Tiêm phòng Sởi Quai bị Rubella là mẹ đã giúp con bảo vệ sức khỏe đến 95% trước 3 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có khả năng biến chứng cao. Dưới đây là những thông tin mẹ cần biết như Sởi – Quai bị – Rubella là gì? Tiêm phòng sởi có bị sốt không? Vắc xin sởi quai bị rubella tiêm mấy mũi?…
Cả bệnh Sởi, Quai bị và Rubella đều gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ dây lan. Nó có nguy cơ bùng phát thành dịch ở những nơi có điều kiện vệ sinh, môi trường kém. Bệnh có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng ở những trẻ có sức đề kháng yếu. Một số thông tin về bệnh sởi, quai bị, rubella mẹ cần nắm nha:
Triệu chứng: Sốt, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan ra toàn thân, khi ban sởi biến mất sẽ để lại những vết thâm da; có thể kèm theo chảy mũi, ho và đỏ mắt, chảy nước mắt.
Biến chứng: Những biến chứng có thể gặp phải là viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng.
Triệu chứng: Sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, sưng tuyến mang tai một hoặc cả hai bên, đau nhức khi nhai.
Biến chứng: Viêm tinh hoàn (ở trẻ lớn và người lớn), có thể dẫn đến vô sinh về sau. Ngoài ra bệnh còn có thể gây viêm màng não, viêm tụy và gây chứng điếc vĩnh viễn.
Triệu chứng: Sốt nhẹ, phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan xuống dưới thân mình, có thể kèm theo sưng hạch, đau khớp.
Biến chứng: Trẻ nhiễm rubella thường có triệu chứng nhẹ và tự khỏi bệnh, ít khi xảy ra biến chứng. Nhưng đối với phụ nữ mang thai bị bệnh rubella, trẻ sinh ra sẽ có nhiều nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh hoặc kém phát triển.
Đến nay, Y học vẫn chưa tìm ra được thuốc điều trị đặc hiệu cho 3 bệnh này. Vì vậy, chủng ngừa vắc xin sởi – quai bị – rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh cho cả người lớn và trẻ em.
Hiện nay, vắc xin phòng bệnh sởi được bào chế dưới 2 dạng: vắc xin đơn giá và vắc xin phối hợp. Các mẹ thường bối rối giữa các loại vắc xin: sởi đơn, sởi – rubella, sởi – quai bị – rubella, không biết khi nào nên sử dụng vắc xin nào. Những lý giải sau đây sẽ giúp các mẹ xác định đúng mục đích và cách sử dụng các loại để mẹ dễ dàng chọn vắc xin phù hợp nhé.
Tên gọi: MVVAC.
Chỉ có tác dụng ngừa bệnh sởi.
Tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi.
Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Vì sao cần tiêm vắc xin sởi đơn MVVAC? Lượng kháng thể truyền từ mẹ sẽ giúp bảo vệ trẻ trước bệnh sởi trong những tháng đầu đời. Qua thời gian, lượng kháng thể này giảm dần hiệu lực. Đến 9 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm mũi sởi đơn bổ sung để đảm bảo tạo ra đủ kháng nguyên tự phòng vệ.
Tên gọi: MR.
Có tác dụng ngừa bệnh sởi và rubella.
Tiêm cho trẻ từ 12-18 tháng tuổi.
Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tên gọi: MMR.
Có tác dụng ngừa sởi, quai bị, rubella.
Tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
Là vắc xin dịch vụ.
Các mẹ có thể chọn tiêm vắc xin MMR tại các bệnh viện, trung tâm y tế, hệ thống tiêm phòng dịch vụ với mức giá dao động từ 154.000đ – 265.000đ/ mũi.
Cả ba loại vắc xin kể trên đều có tác dụng phòng chống sởi hiệu quả, có thể dùng được cho trẻ em lẫn người lớn. Khả năng bảo vệ của vắc xin có thể lên tới 99,7% nếu được tiêm đủ liều và đúng lịch theo khuyến cáo. Các mẹ xem lịch tiêm phòng sau đây để biết vacxin sởi – quai bị – rubella tiêm mấy mũi và vào thời gian nào nhé.
Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, lịch tiêm phòng khuyến nghị:
Mũi 1: Tiêm sởi đơn MVVAC lúc 9 tháng tuổi.
Mũi 2: Tiêm sởi – rubella MR lúc 18 tháng tuổi.
Mũi 3: Tiêm nhắc sởi – rubella MR khi trẻ 4-6 tuổi.
Đối với trẻ dưới 7 tuổi:
Mũi 1: Từ 12-15 tháng tuổi.
Mũi 2: Khi trẻ 4-6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có bùng phát dịch.
Đối với trẻ đã tiêm chủng mũi sởi đơn lúc 9 tháng: mũi 2 tiêm MMR từ tháng 15-18, tiêm mũi nhắc lúc 4-6 tuổi bình thường.
Đối với trẻ trên 7 tuổi và người lớn:
Mũi 1: Từ 7 tuổi trở lên.
Mũi 2: Cách mũi 1 một tháng.
Lưu ý: Không tiêm MMR cho mẹ bầu. Nếu có kế hoạch sinh em bé, mẹ nên chủng ngừa MMR trước ít nhất 3 tháng để cơ thể có thời gian tạo ra miễn dịch mà không ảnh hưởng đến em bé.
Có nhiều mẹ lo ngại về vấn đề con tiêm phòng sởi có sốt không? Tuy nhiên, trái với sự lo lắng của các mẹ, sốt nhẹ là một tín hiệu tốt cho thấy hệ miễn dịch của con có đáp ứng với vắc xin. Nếu con sốt cao, mẹ hãy làm theo hướng dẫn tại bài trẻ tiêm phòng bị sốt phải làm sao để con nhanh hạ sốt.
Thêm vào đó, vắc xin sởi đã được kiểm chứng và đánh giá là an toàn. Theo nghiên cứu báo cáo về các phản ứng phụ sau tiêm, trẻ được tiêm phòng vắc xin sởi có thể bị sốt nhẹ (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Những phản ứng đều rất nhẹ và sẽ tự hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị. Các phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm phòng vắc xin sởi rất hiếm gặp. Vì thế, mẹ yên tâm tiêm mũi sởi đơn cho con nhé.
Vắc xin MMR là vắc xin sống, giảm độc lực, chứa các vi sinh vật sống đã được làm yếu đi trong phòng thí nghiệm để chúng không còn khả năng gây bệnh. Đây là dạng gần với cơ chế tạo ra miễn dịch tự nhiên nhất nên vắc-xin khi đi vào cơ thể sẽ kích thích các kháng thể phản ứng, dẫn đến con có biểu hiện như:
Sốt nhẹ, phát ban.
Đau nhẹ và nhạy cảm ở vùng tiêm.
Thành phần vắc xin quai bị trong vắc xin sởi quai bị rubella MMR có thể gây viêm tuyến mang tai, sốt nhẹ, sốt động kinh và viêm tinh hoàn nhưng ở thể nhẹ, không nguy hiểm, không ảnh hưởng sức khỏe.
Tuy nhiên, đây là những phản ứng cần thiết giúp cơ thể tạo khả năng miễn dịch lâu dài và chỉ kéo dài 1-2 ngày nên mẹ đừng quá lo lắng. Chăm sóc con đúng cách có thể giúp con nhanh chóng hoàn tất tiến trình tăng cường hệ miễn dịch này.
Sởi – Quai bị – Rubella thực chất không đáng sợ. Điều đáng lo ngại chính là những biến chứng nguy hiểm mà những căn bệnh này gây ra. Dịch sởi ở nước ta thường bùng phát thành dịch, chu kỳ 4-5 năm một lần trên quy mô lớn. Tiêm phòng Sởi – Quai bị – Rubella giúp bảo vệ sức khỏe cho những đứa con thân yêu của chúng ta. Nó còn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, đẩy lùi và tiến tới xóa sổ những bệnh này. Vì vậy, các mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế để chủng ngừa đúng lịch các mẹ nhé!
Các mẹ cũng nên giành thời gian đọc thêm chi tiết về lịch tiêm chủng cho trẻ và các mũi tiêm phòng dịch vụ cho trẻ.
Sau mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi của con, lịch tiếp theo gần nhất là tiêm phòng Viêm não Nhật Bản. Bài viết Viêm não Nhật Bản là gì? Chích Ngừa Viêm Não Nhật Bản sẽ giúp các mẹ nắm được các thông tin quan trọng trước khi chủng ngừa cho con nhé.
*Lưu ý: Giá vắc xin trong bài tham khảo từ bảng giá cập nhật năm 2019 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM và hệ thống tiêm chủng VNVC. Mức giá có thể thay đổi theo các vùng, miền, khu vực khác nhau.