Có thể nói hiện nay phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang được nhiều mẹ áp dụng cho bé yêu nhà mình. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng áp dụng thành công do nhiều nguyên nhân như không đủ kiến thức, thời gian hay sự kiên nhẫn…Dưới đây là chia sẻ về những kiến thức cơ bản nhất để giúp mẹ hiểu rõ hơn về phương pháp này. Qua đó, hy vọng giúp bé yêu của mẹ ăn ngoan và tìm được niềm vui trong ăn uống.
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Nhật Bản. Mục tiêu của phương pháp này là kích thích bé ăn ngon. Giúp bé tiêu hóa tốt và tìm được niềm vui trong ăn uống. Trong đó, khuyến khích mẹ dạy cho bé tự lập ăn uống sớm và ăn theo nhu cầu của bé.
Ăn dặm kiểu Nhật được chia làm 4 giai đoạn theo độ tuổi của bé. Từ 5-6 tháng; 7-8 tháng; 9-11 tháng; 12-18 tháng.
Để hiểu hơn về sự phát triển của bé giai đoạn 0-12 tháng tuổi mẹ xem thêm Series Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con.
– Cho bé ăn nhạt. Ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. Từ một nhóm thực phẩm đến bốn nhóm thực phẩm. Cân bằng lượng sữa và thức ăn sử dụng cho bé.
– Chú trọng sử dụng thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như rau củ, hoa quả, cá, thịt…
– Không dùng đến cối xay khi chế biến thức ăn. Thay vào đó, mẹ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn cho bé.
– Cho bé ăn riêng từng món trong giai đoạn đầu. Giai đoạn sau có thể trộn nhiều loại thức ăn để thay đổi đa dạng hơn.
– Cho bé ăn theo nhu cầu. Không ép ăn hay ép uống.
– Căn cứ vào sự phát triển cơ địa của từng bé mà cho bé ăn thô sớm hay muộn.
Mẹ hãy nhớ các nguyên tắc này để áp dụng thành công phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mẹ nhé.
So với phương pháp ăn dặm truyền thống tương đối “nhàm chán”. Mẹ xay nhuyễn và trộn chung nhiều loại thức ăn trong suốt thời gian bé ăn dặm. Phương pháp Ăn dặm Kiểu Nhật hướng tới việc tăng dần độ thô thức ăn theo độ tuổi của bé.
Phương pháp truyền thống thường dùng nước hầm xương để làm nước dùng chế biến thức ăn.
Trong khi đó Ăn Dặm Kiểu Nhật sử dụng nước hầm rau củ hoặc cá khô bào và rong biển. Loại nước dùng này gọi là dashi – có hàm lượng canxi cao.
Vậy từ những đặc điểm trên ăn dặm kiểu Nhật có những ưu điểm gì mà mẹ nên lựa chọn.
Bé thường không cảm thấy chán. Vì ăn dặm kiểu Nhật bắt đầu từ trạng thái lỏng tới đặc, mịn tới loãng.
Ăn riêng từng loại thức ăn giúp bé làm quen tốt hơn với mùi vị thực phẩm. Từ đó kích thích vị giác của bé.
Bé được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau. Điều này giúp bé tiêu hóa thức ăn một cách tốt hơn.
Bé có thể nhanh chóng tự ngồi ăn một mình không cần sự trợ giúp của mẹ. Giúp nâng cao khả năng tự lập của bé.
Hạn chế tối đa tình trạng thừa cân, béo phì do hạn chế dùng xương, thịt để nấu nước dùng.
Bên cạnh ưu điểm vượt trội đó, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng có một số nhược điểm. Mẹ có thể tốn nhiều thời gian hơn trong việc lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu hay chế biến. Mẹ cũng cần trang bị cho mình một bộ dụng cụ để nấu đồ ăn dặm cho bé. Trong giai đoạn đầu, bé có thể sẽ không tăng cân nhanh như khi ăn dặm truyền thống. Bởi phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ.
Tuy nhiên, đây là một phương pháp rất đáng để mẹ thử. Nhằm giúp bé phát triển một cách toàn diện và khoa học.
Cho bé ăn dặm kiểu Nhật không có nghĩa là mẹ phải dùng các thực phẩm như người Nhật. Mẹ có thể dùng các loại rau củ như cà rốt, củ cải, bắp cải, cải bó xôi, bí đỏ, thịt gà… để nấu nước súp cho bé.
Tùy theo sự phát triển của bé mà mẹ chọn thời điểm phù hợp cho bé ăn dặm. Thông thường khi ngoài 5 tháng, bé đã bắt đầu có thể ngồi được. Đây là giai đoạn thích hợp để tập cho bé ăn dặm.
Dưới đây là chi tiết thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé theo từng giai đoạn
Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn. Vì thế, ở tuần đầu tiên chỉ cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới. Cháo được nấu theo tỉ lệ 1:10. Tức là 1 gạo và 10 nước.
Lúc đầu, mặc dù đồ ăn lỏng như nước canh. Nhưng với trẻ cũng không dễ dàng gì để nuốt được. Dù việc cho ăn không được thuận lợi, trẻ không chịu ăn hay đồ ăn bị trào ra khỏi miệng nhưng mẹ cũng nên nhẹ nhàng và bình tĩnh. Sau khi ăn dặm, mẹ hãy cho trẻ ti sữa hoặc uống sữa nếu trẻ muốn nhé.
Tuần thứ 2 bé có thể thử một số loại rau củ quả loại dễ tiêu hóa. Thức ăn của bé trong giai đoạn này phải trơn, mịn để bé dễ ăn và không bị nghẹn.
Nếu bé cảm thấy không thích và từ chối, mẹ không nên ép. Có thể để bé ngưng 2-3 ngày sau đó thử lại. Giai đoạn này chủ yếu tập cho bé làm quen với các dạng thức ăn khác ngoài sữa. Tập phản xạ nuốt thức ăn và học cách ăn bằng muỗng. Trong giai đoạn này, mẹ không thêm gia vị hay muối trong bất kỳ đồ ăn dặm nào của bé. Mỗi ngày mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 bữa và cho bé uống sữa theo nhu cầu. Cháo trắng mẹ nấu theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước hoặc 1 cơm : 4,5 nước nhé.
Những thực phẩm bé có thể ăn trong giai đoạn này là:
Tinh bột như cháo loãng (gạo), bánh mì, bún.
Đạm có trong đậu hũ, lòng đỏ trứng, cá.
Vitamin có trong cải bó xôi, bí đỏ, cà chua, cà rốt.
Đây là giai đoạn bé biết nhai trệu trạo. Bé có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn. Những món hấp có độ mềm như cháo không cần nghiền nhuyễn bé cũng có thể ăn được. Giai đoạn này nên tăng chủng loại thực phẩm để bé làm quen với nhiều vị thức ăn khác nhau. Thức ăn của bé chỉ cần nghiền nhỏ (không cần nghiền thành bột). Và cho thêm bột gạo tạo độ trơn để bé dễ nuốt. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7 (10 ml gạo và 70 ml nước). Đối với các loại trái cây, mẹ nên cắt thành dạng dài để tập cho bé cầm, tự cắn ăn. Mỗi ngày mẹ cho bé ăn 2 bữa, thức ăn tăng dần. Lượng sữa mẹ vẫn cho bé theo nhu cầu nhé.
Những thực phẩm bé có thể ăn trong giai đoạn này:
Tinh bột: Ngoài những thực phẩm có thể ăn lúc 5-6 tháng, bé có thể ăn thêm yến mạch, mì ống, ngũ cốc.
Đạm có trong gan, gà, lòng trắng trứng (8 tháng tuổi), đậu.
Vitamin như nấm; trái cây.
Các loại rau như cà chua, nấm, bắp cải, rau cải, cải bó xôi.
Ở giai đoạn này, cho bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính. Bé đã có thể nhai tốt thức ăn bằng lợi. Vì vậy, thức ăn được nấu mềm để bé có thể nhai bằng lợi (độ mềm như chuối là vừa). Có thể tập cho bé ăn những món ăn cứng hơn một chút. Các loại rau củ, quả mẹ hấp, luộc chín, thái thanh dài hoặc nghiền sơ cho bé tập nhai.
Với thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm… mẹ hấp chín, xé sợi, giã nhỏ. Cá hấp chín, dằm nát. Ngoài ra, mẹ có thể nấu chung thịt/cá cùng cháo của bé. Các loại trái cây nên thái thanh dài cỡ ngón tay út cho bé tự cầm ăn.
Giai đoạn này mẹ cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5 (20 ml gạo và 100 ml nước). Về lượng sữa, mẹ vẫn cho bé bú theo nhu cầu nhé.
Ở giai đoạn này, bé đã có nhiều răng hơn nên có thể nhai, nuốt thức ăn dễ dàng. Thức ăn của bé không cần nấu mềm như trước. Khi bé đã biết cầm nắm thức ăn thuần thục, mẹ hãy cho bé dùng thìa tự xúc thức ăn. Việc này là nhằm giúp bé tự lập hơn và có thể tự ăn một mình. Mẹ cho bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính cùng thời gian với bữa ăn của người lớn. Mục tiêu là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến ngừng cho bé uống sữa bột. Lúc này, bé có thể ăn gần như người lớn. Vì vậy nên cho bé ăn cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn của bé vẫn được nêm nhạt. Nên tạo thức ăn có hình dạng và màu sắc bắt mắt để bé thích ăn hơn.
Trong giai đoạn này mẹ nấu cơm nát theo tỷ lệ 1 gạo : 2 nước hoặc 1 cơm : 1 nước. Các loại rau củ như cà rốt, đậu que, ngô non… mẹ luộc/hấp rồi cắt khúc cho bé ăn. Thịt gà, thịt heo, thịt bò, tôm… thái miếng mỏng theo thớ ngang rồi chế biến cho bé dễ cắn. Bé ở giai đoạn này đã có thể ăn tôm (luộc/hấp chín, bóc vỏ để nguyên con), sò. Với trái cây tráng miệng, mẹ nên thái thành thanh dài hay miếng nhỏ cho bé tự cầm ăn.
Nếu đã cai sữa cho mẹ cần cho bé bổ sung 2 cữ ăn phụ/ngày. Đối với những bé uống sữa công thức, bạn hãy tập cho bé uống sữa bằng ly từ 300-400 ml.
Để có thể giúp mẹ hình dung rõ hơn, mình sẽ gợi ý chi tiết thực đơn cho bé ăn dặm kiểu nhật trong 15 ngày đầu tiên.
Hai ngày đầu tiên: 1 muỗng cháo loãng nhỏ 5ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước.
Ngày 3 – ngày 4: 2 muỗng cháo loãng nhỏ 10ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước.
Từ ngày 5 – ngày 7: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước.
Ngày 8 – ngày 10: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước. Và thêm 1 muỗng nhỏ Khoai lang nghiền.
Ngày 11 – 12: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước kèm theo 1 muỗng nhỏ Cà rốt nghiền.
Ngày 13 – 14: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước kèm theo 2 muỗng nhỏ Cà rốt nghiền.
Ngày 15: 3 muỗng cháo loãng nhỏ 15ml theo tỷ lệ 1 gạo, 10 nước kèm theo 2 muỗng nhỏ Cà rốt nghiền, 1 muỗng nhỏ khoai lang nghiền.
Đây có thể coi là giai đoạn bắt đầu và khó khăn nhất. Khi mẹ đã làm quen rồi, thì việc lên thực đơn sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Khi cho bé ăn dặm 15 ngày đầu, mẹ chỉ cần đảm bảo các lưu ý:
Bắt đầu từ một thìa cháo dễ tiêu hóa: Nghiền cháo tỷ lệ 1:10 đến khi nhuyễn mịn. Theo dõi tình hình của bé và tăng số lượng dần dần từng ít một.
Thêm rau vào cháo khi trẻ đã quen: Khi trẻ đã quen thì thêm rau vào cháo, thêm vào thực đơn sử dụng rau. Làm cho bàn ăn của trẻ có nhiều màu sắc hấp dẫn.
Bắt đầu cho ăn protein từ khoảng tuần thứ 3~4. Có sự khác nhau ở mỗi trẻ. Nhưng có thể cho trẻ ăn đậu phụ bắt đầu từ tuần thứ 3 và ăn cá thịt trắng ở tuần thứ 4. Sau khi cho trẻ ăn dặm được 1 tháng thì cho trẻ ăn 2 bữa 1 ngày.
Bên cạnh việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, mẹ cũng nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Để có thể bảo vệ sức khỏe cho con một cách tốt nhất.
Đọc thêm: Lịch Tiêm Chủng Cho Trẻ – Những Điều Cha Mẹ Cần Biết
Hy vọng những chia sẻ ở trên sẽ giúp mẹ có cái nhìn tổng quát hơn về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Với việc nắm vững các nguyên tắc cùng với sự kiên trì, đây chắc chắn là phương pháp mang đến nhiều hiệu quả cho mẹ trong việc chăm sóc con.
Nếu gặp khó khăn trong việc thực hiện ăn dặm cho con, mẹ đừng ngại để lại comment để chúng ta cùng thảo luận nhé. Hãy để ăn dặm là niềm vui của con, giúp con khỏe, mẹ vui.