Hỏi Đáp Vacxin Sởi-Quai Bị-Rubella, Cúm, Viêm Não Nhật Bản, Thủy Đậu

Tác giả
Cô Thuần Mẹ Việt
17 phút đọc

Ở bài viết trước các mẹ đã cùng tìm hiểu về các mũi vacxin cho bé từ 2-4 tháng tuổi. Bài viết này mình tiếp tục với phần giải đáp về tiêm vacxin cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Trong đó, các mẹ thường băn khoăn tiêm phòng cúm thế nào là đúng? Nên tiêm vacxin Sởi-quai bị-rubella loại nào? Mẹ phải làm gì khi quên lịch chích ngừa viêm não Nhật Bản của con? Và các thắc mắc xung quanh chích vacxin Thủy Đậu.  

Tiêm Phòng Cúm

Hỏi: Bé nhà tôi vừa tiêm vắc-xin cúm về thì có biểu hiện sốt nhẹ và đi phân lỏng. Như vậy bé có bị sao không?

Đáp: vacxin cúm có thể gây ra tác dụng phụ như sốt, đi phân lỏng, đau, sưng vết tiêm… Tuy nhiên, theo WHO, vắc-xin cúm là một trong những dược phẩm có tính an toàn cao. Những tác dụng phụ sẽ nhanh qua đi sau 2-3 ngày nên mẹ yên tâm theo dõi nhé.

Hỏi: Năm ngoái tôi cho con tiêm phòng cúm lần đầu thì được nhắc nên tiêm lại định kỳ hàng năm. Vì sao lại như vậy? 

Đáp: vacxin cúm thường chỉ có hiệu lực dưới 1 năm. Thêm vào đó, virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên. Do đó mỗi năm các nhà nghiên cứu tiến hành điều chỉnh thành phần vacxin cúm phù hợp với chủng đang lưu hành. Vì vậy, mẹ nên tiêm phòng cúm hàng năm để hệ miễn dịch của con được cập nhật virus mới.

Các Trường Hợp Có Thể Tiêm Cúm

Hỏi: Bé nhà mình bị dị ứng trứng gà có chích cúm được không? 

Đáp: Sau nhiều nghiên cứu các nhà khoa học đã kết luận về các trường hợp này. Theo đó, trẻ bị dị ứng trứng gà vẫn có thể tiêm vacxin cúm bình thường. Cẩn trọng hơn, mẹ thông báo trước cho nhân viên y tế biết về tình trạng của con. Như vậy, phản ứng sau tiêm của con sẽ được theo dõi kỹ và phòng tránh được các biến chứng.

Hỏi: Bé nhà mình đã 10 tháng tuổi và mình muốn tiêm ngừa cúm cho con. Nhưng gia đình bên phía chồng mình có tiền sử bị hen. Nên không biết con có bị hen luôn không, tiêm cúm có sao không? Con mình từ nhỏ tới giờ chưa bị hen bao giờ. 

Đáp: Ngay cả trường hợp bé nhà mẹ bị hen thì vẫn nên tiêm phòng cúm nhé. Việc tiêm phòng không làm hen nặng thêm. Trẻ vào mùa cúm cũng sẽ ít bị lên cơn hen hay những phiền toái khác do bệnh gây ra.

Chủng Ngừa Sởi-Quai Bị-Rubella

BlockNote image

Hỏi: Bé nhà mình 9 tháng tuổi, đến lịch tiêm mũi sởi đơn. Nhưng bạn mình khuyên tiêm luôn mũi sởi-quai bị-rubella. Xin tư vấn mình nên tiêm mũi nào cho con?

Đáp: Thời điểm 9 tháng tuổi, mẹ cho trẻ tiêm 1 mũi sởi đơn theo lịch tiêm chủng mở rộng. Trẻ 18 tháng tiêm nhắc 1 mũi sởi-rubella.

Hỏi: Con tôi đã tiêm 1 mũi sởi lúc 9,5 tháng và 1 mũi sởi-rubella trong chiến dịch (13 tháng). Vậy cháu 18 tháng có phải chích nhắc theo lịch nữa không? Cháu chưa chích vacxin quai bị. Tôi nên cho cháu chủng ngừa quai bị ở đâu? vacxin gì?

Đáp: 18 tháng trẻ vẫn cần tiêm nhắc sởi-rubella để củng cố miễn dịch phòng bệnh.

Hiện nay không có vacxin quai bị đơn. Để phòng bệnh, con có thể tiêm dịch vụ mũi sởi-quai bị-rubella (MMR) lúc 15 tháng tuổi. Việc tiêm như vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Con đã tiêm MMR thì không cần tiêm mũi lúc 18 tháng nữa.

Hỏi: Bé nhà mình 10 tháng, vừa điều trị ở viện do viêm phổi và được bác sĩ tiêm bắp IGIM. Sau bao lâu em có thể cho cháu đi tiêm vacxin sởi ạ?

Đáp: IGIM là một dạng kháng thể thụ động gồm các Globulin miễn dịch. Miễn dịch này với bệnh sởi có thể tồn tại trong máu từ 3 đến 4 tuần. Sau đó hiệu quả kháng thể sẽ giảm dần. Sau 3 tháng chích IGIM mẹ đưa con đi tiêm vacxin sởi để tạo miễn dịch chủ động nhé.

Chích Ngừa Viêm Não Nhật Bản

Hỏi: Mình đã cho bé tiêm chủng 2 mũi dịch vụ vacxin Viêm não Nhật Bản (VNNB). Sau đó, mình đi làm xa, bé ở nhà với người thân nên bị lỡ mũi 3. Nay đã hơn 1 năm rưỡi, bây giờ mình chích tiếp được không hay phải chích lại từ đầu? Mình có phải tiêm nhắc 3 năm/lần sau đó không?

Đáp: Mẹ chích mũi 3 tiếp tục cho con, không cần chích lại từ đầu. Việc tiêm nhắc 3 năm/lần không bắt buộc. Nhưng nếu có điều kiện mẹ nên thực hiện để con được bảo vệ tốt nhất.

Hỏi: Cháu nhà em đã tiêm VNNB mũi 1. Sau 1 tuần cháu sốt nhẹ nên không thể tiêm mũi 2. Vậy khi nào cháu có thể tiêm lại được, phải đợi 1 tháng hay 1 năm sau? 

Đáp: Nếu bé sốt nhẹ <37,5°C thì có thể thực hiện tiêm chủng mà không cần hoãn. Bé sốt cao hơn thì cần hoãn tiêm để đảm bảo sức khỏe. Ngay khi con khỏe lại mẹ nên thực hiện tiêm chủng mũi 2 mà không cần đợi.

Hỏi: Con tôi 32 tháng, đã tiêm mũi 1 và 2 phòng bệnh VNNB. Mũi 3 tôi tiêm trễ cho cháu 2 tuần. Không biết như vậy có ảnh hưởng gì không và thuốc có tác dụng không? Xin tư vấn giúp tôi.

Đáp: Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để có hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Trường hợp trẻ bị trễ lịch thì cần tiêm chủng ngay sau đó càng sớm càng tốt. Vacxin sẽ có tác dụng phòng bệnh sau khi tiêm chủng mũi thứ 3.

BlockNote image

Tiêm Phòng Thủy Đậu

Hỏi: Con em hiện tại 12 tháng tuổi và đã hoàn tất các mũi tiêm chủng trong chương trình TCMR. Cho em hỏi mũi Thủy đậu có nằm trong chương trình TCMR không hay phải chích dịch vụ ạ?

Đáp: Chương trình TCMR chưa triển khai vacxin Thủy đậu. Ba mẹ muốn phòng ngừa bệnh này cho con có thể tiêm vacxin tại các điểm tiêm dịch vụ.

Hỏi: Hôm qua em mới cho bé nhà em đi chích ngừa thủy đậu, chích mũi của Mỹ. Bé nhà em mới hơn 13 tháng. Vậy là có phải chích nhắc nữa ko ạ? em ko thấy bác sĩ chích tư vấn hay dặn chích nhắc gì cả ạ!

Đáp: Thủy đậu chỉ cần tiêm 1 mũi lúc 12 tháng tuổi và 1 mũi tiêm nhắc lúc 13 tuổi. Nếu mẹ muốn tiêm nhắc mũi thủy đậu cho bé thì có thể tiêm cách mũi đầu tiên 3 tháng. Khi con được 13 tuổi thì nên tiêm thêm 1 mũi để bảo vệ trọn đời.

Hỏi: Em đọc một số trang mạng bảo là bé bị chàm sữa ko nên tiêm thủy đậu vì sẽ làm bệnh nặng thêm, đúng ko ạ?

Đáp: Trẻ thường bị chàm sữa lúc nhỏ và sẽ hết vào khoảng tháng thứ 5, 6. Thủy đậu tiêm vào lúc trẻ được 12 tháng tuổi trở lên nên không ảnh hưởng gì đến chàm sữa. 

Hỏi: Bé nhà em 9 tháng tuổi bị lây thủy đậu. Bây giờ cháu đã được 12 tháng tuổi thì có cần tiêm ngừa thủy đậu nữa không ạ?

Đáp: Bé đã mắc bệnh thủy đậu là đã có miễn dịch với bệnh. Mẹ không cần chích ngừa cho con nữa nhé.

Lời Kết 

Trên đây là những câu hỏi phổ biến nhất về tiêm phòng Sởi-quai bị-rubella, cúm, viêm não Nhật Bản và Thủy đậu. Hy vọng những giải đáp này giúp các mẹ hiểu thêm về các mũi tiêm chủng của con. Trong trường hợp mẹ có thắc mắc, hãy comment trực tiếp dưới bài viết này nhé. Mình sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất có thể. 

Mẹ lưu ý nhé, những mũi tiêm này đều rất quan trọng, giúp con tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, vì thời gian tiêm cách quãng nên nếu không cẩn thận mẹ dễ bị quên lịch. Nhất là các mũi từ 12 tháng tuổi trở đi. Vì vậy, tốt nhất mẹ lưu lịch hẹn chủng ngừa trong điện thoại để nhắc nhở trước ngày đi tiêm. Hoặc mẹ sử dụng các app nhắc nhở để đảm bảo con được tiêm phòng đầy đủ.

Tiếp theo, mời mẹ tham khảo các bài hỏi đáp ngắn gọn về các vacxin tiêm chủng cho con:

Hỏi – Đáp Tiêm Vacxin Viêm Gan B, Lao Và Tiêm Chủng Cho Trẻ

Để hiểu rõ hơn về chủ đề tiêm chủng cho trẻ, mời mẹ đọc thêm seri bài viết dưới đây: