Tháng đầu tiên con đã quen dần với thế giới bên ngoài bụng mẹ. Thật là có quá nhiều điều lạ lẫm ở thế giới mới mẻ này con nhỉ ^^. Mẹ thì cũng bắt đầu quen với nếp ăn, ngủ, ị tè của con hơn rồi. Nhưng những lúc con khóc vẫn làm mẹ căng thẳng lắm vì chưa hiểu được con muốn gì. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi như thế nào? Và mẹ háo hức tò mò muốn biết bé 1 tháng tuổi biết làm gì nhỉ? Các mẹ cùng trải nghiệm xem câu chuyện chăm sóc em bé một tháng tuổi ngay sau đây nhé!
Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.
Sau 10 ngày đầu tiên vật vã với cương sữa thì mọi chuyện đã thuận lợi hơn. Xuka ti mẹ đều đặn và ti được nhiều hơn. Vì vậy, sau mỗi cữ mình đều cảm thấy thoải mái. Con ti ngoan, tè nhiều là mẹ yên tâm rồi ^^. Các mẹ đừng quá chú trọng bé 1 tháng tuổi bú bao nhiêu ml sữa một cữ nhé. Thay vào đó mẹ theo dõi số lượng tã ướt. Mỗi ngày con làm ướt sũng đều đặn 5-7 cái tã là mẹ yên tâm con bú đủ rồi đấy.
Mình được cái cả 2 lần sinh đều đủ sữa cho con bú. Nên chỉ cố gắng duy trì ăn uống đầy đủ và cho con ti đều đặn.
Còn các mẹ mới đầu ít sữa thì chú ý 6 tuần sau sinh là giai đoạn kích sữa tốt nhất. Giai đoạn này cần gửi tín hiệu rõ ràng cho nhà máy sữa mẹ biết nhu cầu sữa của con. Mẹo hay cho mẹ:
Massage và hút sữa theo cữ, hút thêm sau cữ ti của con.
Uống đủ nước ấm và sữa tầm 2.5-3 lít mỗi ngày.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm lợi sữa.
Không dặm thêm sữa công thức khi sữa mẹ vẫn đủ cho con ti.
Để đảm bảo kích sữa thành công mẹ xem chi tiết:
Kinh Nghiệm Kích Sữa Bằng Máy Hút Sữa – Làm Thế Nào Để Sữa Về Đều 2 Bên
Món Ăn Lợi Sữa Cho Mẹ Sau Sinh
À, mà các bạn nhỏ là rất hay ngủ gật khi ti mẹ nhé. Lúc cho con ti, mẹ hãy nói chuyện với con, vân vê mấy ngón tay, nắn chân,… Như vậy sẽ giữ cho con đủ tỉnh táo bú trọn vẹn cữ, tránh ti vặt.
Con ti ngoan, ngủ ngoan nhưng không phải tăng cân vèo vèo đâu mẹ nhé. Xuka nhà mình hôm 7 ngày đi khám vàng da ở viện sụt 2 lạng đó. Đây là sụt cân sinh lý bình thường có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh trong vòng 10 ngày sau sinh. Bé có thể giảm 10% cân nặng so với lúc mới sinh. Nhưng ngay sau đó sẽ tăng cân tốt nên mẹ không phải lo lắng.
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi tăng bao nhiêu cân? Bé 1 tháng tuổi tăng từ 800gr – 1kg trở lên so với cân nặng lúc chào đời là đủ chuẩn. Xuka bứt tốc từ sau đợt đi chiếu vàng da về cuối tháng tăng được 1kg là ok rồi. Nếu bé không tăng cân hoặc tăng cân quá ít thì cần đi khám mẹ nhé.
Đánh giá con phát triển không phải chỉ dựa vào cân nặng là đủ. Mà còn phải kết hợp theo dõi cả chỉ số chiều cao, vòng đầu, phát triển vận động,… Mẹ đọc chi tiết bài chuẩn chiều cao – cân nặng của bé để biết cách theo dõi sức khỏe con.
Đa phần trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh mổ, lúc ngủ có thể phát ra âm thanh khò khè nho nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề trên như sót dịch ối, cấu tạo đường thở chưa hoàn thiện,… Nếu con bú tốt, tăng cân đều, ngủ ngon giấc thì mẹ không cần lo lắng. Mẹ cũng không cần lao tâm khổ tứ tìm “cách trị” làm gì. Vì từ 3-6 tháng triệu chứng này sẽ tự biến mất mà không cần can thiệp.
Tuy nhiên, nếu khò khè làm con khó thở, thở dốc, có kèm sốt hay ho. Mẹ sắp xếp đưa con khi khám ở bệnh viện để tìm nguyên nhân và điều trị nha. Chi tiết cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi thở khò khè các mẹ xem ở bài viết sau:
Trẻ Sơ Sinh Thở Khò Khè Như Có Đờm Là Dấu Hiệu Bệnh Gì?
Mới sinh các bé nhà ta thường ngủ ngoan lắm, thời gian ngủ chiếm phần lớn. Đây là giai đoạn tuần trăng mật của trẻ sơ sinh, có thể kéo dài 1-3 tuần sau sinh. Xuka nhà mình thì trộm vía trăng mật suốt 3 tuần đầu nên mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt Xuka phân biệt rõ ngày đêm từ lúc 20 ngày. Thật là món quà tuyệt vời con dành tặng cho bà mẹ bận rộn này. ^^
Thực ra giai đoạn này cũng nhiều trẻ ngủ cả ngày đến tối lại thức chơi tới sáng. Các bà hay gọi là ngủ ngày cày đêm ấy. Mỗi tội thức một mình thì buồn nên bé cứ phải rủ ba mẹ thức chung mới chịu. Vậy mới ra cơ sự mắt mẹ thâm quầng như gấu trúc @.@ Nếu mẹ không có giải pháp cho vấn đề này sớm thì sẽ nhanh chóng bị kiệt sức mất.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có giấc ngủ ngon là giúp con phân biệt ngày đêm. Bằng cách mẹ tạo môi trường phù hợp:
Để phòng ánh sáng tự nhiên, sinh hoạt bình thường, không kéo rèm vào ban ngày.
Tắt đèn, không nói chuyện vào ban đêm kể cả khi cho con ti hay thay tã.
Cuối cùng, mẹ tranh thủ ngủ cùng với con càng nhiều càng tốt. Ngay cả mẹ nào con dễ tính cũng đừng chủ quan như mình. Mình sinh xong nhanh hồi phục sức khỏe với ỷ y con dễ chịu nên ít nghỉ ngơi. Đến lúc ra tháng con bước vào tuần khủng hoảng thì mình cũng đuối sức toàn tập luôn.
Các mẹ chăm con tháng đầu có hoang mang khi không biết tại sao con khóc không? Và càng hoang mang hơn nữa khi vào các hội chị em khẳng định chắc nịch rằng: Em cứ LẮNG NGHE tiếng con khóc là HIỂU LUÔN mà @@. Thật quá bằng đánh đố mẹ!!!
Vâng mẹ hoàn toàn có thể hiểu tiếng khóc của con, nhưng ít nhất là từ tháng thứ 2 mẹ nhé. Chúng ta cần thời gian tiếp xúc và lắng nghe nhau trong 1 tháng đã chứ ^^. Các mẹ cứ bình tĩnh hihi. Tập 2 rồi nên mình thừa hiểu điều đó, không bị áp lực nhiều. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đúng là khi con khóc không vội “nhét” ti vào miệng bé. Mẹ hãy kiểm tra những yếu tố sau:
Tã có ướt làm con khó chịu không?
Con ngủ có bị nóng? Mẹ sờ xem đầu hay lưng con có đổ mồ hôi không.
Con có bị đau bụng do chưa ợ hơi kỹ không? >> mẹ vác lên vỗ ợ hơi nào.
Không phải thì chắc do con buồn ngủ? Mẹ kiểm tra xem con thức lâu chưa.
Hay con yêu của mẹ đói nhỉ? >> Lúc này mẹ mới cho em ti nhé.
Hoặc đôi khi là con bỗng nhiên bất an, con sợ >> mẹ ôm ấp con vào lòng vỗ về giúp con yên tâm trở lại.
Vậy đó con có rất nhiều nhu cầu cần mẹ đáp ứng. Mẹ cứ lắng nghe, theo dõi, ghi chép lại nhu cầu thực sự của con là gì, vào khoảng thời gian nào. Dần dần mẹ sẽ hiểu con muốn nói gì qua tiếng khóc.
Chắc hẳn ba mẹ nào cũng hóng từng ngày xem con lớn từng nào rồi. Bé 1 tháng tuổi biết làm gì rồi phải không? Không chỉ tập đầu đâu, nhà mình tới tập 2 vẫn giữ nguyên vẹn sự háo hức :) Trong tháng đầu này Xuka tiến bộ nhiều lắm nhé.
Mẹ đặt 1 ngón tay của mình vào bàn tay bé nhỏ, con sẽ nắm chặt lấy.
Từ tuần 3, mắt con có thể dõi theo chuyển động. Ba mẹ có thể huơ tay sang trái, sang phải cho con nhìn theo giúp kích thích thị giác phát triển.
Khi nói chuyện với con, con thỉnh thoảng phát ra những âm thanh ư ư rất nhỏ.
Tập cho con nằm sấp, con cố gắng gượng đầu dậy. Mặc dù chưa được nhưng rất ghi nhận nỗ lực của bạn con nha. Con còn nhỏ nên mỗi ngày các mẹ cho con chơi vài lần, mỗi lần 30s, rồi tăng dần lên 1’. Trò này giúp cổ con nhanh cứng cáp. Mẹ áp dụng cho con nhé!
Con chưa biết tương tác gì đâu nhưng mẹ vẫn nói chuyện nhiệt tình với con. Vừa có bạn tâm sự, vừa tạo môi trường cho con hóng chuyện sớm.
Bé 1 tháng tuổi biết làm gì rồi thì mẹ hãy cùng con chơi thật nhiều lần. Mục đích là để con nhanh thuần thục kỹ năng. Điều này sẽ nhanh chóng giúp con đạt được các mốc phát triển sớm đấy mẹ ạ.
Các mẹ chưa cần cho con chơi đồ chơi lúc này đâu. Điều con cần nhất là chơi với mẹ thật nhiều để hai mẹ con gần gũi, hiểu nhau hơn. Thêm vào đó, thời gian con thức cũng không nhiều. Mẹ cho con bú, thay tã xong rồi massage cho con thư giãn. Hay cùng con nằm chơi xem tranh kích thích thị giác cũng rất tốt.
Trong giai đoạn này, các mẹ hãy kích thích thị giác để con có đôi mắt tinh anh. Đồng thời tăng khả năng tập trung cho con – đây là tiền đề để học tập tốt sau này. Mà việc kích thích thị giác thực hiện càng sớm càng tốt các mẹ nhé. Tốt nhất là từ ngày đầu sau sinh. Cách kích thích thị giác và giáo dục sớm cho con mẹ xem Tại Đây.
Link tham khảo: Học Liệu Kích Thích Thị Giác Cho Trẻ Sơ Sinh
Kể ra thì cũng vui các mẹ nhỉ! Mẹ suốt ngày ở nhà mà có khách đến chơi tâm sự cũng đỡ buồn. Mình chỉ ngại mấy vụ hôn tay, hôn môi, nựng má em bé. Bây giờ nhiều người cũng biết về vụ hôn có thể làm lây truyền virus herpes cho trẻ. Nhưng cũng có người nghĩ chuyện không nghiêm trọng nên chủ quan. Thật là khó xử vô cùng phải không các mẹ! Nhắc thì sợ mất lòng mà không nhắc thì nguy hiểm rình rập con.
Nhưng vì sức khỏe và an toàn của con là trên hết các mẹ ạ. Bản thân mình ít khi để người đến chơi bế bé. Mình nói bé vừa mới ngủ này, bế lên sợ tỉnh giấc hay cháu sắp đến cữ bú ạ hihi.
Còn người nhà thì vô tư rồi, chủ động nhắc khéo hoặc nhờ bố nó hỗ trợ. Hoặc đơn giản kể câu chuyện. Ôi dạo này đang có dịch viêm phổi, hôm trước mới thấy bạn con ngay ở Hà Nội đăng lên fb. Bé con bạn ấy mới vài tháng tuổi thì có bà bác tới thăm, thơm môi một cái, mẹ ngăn không kịp. Hôm sau bỗng nhiên sốt cao phải vào viện khám ngay đó (chuyện kiểu kiểu vậy). Nghe xong yên tâm lần sau có khách tới thì các bà sẽ là người nhắc khéo bảo vệ cháu trước. Mẹ khỏi cần lo ^^.
Xuka vừa về nhà mấy ngày thì trúng ngay đợt rét, nhiệt độ xuống còn 15ºC. Thời tiết này lo nhất là con bị viêm đường hô hấp. Con bé tí thế này mà bệnh thì thuốc thang kiểu gì cũng khó với tội nghiệp con nữa. Viêm đường hô hấp là một trong những bệnh rất phổ biến ở trẻ. Mẹ hãy tìm hiểu kỹ để chủ động cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi nhé.
Mấy ngày rét lạnh mình cứ mặc cho con quần áo dài tay đủ ấm mà phải loại thấm hút tốt! Nếu không hết đợt rét con bị nổi rôm sảy thì lại khổ. Tuy nhiên, mẹ cũng chú ý bé sinh vào mùa hè thì ủ ít thôi, kẻo lại ngấm ngược mồ hôi nha. Mùa hè là phải cho con mặc quần áo mỏng, thấm hút tốt, nằm phòng thoáng gió.
Bao tay, bao chân, mũ đội đầu con chủ yếu dùng mấy ngày đầu và hôm nào lạnh quá thôi. Như Xuka đeo được 10 ngày mình đã bỏ bao tay, bao chân cho con thoải mái vận động. Tay chân con huơ huơ tiếp xúc nhiều với xung quanh sẽ kích thích giác quan phát triển tốt hơn. Các mẹ cũng bỏ bao tay, bao chân sớm cho con tăng cường phát triển xúc giác nhé!
Con cũng không cần đội mũ thường xuyên các mẹ ạ. Đội mũ nhiều cho con khi tháo mũ ra lúc nào cũng thấy đầu con ươn ướt mồ hôi. Với trẻ sơ sinh, đầu là bộ phận tỏa nhiệt nhiều nên bỏ mũ cho thoáng. Nhiều người bảo đội cho con ấm/bảo vệ thóp (mỏ ác). Nhưng sự thật là thóp con cứng lắm và cũng không cần giữ ấm liên tục.
Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi mẹ cũng cần lưu tâm đến thóp trước trán của con nhé. Trẻ sơ sinh phần thóp sẽ hở và thỉnh thoảng mẹ thấy phập phồng là chuyện bình thường. Thóp có kích thước từ 2,5cm x 2,5cm đến 5cm x 5cm, sẽ đóng trong khoảng 4-26 tháng. Mẹ nên đưa con đi khám khi thóp của trẻ có dấu hiệu sau:
Rộng hoặc hẹp hơn kích thước trên.
Đóng sớm hơn 4 tháng, trễ hơn 26 tháng.
Thóp trũng sâu.
Xuka sinh được 2 tuần thì mình đưa con đi tiêm mũi lao. Các mẹ cũng nên cho con tiêm mũi lao càng sớm càng tốt để con được bảo vệ sức khỏe sớm. Tầm 2-3 tuần tuổi là tiêm được, nhiều mẹ hiểu nhầm lịch chờ đủ 28 ngày mới đi là muộn nhé.
Em tiêm mũi này về vẫn ti mẹ, ngủ ngoan bình thường. Tính ra mũi lao “hiền lành” các mẹ ạ. Con không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ thôi nên không cần quá lo. Các mẹo đắp chanh, lát khoai tây, v.v… cho giảm sưng ở vết tiêm mẹ tuyệt đối không áp dụng nhé.
3-4 tuần nữa vết tiêm của con mới bắt đầu làm mủ. Đây là mũi đầu tiên mẹ cho con đi tiêm. Vì thế mẹ xem kỹ bài này để hiểu về mũi tiêm lao:
Tiêm Phòng Lao Cho Trẻ Sơ Sinh: 1 Mũi Bảo Vệ Con Trọn Đời
Ôi, việc này cũng khá là đánh đố mấy bà mẹ trẻ như chúng ta. Lúc sinh bé Sóc ở quê có ông bà lo cả nên mình cũng ỷ y, chẳng tìm hiểu gì. Giờ Xuka mới 20 ngày tuổi mình đã lọ mọ lên mạng xem cần chuẩn bị mâm lễ thế nào.
Cơ bản thì sẽ có gà luộc, chè trôi nước, xôi, trái cây,… Chi tiết soạn lễ mình tổng hợp và chia sẻ trong bài viết này. Các mẹ tham khảo nhé.
Đầy tháng của em bé luôn là sự kiện được người thân, bạn bè của ba mẹ chào đón. Các khách mời có vẻ rất hào hứng chờ được gặp mặt con đấy. Nhưng đáp lại tấm chân tình của mọi người, con lại quấy khóc tưng bừng. Ba mẹ có bối rối và hoang mang không? Đó là vì không khí náo nhiệt, đông người thật quá đỗi lạ lẫm nên con bị căng thẳng.
Ôi thôi thôi, tiệc tùng party gì đấy là dành cho người lớn. Mẹ hãy nhanh chóng bế con về phòng nha. Không gian quen thuộc sẽ tạo cho con cảm giác an toàn để con bình tĩnh trở lại. Con cũng có những cảm xúc riêng nên hãy tôn trọng con ba mẹ nhé!
Wow, riêng chủ đề ở cữ của các mẹ thì có biết bao nhiêu điều phải bàn nhỉ!^^ Mẹ nên ở cữ truyền thống hay ở cữ khoa học thì tốt cho sức khỏe của mẹ hơn? Có phải bà đẻ cần phải ăn thịt kho tiêu, rau luộc cả tháng? Rồi chuyện nằm than, xông hơ, có được đánh răng, gội đầu,… và 1001 chuyện kiêng cữ khác. Mình đã phải dành hẳn 2 bài mới đủ “đất” để nói về chủ đề này. Các mẹ tham khảo chi tiết ở đây nhé.
Chuyện Ở Cữ Sau Sinh Đúng Cách Của Mẹ Thời Đại 4.0 – Phần 1
Chuyện Ở Cữ Sau Sinh Đúng Cách Của Mẹ Thời Đại 4.0 – Phần 2
Như vậy là tháng đầu tiên của mẹ con tớ đã trôi qua nhẹ nhàng như thế đấy. Tháng này chúng mình chỉ như làm quen nhau thôi con nhỉ ^^. Sang tháng thứ 2 con sẽ dần tiết lộ nhiều điều bất ngờ thú vị về mình cho mẹ được biết. Các mẹ hãy chuẩn bị tinh thần nhé! Hẹn gặp lại các mẹ trong Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 2 Tháng Tuổi.