài đến 14 ngày. Do đó, với triệu chứng ho mẹ cứ bình tĩnh và áp dụng những cách giảm ho tự nhiên.

Mẹ đọc thêm: Cách Trị Ho Sổ Mũi Cho Trẻ Sơ Sinh Nhanh Chóng Và Hiệu Quả

BlockNote image

Viêm Thanh Khí Phế Quản

Trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè là một biểu hiện điển hình của viêm thanh khí phế quản. Bệnh làm tắc nghẽn đường hô hấp nên trẻ hay khó thở, nhất là vào ban đêm. Thanh và khí quản bị kích ứng và sưng lên dẫn đến trẻ có các triệu chứng sau:

  • Ho khan từng cơn ngắn, ho dữ dội (dấu hiệu rõ ràng nhất).

  • Tiếng thở nghe như ngáy hay huýt sáo qua kẽ răng.

  • Khàn giọng, mất tiếng.

  • Sốt, chảy nước mũi, rát cổ họng.

  • Da tái xanh (dấu hiệu thiếu oxy).

Trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao? Khi con ho nhiều, trước tiên mẹ làm dịu cơn ho bằng cách bế đứng, vỗ nhẹ vào lưng con. Sau đó mẹ có thể áp dụng các cách sau để con dễ thở:

  • Cho con đi dạo ngoài trời mát, không khí thoáng đãng (hiệu quả nhất).

  • Ẵm con ngồi trong phòng tắm, đóng kín cửa, mở vòi sen nóng để con hít thở khí nóng ẩm.

  • Mở máy tạo độ ẩm không khí trong phòng.

Bệnh sẽ thuyên giảm dần sau 7-10 ngày nếu mẹ chăm sóc con tốt. 

Viêm Đường Hô Hấp Dưới

Viêm đường hô hấp dưới cũng làm cho trẻ ho có đờm thở khò khè. Những biểu hiện đặc trưng của bệnh này là:

  • Ho có đờm, đau tức ngực khi ho.

  • Khàn giọng, khó nói.

  • Khó thở, thở khò khè, thở rít.

Trẻ có thể có thêm những triệu chứng của bệnh viêm hô hấp trên. Ngược lại, viêm hô hấp trên thì rất ít khi có các triệu chứng trên các mẹ nhé. Trong các bệnh viêm hô hấp dưới thì viêm phế quản, viêm tiểu phế quản “nhẹ nhàng” hơn viêm phổi.

Viêm phế quản/tiểu phế quản, trẻ vẫn có thể nghỉ ngơi tại nhà. Mẹ chăm sóc kết hợp theo dõi bệnh tình trẻ thường xuyên. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu viêm phổi (thở nhanh, rút lõm lồng ngực,…) mẹ nên đưa trẻ đi viện.

Các bệnh này thường làm con mệt mỏi, yếu sức. Do đó, giảm ho mẹ dùng những cách đảm bảo an toàn và không tác dụng phụ cho con nhé.

Chi tiết: Cách Chữa Ho Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Và Những Sai Lầm Thường Gặp Của Mẹ

Mẹ biết không, hầu hết trẻ bị viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới hay viêm thanh khí quản đều do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trong đó, tỷ lệ virus chiếm đến 99% các ca bệnh. Thông tin này sẽ rất hữu ích cho mẹ khi trả lời câu hỏi trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao đấy.

Hen Suyễn

Hen suyễn cũng gây ra triệu chứng ho ở trẻ. Khi mắc bệnh, triệu chứng bé ho có đờm thở khò khè thường tăng nặng vào nửa đêm về sáng. Triệu chứng ho của các bệnh khác cũng có thể xuất hiện ban đêm. Tuy nhiên chúng không tái phát nhiều lần và nặng đến mức khiến trẻ thức giấc, mất ngủ như hen. Ngoài ra, trẻ cũng có dấu hiệu của các bệnh đường hô hấp kèm ngứa và chảy nước mắt. 

Thực tế thì trẻ <2 tuổi rất ít khi bị hen trừ phi trẻ mắc bệnh chàm hoặc gia đình có người bị dị ứng, hen suyễn. Bệnh hen là một dạng mãn tính và có thuốc điều trị riêng. Các cơn hen nặng làm con khó thở cần được cắt cơn bằng các loại thuốc xông hoặc hít. Vì vậy, khi nghi ngờ con bị hen suyễn mẹ nên đưa con đi khám sớm nhé.

Ho Gà

Ho gà là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ban đầu khi mới phát bệnh, các triệu chứng của con không rõ ràng và khá giống cảm lạnh. Tuy nhiên, sau 7-10 ngày trẻ bắt đầu ho và mẹ sẽ nhanh chóng nhận ra đặc trưng của ho gà:

  • Ho khan từng cơn (không có đờm).

  • Khi ho lưỡi thè ra ngoài, mắt lồi.

  • Ho liên tục kéo dài đến cả 1 phút.

  • Khi con hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy.

  • Đỏ mặt, tím môi, mí mắt sưng, nổi tĩnh mạch ở cổ sau cơn ho.

Ho gà được xếp vào những bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong cao ở trẻ em. Bởi vì những cơn ho dài có thể làm con khó thở, ngưng thở, đặc biệt là trẻ <18 tháng. Vì vậy, các mẹ có con nhỏ nên hết sức lưu ý.

Thật may là ngày nay, vắc xin ho gà cho trẻ từ 2 tháng tuổi đã dần xóa sổ bệnh này. Trẻ được chủng ngừa hầu như không mắc bệnh hoặc nếu bệnh cũng không gây nguy hiểm. Do đó, mẹ hãy bảo vệ con bằng cách tiêm phòng vắc xin cho con đúng lịch, mẹ nhé.

Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Do Sặc, Hóc Dị Vật

BlockNote image

Tình trạng này cũng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh mà các mẹ cần đề phòng cẩn thận. Con có thể bị sặc sữa, thức ăn do tư thế ăn không đúng. Bên cạnh đó, cũng nhiều trường hợp trẻ bị hóc những đồ chơi nhỏ, cúc áo, hạt đậu, hạt nhãn,…

Trẻ sơ sinh bị ho trường hợp này thường khởi phát đột ngột. Con đang ăn hay chơi bỗng nhiên ho dữ dội. Nếu dị vật chặn kín đường thở, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:

  • Thở hổn hển.

  • Không thể ho được, miệng há to.

  • Da tái xanh, nhợt nhạt do thiếu oxy.

Lúc này, mẹ không nên dùng tay cố gắng móc dị vật ra. Vì cách này có thể vô tình đẩy chúng sâu vào bên trong dẫn đến trẻ bị nghẹt thở hơn. Thay vào đó, mẹ nên thực hiện phương pháp cấp cứu Heimlich, giúp trẻ ho, tống dị vật ra ngoài.

Sau khi lấy được dị vật, mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra một lần nữa. Điều này giúp mẹ yên tâm và chắc chắn rằng trẻ không còn hóc dị vật nào khác.

Thực ra mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh được trẻ sơ sinh ho do sặc hay hóc dị vật.

  • Khi cho con bú, cho con ăn nên chú ý để đầu con luôn cao hơn mông.

  • Tuổi ăn dặm, dù theo phương pháp nào, mẹ luôn không rời mắt khi con đang ăn.

  • Không mua cho trẻ dưới 3 tuổi các đồ chơi có chi tiết nhỏ.

Ngoài các nguyên nhân trên, bé của mẹ còn có thể bị ho do:

  • Xông, hơ bằng than củi, than tổ ong sau khi sinh.

  • Gia đình có người hút thuốc lá.

  • Môi trường sống xung quanh nhiều khói bụi, ô nhiễm, hóa chất,…

Đến đây, mẹ đã hiểu về nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè hay ho có đờm,… Bây giờ là lúc mình và các mẹ cùng tìm hiểu trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao nhé.

BlockNote image

Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Phải Làm Sao?

Trẻ sơ sinh bị ho do ho gà, hóc dị vật, sặc… mình đã hướng dẫn cách xử trí ở trên. Ở đây mình chia sẻ với mẹ nguyên tắc khi chăm sóc trẻ bị ho do bệnh đường hô hấp

Kháng sinh: chỉ dùng cho trẻ bị ho nếu bệnh của trẻ do vi khuẩn gây ra. Bệnh do virus không dùng kháng sinh, mẹ chủ yếu điều trị triệu chứng.

Thuốc hạ sốt: mẹ luôn hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi. Trẻ từ 3 tháng tuổi, mẹ có thể cho uống paracetamol để hạ sốt nếu sốt cao. Mẹ tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ vì có thể gây ra hội chứng Reyes nguy hiểm.

Điều trị triệu chứng: các loại thuốc ho, thuốc long đờm đều không nên tự ý dùng mẹ à. Chi tiết mình xin phép được phân tích kỹ trong bài viết:

Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Có Đờm Và Sổ Mũi – Bí Kíp “Thoát Nạn” Cho Mẹ

  • Chữa ho cho trẻ sơ sinh mẹ nên ưu tiên các bài thuốc dân gian theo Đông Y. Con sử dụng vừa an toàn, hiệu quả lại tăng cường sức đề kháng về lâu dài. Một số bài thuốc mình hay đã tổng hợp lại. Các mẹ đọc, lưu lại rồi áp dụng cho con khi cần nhé.

Chi tiết: Chữa Ho Đờm Ở Trẻ Sơ Sinh Không Dùng Kháng Sinh

  • Nếu con bị nghẹt mũi, sổ mũi, mẹ vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý cho con. Mẹ có thể hút mũi hay rửa mũi đều được.

Ngoài ra, mẹ tăng cường cho con bú để chống mất nước và bổ sung kháng thể từ sữa mẹ cho con nhé.

Khi Nào Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Cần Đến Bệnh Viện?

Hầu hết trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè, ho khan hay có đờm,… con có thể nghỉ ngơi tại nhà. Mẹ chăm sóc và theo dõi tình trạng của con liên tục. Nếu nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm sau, mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay nhé!

  • Bé nhỏ hơn 4 tháng tuổi và bị ho.

  • Ho khan, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm họng,… kéo dài hơn 5-7 ngày nhưng không sốt.

  • Thở khò khè, thở nhanh, thở rít, có dấu hiệu rút lõm lồng ngực.

  • Ho đột ngột và dữ dội.

  • Da mặt, môi, móng tay móng chân chuyển màu xanh/tím.

  • Trẻ bỏ bú, không ăn, lờ đờ, ngủ li bì, gọi khó dậy,…

Hệ hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng đơn giản như ho. Tìm hiểu trước tình trạng ho của con thế nào là bình thường, thế nào nguy hiểm rất quan trọng. Những kiến thức này giúp mẹ tự tin, chủ động chăm sóc và bảo vệ bé yêu luôn an toàn.

Kết Luận

Đến đây, các mẹ đều đã biết trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao rồi đúng không. Ho thường dai dẳng mà mẹ thì lại tâm lý “cắt bệnh nhanh”. Sau 2-3 ngày chưa thấy ho thuyên giảm, mẹ đã sốt ruột muốn cho con uống thuốc để mau hết bệnh. Thế mới nói chăm sóc khi con ho rất cần các mẹ kiên trì và thêm một chút bản lĩnh nữa. Hi hi! 

Bé đầu nhà mình gần 5 tuổi mỗi lần ho đều dùng các phương pháp giảm ho tự nhiên. Trộm vía, con ngày càng khỏe và ít ốm vặt hẳn. Mình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trị ho có nguồn gốc thảo dược trên Cộng Đồng Mẹ Việt. Nhiều mẹ đã áp dụng và trị ho dứt điểm cho con đấy. Mẹ tham gia vào cộng đồng và tham khảo thêm nhiều kinh nghiệm hay từ các mẹ Việt khác nhé!