Bé yêu của mẹ lúc sáng đi học còn ríu rít như chim non, chiều về đã hâm hấp sốt. Chuyện nghe quen không các mẹ? Đây là chủ đề mình và các mẹ thường bàn luận rôm rả bởi tần suất xảy ra quá thường xuyên luôn. Tất cả kiến thức, cách chăm sóc, giải đáp thắc mắc và kinh nghiệm “trị” sốt siêu vi mình đã tổng hợp trong series này. Các mẹ chịu khó đọc sẽ nắm được “trọn bộ bí kíp” đối phó với sốt siêu vi nhé. Hi vọng bài viết sẽ giúp các mẹ lần đầu làm mẹ bình tâm, các mẹ đã có kinh nghiệm thêm “vũ khí” chiến đấu!
Sốt siêu vi hay sốt virus là từ chỉ chung khi trẻ bị nhiễm virus với triệu chứng điển hình là sốt. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu.
Trẻ thường bị sốt siêu vi vào các thời điểm giao mùa hay thời tiết thay đổi đột ngột. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra rải rác trong năm.
Các mẹ có nhận thấy cùng là sốt siêu vi nhưng biểu hiện của con mỗi lần lại khác nhau không? Khi thì chỉ sốt nhẹ, lúc lại sốt rất cao, có lúc nôn ói, tiêu chảy, lúc lại nghẹt mũi, viêm họng. Bởi vì không chỉ có duy nhất một loại virus gây bệnh cho trẻ. Trên thực tế, có đến hàng trăm, hàng nghìn loại virus khác nhau có khả năng gây bệnh cho trẻ. Mà thực tế, dù trẻ đang nhiễm virus nào thì cũng chỉ được gọi với cái tên duy nhất – sốt siêu vi.
Sốt siêu vi ở trẻ em gây ra bởi virus. Virus có cấu trúc đơn giản với kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều. Virus không tồn tại được lâu ở môi trường bên ngoài. Chúng bám vào bề mặt da, kí sinh ở đường ruột hay các bộ phận khác trên cơ thể người hay động vật. Khi hệ miễn dịch yếu đi, chúng tấn công vào cơ thể, sản sinh với tốc độ chóng mặt và gây bệnh.
Một số loại virus thường gây bệnh có thể kể đến là:
Rhinovirus: gây cảm lạnh đôi khi biến chứng thành viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi,…
Coronavirus: gây ra cảm lạnh.
Adenovirus: cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi và có nguy cơ phát thành dịch.
Virus cúm (A, B): cúm, viêm mũi, họng.
Enterovirus: gây sốt cấp tính không đặc thù, sốt phát ban, tay – chân – miệng.
Các loại virus khác nhau có thể gây bệnh ở vị trí khác nhau và có những biểu hiện cũng khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh một vài triệu chứng phân biệt, hầu hết chúng gây ra những biểu hiện, triệu chứng chung giống nhau.
Mẹ có thể quan sát biểu hiện của con ban đầu để nhận biết con bị sốt siêu vi.
Sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40ºC, kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng. Thực tế, trẻ có dấu hiệu sốt siêu vi thường sốt về chiều, tối và khuya sốt cao hơn nhưng ban ngày lại tươi tỉnh.
Trẻ nhỏ thường sẽ quấy khóc nhiều, bỏ bú, chán ăn, mệt mỏi.
Trẻ lớn thường kêu đau đầu, đau ở hai bên thái dương và sau gáy.
Chi tiết: Biểu Hiện Của Sốt Siêu Vi Mẹ Cần Chú Ý
Ngoài các triệu chứng chung, tùy theo loại siêu vi mà trẻ nhiễm phải sẽ có thêm các triệu chứng đặc trưng khác như:
Trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi.
Cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi.
Chảy nước mắt, mắt đỏ, có ghèn và nhạy cảm với ánh sáng.
Đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.
Phát ban hoặc nổi mụn nước (thường xuất hiện sau khi trẻ giảm sốt, ở giai đoạn hồi phục.
Đọc thêm: Sốt Siêu Vi Phát Ban Ở Trẻ Em Có Nguy Hiểm Không?
Một dấu hiệu đặc trưng nữa của sốt siêu vi đó là hay sốt đi sốt lại nhiều lần. Trẻ thường sốt cao 3 ngày đầu rồi giảm dần, tuy nhiên vẫn có thể sốt trở lại trong những ngày sau. Vì vậy, mẹ không nên chủ quan sau khi trẻ dứt sốt đợt 1. Con vẫn cần được nghỉ ngơi nhiều để nhanh khỏe lại.
Sốt siêu vi thường có cùng triệu chứng với nhiều bệnh khác. Trẻ sốt virus có thể sốt nhẹ hay sốt cao. Tuy nhiên, triệu chứng sốt sẽ lui dần sau 3 ngày. Cá biệt một số trường hợp sẽ sốt cao khó hạ kéo dài sang ngày thứ 5. Những trường hợp này thường làm mẹ lo lắng không biết con sốt siêu vi hay bệnh gì khác. Sau 3 ngày sốt cao liên tục, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ làm xét nghiệm máu để có kết luận chính xác.
Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ có hướng điều trị phù hợp. Xét nghiệm máu không thể phát hiện virus nhưng có thể tìm thấy vi khuẩn. Nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ kê kháng sinh điều trị. Xét nghiệm còn giúp loại bỏ khả năng sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya, thương hàn (cần theo dõi riêng). Các bệnh trên được loại bỏ thì kết luận là trẻ bị sốt siêu vi. Đến đây mẹ có thể yên tâm cho trẻ nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà.
Xem thêm: Cách Hạ Sốt Siêu Vi An Toàn Cho Trẻ Ngay Tại Nhà
Sốt virus thực ra là một bệnh lành tính nên mẹ đừng quá lo lắng nhé. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, có thể diễn biến bệnh bất ngờ. Mẹ nên theo dõi trẻ thường xuyên, nhất là lúc sốt cao (mỗi 30 phút/lần). Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu dưới đây, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trẻ sốt cao liên tục trên 3 ngày, kèm theo hiện tượng run rẩy bất thường, lạnh chân tay.
Biểu hiện lơ mơ hoặc ngủ nhiều li bì, khó đánh thức.
Trẻ có biểu hiện tím tái, thở mệt.
Toàn thân trẻ phát ban.
Trẻ đau bụng, nôn ói nhiều.
Đi ngoài ra máu hoặc phân có màu đen.
Trẻ hay bị giật mình, hoảng hốt.
Trẻ sốt co giật.
Những lúc này mẹ cần thật bình tĩnh và xử lý nhanh nhất có thể. Tất nhiên, mẹ không thể đợi đến lúc trẻ rơi vào tình trạng trên mới cuống cuồng tìm cách giải quyết. Thường xuyên cập nhật thông tin trên blog Meviet.vn về các bệnh sốt phổ biến của con sẽ giúp mẹ luôn chủ động chăm sóc bé yêu.
Tham khảo: Sốt Ở Trẻ Em – Những Điều Mẹ Cần Biết
Sốt siêu vi có thể lây từ người sang người. Chính vì vậy, khi người lớn bị bệnh, không nên tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Khi trẻ có dấu hiệu sốt siêu vi, mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà. Việc này vừa giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, vừa tránh lây lan cho cộng đồng.
Sốt virus chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Trẻ bị lây nhiễm virus qua dịch tiết nước bọt bắn ra khi nói chuyện, hắt hơi, ho, sổ mũi. Trẻ sau khi bị nhiễm virus chỉ mất 16-48 tiếng là phát bệnh. Vì vậy, sốt virus có thể lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng.
Cơ chế lây lan tương tự đối với đồ chơi trẻ em. Trẻ nhiễm virus vô tình để lại dịch tiết có chứa virus trên bề mặt đồ chơi. Trẻ khác cầm nắm phải sẽ nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng lây truyền gián tiếp qua các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang ở nơi công cộng.
Có một số ít virus lây truyền qua đường máu thông qua việc tiêm chích, truyền máu, quan hệ tình dục hay từ mẹ truyền cho con trong lúc sinh.
Hiện nay, bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc điều trị. Chính vì vậy, điều trị sốt virus chủ yếu là giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng.
Trẻ sốt bị mất nước nhiều. Mẹ bổ sung nước đầy đủ cho trẻ bằng nước lọc, nước ép trái cây giàu vitamin hay các dung dịch điện giải như oresol, hydrite. Ngoài ra, các món súp, cháo giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa cũng đồng thời cung cấp nước cho trẻ.
Thắc mắc của mẹ: Sốt Siêu Vi Có Tắm Được Không?
Trẻ có dấu hiệu sốt siêu vi thường rất mệt mỏi nên sẽ bám mẹ không rời. Trái với tình trạng vận động liên tục hàng ngày, con giờ đây muốn ngủ nhiều hơn để cơ thể nghỉ ngơi. Và trong lúc cơ thể nghỉ ngơi, đội quân miễn dịch vẫn hăng say tiêu diệt virus.
Nếu trẻ sốt quá cao có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trẻ từ 39ºC trở lên. Bên cạnh đó, mẹ tích cực hạ sốt cho trẻ bằng các biện pháp khác như chườm khăn ấm, đắp lá,…
Có mẹ nghĩ rằng trẻ sốt virus nên dùng kháng sinh để nhanh khỏi. Sự thật là kháng sinh được tạo ra để diệt vi khuẩn và hoàn toàn vô tác dụng với virus. Vì vậy, mẹ không nên tự điều trị kháng sinh cho con. Trong một số trường hợp cụ thể như trẻ bị nhiễm khuẩn, trẻ cần sử dụng kháng sinh. Để biết chắc chắn con mình có thật sự cần hay không, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.
Đọc thêm: Sốt Siêu Vi Uống Thuốc Gì Con Nhanh Khỏe Lại?
Để phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ em, các mẹ lưu ý thực hiện tốt những yếu tố sau:
Xây dựng thực đơn giàu dinh dưỡng và khoa học, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, môi trường sạch sẽ, thoáng mát sẽ làm mất nơi trú ẩn của virus.
Tập thói quen cho trẻ giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trẻ dưới 3 tuổi thường thích khám phá thế giới bằng miệng. Mẹ nên thường xuyên giặt sạch đồ chơi, phơi trực tiếp dưới nắng để tiêu diệt virus, mầm bệnh.
Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ sức khỏe của trẻ tối đa.
Không nên tiếp xúc với người bệnh, nhất là trẻ em. Người lớn nếu tiếp xúc có thể bị lây nhiễm mầm bệnh nhưng không phát bệnh do sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, mầm bệnh rất dễ lây lan từ người lớn sang trẻ. Vào các thời điểm có dịch sốt siêu vi, hạn chế đến nơi đông người.
Khi hắt hơi, ho, sổ mũi, dùng khăn giấy hoặc dùng tay che miệng.
Mẹ nên tập cho trẻ thói quen này ngay từ nhỏ. Khi trẻ đã quen, trẻ sẽ tự bảo vệ mình hàng ngày và trong các đợt dịch.
Nhìn chung sốt siêu vi cũng khá “hiền lành” và dễ thở nhưng cũng ngốn của mẹ không ít thời gian các mẹ nhỉ! Con ốm chỉ bám riết lấy mẹ, chẳng chịu rời. Việc nhà, việc cơ quan cứ thi nhau chất chồng chất đống đợi con ngủ mới xử lý được. Mà con chợp mắt một lát thì mẹ cũng rã rời. Đó là ký ức của mình lúc con tầm 18 tháng hơn.
Sau một thời gian dài “chịu trận” với chế độ “bệnh tiếp nối bệnh” của con, mình nghĩ ĐÃ ĐẾN LÚC THAY ĐỔI. Mình bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu về bệnh, cách chăm sóc hạn chế dùng thuốc khi con bệnh. Dần dà, mình thay đổi trong chế độ dinh dưỡng, tạo lập thói quen sinh hoạt tốt cho con. Trộm vía, thành quả của mẹ là cả năm nay con đã hết bệnh vặt. Nếu mẹ cùng chung mối quan tâm giống mình, chúng ta kết bạn facebook với nhau để tâm sự nhiều hơn nhé!