Sinh con trai hay con gái vẫn là câu ”chuyện muôn thủa” trong xã hội Việt Nam ta từ xưa tới nay. Vấn đề này cũng xảy ra ngay cả trong gia đình tôi. Ba mẹ tôi thi thoảng vẫn ôn lại chuyện xưa với đứa con gái út rằng, thực ra nếu ông thầy bói “xịn” ngày ấy không phán chắc như đinh đóng cột là tôi là một “thằng cu” thì chắc chắn tôi đã không tồn tại trên cõi đời. Để ngồi ăn cơm với ba mẹ như ngày hôm nay rồi.
Một câu chuyện “thật là rùng rợn” đối với tôi. Nguyên do “chính đáng” của ba mẹ tôi là họ đã có chị tôi đã là đứa con gái đầu lòng nên “đôi vợ chồng ấy” chỉ tha thiết muốn có đứa con trai để “có nếp có tẻ”, phải đi “xem bói” để “phát hiện trước giới tính thai nhi” cho “dễ bề xử lý”. Sau mỗi lần nhắc lại câu chuyện đó, cả nhà lại được một trận cười, tôi cũng vờ thở phào “ôi may mắn cho con quá!”. Nhưng sau mỗi lần nhắc về vấn đề này, tôi lại cảm thấy vừa buồn vừa vui. Vui bởi tôi được sinh ra và được ba mẹ yêu thương, nhưng buồn vì câu chuyện tếu của gia đình tôi từ ngày xưa, lại vẫn là những nỗi niềm, là trăn trở lớn trong xã hội Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay: “Chuyện sinh con trai hay con gái”.
Chắc chắn rằng, nếu chưa từng trải qua hoặc chứng kiến những câu chuyện từ chính người thân, bạn bè, hàng xóm của mình, thì bạn cũng vẫn được nghe từ đâu đó những tâm sự, những lời thở than của phụ nữ Việt Nam về áp lực vô hình “sinh con trai” đang đè nặng trên vai mình.
Rất đáng thương cho rất nhiều người phụ nữ Việt Nam, dù tần tảo, dịu hiền, yêu thương, chăm chút cho gia đình đến thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn cứ phải chịu nhiều ấm ức, khổ đau. Một trong những điều ấm ức to lớn nhất của họ đến từ chính đứa con yêu bé bỏng họ đang mang trong bụng. Thời gian mang nặng đẻ đau vất vả như vậy mà họ lại có thể đối diện với nguy cơ không được chồng quan tâm, tôn trọng. Phải chịu đựng sự thất vọng, quở trách của những người thân xung quanh, thậm chí đã có nhiều trường hợp người mẹ, người vợ ấy bị đuổi khỏi nhà chồng, bị ép ly hôn hoặc chấp nhận san sẻ hạnh phúc của mình với một người thứ ba vì một lý do không phải lỗi của họ “không đẻ được con trai”!
Đọc Thêm Series chia sẻ: Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con Từ Sơ Sinh Đến 12 Tháng Tuổi.
Đối với những người có tư tưởng cởi mở và nhận thức tiên tiến hơn rằng: “con nào cũng là con, con nào chẳng là máu mủ ruột thịt, là kết tinh của tình yêu hai người” thì những câu chuyện như vậy dường như vô cùng phi lý và không thể nào chấp nhận được đối với họ. Trong xã hội ta ngày nay, có một điều đáng mừng là đã có không ít những cặp gia đình trẻ hân hoan đón chào đứa con gái thứ hai của mình trong niềm hạnh phúc, vui sướng. Họ hài lòng với việc sinh ra những cô công chúa xinh xắn, đáng yêu và luôn tâm niệm: con cái là lộc trời cho, chỉ cần con sinh ra khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn, hiếu thảo là đủ hạnh phúc lắm rồi. Yêu thương mong chờ con từng ngày là điều hiển nhiên của những ông bố, bà mẹ. Thế nhưng trong thực tế, những kỳ vọng phải sinh con theo giới tính đã dẫn đến những vụn vỡ trong trái tim của những đứa trẻ, trong hạnh phúc của từng gia đình và ảnh hưởng cả toàn xã hội.
Câu chuyện sinh con ấy cứ lặp đi lặp lại trở thành những hiện tượng phổ biến đến mức báo động đối với Xã hội Việt Nam ta từ thời xưa cho tới tận xã hội hiện đại ngày nay ở nước ta.
Những năm gần đây, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã chính thức trở thành một vấn đề đáng báo động trong xã hội Việt Nam ta và đã được đề cập rất nhiều trên đài báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Theo báo cáo dân số của các cơ quan chuyên môn, cứ 112 bé trai được sinh ra thì mới chỉ có 100 bé gái chào đời. Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN (UNFPA) thông báo rằng: “tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường dao động từ 102 – 106 bé trai/100 bé gái. Khi nhiều bé trai được sinh ra so với bé gái (cao hơn tỷ số bình thường) thì đó là dấu hiệu của lựa chọn giới tính.
Tỷ lệ giới tính khi sinh cao hơn được quan sát thấy ở lần sinh thứ hai và thứ ba, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Lựa chọn giới tính (thích trẻ nam) thường thấy nhiều hơn ở các hộ gia đình có học vấn, kinh tế khá giả so với các hộ nghèo hơn”. Ở Việt Nam, nhóm dân số thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội có tỷ lệ con thứ ba là bé trai thậm chí lên tới 133 bé trai trên 100 bé gái. Trong vòng 10 năm, tỷ lệ các bé sơ sinh giới tính nam so với các bé gái tăng nhanh hơn rất nhiều, và xu hướng này chưa có một dấu hiệu khả quan nào là sẽ dừng lại trong tương lai. Thậm chí sự chênh lệch mất cân bằng giới tính còn có thể bùng phát một cách khó kiểm soát khi khoa học, công nghệ phát triển đặc biệt là công nghệ siêu âm giới tính và dịch vụ nạo phá thai tiên tiến ra đời, người ta có thể lựa chọn phá thai để sinh được con được như ý muốn.
Có vô vàn nguyên do dẫn đến tâm lý thích con trai hơn con gái của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, lý do đầu tiên và quan trọng nhất đến từ “tư tưởng trọng nam khinh nữ”. Và những quan niệm xuất phát từ Nho giáo như: “nối dõi tông đường”, “duy trì dòng họ”. Theo quan niệm truyền thống của nước ta, chỉ có đàn ông con trai mới có thể đứng ra thờ cúng tổ tiên, con trai mới là người kế thừa cơ nghiệp, gia sản của dòng họ. Do đó đối với phụ nữ, nếu không sinh được con trai, không đẻ thêm cho bằng được thằng cu “chống gậy” cho ông thì vị thế trong gia đình của họ thường bị giảm thê thảm.
Họ luôn phải khổ sở đối mặt với với cả áp lực từ người thân xung quanh như chồng, bố mẹ, họ hàng gia đình chồng và áp lực đến từ chính trong chính suy nghĩ của mình nữa. Trong thâm tâm của rất nhiều người phụ nữ, những mong muốn vô thức “sinh con trai” thì mình và con đỡ khổ, cuộc sống mới yên ổn, yên tâm hơn cũng dần ngấm sâu vào bên trong họ đến khó lòng nhận thức và thay đổi được. Những người đàn ông không có con trai cũng dễ bị bạn bè, đồng nghiệp, gia đình trêu chọc, khiến họ cảm thấy mình không có nam tính, bị đả kích, bị thua kém hay mất mặt,…
Và một nguyên nhân quan trọng không kém khác cũng đến từ quan niệm truyền thống của xã hội Việt Nam đó là: chỉ có đàn ông mới có thể chăm sóc cha mẹ già tốt hơn về mặt vật chất. Khi hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta hiện nay vẫn chưa phát triển, 70% dân số đang sống ở nông thôn không có lương hưu hay trợ cấp xã hội thì khi về già họ cũng vẫn lo lắng và cảm thấy bất an cho tương lai. Chính vì vậy, con trai vừa được coi là trụ cột về tinh thần vừa được coi là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình, khiến cho việc ưa chuộng con trai đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân gia đình và trở thành một phần của nền văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngày nay, phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống không thua kém nam giới. Và y học đã chứng minh việc sinh con nào là do đàn ông quyết định chứ không phải ở phụ nữ. Có lẽ, không cần nói ra thêm, ai ai cũng hiểu rõ về nạn bất bình đẳng giới nhưng vẫn không tài nào gạt tâm trí “trọng nam khinh nữ” sang một bên để vô tư đón nhận bất cứ một đứa con, đứa cháu dù là trai hay gái.
Và nếu như việc lựa chọn giới tính không dừng lại, thì chắc chắn nó sẽ để lại những hậu quả to lớn cho thế hệ mai sau. Theo ước tính của Bộ Y tế, đến năm 2050 khoảng 4,3 triệu đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành sẽ không tìm được người để kết hôn. Sự chênh lệch giới tính đã vẽ ra một viễn cảnh khó tránh khỏi là một số lượng lớn đàn ông trẻ sẽ không thể tìm được bạn đời, kết hôn và có con. Điều này cũng đồng nghĩa với sự kém đa dạng hơn trên thị trường lao động, văn hóa, chính trị, chẳng hạn như đàn ông sẽ là người làm những công việc xưa nay thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tế, dệt may, tiếp viên hàng không,… và nạn mại dâm, nhu cầu buôn bán phụ nữ lại càng bùng nổ và khó có thể kiểm soát.
Thực ra nhận thức một cách nghiêm túc những hậu quả này. Nhà nước đã thực hiện một số biện pháp như: cấm các cơ sở y tế tiết lộ giới tính của thai nhi. Cấm phá thai chọn lọc giới tính. Tuy nhiên quy định này không được thực hiện nghiêm ngặt và cũng có phần khó kiểm tra. Phong trào thúc đẩy phụ nữ tham gia và đảm nhận công việc duy trì dòng họ và thờ cúng tổ tiên như nam giới cũng được đưa ra. Nhưng thành thật mà nói thay đổi một lối suy nghĩ và văn hóa đã ăn sâu vào gốc rễ, là truyền thống quá lâu đời của người dân không phải là điều dễ dàng. Điều này luôn cần những nỗ lực và sự nhận thức vô cùng lớn của toàn xã hội và sự cởi mở tiếp thu của mỗi cá nhân để đẩy lùi những gì đã “cũ” nếu không muốn nói là “cổ hủ” của xã hội mình.
Dù vậy, tôi vẫn tràn trề một niềm tin và hy vọng rằng. Mỗi người sẽ không còn quá nặng nề chuyện phân biệt giới tính nữa. Tôi tin: thay đổi tư duy không đến từ việc khen ngợi con trai hoặc con gái một cách khiên cưỡng như “con gái có hiếu với cha mẹ” hay “con trai lo việc thờ tự”. Nó đến từ tình mẫu tử thiêng liêng. Sự sáng suốt và bản lĩnh kiên cường của người mẹ trước những kỳ vọng và tư tưởng áp đặt của người ngoài. Thay vì buồn phiền lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý mẹ và thai nhi khi mang thai. Mẹ hãy sẵn sàng chuẩn bị để đón nhận thiên thần bé nhỏ của mình.
Xét cho cùng, dù sinh con trai hay con gái, cha mẹ cũng sẽ luôn dành những điều gì tốt nhất cho con. Bạn biết đấy, khi bạn còn băn khoăn về giới tính của con mình thì đứa trẻ trong bụng bạn đã có thể lắng nghe. Thấu hiểu và cảm nhận được những tổn thương mà chính ông bà, cha mẹ, những người ruột thịt gần gũi nhất gây cho chúng.
Bản thân tôi cũng là con gái thứ hai và sinh được một cô công chúa, tôi hiểu rất rõ những hạnh phúc mà chỉ có những bậc phụ huynh nào sinh con gái mới hiểu được, và tôi cũng rất mừng cho những người bạn, người chị đã sinh những bé trai kháu khỉnh, mạnh mẽ và đáng yêu. Tôi thấy, điều hạnh phúc không phải là ở giới tính của con, chúng ta không ai có quyền quyết định điều đó, điều hạnh phúc là sinh ra con khỏe mạnh và nuôi nấng dạy dỗ con nên người.
Nhìn mỗi lần đồng nghiệp đưa con tới văn phòng chơi. Tất cả “các cô chú” và “các bác” phấn khởi, hồ hởi, vây quanh đón chào, vuốt ve những cậu nhóc hay cô bé đáng yêu không phân biệt giới tính của đứa bé, tôi lại càng nhận thức rất rõ một điều rằng xã hội chúng ta không vô tâm.
Bằng tình yêu thương, chúng ta có thể đẩy lùi những áp lực và băn khoăn. Và những hậu quả không đáng có về chuyện sinh con trai hay con gái để tận hưởng niềm hạnh phúc trẻ thơ mang lại cho chúng ta. Tất cả các con đều là thiên thần, đều là những món quà vô giá mà, và tôi cũng đồng tình với câu nói “con cái là để yêu thương, chứ không phải là để kỳ vọng”. Để làm được điều đó, chúng ta – những thế hệ cha mẹ hiện đại phải tự cởi trói tư tưởng cho chính mình trước. Nếu bạn đang chuẩn bị chào đón một thiên thần, thay vì phải quan tâm con trai hay con gái, hãy tập trung vào những việc thiết thực hơn như chăm sóc dinh dưỡng cho bà bầu hay tập thể dục, yoga cho bà bầu sẽ giúp bạn vừa thoải mái tinh thần vừa được khỏe về thể chất, sẵn sàng cho một hành trình làm mẹ đầy yêu thương.