Trẻ Sơ Sinh Bị Rôm Sảy Ở Mặt: Mẹo Hay Cho Mẹ

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào: 04/09/2019
17 phút đọc

Với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới của nước ta, rôm sảy là một bệnh thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. Trong đó, trẻ sơ sinh bị rôm sảy ở mặt là phổ biến hơn cả. Rôm sảy cũng là bệnh mà chỉ cần mẹ cải thiện các điều kiện chăm sóc tốt thì hoàn toàn có thể điều trị tại nhà trong vòng 7-10 ngày.

Rôm Sảy Là Gì?

Hè về, mẹ có một nỗi lo thường trực mang tên rôm sảy. Bề mặt da trẻ xuất hiện những nốt lấm tấm nhỏ màu hồng. Nó thường không gây đau nhưng làm trẻ khó chịu và ngứa, cảm giác châm chích dai dẳng.  

Rôm sảy thường lành tính, không cần sử dụng thuốc. Mẹ chỉ cần chú ý vệ sinh da hàng ngày cho trẻ, các nốt rôm sẽ nhanh lặn. Để biết trẻ sơ sinh bị rôm sảy phải làm sao, mẹ cùng đi tìm nguyên nhân trước nhé!

Nguyên Nhân Trẻ Sơ Sinh Bị Rôm Sảy Ở Mặt

Trẻ sơ sinh thường bị rôm sảy ở mặt. Trẻ lớn hơn có thể bị  rôm sảy ở cổ, vai, ngực, lưng, các kẽ tay, kẽ nách,…

Rôm sảy xuất hiện do một số các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn. Ở đây, nguyên nhân cụ thể chưa rõ ràng, một vài yếu tố có thể kể đến như:

  • Tuyến mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện. Vì vậy, mẹ có thể bắt gặp rôm sảy ngay trong tuần đầu tiên sau sinh. 

  • Trẻ được ủ ấm trong lồng ấp thời gian dài.

  • Thời tiết nóng, ẩm ướt, làm trẻ tăng cường tiết mồ hôi.

  • Trẻ mặc quần áo quá chật, bị bí hơi.

  • Trẻ hoạt động, vui chơi ra nhiều mồ hôi.

Thông thường, trẻ chỉ nổi sảy vào mùa hè nóng bức. Tuy nhiên, rôm cũng sẽ viếng thăm vào mùa đông hay bất cứ mùa nào khác. Lý do là mẹ mặc cho trẻ quá nhiều lớp quần áo làm mồ hôi không thoát ra được. Mồ hôi sẽ đọng lại trên da gây bít lỗ chân lông.

Trẻ Sơ Sinh Bị Rôm Sảy Phải Làm Sao?

Nguyên tắc “đẩy lùi” rôm sảy đơn giản là làm mát da ngăn ngừa trẻ tiết nhiều mồ hôi. Cụ thể như sau:

Tắm Và Lau Mát

0G7hj0QY0wLo8Xf4.jpeg
  • Tắm cho trẻ: Mẹ nên tắm nước mát từ 1-2 lần/ngày để làm sạch da, giúp trẻ mát mẻ, dễ chịu.

  • Tắm nước lá: một số thảo dược nguồn gốc thiên nhiên có tính kháng khuẩn, làm mát da an toàn mà hiệu quả. Do đó, các mẹ thường dùng là khổ qua (mướp đắng), lá trà xanh, kinh giới, tía tô, sài đất, trầu không, rau má, sắn dây, chanh,… Mẹ rửa sạch, xắt nhỏ 1 nắm lá cho vào nồi nước đun sôi tầm 5-10 phút cho ra các chất trong lá rồi hòa loãng vào nước tắm cho trẻ (không phải nấu đặc, nấu nhiều là tốt đâu các mẹ nhé).

  • Lau Mát: trẻ hoạt động ra mồ hôi liên tục hoặc sau khi ăn, uống nước hoa quả. Vì vậy, mẹ có thể nhúng ướt khăn sạch lau mát cho con ở những vùng thường rôm sảy như mặt, đầu, cổ, ngực, vai, lưng, các kẽ,… 

  • Sử dụng những sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ phù hợp cho bé. Dầu gội, sữa tắm của bố mẹ rất thơm nhưng có thể gây kích ứng cho làn da mỏng manh của trẻ, không nên dùng.

  • Bôi phấn rôm: hãy chắc chắn mẹ sử dụng phấn rôm tốt vì loại kém chất lượng ngược lại, sẽ gây bít lỗ chân lông của con đấy. Mẹ đừng quên lau khô da con trước khi bôi và chỉ bôi một lượng vừa đủ, bôi khi da trẻ sạch, mẹ nhé.

  • Một số mẹ có thói quen massage cho bé có lẽ nên hoãn vài ngày vì các loại dầu, tinh dầu massage có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông của trẻ.

Quần Áo

  • Quần áo 100% chất liệu cotton mềm mại, thấm hút tốt giúp da trẻ luôn thoáng mát. Những chất liệu như nylon, len, dạ, lông mẹ không nên chọn vì chúng không hút mồ hôi.

  • Ưu tiên quần áo rộng rãi, thoải mái, không mặc quá nhiều lớp.

Lưu Ý Khác

  • Mẹ nhớ cho trẻ uống nước lọc đầy đủ hay các loại nước ép hoa quả để cân bằng nhiệt độ cơ thể. 

  • Mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn giải nhiệt như rau xanh, đỗ đen, cam, táo,…

  • Tránh chà xát, gãi ngứa. Mẹ nên cắt và làm sạch móng tay trẻ thường xuyên để hạn chế trẻ gãi làm trầy xước, nhiễm trùng.

  • Cho trẻ vui chơi nơi thoáng mát. Tránh giai đoạn thời tiết khó chịu nhất trong ngày là từ 10-15h. Bố mẹ hạn chế đưa trẻ ra ngoài thời gian này. Nếu có việc cần phải đi, hãy che chắn kỹ cho trẻ với mũ, nón rộng vành, quần áo dài tay, tất chân.

  • Phòng mát: cho trẻ vui chơi ở phòng mát, thoáng khí, có quạt hay điều hòa để ngăn trẻ ra mồ hôi nhiều. Buổi tối phòng trẻ ngủ nên bật điều hòa mát ở nhiệt độ 22-26°C. Sau khi tắm nếu trẻ hoạt động nhiều, mẹ nên dùng một chiếc khăn sạch nhúng nước vắt ráo để lau lại cho trẻ trước khi đi ngủ, chú ý vùng cổ và lưng.

Nếu mẹ chăm sóc trẻ đúng cách, bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày hoặc nhanh hơn. Trường hợp trẻ gãi làm trầy xước, nhiễm khuẩn làm các hạt sảy nổi đỏ hay mủ trắng, kèm theo sốt, quấy khóc khó chịu, rôm sảy phát triển mạnh, mẹ nên kết hợp cho trẻ dùng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc Bôi Cho Trẻ Sơ Sinh Bị Rôm Sảy Ở Mặt

Dù thuốc bôi viêm da mẹ rất dễ mua ở các tiệm thuốc tây nhưng mẹ không nên chủ quan. Làn da mỏng của con kết hợp hệ miễn dịch còn non yếu. Do đó, nếu xảy ra dị ứng sẽ rất khó điều trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Chính vì thế, các mẹ luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Về cơ bản, thuốc bôi cho trẻ bị rôm sảy gồm các thành phần: 

  • Lanolin: giúp ngăn ngừa bít các ống dẫn mồ hôi, ngăn không nổi rôm mới.

  • Calamine: giảm cơn ngứa.

  •  Steroid: chỉ dùng khi bị rôm sảy nặng, kháng viêm, tránh biến chứng.

Đối với những trẻ sơ sinh bị rôm sảy ở mặt mẹ phải hết sức cẩn thận. Do vùng da mặt của trẻ cực kỳ nhạy cảm, không phải loại thuốc bôi nào cũng sử dụng được. Vì vậy, mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để yên tâm điều trị cho bé. Mẹ cũng có thể tham gia vào cộng đồng Mẹ Việt Vip để được tư vấn liên tục từ mình và đội ngũ hỗ trợ nhé.

Rôm Sảy Có Nguy Hiểm Không?

S0wiYVjsctdXaIJk.jpeg

 Thường được phân loại dựa trên độ sâu các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn. Rôm sảy thể hay gặp nhất và cũng là vô hại là rôm tinh thể. 

Dạng tinh thể (rôm sảy tinh thể):  rôm chỉ ảnh hưởng đến các ống mồ hôi ở lớp trên cùng của da. Biểu hiện là mụn nước, bóng nước dễ vỡ.

Rôm sảy đỏ (rôm sảy gai): xảy ra sâu trong da. Triệu chứng gồm mụn đỏ, ngứa hoặc cảm giác như kiến cắn sở vùng bị rôm.

Dạng mủ (rôm sảy mủ): Loại này là viêm nang mồ hôi.

Đọc thêm: Trẻ Sơ Sinh Bị Viêm Da Mủ: Hướng Dẫn Mẹ Bí Quyết Chăm Sóc Tại Nhà

Rôm sảy sâu: ít phổ biến, ảnh hưởng đến hạ bì – lớp sâu hơn của da. Mồ hôi rỉ ra, gây ra các tổn thương màu đỏ có màu như thịt trông giống như da gà.

Ngoài ra, khi các mụn rôm bị vỡ, trẻ còn có thể gặp phải các biến chứng:

Nhiễm trùng: mụn rôm vỡ ra, nếu vệ sinh không sạch sẽ thì rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng.

Sốc nhiệt: Rôm sảy khiến các lỗ chân lông bị bít kín, cơ thể trẻ không thể bài tiết mồ hôi để làm mát cơ thể do đó thân nhiệt sẽ tăng lên, có thể dẫn đến sốt, chóng mặt, buồn nôn, hạ huyết áp, tim đập nhanh, khó thở.

 Ở dạng rôm tinh thể trẻ không được chăm sóc kỹ lưỡng, tình trạng sẽ ngày càng nặng hay tái phát nhiều lần. Vì vậy, ngay khi trẻ có dấu hiệu rôm sảy, mẹ hãy chú ý chăm sóc cho trẻ để tránh dẫn đến tổn thương sâu, mẹ nhé!

Kết Luận

Mẹ thân mến,

Thông thường, các bệnh ngoài da của trẻ không kèm sốt thường không nguy hiểm. Và bệnh có nhanh hết hay không phụ thuộc phần lớn vào chế độ chăm sóc bé của mẹ. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể điều trị hiệu quả và nhanh chóng bởi thuốc, kem bôi. Nhưng điều này sẽ kèm theo nóng trong người, chán ăn hay mệt mỏi. Đó là chưa kể đến vấn đề kháng kháng sinh. Vậy nên, cũng là một người mẹ, mình tin rằng các mẹ hiểu được tầm quan trọng của bước chăm sóc có thể giúp con “đánh nhanh, tiêu diệt gọn” các bệnh này. 

Hy vọng với những thông tin về rôm sảy và những kinh nghiệm thực chiến của mẹ Việt sẽ giúp các mẹ giải đáp thắc mắc câu hỏi trẻ sơ sinh bị rôm sảy phải làm sao. Và nếu mẹ cần hỗ trợ nhiều hơn, hãy liên hệ mình nhé hoặc cùng thảo luận sôi nổi với nhiều mẹ khác trong cộng đồng mẹ Việt nào!

Một số bệnh ngoài da phổ biến khác ở trẻ mẹ cần biết:

Trẻ Bị Viêm Da: Phân Loại Đúng, Chữa Trị Hiệu Quả

Bé Bị Nổi Mẩn Đỏ Khắp Người Không Sốt – Cách Chăm Sóc Hiệu Quả Tại Nhà