Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có thể xảy ra quanh năm, nhất là vào mùa lạnh. Bé bị cảm lạnh sổ mũi rồi bé bị cảm lạnh nôn trớ thường làm mẹ lo lắng nhiều. Tuy cảm lạnh không quá nghiêm trọng nhưng bệnh lại ảnh hưởng nhiều đến bữa ăn, nếp ngủ của con. Do đó, mẹ tìm hiểu cách chữa cảm lạnh cho trẻ sơ sinh để sẵn sàng cùng con đối phó nhé!
Khi con cảm lạnh, mẹ quan tâm nhất là làm sao điều trị và chăm sóc con mau khỏi bệnh. Những thắc mắc các mẹ hay hỏi trong Cộng Đồng Mẹ Việt là:
Kịch bản trẻ sơ sinh bị cảm lạnh.
Trẻ bị cảm lạnh điều trị và chăm sóc như thế nào? Con nên ăn gì? Có nên tắm không? Bé bị cảm lạnh uống thuốc gì?
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu từ kịch bản trước. Điều này giúp mẹ hiểu rõ diễn tiến bệnh, dễ dàng theo dõi và chăm sóc con.
Khi con bị cảm lạnh:
Chảy nước mũi trong vài ngày rồi bắt đầu ho nhẹ.
Sau 2-3 ngày, nước mũi chuyển sang đục, rồi vàng, xanh. Con có thể thức giấc và quấy khóc giữa đêm do nghẹt mũi và ho nhiều.
Sau 5-7 ngày, bắt đầu ho có đờm, kèm theo sốt, đau họng, đau đầu, đau bụng.
Sốt thường kéo dài trong 3-5 ngày. Nước mũi đặc lại, ít xanh hơn. Con vẫn tiếp tục ho.
Sang tuần 2, con dần thông mũi, ho giảm nhưng vẫn còn.
Tuần 3, con vẫn ho lác đác đến hết tuần 4 mới dứt hẳn.
Mẹ lưu ý vì cũng có lúc con có biểu hiện sốt cao, chảy mũi nhiều ngay ngày đầu tiên. Các triệu chứng nặng và diễn biến nhanh. Điều này hoàn toàn bình thường và bệnh của con vẫn sẽ diễn biến theo kịch bản chung.
Các triệu chứng của cảm lạnh rất giống với cảm cúm. Tuy nhiên, cảm cúm thường nặng và cần điều trị tích cực hơn nhiều. Mẹ tìm hiểu cách phân biệt hai bệnh này để chăm sóc đúng ngay từ đầu nhé.
Đọc thêm: Mẹ Có Đang Nhầm Lẫn Giữa Cảm Cúm Và Cảm Lạnh Ở Trẻ Em?
Mẹ chú ý chăm sóc con kỹ lưỡng, ăn uống đủ chất thì con sẽ nhanh hồi phục. Mẹ cũng cần quan tâm nếu bé bị cảm lạnh nôn trớ nhiều. Con không nạp đủ chất dinh dưỡng sẽ yếu sức dẫn đến cảm nặng và lâu khỏi hơn đó mẹ.
Cảm lạnh sẽ kéo dài nếu các triệu chứng sổ mũi, ho, sốt,… không được điều trị dứt điểm. Thực tế các mẹ thường đau đầu vì tính chất dai dẳng của sổ mũi và ho. Vì thế, phần tiếp theo, mình chia sẻ những yếu tố then chốt trong điều trị để mẹ nắm rõ.
Bé bị cảm lạnh sổ mũi mẹ vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý 0.9%.
Qua nhiều năm tư vấn mình nhận thấy đây là bước quan trọng mẹ thường bỏ qua nhất. Dịch mũi của con nhiều và sâu bên trong mẹ nhỏ mũi thôi chưa đủ. Mẹ phải hút mũi hoặc rửa mũi mới sạch hết.
Hút mũi có hiệu quả nhưng hút nhiều sẽ làm niêm mạc mũi của con sưng tấy và khô rát. Do đó mẹ chọn rửa mũi cho con hiệu quả và an toàn hơn.
Rửa mũi thường ít phổ biến do các mẹ không biết cách làm hoặc nhát tay không dám rửa. Nhưng đây là “cứu cánh” hiệu quả nhất giúp con nhanh chóng hết nghẹt, sổ mũi trong 2-3 ngày. Mẹ cố gắng thực hành rửa mũi cho con nhé.
Hướng dẫn chi tiết mẹ tham khảo:
Cách Trị Nghẹt Mũi Ở Trẻ Sơ Sinh – Mẹo Hay Không Dùng Thuốc
Mẹ nên làm thông thoáng mũi con vào buổi sáng mới ngủ dậy, trước khi bú và trước khi đi ngủ.
Con ho nhiều không những dễ nôn trớ mà còn gặp khó khăn về đường thở. Mẹ hãy áp dụng các bài thuốc dân gian chữa ho cho con. Chanh đào, quất, lá hẹ, quả lê,… chưng đường phèn vừa hiệu quả vừa dễ thực hiện tại nhà.
Nhiều mẹ thấy con ho liên tục kèm nôn trớ thì sốt ruột, muốn con uống thuốc cho nhanh khỏi. Mẹ nên xem qua bài viết này:
Cách Chữa Ho Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Và Những Sai Lầm Thường Gặp Của Mẹ
Những thông tin trong bài sẽ giúp mẹ cân nhắc và lựa chọn cách chữa ho phù hợp cho con. Để dứt điểm những triệu chứng này mẹ phải hiểu thật cặn kẽ và kiên trì chăm sóc. Do đó, mình đã chia sẻ chi tiết trong từng bài riêng. Mẹ đọc những bài này sẽ có kinh nghiệm chữa cảm lạnh và hầu hết các bệnh về đường hô hấp của trẻ.
Thông thường, bé bị cảm lạnh chỉ bị sốt nhẹ và sẽ hết sau 3-5 ngày. Mẹ chườm nước ấm hoặc dùng các biện pháp hạ sốt tự nhiên là đủ.
Trẻ sốt cao, mẹ có thể dùng paracetamol hay ibuprofen hạ sốt cho trẻ >6 tháng tuổi. Các mẹ nhớ không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì sẽ gây hội chứng Reyes nguy hiểm nhé. Thuốc hạ sốt dùng không đúng cũng ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của trẻ. Vì vậy mẹ hãy tìm hiểu để sử dụng thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ.
Nếu con dưới 3 tháng tuổi thì mẹ không nên cho uống thuốc hạ sốt. Vì có khả năng xảy ra sốc phản vệ, dị ứng thuốc,… ở trẻ rất nguy hiểm. Mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị nhé. Cẩn thận một chút không bao giờ là thừa đâu mẹ.
Bé bị cảm lạnh nôn trớ thường do những yếu tố sau:
Ho nhiều: các cơ vùng bụng và ngực co thắt mạnh, tạo lực ép vào dạ dày gây nôn. Mẹ áp dụng các bài thuốc trị ho tự nhiên, con giảm ho sẽ hết nôn trớ.
Nuốt nước mũi, đờm vào dạ dày: trẻ <2 tuổi thường nuốt luôn nước mũi và đờm xuống dạ dày. Dạ dày bị đầy hơi kích thích con nôn trớ để dễ chịu hơn. Mẹ cần vệ sinh mũi và hỗ trợ con lấy đờm ra ngoài.
Khóc nhiều: cũng tạo lực ép vào dạ dày làm con bị nôn. Con khóc nhiều do nghẹt mũi, mẹ thường xuyên làm thông thoáng mũi trẻ. Con khóc do khó chịu, mẹ bế con và vỗ về trấn an, con bình tĩnh sẽ thôi khóc.
Bú/ăn quá no: mẹ thường muốn cho con ăn nhiều hơn để mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, dạ dày mệt mỏi của con không thể tiêu hóa nhiều cũng làm con trớ. Mẹ chia nhỏ các bữa ăn, lượng thức ăn mỗi bữa ít thôi để dạ dày con không quá tải.
Chăm sóc trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh bị cảm lạnh mẹ quan tâm những yếu tố sau:
Nước không chỉ giúp con bù lại lượng nước lớn đã mất do sốt và nôn. Nước còn giúp đờm loãng để con dễ tống ra ngoài.
Trẻ dưới 6 tháng mẹ tăng cường cho con bú nhiều cữ. Trẻ trên 6 tháng mẹ cho uống thêm nước, nước trái cây, dung dịch oresol, hydrite,…
Dạ dày con nhỏ, đôi môi lại bé xinh không thể uống nước ừng ực như chúng ta được. Mẹ chịu khó cho con uống nhiều ngụm nhỏ và uống liên tục là được.
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh sổ mũi cũng đồng nghĩa sức đề kháng của con đang yếu. Mẹ cẩn thận giữ ấm để con không nhiễm thêm các bệnh khác.
Mặc quần áo cho con: vừa đủ ấm, chất liệu thấm hút mồ hôi, thoải mái cho con vận động.
Thoa tinh dầu: trước khi đi ngủ mẹ thoa tinh dầu tràm, gừng, khuynh diệp,… dưới lòng bàn chân con. Tinh dầu này giúp con giữ ấm và hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn.
Mẹ kết hợp một vài động tác massage nhẹ nhàng giúp con thư giãn và ngủ ngon hơn. Giấc ngủ sâu chính là thời gian con đang phục hồi đấy. Nếu mẹ chưa biết cách massage cho trẻ thì có thể nhắn tin cho mình, mình sẽ hướng dẫn tận tình ^^.
Ngoài ra, con cũng cần nghỉ ngơi nhiều để nhanh hồi phục sức khỏe. Nhưng nếu con đã muốn chơi, mẹ khuyến khích con chơi nhẹ nhàng nhé!
Bé bị cảm lạnh nôn trớ mẹ nên chế biến các món lỏng, nhiều nước giúp con dễ nuốt, dễ hấp thụ. Mẹ có thể tham khảo những gợi ý dưới đây để thiết kế thực đơn cho con.
Cháo gà, súp gà: thịt gà vừa dễ tiêu hóa vừa giàu dưỡng chất cho trẻ đang bệnh. Đặc biệt, món này ăn lúc ấm giúp bé bị cảm lạnh sổ mũi thông thoáng đường thở.
Trái cây họ cam, quýt, bưởi,..: giàu vitamin và khoáng chất, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Sữa chua: hỗ trợ bộ máy tiêu hóa hiệu quả, hấp thu nhiều dưỡng chất.
Cá, thịt nạc heo: cung cấp nhiều chất dinh dưỡng giúp con mau khỏe lại.
Mẹ lưu ý không cho bé bị cảm lạnh nôn trớ ăn trong vòng 30-60 phút sau khi nôn. Dạ dày còn đang kích thích, con ăn lúc này sẽ tiếp tục nôn.
Các bà vẫn thường nhắc nhở trẻ nhỏ bệnh là không được tắm để tránh nhiễm lạnh, bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, trẻ hay đổ mồ hôi, nếu không tắm thường xuyên sẽ ngứa ngáy khó chịu. Chưa kể, trẻ có thể bị các bệnh ngoài da do không được vệ sinh sạch sẽ. Do đó, trẻ bị cảm vẫn nên tắm miễn là tắm đúng cách.
Mẹ tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong phòng kín, tắm nhanh khoảng 5-10 phút.
Dùng khăn lớn quấn con lại, lau thật khô và mặc quần áo.
Trẻ mới tắm xong nên đợi ít nhất 15-30 phút mới bật quạt hay máy lạnh.
Hầu hết các triệu chứng của trẻ bị cảm lạnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, từ bệnh cảm lạnh đơn thuần con có thể nhiễm:
Viêm tai giữa.
Viêm xoang.
Viêm phế quản, viêm phổi hay các bệnh viêm hô hấp trên.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình chăm sóc, mẹ nên thường xuyên quan sát diễn tiến bệnh của con. Điều này sẽ giúp mẹ nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm và xử lý kịp thời.
Trên thực tế, tỷ lệ trẻ cảm lạnh biến chứng sang các bệnh nặng hơn không nhiều. Nhưng nếu con cảm lạnh nhiều lần dễ sụt cân và ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Vì vậy, khi con cảm lạnh, mẹ hãy tập trung chăm sóc chu đáo để con nhanh hồi phục nhé!
Mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được điều trị ngay nếu con có những dấu hiệu sau:
Nôn nhiều, liên tục hay nôn dữ dội, nôn ra dịch màu hồng hay đỏ.
Phân lẫn máu đỏ tươi hay màu đen.
Không ăn uống được, bỏ bú.
Sốt cao trên 38°C với trẻ dưới 3 tháng tuổi, 38.5°C với trẻ trên 3 tháng tuổi. Trẻ trên 6 tháng tuổi: nhiệt độ >39.5°C kéo dài trên 3 ngày hoặc >38.3°C trong 5 ngày.
Dấu hiệu mất nước nặng: môi khô, mắt trũng, khát nước, da khô, khóc không có nước mắt.
Rối loạn tri giác: co giật, ngủ li bì, thở nhanh, khó thở,…
Đau tai.
Quấy khóc dữ dội.
Những dấu hiệu này cho thấy con đang đang gặp nguy hiểm. Mẹ nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời nhé.
Đến đây chúng ta đã hiểu rõ về bệnh và những chú ý trong quá trình chăm sóc. Tiếp theo mẹ tìm hiểu nguyên nhân bị cảm lạnh để chủ động phòng tránh và bảo vệ con yêu nhé. Nguyên nhân gây bệnh cũng là yếu tố quan trọng xác định bé bị cảm lạnh uống thuốc gì.
Hầu hết các trường hợp cảm lạnh đều do virus gây ra. Có rất nhiều chủng virus gây ra cảm lạnh. Con bị nhiễm virus nào sẽ miễn dịch với virus đó. Tuy nhiên, con vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do những virus khác gây ra. Đó là lý do con có thể bị cảm nhiều lần trong năm.
Bệnh cảm rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Virus từ dịch tiết ra khi người bị cảm ho, hắt hơi, xì mũi,… dễ bám vào trẻ gây bệnh. Điều trị bệnh do virus mẹ chủ yếu giúp con giảm các triệu chứng như hướng dẫn ở trên. Kháng sinh hoàn toàn không thể tiêu diệt virus.
Kháng sinh chỉ dùng điều trị bệnh gây ra do vi khuẩn (chỉ chiếm 1% các trường hợp cảm lạnh). Các trường hợp này bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ làm xét nghiệm máu. Nếu kết luận đúng là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phù hợp với con. Như vậy, các mẹ cũng đã có câu trả lời cho bé bị cảm lạnh uống thuốc gì rồi chứ.
Tuy nhiên, mẹ nên chắc là con chỉ bị cảm lạnh. Vì nếu con cảm cúm (gần giống cảm lạnh), con sẽ cần điều trị khác đấy.
Tham khảo: Điều Trị Cảm Cúm Ở Trẻ Sơ Sinh Lúc Giao Mùa Sao Cho Hiệu Quả?
Qua bài viết mẹ đã biết cách xử lý khi bé bị cảm lạnh sổ mũi hay nôn trớ. Mẹ cũng xác định bé bị cảm lạnh uống thuốc gì và cách chữa cảm lạnh cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Mình tin rằng từ bây giờ cảm lạnh sẽ không thể làm khó hai mẹ con nữa, phải không nào ^^
Lần đầu con bệnh mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm nên có thể sai sót. Nhưng đến lần sau, với những kinh nghiệm đã có mẹ sẽ chăm sóc con tốt hơn. Tuy nhiên mẹ cũng không cần quá nhiều kinh nghiệm “thực tế” đau thương như vậy để học cách chăm con. Đơn giản hơn, mỗi ngày mẹ hãy dành 5 phút đọc bài viết trên blog Mẹ Việt. Mỗi tháng mẹ sẽ tiếp thu mới ít nhất 30 chủ đề thiết thực về chăm sóc và nuôi dạy con. Mình tin dần dần mẹ sẽ thực sự “tận hưởng” hành trình làm mẹ thú vị này đấy!