Trang trí nhà cửa vào mỗi dịp Tết đến xuân về không còn xa lạ gì đối với gia đình Việt. Nhưng trang trí nhà cửa sao cho hợp phong thủy thì nhiều gia đình lại chưa biết cách trang trí. Trong bài viết này Mẹ Việt sẽ mách các bạn cách trang trí nhà cửa đẹp, giúp gia đình bạn có một Tết cổ truyền trọn vẹn, đầy tài lộc may mắn nhé!
Với ý nghĩa gạt bỏ đi những cái cũ, đón cái mới, đón may mắn vào nhà. Vệ sinh nhà cửa chính là lau chùi bụi bẩn, lựa chọn những bộ cốc chén mới, sắp xếp đồ dùng gọn gàng: bát, đũa, vệ sinh nhà bếp thật sạch sẽ.
Để ngôi nhà của bạn luôn có sự tươi mới, bạn nên sơn lại nhà hoặc dán giấy dán tường. Màu sơn bạn lựa chọn nên mang sắc sáng như: xanh da trời, vàng,…
Bạn cũng có thể đổi màu sơn theo chủ đề, màu hợp với chủ nhà. Đối với giấy dán tường nên chọn những màu giấy phù hợp với màu chủ đạo của ngôi nhà, mọi người lưu ý nên ưu tiên chọn màu sắc ấm nóng tạo không gian ấm cúng, tràn ngập sắc xuân cho ngôi nhà thân yêu của chúng ta.
Khi trang trí nhà cửa gia chủ cũng nên lưu ý: nhà không nên có quá nhiều gương, đồ làm bếp hay nồi cơm bị vỡ, dưới gầm giường và nền nhà không để nhiều đồ đạc, không gắn gương đầu giường.
Bàn thờ là nơi linh thiêng, nơi thờ cúng ông bà tổ tiên, nên trang trí bàn thờ rất quan trọng và phải tuân thủ những quy tắc để tránh phạm thượng. Đầu tiên đồ trên bàn thờ phải để riêng biệt không có sự chung đụng. Bát hương năm cũ nên rắc ra vườn, xuống ao, hoặc hồ tuyệt đối không vứt ra rác hoặc vứt xuống cống nước.
Trang trí bàn thờ theo phong tục của từng nơi, nhưng những đồ trên bàn thờ phải lau dọn sạch sẽ như chén nước, bình hoa, bát hương, ngũ quả,… Mọi người cũng nên lưu ý một số loài hoa không được cắm trên bàn thờ ngày Tết như: hoa sứ, hoa dâm bụt, hoa phong lan, hoa nhài hoa phù dung, hoa ly,…
Một điều không thể thiếu là mâm ngũ quả trong ngày Tết. Theo ông bà ta truyền lại thì mâm ngũ quả có nguồn gốc từ triết lý ngũ hành. Mâm ngũ quả nghĩa là 5 loại quả tinh túy của bốn phương để đem dâng cho tổ tiên mong sự bình an, sung túc và cũng là báo hiếu nhớ ơn ông bà tổ tiên.
Tùy theo văn hóa của từng vùng miền mâm ngũ quả sẽ là các loại quả khác nhau không quy định cụ thể là những loại quả nào. Ở miền Bắc và miền Trung trong mâm ngũ quả sẽ có nải chuối và bên trên sẽ để 4 quả khác tượng trưng cho những cánh tay nâng đỡ, che chở cho tất cả. Bên cạnh đó sẽ không thể thiếu quả bưởi, theo kinh nghiệm dân gian quả chuối và quả bưởi tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Với một số nơi thì có thể thay quả bưởi bằng phật thủ.
Ở miền Nam nước ta thì mâm ngũ quả sẽ có loại quả đặc trưng như: mãng cầu, xoài, dừa, đu đủ, nho, sung. Với ý nghĩa là “cầu xài vừa đủ no” hay “cầu xài vừa đủ sung”. Đặc biệt người miền nam không thích chuối vì khi nói lệch thành “chúi”, điềm không may mắn cho cả năm.
Treo câu đối Tết ở cổng đi vào: Đây là nét văn hóa của người Việt với ý nghĩa chúc tặng người thân, chúc mọi người có một Tết cổ truyền an lành, may mắn, phú quý cả năm.
Chậu đào hoặc chậu quất hoặc mai trước hiên nhà: Một chậu cây cảnh ở sân được trang trí thêm bao lì xì, đèn led sẽ mang để mang lại không khí vui tươi, nhộn nhịp cho ngày Tết.
Trang trí phòng khách là một trong những khâu quan trọng trong trang trí nhà cửa. Vì đây là nơi tập trung nhiều vượng khí và cũng là nơi khách ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà gia chủ.
Đầu tiên là ghế không được bố trí quay lưng ra hướng cửa chính mà phải bố trí ngược lại để thể hiện sự chào đón khách của gia chủ và khi khách đến gia chủ cũng không bị ngạc nhiên.
Trang trí phòng khách nên chọn vật có kiểu dáng hình tròn để tạo sự hài hòa thống nhất, gợi nên không khí thân mật, hòa thuận, đoàn kết. Nếu như bàn ghế trong nhà chưa hình tròn thì gia chủ nên làm mềm những góc nhọn bằng khăn trải bàn hoặc đặt những chậu cây xung quanh nhìn không gian sẽ hài hòa hơn nhiều.
Đương nhiên khi chọn màu sắc cho phòng khách cũng nên chọn những đồ vật có màu sáng để mang lại sự tươi mới, dồi dào sắc xuân. Khi chọn bàn ghế ở phòng khách nên chọn ghế có chỗ dựa lưng để tạo cảm giác an toàn, nâng đỡ cho người ngồi.
Hướng của phòng khách nên chọn hướng đông là hướng lý tưởng nhất. Đặt đồ vật nặng phía nam, khoảng trống phòng khách để ở phía nam là hợp lý nhất. Bàn của phòng khách vào ngày Tết nên để trên bàn những bộ ấm trà, mứt, bánh kẹo, bao lì xì,… như thế tạo không khí, sinh khí dồi dào cho ngôi nhà trong ngày Tết.
Trang trí phòng ngủ đơn giản hơn phòng khách, tạo không khí ấm áp cho căn phòng trong ngày Tết nên chọn những màu nóng: hồng đậm, cam, đỏ,… Đặc biệt gia đình lưu ý không để gương đầu giường như vậy theo tâm linh sẽ dễ dẫn dụ ma quỷ.
Như phần dọn dẹp nhà cửa đã nói, phòng bếp các gia đình nên thay những bộ chén đĩa mới, trang trí bình hoa để căn bếp thêm tươi mới, giúp các món ăn được nấu ra trong ngày Tết thêm phần hài hòa sinh động.
Đối với phòng bếp căn phòng nên trang trí màu tươi sáng: đỏ, cam, hồng. Đặc biệt các bà nội trợ rất thích tô sơn phòng bếp của mình màu trắng vì tạo không gian bếp tinh tế, sang trọng, và rất dễ để các bà nội trợ trang trí góc nấu ăn của mình theo ý thích.
Với một vài gợi ý nho nhỏ ở trên, bạn hoàn toàn có thể có những lựa chọn hợp lý cho trang trí ngôi nhà của mình để chuẩn bị đón đêm giao thừa rồi, và hãy nhớ một vài điều nên làm đêm 30 để gia đình bạn gặp nhiều may mắn trong năm mới nhé. Lưu ý những việc đêm 30 nên làm để gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Cuối cùng, Mẹ Việt xin chúc các bạn sẽ có một cái Tết cổ truyền đầm ấm, sung túc bên gia đình.