Trẻ bị tiêu chảy thường mệt mỏi, không chịu ăn uống và cũng không ăn uống được nhiều. Tình trạng này kéo dài sẽ làm con kiệt sức và có thể suy dinh dưỡng. Do đó, chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất giúp con nhanh hồi phục rất được mẹ quan tâm. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì? Trẻ bị tiêu chảy có nên uống sữa không? Trẻ bị tiêu chảy có nên ăn trứng gà không? Các mẹ cùng tìm hiểu dưới đây nhé!
Các món cháo mềm, dễ nuốt sẽ giúp cho bộ máy tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng. Cháo thịt nạc nấu với cà rốt, bí ngô hay rau sam,… rất tốt cho trẻ đang bị tiêu chảy.
Nhiều mẹ nghĩ rằng dầu mỡ gây khó tiêu nên tạm ngưng sử dụng dầu ăn cho con. Như thế cũng không tốt mẹ à. Dầu ăn cung cấp năng lượng và hòa tan vitamin A, K, D, E,… cần thiết cho cơ thể. Do đó, mẹ duy trì lượng dầu ăn vừa đủ trong khẩu phần ăn của con nhé.
Cháo của con tốt nhất là nấu bữa nào ăn ngay bữa đó. Vì thức ăn để ngoài quá lâu có nguy cơ bị nhiễm bẩn do ruồi, côn trùng khác,… Nếu mẹ không có thời gian, mẹ có thể nấu nhiều và bảo quản tủ lạnh trong ngày. Đến bữa, mẹ lấy đủ lượng cháo cho một lần ăn ra hâm, tránh hâm cả nồi cháo.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì để phân nhanh đặc lại thì câu trả lời là rau củ quả. Những thực phẩm này giàu chất xơ có tác dụng kết nối các chất thải, giúp phân dễ thành khuôn. Một số rau củ gợi ý cho mẹ là cà rốt, bí đỏ, nấm, củ cải đường, măng tây,… Nhưng mẹ nên tránh các loại rau quá nhiều xơ và ít dinh dưỡng: rau muống, cải, cần tây, măng. Tinh bột nguyên hạt: đậu đen, đậu đỏ, ngô (bắp),… gây khó tiêu.
Mẹ khuyến khích con ăn hoặc uống nước ép từ chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ, hồng xiêm,… Những trái cây này vừa cung cấp chất xơ, vừa là nguồn bổ sung kali tự nhiên cho trẻ. Đặc biệt là chuối vì chuối rất giàu kali, chứa chất xơ pectin giúp trẻ bị tiêu chảy dễ chịu hơn. Một lượng lớn chất xơ inulin trong chuối giúp khôi phục lợi khuẩn cho đường ruột trẻ.
Sữa chua giàu probiotic là nguồn bổ sung lợi khuẩn đã mất trong quá trình trẻ bị tiêu chảy. Probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu diệt virus, vi khuẩn có hại.
Do đó, mẹ nên bổ sung thực phẩm này vào danh mục trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì. Sữa chua sẽ giúp trẻ giảm thời gian tiêu chảy xuống còn 1 ngày.
Đây là thắc mắc chính đáng của các mẹ vì trẻ dưới 1 tuổi, sữa vẫn là thức ăn chính. Mặc dù trẻ bị tiêu chảy được khuyên là không nên uống nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa. Tuy nhiên, kiêng hẳn sữa sẽ làm con thiếu chất trầm trọng. Do đó, các mẹ băn khoăn trẻ bị tiêu chảy có nên uống sữa làm như sau:
Trẻ bú mẹ hoàn toàn: tiếp tục cho bú mẹ càng nhiều càng tốt.
Trẻ vừa bú mẹ vừa bú sữa công thức: tăng cường sữa mẹ, giảm sữa công thức. Có thể tạm ngưng sữa công thức nếu mẹ đủ sữa.
Bé bú ngoài hoàn toàn: giảm lượng sữa bằng cách pha loãng sữa trong vòng 2 ngày. Mẹ giữ nguyên lượng nước, giảm ½ lượng sữa. Sau 2 ngày nếu con giảm tiêu chảy thì tăng sữa lên ¾ và theo dõi thêm 2 ngày. Phân của trẻ cải thiện tốt thì mẹ pha bình thường cho trẻ.
Trẻ bị tiêu chảy có nên uống sữa hay không phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh cho trẻ là gì. Mẹ nên tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau:
Trẻ Bị Tiêu Chảy Cấp: Nguyên Nhân Và Cách Chăm Sóc
Ngoài quan tâm trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, mẹ cũng điều chỉnh cách cho trẻ ăn phù hợp nhé.
Khi tiêu chảy, đường ruột của con yếu nên hầu như trẻ nào cũng biếng ăn. Mẹ nấu cho con bằng tất cả tình yêu thương, mong con ăn được ít cho có sức. Vậy mà bao nhiêu lần mang bát cháo ra là bấy nhiêu lần dọn vào làm mẹ giận cả người. Giận vì tiếc công nấu thì ít mà xót con, lo con bị yếu sức là nhiều. Mẹ cố gắng lên nhé! Chỉ cần kiên trì vài ngày là chuyện ăn uống của con sẽ tốt lên thôi. Trong thời gian này, mẹ hãy thử thay đổi:
Đổi món liên tục vì con rất nhanh chán.
Giảm khẩu phần ăn xuống còn ½, ⅓ so với ngày thường.
Cho con ăn ít nhất 6 lần/ngày, mỗi bữa cách nhau 2 tiếng. Duy trì ăn thêm 1 bữa mỗi ngày trong 2 tuần liền để giúp con nhanh hồi phục, tránh suy dinh dưỡng.
Thực hiện ăn chín, uống sôi. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguyên liệu, dụng cụ và cách chế biến. Bát, đũa, muỗng, cốc,… nên nhúng qua nước sôi để tiệt trùng.
Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi cho trẻ ăn.
Mẹ không ép trẻ ăn và nên đút cho trẻ từ từ, tránh cho trẻ bị nôn.
Ngoài dinh dưỡng, trẻ bị tiêu chảy cũng nên uống nhiều nước và dung dịch điện giải để tránh mất nước. Mẹ quan tâm đến sử dụng thuốc cho trẻ bị tiêu chảy xem hướng dẫn Tại Đây.
Nhiều mẹ thắc mắc trẻ bị tiêu chảy có nên ăn trứng gà? Mặc dù trứng gà bình thường chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt cho con. Tuy nhiên, đường ruột đang yếu của con sẽ rất vất vả để tiêu hóa các chất trong trứng. Do đó, câu trả lời cho trẻ bị tiêu chảy có nên ăn trứng gà là không mẹ nhé. Ngoài ra, mẹ cũng nên kiêng những món sau để tránh tình trạng tiêu chảy của trẻ trầm trọng thêm.
Gia vị, thực phẩm sinh hơi: tỏi, hành sống, đậu tương, đậu sấy, củ từ, khoai lang, khoai môn,…
Thức ăn sống: gỏi hải sản, hoặc rau sống, rau chân vịt, hẹ, giá đậu,… Tiềm ẩn nhiều mầm bệnh như giun, sán, kí sinh trùng,…
Nước ngọt có gas, bánh kẹo: hơi ga và đường làm con tiêu chảy nặng hơn. Mẹ cũng không cho con uống thức uống chứa chất kích thích như cà phê, ca cao.
Đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn: xúc xích, lạp xưởng, pizza, hamburger, gà rán, giò, chả,… Những món này rất khó tiêu.
Không uống nước lã.
Riêng hải sản có chứa nhiều protein gây kích ứng, có thể làm con tiêu chảy nặng hơn. Tuy nhiên các thực phẩm này cũng chứa nhiều vitamin A (hoặc tiền vitamin A), kẽm, protein, lipid v.v… Chúng cần thiết trong tái tạo niêm mạc đường tiêu hóa và cung cấp nhiều dưỡng chất cho trẻ. Vì vậy, mẹ có thể cho con ăn một lượng nhỏ các loại cá, tôm mà con quen ăn nhé.
Sau khi đã biết trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì và nên kiêng gì, mẹ dễ dàng lên thực đơn rồi nhỉ! Những bữa ăn giàu dưỡng chất và dễ hấp thụ sẽ giúp con khỏe lên từng ngày. Giai đoạn này con sẽ biếng ăn nhiều nên mẹ bình tĩnh và kiên nhẫn với con hơn một chút. Đợi vài hôm nữa, con sẽ có cảm giác thèm ăn trở lại. Lúc ấy, mẹ chịu khó tẩm bổ thì con sẽ sớm khỏe lại và ăn uống ngon miệng mẹ nhé!