Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi có rất nhiều mũi tiêm vắc xin quan trọng. Những phản ứng sau tiêm của con thường làm những bà mẹ như chúng ta thật lo lắng và thương con vô hạn. Trẻ đi tiêm phòng về sốt có sao không? Hay trẻ tiêm phòng bị sốt phải làm sao? Các mẹ hãy bỏ túi những thông tin cần biết sau tiêm phòng và cách chăm sóc trẻ tại nhà đơn giản mà hiệu quả nha.

Các mẹ thường có tâm lý ngán ngẩm mỗi khi đến lịch tiêm chủng cho con. Bởi vì một thực tế là thường ngày con hiếu động là thế thì sau tiêm phòng, con hay bị sốt, mệt mỏi, quấy khóc và chỉ theo mẹ, đòi mẹ bế bồng hầu như mọi lúc mọi nơi. Những ngày ấy mẹ muốn nghỉ ngơi đã khó, huống chi là đi làm công ty hay lo liệu việc nhà. Viễn cảnh con quấy khóc khiến mẹ đôi khi không tránh khỏi vừa thương vừa bực mình vừa hoang mang không biết mọi việc có ổn không.

Hiểu một chút các phản ứng của trẻ sau tiêm chủng, điển hình là sốt, khi trẻ tiêm phòng bị sốt phải làm sao… sẽ phần nào giúp mẹ giải tỏa được những căng thẳng, mệt mỏi khi con tới ngày “trình diện” vắc xin nhé.

Sốt là gì? Vì Sao Trẻ Tiêm Phòng Về Bị Sốt

Sốt Là Gì

Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt hơn nhiệt độ bình thường. Cơ thể chúng ta sẽ được kích hoạt sốt để chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh như virus, vi trùng hay ký sinh trùng.

Vì Sao Đi Tiêm Phòng Về Trẻ Bị Sốt?

Vắc-xin là chế phẩm sinh học mang virus, vi khuẩn đã chết hoặc làm suy yếu, giảm độc lực được đưa vào cơ thể. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vắc-xin là vật lạ nên sẽ tiêu diệt rồi ghi nhớ chúng. Người được chủng ngừa sẽ tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau, khi các tác nhân bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công các tác nhân gây bệnh này nhanh chóng và hiệu quả hơn để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó.

Sau khi tiêm vắc xin về trẻ có thể bị sốt là một tín hiệu tốt, cho thấy cơ thể của trẻ có đáp ứng với vắc xin. Cơ thể của con đang tiến hành “nhận diện”, “tiêu diệt” và tạo ra miễn dịch giúp con miễn nhiễm với bệnh. Và sốt hay các triệu chứng khác chỉ tồn tại từ 1-3 ngày sẽ tự khỏi. Đến đây những mẹ lo lắng trẻ đi tiêm về sốt có thể hoàn toàn yên tâm, kiên nhẫn chờ đợi con “được huấn luyện” để trở nên khỏe mạnh hơn nhé.

Phản Ứng Thường Gặp Của Trẻ Sau Khi Tiêm Phòng

Tổng hợp sau đây sẽ giúp các mẹ “chuẩn bị tinh thần” để đối phó với phản ứng thường gặp của trẻ sau các mũi tiêm vắc xin.

Phản Ứng Chung

  • Sốt, quấy khóc, bỏ ăn, bú kém.
  • Đau, đỏ, sưng tấy tại vị trí tiêm.
  • Mẩn ngứa.

Phản Ứng Khác

Vắc xin 5 trong 1: Có thể xuất hiện phát ban, tiêu chảy, nôn, buồn ngủ, tại chỗ tiêm xuất hiện nốt cứng hơn 2cm trong khoảng 1-3 tuần, phản ứng những mũi tiêm sau sẽ phản ứng mạnh hơn các mũi tiêm trước do cơ thể đã có miễn dịch trước đó.

Vắc xin Rota: Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa một vài ngày.

Vắc xin ho gà, MMR (sởi-quai bị-rubella): Nổi mề đay nhẹ vài tuần sau tiêm.

Vắc xin thủy đậu: Xuất hiện vài nốt phát ban thủy đậu.

Vắc xin cúm, viêm não Nhật Bản: Mệt mỏi, đau đầu.

Tất cả những triệu chứng này mô phỏng những biểu hiện của bệnh thật và thông thường sẽ tự khỏi sau 1-3 ngày mà không cần can thiệp.

Trẻ Tiêm Phòng Bị Sốt Phải Làm Sao – Chăm Sóc Cho Trẻ Sau Tiêm Chủng 

Theo Dõi Tại Cơ Sở Chủng Ngừa

  • Sau khi tiêm mẹ nên cho trẻ lưu lại cơ sở chủng ngừa ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng.
  • Hiện nay có khá nhiều mũi vắc xin vừa có tiêm chủng mở rộng vừa có tiêm dịch vụ, tùy điều kiện và nhu cầu mà mẹ có thể lựa chọn hình thức phù hợp. Mẹ nên hỏi rõ về vắc xin được tiêm cho trẻ để có cơ sở chọn lựa vắc xin trong những lần tiêm sau.

Chăm Sóc Cho Trẻ Tại Nhà

Sau khi tiêm chủng, mẹ nên theo dõi tình trạng của trẻ trong ít nhất 24-48 giờ tiếp theo. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.

Khi Trẻ Tiêm Phòng Bị Sốt Phải Làm Sao?

Hạ sốt cho trẻ: nếu trẻ sốt nhẹ dưới 38.5oC, không cần uống hạ sốt, mẹ cởi bỏ bớt quần áo, chỉ mặc quần áo rộng, thoáng mát để trẻ dễ chịu, cho trẻ nằm phòng thoáng. Nếu trẻ sốt trên 38.5oC, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ nên lưu ý những điểm sau:

  • Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng tuổi uống thuốc hạ sốt mà phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Liều lượng thuốc hạ sốt tính theo cân nặng của trẻ: 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ.
  • Không dùng aspirin hạ sốt cho trẻ vì có kèm tác dụng phụ cho đường tiêu hóa hay gây ra hội chứng Reye’s.
  • Có nhiều dạng thuốc hạ sốt: thuốc bột, thuốc giọt, xirô, thuốc viên… trong đó phổ biến là dạng sủi bọt dùng đường uống khi trẻ còn thức và đặt hậu môn khi trẻ ngủ hay không thể uống.
  • Hạ sốt tự nhiên: chườm nước ấm, lau mát. Không chườm lạnh cho trẻ vì dễ gây bỏng lạnh. Mẹ có thể giã nát lá tía tô, vắt lấy nước cho trẻ uống hoặc đắp cho trẻ mát. Nếu con còn bú mẹ, mẹ ăn lá tía tô và cho con bú nhiều hơn.

Các Lưu Ý Khác Khi Chăm Sóc Trẻ Tại Nhà

  • Bù nước và điện giải: trẻ sốt cao có thể bị mất nước, rối loạn cân bằng điện giải. Mẹ có thể bù nước và điện giải bằng oresol, cháo muối loãng (không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi).
  • Vết tiêm: không chạm, đè vào chỗ tiêm, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Một số mẹ vì quá sốt sắng muốn con giảm đau nhanh hay truyền tai nhau mẹo dân gian. Có thể kể đến cách đắp lá, lát chanh hay khoai tây lên vết tiêm cho trẻ. Tuy nhiên, các mẹ không nên làm như thế vì:(1) vết tiêm nếu có sưng cũng sẽ tự hết mà không cần can thiệp.(2) Đắp vật lạ có thể làm nhiễm trùng vết tiêm, việc xử lý sẽ vất vả hơn nhiều. Mẹ có thể chườm mát vết tiêm bằng khăn sạch thấm nước ngâm đá lạnh/ bỏ tủ lạnh vài phút.
  • Dinh dưỡng: tăng cường cho trẻ bú mẹ, hoặc ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, chế độ ăn giàu dinh dưỡng.
  • Vệ sinh: vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Không để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là khi tắm và khi trẻ ngủ vào ban đêm.
  • Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, quấy khóc kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, khóc thét, bú kém, bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm… hoặc những phản ứng sau tiêm không biến mất mà có dấu hiệu kéo dài.

Lời Kết

Nói chung, trẻ đi tiêm về bị sốt hay những phản ứng sau tiêm sẽ không còn làm cho mẹ quá lo lắng khi thấu hiểu rõ bản chất của sốt và cách để mẹ chăm sóc trẻ mau hồi phục. Chặng đường song hành cùng vắc xin vẫn còn dài lắm. Mẹ con cứ thong thả mà chinh chiến thôi.

Mẹ hãy lưu về máy lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ  và cả các mũi tiêm phòng dịch vụ mẹ cần biết để đảm bảo không bỏ lỡ một mũi tiêm quan trọng nào của con nhé!

Chúc các con yêu luôn luôn khỏe mạnh, bụ bẫm, đáng yêu. Chúc các mẹ ngày càng vững tâm lý chiến đấu sau những đợt tiêm chủng của con nha!

Đôi Chút Về Team Mẹ Việt

Với mong muốn được đồng hành cùng Ba mẹ trong những lúc khó khăn, vất vả của hành trình nuôi con. Dạy Con, Chăm Sóc Sức Khỏe gia đình. Đội ngũ Mẹ Việt đã và đang làm việc hết mình từ tổng hợp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, sắp xếp kiến thức theo một thứ tự dễ đọc, dễ tiếp cận nhất. Bao gồm bài viết trên web, video kênh youtube, hình ảnh, âm thanh podcast... Hy vọng đưa Mẹ Việt thật sự trở thành nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích với mọi gia đình!!!

Ba Mẹ muốn tham gia vào đội ngũ Chia Sẻ Mẹ Việt - Liên Hệ ngay với Founder Phạm Thuần trên facebook để biết thêm thông tin chi tiết về hành trình đầy ý nghĩa này nhé!

Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả