Các mẹ nuôi con nhỏ hầu như ai cũng trải qua ít nhất một lần con bị viêm da. Dù là nặng hay nhẹ thì khi chứng kiến cảnh ấy, các mẹ đều rất sốt ruột và xót xa cho làn da mỏng manh đỏ ửng của trẻ phải không nào? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị viêm da. Việc phân loại đúng bệnh viêm da ở trẻ sẽ giúp mẹ lựa chọn cách điều trị hiệu quả.
Viêm da là tình trạng viêm ở da với các triệu chứng điển hình là phát ban, ngứa, nổi mẩn đỏ, sưng, bóng nước, có thể rỉ dịch…
Viêm da là một bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ em với làn da non nớt, nhạy cảm và hệ miễn dịch còn yếu. Bệnh không lây nhiễm, nhưng dễ làm cho trẻ cảm thấy khó chịu và mất thẩm mỹ. Tin vui cho các mẹ là trẻ bị viêm da nếu mẹ chịu khó chú ý làm tốt bước phòng bệnh và chăm sóc, trẻ ít khi phải dùng đến thuốc điều trị đấy.
Cách chăm sóc bệnh viêm da ở trẻ em đều dựa trên cùng một nguyên tắc, tuy nhiên, phân loại đúng các loại viêm da sẽ giúp quá trình điều trị và lành bệnh nhanh hơn.
Viêm da dị ứng là dạng viêm da phổ biến và thường gặp nhất. Viêm da dị ứng thường xảy ra ở trẻ em vì làn da trẻ rất mỏng manh, chỉ bằng ⅕ lớp da người lớn và cơ chế bảo vệ da vẫn chưa hoàn thiện.
Khi bị viêm da dị ứng, trẻ thường có triệu chứng da ửng đỏ, phát ban, nổi sần hay mẩn đỏ, ngứa. Trẻ thường đáp ứng những kích thích này bằng việc gãi, càng gãi thì càng ngứa và có thể gây ra trầy xước, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng, bội nhiễm.
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm da dị ứng, trong đó phổ biến nhất là: dị ứng do thức ăn, hóa chất, kim loại, dị ứng thuốc (sau khi tiêm vắc xin), dị ứng thời tiết…
Đọc thêm: Trẻ Sơ Sinh Bị Viêm Da Dị Ứng: Mách Mẹ Cách Giải Quyết
Viêm da dị ứng bao gồm: viêm da dị ứng thời tiết, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc và mề đay.
Cơ thể trẻ thường phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết vào những thời điểm giao mùa. Trẻ cũng có thể bị dị ứng với những các yếu tố khác xuất hiện kèm theo như phấn hoa, mạt bụi, độ ẩm tăng cao làm cho nấm mốc sinh sôi mạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột…
Các triệu chứng nhận biết trẻ bị viêm da dị ứng thời tiết như: da đỏ ửng và sưng nhiều chỗ, khô ráp, nứt nẻ và bong tróc vảy khô trên da. Trẻ có thể sốt, viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi, hắt xì hơi liên tục hoặc khó thở do đường thở bị tắc nghẽn. Chi tiết về bệnh và cách chăm sóc, mẹ có thể tham khảo bài viết:
Bé Bị Viêm Da Dị Ứng Thời Tiết: Chăm Sóc Đúng Sẽ Khỏi Nhanh
Viêm da cơ địa (tên khoa học là Atopic Dermatitis-AD) là bệnh mà các mẹ thường biết đến với tên gọi chàm, chàm sữa, lác sữa hay còn có tên gọi khác là bệnh eczema, sẩn ngứa Besnier, Lichen đơn dạng mạn tính… Các mẹ có thể dễ dàng nhận biết trẻ bị viêm da cơ địa khi thấy da trẻ có những triệu chứng da đỏ ửng, thô ráp, nổi mẩn đỏ hay có mụn nước, ngứa. Những mụn nước này nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể lan nhanh ra xung quanh và thường xuất hiện đối xứng ở vùng mặt (hai bên má của trẻ), khuỷu tay và đầu gối. Ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu hay chăm sóc không đúng cách, các mụn nước có thể rỉ dịch, bị vỡ ra, hay đóng vảy khiến trẻ rất khó chịu, ngứa ngáy.
Hai nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em là do môi trường và di truyền. Nếu ba hoặc mẹ có bệnh thì 60% con cũng sẽ mắc phải. Còn nếu cả ba và mẹ đều có bệnh, tỉ lệ này là 80%. Môi trường xung quanh trẻ có nhiều dị nguyên như lông vật nuôi, bọ ve, mạt, bụi… Như vậy dựa vào yếu tố di truyền và vị trí viêm da, mẹ có thể phân biệt viêm da cơ địa với những bệnh khác.
Đối với nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên nóng ẩm cao, tỷ lệ trẻ mắc viêm da cơ địa khá cao. Để hiểu rõ về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ với triệu chứng thường thấy là nổi mẩn đỏ trên mặt, mẹ có thể tham khảo bài viết:
Trẻ Sơ Sinh Nổi Mẩn Đỏ Trên Mặt – Dấu Hiệu Của Trẻ Bị Viêm Da Cơ Địa
Trẻ Sơ Sinh Bị Viêm Da Ở Mặt Mẹ – Cách Mẹ Chăm Sóc Hiệu Quả Tại Nhà
Có 2 loại viêm da tiếp xúc, bao gồm:
Dạng bệnh viêm da này xảy ra khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại, có tính tẩy rửa mạnh, có nồng độ cao. Bệnh hay xảy ra ở người trưởng thành làm việc trong các môi trường hóa chất độc hại. Bệnh ít khi xảy ra ở trẻ em. Trừ trường hợp trẻ em nuốt phải pin đồ chơi (dị ứng với axit có trong pin).
Bệnh hình thành khi tiếp xúc với tác nhân lạ, cơ thể ngay lập tức hoặc sau đó kích hoạt phản ứng dị ứng, cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm làm cho da bị đỏ, sưng, ngứa và các triệu chứng khác. Các nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm:
Đồ trang sức, kim loại như niken, vàng.
Nước hoa, các hóa chất có trong mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc da.
Nhựa độc cây thường xuân, vạn thiên thanh, trúc đào…
Dép nhựa, dây đeo tay…
Trong trường hợp này viêm da thường chỉ xuất hiện ở vị trí tiếp xúc với tác nhân lạ. Những biểu hiện mẹ có thể quan sát rõ rệt là: da đỏ ửng, khô, ngứa, có thể xuất hiện các nốt phồng rộp, rỉ dịch hoặc khô, viêm, sưng, lở loét…
Điều trị viêm da dị ứng trước tiên phải ngừng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, nếu nhẹ, bệnh có thể tự hết. Trong trường hợp bị dị ứng nặng, mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc.
Nổi mề đay là một dạng viêm da dị ứng với triệu chứng nổi mề đay, những nốt mẩn và ngứa, màu hồng, nổi lên trên nền da xung quanh, xảy ra ở một phần của cơ thể hoặc lan rộng ra các khu vực khác. Việc nổi mề đay không phải là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Nhưng khiến cho trẻ thấy khó chịu trong cả ngày dài, kể cả khi đi ngủ.
Nổi mề đay thường không cần điều trị trong khoảng một vài ngày. Trong một số trường hợp, cách trị nổi mề đay có thể là thuốc để làm giảm cảm giác khó chịu và corticosteroid ngắn hạn và thuốc kháng histamin để điều trị một số trường hợp nổi mề đay.
Viêm da tiết bã thường ảnh hưởng đến vùng da đầu, thường khá phổ biến ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Triệu chứng của nó giống như gàu vậy. Tuy nhiên mức độ là nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn. Da bong tróc thành từng mảng lớn, nhiều và dày đến mức khó kiểm soát. Các mẹ thường biết đến bệnh này dưới tên gọi “cứt trâu”.
Ngoài khu vực da đầu, viêm da tiết bã còn có thể xuất hiện ở: lông mày, 2 bên mũi, khu vực sau tai, háng, trung tâm ngực.
Tình trạng này xảy ra có thể là do sự phát triển quá mức của một loại nấm men hoặc một số loại tế bào trên da.
Đọc Thêm: Trẻ Bị Ngứa Da Đầu Và Cách Mẹ Việt Trị Dứt Điểm
Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh là bệnh hay gặp ở trẻ vào mùa hè do vi khuẩn gây ra, thường chia làm 2 loại: viêm da mủ tụ cầu và viêm da mủ liên cầu.
Đây là một trong những dạng viêm da mủ ở trẻ sơ sinh có thể gây ra những tổn thương chính ở vùng nang lông gọi là viêm nang lông (viêm lỗ chân lông). Bệnh gồm viêm nang lông nông và viêm nang lông sâu với các triệu chứng chung là sưng tấy, đau, xung quanh có mụn mủ gây ngứa và dễ viêm nhiễm.
Nhọt cũng là một dạng viêm nang lông, bên trong mụn nhọt có mủ, sưng đau và có độc tính cao, khi vỡ làm cho trẻ rất đau. Nhọt có khi kéo dài cả tháng, gây khó chịu trong sinh hoạt, chăm sóc và có thể biến chứng nguy hiểm nếu sức đề kháng của trẻ yếu đi.
Bệnh thường biểu hiện dưới các dạng chốc, hăm kẽ, cụ thể:
– Chốc: ban đầu trên da xuất hiện các bọng nước, sau đó nhanh chóng biến thành bọng mủ và mủ đục từ dưới chân bọng nước lên, thường mọc quanh miệng. Mụn mủ khi bị vỡ ra sẽ đóng vảy và tiết dịch vàng. Dưới nền da mụn khô khi cạy ra có màu đỏ và ướt. Nếu chốc xuất hiện trên da đầu sẽ khiến cho da đầu và tóc luôn bị dính bết dễ gây nhiễm khuẩn và lan rộng.
– Hăm kẽ: xảy ra những vùng có nếp gấp ở da như kẽ cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn của trẻ do ra nhiều mồ hôi ẩm ướt nên dễ bị hăm. Tại chỗ bị bệnh, da thường xuất hiện các đám đỏ, trượt, tiết dịch, viền da mỏng. Những vấn đề đó gây đau rát khiến bé khó chịu và hay quấy khóc.
Chi tiết: Trẻ Sơ Sinh Bị Viêm Da Mủ: Hướng Dẫn Mẹ Bí Quyết Chăm Sóc Tại Nhà
Đối với bệnh viêm da ở trẻ em: dù điều trị viêm da do nguyên nhân nào cũng tuân theo những nguyên tắc sau:
Vấn đề cốt lõi khi điều trị cho trẻ bị viêm da đó là: tránh xa các tác nhân gây kích ứng, dị ứng da. Nếu không phát hiện và loại trừ các dị nguyên, tác nhân gây dị ứng thì việc điều trị sẽ không thể dứt điểm. Ngược lại sẽ tái phát nhiều lần và chuyển thành mạn tính.
Bệnh viêm da ở trẻ em thường xảy ra ở những vùng da bị khô. Đặc biệt càng khô bệnh càng phát triển mạnh. Mẹ bôi kem dưỡng da giúp da bé được cung cấp đầy đủ độ ẩm sẽ mềm mại, da không bị kích ứng nhiều, các triệu chứng dần thuyên giảm đi. Sử dụng các kem dưỡng ẩm là bước đầu tiên trong điều trị khi trẻ bị viêm da. Nếu trẻ chỉ bị nhẹ, mẹ chỉ cần dùng kem dưỡng ẩm là đủ. Nếu da trẻ vẫn tiếp tục bị khô, nổi mụn li ti, ngứa, lan rộng, mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được kê thêm các thuốc điều trị triệu chứng.
Các thuốc thường được sử dụng để giảm ngứa và chống viêm là thuốc kháng histamin và thuốc corticoid. Mẹ lưu ý nhé, các thuốc này thường được chỉ định điều trị ngắn ngày với lượng nhỏ, giảm dần. Mẹ tuyệt đối KHÔNG TỰ Ý sử dụng thuốc cho trẻ vì những thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ. Hơn nữa, một số thuốc còn có thể ngấm trực tiếp vào máu thông qua da gây ra những vấn đề khác nên tốt nhất, trẻ nên được điều trị theo kê toa của bác sĩ.
Nếu mẹ muốn áp dụng những cách chữa dân gian như tắm lá, xông hơi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác. Chữa trị không đúng cách có thể làm bệnh tình nặng thêm và xảy ra biến chứng, khó điều trị.
Các bệnh viêm da ở trẻ em tuy dễ tấn công làn da non nớt của trẻ nhưng cũng không phải là quá khó để xử lý. Chăm sóc, đảm bảo vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, môi trường trong lành, thoáng mát có thể giảm thiểu các trường hợp dị ứng. Những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin tự nhiên sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng cũng có tác dụng ngăn ngừa dị ứng. Những trường hợp trẻ bị dị ứng nhẹ, nếu mẹ xử lý kịp thời ngay từ những biểu hiện đầu tiên xuất hiện, khả năng cao các triệu chứng viêm da sẽ nhanh chóng biến mất. Hãy chắc chắn những đồ dùng không thể thiếu của trẻ đã có một tuýp kem dưỡng ẩm giữ cho da bé luôn hồng hào, mịn màng các mẹ nhé!
Ngoài viêm da, còn nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra các triệu chứng nổi mẩn đỏ, mụn nước li ti… Mẹ hãy cùng tìm hiểu thêm ở đây nhé:
Trẻ Sơ Sinh Bị Rôm Sảy Ở Mặt: Mẹo Hay Cho Mẹ
Bé Bị Nổi Mẩn Đỏ Khắp Người Không Sốt – Cách Chăm Sóc Hiệu Quả Tại Nhà