Trẻ sơ sinh bị táo bón thường làm cho mẹ rất khổ sở và phiền muộn. Chỉ cần con vài ngày chưa đi ị là mẹ đã cuống quýt lên. Mẹ sốt sắng hỏi khắp nơi cách để con đi ị đều trở lại. Tuy nhiên, mẹ biết không, “lịch” đi ngoài của trẻ không giống như người lớn. Vì thế, mẹ cần biết cách nhận diện chuẩn xác dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón. Hiểu về nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón để lựa chọn cách chữa hiệu quả cho con.
Trẻ sơ sinh táo bón mẹ dễ nhận biết với những dấu hiệu sau:
Phân của trẻ cứng, khô, vón cục, sẫm màu, viên nhỏ như phân dê hay phân thỏ.
Tần suất đi ngoài giảm so với bình thường: 3-4 ngày/lần hoặc lâu hơn.
Trẻ quấy khóc, lười ăn, bỏ bú.
Chướng bụng, khó tiêu.
Trong đó, tần suất hay biểu hiện của trẻ chủ yếu để thu hút sự chú ý của mẹ. Bởi vì chỉ dựa vào những yếu tố đó thôi thì chưa hẳn con đã bị táo bón.
Dấu hiệu quyết định trẻ có bị táo bón hay không phụ thuộc vào tính chất phân của trẻ. Có trẻ giảm số lần đi ngoài trong tuần còn 1-2 lần nhưng phân vẫn mềm thì là bình thường. Đặc biệt, trường hợp này thường xảy ra vào lúc con 2 tháng tuổi. Do đó câu hỏi về trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị táo bón phải làm sao là nhiều hơn cả. Ngược lại, trẻ đi ngoài đều đặn 1-2 ngày/lần nhưng phân khô, cứng, khó đi thì vẫn là táo. Dễ thấy nhất là mẹ quan sát phân của con để so sánh. Cụ thể, phân của trẻ bình thường là như sau:
Phân xì xoẹt hoa cà hoa cải, màu vàng nhạt đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Phân mềm, màu xám xanh/vàng/nâu tùy thuộc vào loại sữa trẻ uống đối với trẻ bú sữa ngoài.
Nếu phân trẻ cứng, màu tối, rời rạc hay kết dính kém thì mới đúng là con bị táo bón. Như vậy các mẹ có con nhiều ngày không đi ị mà phân vẫn mềm hãy thôi lo lắng nhé.
Nhiều mẹ gửi nhắn tin hỏi mình về cách xử lý trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị táo bón. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị táo bón phải làm sao? Trước tiên, mình luôn dành thời gian cùng mẹ đánh giá lại xem con có đúng bị táo không đã. Vì ở độ tuổi này, việc đi ngoài của trẻ rất dễ gây nhầm lẫn. Nhất là 2 tín hiệu sau:
Từ tuần 2 – tuần 6 trẻ sơ sinh bú mẹ có thể giảm số lần đi ngoài đột ngột do hiện tượng giãn ruột.
Đường ruột của trẻ sơ sinh lúc sinh ra rất bé, dung tích dạ dày trung bình chỉ 5ml. Trong 2 tháng đầu dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh tăng rất nhanh lên đến 210ml. Đường ruột lớn hơn chứa được nhiều sữa hơn. Sữa mẹ lại dễ tiêu nên được trẻ hấp thụ hầu hết chất dinh dưỡng. Chất thải còn lại rất ít và phải tập hợp 3-4 ngày mới đủ lượng cần tống ra ngoài.
Điều này lý giải vì sao các mẹ hay nghĩ là trẻ sơ sinh bị táo bón. Nhưng thực ra đây chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, không phải bị táo mẹ nhé. Bằng chứng là dù tích tụ nhiều ngày nhưng phân trẻ vẫn mềm và “đẹp”.
Nhiều mẹ lo lắng khi chứng kiến con rặn đỏ mặt, xì hơi thối hết cả phòng. Vậy mà mẹ vội vàng xi hay cho con ngồi bô mãi vẫn không thấy ra phân. Một số trẻ còn rên rỉ ư ư, làm ba mẹ cứ xuýt xoa khổ thân con quá! Mẹ kết luận ngay chính táo bón là thủ phạm chứ không ai khác.
Nhưng mẹ biết không rặn đỏ mặt là dấu hiệu nhu động ruột của con đang tích cực hoạt động. Nhu động ruột có tác dụng đẩy chất thải xuống ruột già. Trong quá trình đó, chúng cũng đẩy hết khí trong ruột ra làm con xì hơi thối. Như vậy, hai dấu hiệu này không hẳn là con muốn ị mà không ị được.
Hay tình trạng trẻ rên rỉ được hiểu là trẻ đang căng thẳng để… học cách tống phân ra ngoài. Khi nào trẻ thuần thục sẽ không căng thẳng và rên rỉ nữa, chứ không hề liên quan đến táo.
Tóm lại, cách chuẩn nhất để xác định dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón là căn cứ vào tính chất phân. Mẹ chỉ cần nhớ bấy nhiêu thôi. Và ngay cả sau này trẻ lớn, mẹ cũng dùng yếu tố này để xem xét vấn đề táo ở con.
Sữa mẹ là thức ăn dễ tiêu hóa nhất đối với hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của con. Đó cũng chính là lý do trẻ bú mẹ hoàn toàn rất hiếm khi gặp phân cứng, khó đi ngoài.
Tuy nhiên, cũng vì đường tiêu hóa còn non nớt nên con rất nhạy cảm với những thay đổi lạ. Nếu trẻ sơ sinh táo bón thì có lẽ một phần là do dinh dưỡng chưa hợp lý của mẹ. Vì thế, chế độ ăn của mẹ nên:
Hạn chế nhiều gia vị cay như ớt, gừng, tiêu,…
Giảm/không ăn thức ăn khó tiêu, ít chất xơ, nhiều đạm hay thiếu chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, chế độ ăn ngủ không điều độ của mẹ cũng là thủ phạm. Đặc biệt là trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị táo bón do rất nhạy cảm những điều này.
Trẻ sơ sinh uống sữa ngoài bị táo bón thường dễ xảy ra hơn. Kể cả trẻ bú xen kẽ sữa mẹ và sữa công thức hay ăn sữa công thức hoàn toàn. Dạ dày trẻ chưa quen hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa công thức làm trẻ khó đi ngoài. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị táo bón thường do nguyên nhân này là chủ yếu.
Thêm vào đó, pha sữa không đúng công thức cũng dẫn đến trẻ sơ sinh táo bón. Nhiều mẹ thường pha nhiều bột hơn lượng khuyến nghị vì nghĩ rằng như thế con mới đủ no. Hoặc xuất phát từ mong muốn con “béo” lên một tí cho “có da có thịt”. Tuy nhiên, sữa đặc quá con sẽ khó tiêu không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng mẹ nhé. Và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng con bị táo bón.
Chủ đề mẹ quan tâm: Mách Mẹ Những Dòng Sữa Nào Giúp Trẻ Không Bị Táo Bón
Thiếu nước là nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón ít phổ biến hơn. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể thiếu nước do bú không đủ. Mẹ cho con bú nhiều hơn sẽ cải thiện được tình trạng khó đi ngoài. Trẻ trên 6 tháng tuổi ngoài sữa, thức ăn dặm, mẹ cũng cho con uống nước hàng ngày.
Tương tự như thế, trẻ cũng có thể khó đi ị vào thời điểm cai sữa mẹ. Vì thành phần chính của sữa mẹ là dinh dưỡng và nước. Trẻ đột ngột cai sữa hẳn bị thiếu hụt nước cũng dẫn đến bị táo bón. Thời gian này mẹ chú ý tăng cường cho con uống nhiều nước nhé!
Mặc dù hầu hết các mẹ đều cho con bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở đi. Tuy nhiên, một số trường hợp mẹ cho trẻ làm quen với ăn dặm từ 4 tháng hoặc sớm hơn. Lúc này đường ruột của con chưa quen tiêu hóa với dạng thức ăn đặc. Bên cạnh đó, bột ngũ cốc, cháo ăn dặm thường thiếu chất xơ cũng làm trẻ ngồi bô vất vả.
Đôi khi chứng này cũng xảy ra vì chế độ ăn uống của trẻ chưa thực sự khoa học. Các món chiên xào, nhiều dầu mỡ, chất béo cũng làm việc đi ngoài của trẻ trở nên khó khăn.
Tuy không phổ biến nhưng nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón còn có thể kể đến:
Bệnh lý của trẻ: do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa. Hoặc do dị tật bẩm sinh như: đại tràng bị phình to (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme). Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón dù mẹ đã chữa nhiều cách vẫn không hiệu quả. Mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra mẹ ạ. Cũng có lúc biểu hiện đến chậm hơn khi trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị táo bón. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh lý chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp trẻ sơ sinh táo bón. Mẹ đừng quá lo lắng nhé!
Trẻ ít vận động, chỉ ngồi một chỗ chơi nhiều khiến nhu động ruột ít hoạt động. Quá trình co bóp đẩy chất thải ra ngoài do đó mà khó khăn hơn.
Con đang dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn cũng đồng thời diệt luôn lợi khuẩn trong ruột. Hệ tiêu hóa làm việc kém hơn cũng gây ra táo bón hoặc tiêu chảy.
Phải làm gì khi trẻ sơ sinh bị táo bón luôn là vấn đề làm đau đầu các mẹ. Với các mẹ mới sinh lần đầu sẽ căng thẳng hơn vì mọi thứ còn quá bỡ ngỡ. Cách chữa trẻ sơ sinh bị táo bón không quá phức tạp đâu mẹ ơi. Mình gợi ý các mẹ cách chữa trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị táo bón, trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị táo bón mẹ như sau:
Khi tắm mẹ cho con ngâm mình trong bồn nước khoảng 5-10 phút. Nước ấm sẽ kích thích cơ vòng hậu môn co bóp nhịp nhàng giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn. Ngoài thời gian tắm, mẹ ngâm hậu môn trẻ vào nước ấm thêm 1 lần/ngày sẽ nhanh có tác dụng hơn.
Có nhiều bài massage bụng cho trẻ sơ sinh bị táo bón. Những động tác massage giúp thức ăn trong ruột mềm ra. Các cơ ruột vận động nhiều hơn, co bóp và đẩy thức ăn xuống hậu môn nhẹ nhàng. Mẹ thực hiện massage 3 phút/lần, 2 lần/ngày, sau khi tắm và trước khi con đi vệ sinh.
Massage đặc biệt được khuyến khích cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón. Mẹ quan tâm có thể nhắn tin mình hướng dẫn. Mẹ cũng có thể tìm hiểu những cách massage đơn giản và hiệu quả cho bé trong bài viết:
Trẻ Sơ Sinh Bị Táo Bón Lâu Ngày Thì Phải Làm Sao
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có trẻ sơ sinh bị táo bón nên điều chỉnh như sau:
Uống nhiều nước.
Tăng cường ăn các loại rau củ quả tươi.
Thực đơn cân bằng 4 nhóm chất đạm, đường, bột, béo.
Ăn sữa chua hàng ngày để bổ sung lợi khuẩn.
Chế độ ăn giàu chất xơ vừa giúp trẻ đi ngoài dễ, vừa hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng.
Đối với trẻ lớn hơn bị táo bón, mình chia sẻ về dinh dưỡng cho trẻ trong bài viết dưới đây. Mẹ có thể đọc thêm để giúp con nhanh cải thiện nhanh chứng táo bón.
Chi tiết: Trẻ Bị Táo Bón Nên Ăn Gì Cho Nhanh Khỏi
Triệu chứng táo bón của trẻ thường cải thiện dần sau khi mẹ áp dụng các biện pháp trên. Sau 1-2 lần đi ngoài, phân của trẻ sẽ mềm dần, trẻ đi ị không còn khó khăn như trước. Mẹ có thể yên tâm sau vài ngày nữa táo bón sẽ “tạm biệt” bé yêu của mẹ.
Tuy nhiên, nếu con tiếp tục quấy khóc, bỏ bú hoặc có những dấu hiệu sau mẹ nên đưa con đi khám.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón: những ngày mới sinh trẻ không đi ngoài phân su. Đây là dấu hiệu của bệnh Hirschsprung’s.
Trẻ sơ sinh bị táo bón dẫn đến sụt cân.
Trẻ bị táo kéo dài lâu ngày dù mẹ đã thử nhiều cách vẫn không cải thiện.
Như vậy là chúng ta đã nắm rõ về dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón. Mình cũng đã lược qua ngắn gọn những vấn đề khi con bị táo mẹ cần quan tâm. Những bài viết tiếp theo mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn về cách chữa trẻ sơ sinh bị táo bón. Vì trẻ sơ sinh táo bón là vấn đề mà mẹ không sớm thì muộn phải đối mặt một lần. Do đó, mẹ nên tìm hiểu trước để chủ động xử lý khi con bị táo nhé. Mẹ càng hiểu rõ về “táo” bao nhiêu, táo sẽ càng tránh xa bé yêu của mẹ bấy nhiêu đấy!