Em bé của mẹ bước sang tháng thứ 2 có gì nổi bật? Ra tháng con không chỉ cứng cáp hơn, “ra dáng” hơn. Mà tuần khủng hoảng trong tháng thứ 2 này còn làm cho bố mẹ, ông bà một phen lên bờ xuống ruộng luôn. Trọng điểm của tháng này là mẹ giúp con thiết lập thói quen sinh hoạt ăn ngủ theo nề nếp. Con cũng bắt đầu hóng chuyện hơn nên bố mẹ tương tác với con thật nhiều. Nào bây giờ hãy cùng xem cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi ba mẹ cần chú ý gì nhé.
Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.
Vừa bước sang tuần thứ 5 là bạn bé nhà mình có dấu hiệu của tuần khủng hoảng luôn. Em hay cáu gắt, ti mẹ rất thất thường, khóc dai dẳng, mẹ dỗ đủ kiểu cũng không nín. Hồi đầu đẻ Sóc mình cũng hoang mang vô cùng. Không hiểu tại sao con tự dưng quấy khóc!!!
Tới Xuka, mẹ có kinh nghiệm và chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Vậy mà thực tế tuần giông bão đầu tiên này của em cũng gớm ghê lắm nhé. Từ một em bé thiên thần, ăn ngoan ngủ ngoan. Tới hôm đầy tháng em đột nhiên “trở mặt” ^^. Giấc ngày rất gắt ngủ, khó vào giấc, ngủ tầm 30-45p đã dậy. Thức dậy là mẹ, bố và bà thay phiên nhau bế rã hết cả tay. Vì cứ hễ đặt xuống là con khóc. Buổi tối thì thôi rồi, em hờn, em gắt tới tận 10-11h đêm, đến lúc mệt em mới chịu ngủ @.@.
Các mẹ chưa biết thì nên tìm hiểu về tuần khủng hoảng của bé là gì nhé. Trong 2 năm đầu đời bé sẽ còn rất nhiều tuần ww như vậy nữa. Mẹ hiểu rõ về ww sẽ giảm thiểu được stress và hỗ trợ con vượt qua nhẹ nhàng.
Mặc dù ww biểu hiện có vẻ tệ. Nhưng thực ra là quá trình tất yếu và cần thiết cho con học tập kỹ năng mới vượt bậc. Vì thế, mẹ hãy thoải mái đón nhận và chờ đợi xem em bé 2 tháng tuổi của mẹ biết làm gì nhé.
Vào tuần khủng hoảng là lười ti kinh khủng. Đến cữ con cứ ngậm ti cho sữa phun ra rồi nhởn nhơ chơi. Thậm chí có hôm con nhịn ti đến tận 6 tiếng. Mình cứ nhấp nhổm sợ con đói. Nhưng dụ mãi mà con không ti thì đành chịu.
Giải pháp của mình là chấp nhận và tôn trọng con. Và một lần nữa mình nhấn mạnh: Càng trong tuần khủng hoảng càng phải nêu cao tinh thần chấp nhận và tôn trọng nhu cầu của con!
Mình biết đa phần các mẹ mà gặp tình huống này kiểu gì cũng stress vô cùng. Kinh nghiệm xương máu của mình là cứ thoải mái tinh thần để giữ sữa mẹ ạ. Em bé 2 tháng tuổi cần các giai đoạn wonder week để phát triển trí tuệ và thể chất. Thế nên giai đoạn này con biếng ăn, quấy khóc ậm ẹ hơn trước cũng là chuyện bình thường. Mẹ cứ yên tâm vì hết tuần khủng hoảng, con nhất định sẽ ti bù lại cho mà xem. Như Xuka qua tuần 6 là háu ăn lại, ti cạn veo 1 bên bầu sữa. Con ti xong mà mẹ nhẹ hết cả người, sung sướng hết sức.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đỡ vất vả nhất là sớm giúp con vào nếp sinh hoạt khoa học. Quá mệt sau tuần khủng hoảng, mình quyết định đưa con vào nề nếp Ăn – Chơi – Ngủ khoa học (Easy). Giai đoạn này mình giãn cữ cho Xuka tầm 3 tiếng mới ti một lần. Và ti khi Xuka vừa thức dậy chứ không mang ti ra dụ khi em ấy buồn ngủ.
May có nếp ăn ngủ Easy đó mà Xuka biết cách ti no, ti ra bữa. Nhớ hồi đẻ Sóc 4 năm trước chưa có kinh nghiệm. Mỗi lần con khóc, mẹ hay bà đều nghĩ con đói cần cho ti nên chị Sóc hay ti vặt. Lắt nhắt 2 tiếng một lần, mỗi lần bú 50-60 hay 100ml là cùng, cả hai mẹ con đều mệt.
Thế nên các mẹ rút kinh nghiệm cho con bú theo cữ để tránh con ti vặt nhé. Mẹ nào đang gặp tình trạng con ti vặt thì giãn cữ ra. Mẹ gặp khó khăn hãy nhắn tin trên group Mẹ Việt mình sẽ hỗ trợ.
Mẹ tìm hiểu thêm về lịch sinh hoạt khoa học theo EASY và kinh nghiệm áp dụng cho bé Tại Đây.
Ngoài những thay đổi trong tuần khủng hoảng thì Xuka rất dễ ngủ. Tầm 7h30 tối là con đã lên giường ngủ. Con bú 3 cữ đêm mỗi cữ cách nhau 3 tiếng. Đến tuần 8 em lại bước vào tuần khủng hoảng nữa nhưng lần này nhẹ nhàng hơn. Con chỉ gắt ngủ 1-2 hôm là đâu lại vào đó.
Thêm vào đó, tháng này mẹ bắt đầu sử dụng một bảo bối là ti giả hihi. Đây đúng là cứu cánh cho cả hai mẹ con. Ti giả giúp ích rất nhiều trong việc thiết lập cho con nếp ăn ngủ khoa học. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi gắt ngủ là dùng ti giả hỗ trợ con mút mát. Chứ không nên dùng cách nhét ti vào miệng con dẫn tới ti vặt, phải có ti mẹ mới ngủ các mẹ nhé. Nhà mình dùng loại Ti giả Bibs vừa nhẹ vừa mềm như ti mẹ, con rất thích.
May mắn là Xuka không bị lẫn lộn ngủ ngày thức đêm. Một phần là nhờ mình thiết lập môi trường ngủ ngay từ sớm cho con. Vẫn biết là mỗi trẻ mỗi tính, cũng có những bé dễ ngủ, có bé khó ngủ. Trước tiên, mẹ hãy xem lại bài Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 1 Tháng Tuổi để chủ động thiết lập môi trường ngủ. Sang tháng 2 việc ngủ nghê vẫn làm mẹ mệt mỏi thì hãy rèn con ăn ngủ có giờ giấc.
Bình thường con vẫn đi xì xoẹt hoa cà hoa cải đều đặn ngày mấy lần. Đột nhiên, đến tuần 6 tần suất giảm hẳn. Mình phải thốt lên khi thấy Ka ngày ị có 1 lần. Ôi quả thật là sung sướng trong cái khoản thay bỉm hihi. Các bạn bé tầm này nhiều bạn còn đột ngột giãn ra tới 3-4 ngày mới ị 1 lần cơ. Hiện tượng này là bình thường ở tháng thứ 2 các mẹ nhé.
Trong tháng này, em bé 2 tháng tuổi bước vào giai đoạn giãn ruột sinh lý. Thể tích ruột tăng lên nhiều và bé sẽ không đi ị khi chưa đầy phân. Rất nhiều mẹ lầm tưởng bé 4-5 ngày, thậm chí cả 7 ngày không ị là con bị táo bón. Rồi cuống cuồng nên nào bơm nào thụt làm con phát hoảng khóc lạc cả giọng.
Để biết con có bị táo bón hay không thì mẹ phải quan sát “sản phẩm” của con. Cụ thể:
Bé bú mẹ hoàn toàn: phân mềm, xì xoẹt hoa cà hoa cải là bình thường. Dẫu con có cả tuần không đi, xì hơi thối um lên nhưng vẫn chơi bình thường thì không sao.
Bé bú sữa ngoài hoặc kết hợp sữa mẹ với sữa ngoài: phân mềm là được. Nhưng phân sống, hay nhiều ngày không đi kèm quấy khóc thì là không ổn. Mẹ massage bụng, cho con tập động tác đạp xe đạp hàng ngày để con đi ị đều đặn.
Mẹ đọc kỹ bài này để hiểu rõ và xử trí đúng về vấn đề táo bón của con:
Nguyên Nhân Và Dấu Hiệu Trẻ Sơ Sinh Bị Táo Bón
Con cứ ị đẹp là sẽ tăng cân. Tháng này Xuka lên được 8 lạng. Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi chóng vánh đến mức giữa tháng phải đổi size bỉm rồi nè.
Kinh nghiệm chọn tã cho bé là mẹ nên chọn tã lớn hơn cân nặng của con 1 size. Ví dụ tã size S là 4-8kg. Nhưng con 6 kg là mình sẽ đổi sang size M từ 6-11kg. Nếu không bỉm chật sẽ hằn lên da làm đỏ, hăm tã, con tè bị tràn ướt cả quần áo,…
Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi sẽ làm mẹ bất ngờ vui sướng đấy. Xuka trải qua ww5 thì biết hóng chuyện. Thấy ba mẹ nói chuyện cũng chu chu miệng lên thích lắm. Giai đoạn này con thích nhất là giọng nói của bố mẹ nên bố mẹ chăm nói chuyện, chăm cười với em thật nhiều. Chị Sóc đi học về cũng tỉ tê đủ chuyện trên lớp cho em nghe, hi hi.
Hết tuần ww8 Xuka đã biết cười vu vơ. Dù con chưa thật sự biết cười nhưng mình vẫn hạnh phúc lắm. Chị Sóc hay khoe mẹ ơi sáng nay em cười với con 2 lần đấy. Rồi cả nhà thi nhau xem ai chọc Xuka cười được nhiều lần nhất. Vui ơi là vui luôn.
Chốt lại, ba mẹ hãy tương tác với con thật nhiều, bất cứ khi nào có thể nhé. Vì đây chính là cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi nhanh phát triển trí tuệ đấy.
Em bé 2 tháng tuổi nay đã cứng cáp, mẹ có thể tự tin thực hiện massage cho con nhé. Thực ra có nhiều em bé nhạy cảm, cần tiếp cận dần dần. Có khi tới tháng thứ 2, thứ 3 em mới chấp nhận cho mẹ massage. Vậy nên mẹ hãy kiên trì nhé. Khóa học Hướng Dẫn Ba Mẹ Massage Cho Con giúp ba mẹ thực hiện massage trẻ sơ sinh thật chuẩn. Ba mẹ tìm hiểu sẽ rất bất ngờ vì những lợi ích thiết thực massage mang lại cho con đấy.
Tháng này, mắt con nhìn cũng tinh hơn. Con thích dõi theo khi bố mẹ di chuyển. Mình dự định áp dụng giáo dục sớm cho con theo phương pháp Glenn Doman từ tháng 3. Do đó, trong tháng này mình tiếp tục tập trung kích thích thị giác cho con.
Ngoài các tranh đen trắng như mình giới thiệu từ hồi con 1 tháng. Mình có mua thêm các cuốn sách vừa chạm vừa chơi, vừa chạm vừa tưởng tượng. Giúp đa dạng học liệu kích thích thị giác cho con. Lại còn làm quây cũi, xếp hình khi con lớn hơn vẫn chơi được. Mỗi ngày bế con đi xem một lượt sẽ giúp mắt con tập trung hơn.
Mình để lại địa chỉ nơi mình mua sách cho mẹ nào cần thì tham khảo nhé. https://bitly.com.vn/01Y8Q
Tiếp nối tháng trước, tháng này mỗi ngày con duy trì 3 lần Tummy time (tập nằm sấp). Ngoài việc nằm sấp trên bụng mẹ, mình thay đổi thêm nhiều “địa hình” cho con làm quen. Cho con nằm sấp trên đùi mẹ, trên gối, chăn và mặt giường cứng. Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi về thể chất sẽ thể hiện rõ khi con luyện tập đều đặn. Đặc biệt là vùng cổ của con nhanh cứng cáp, sẵn sàng cho tập lật (lẫy) trong những tháng tới.
À, tới tháng này còn mẹ nào chưa bổ sung Vitamin D (Vit D) cho con không đấy? Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi chuẩn là dù bé tắm nắng hay không vẫn cần bổ sung Vit D. Liều lượng 1 giọt 400 IU mỗi ngày nhé. Trời có nắng thì tắm con thêm tí. Không có nắng thì cũng yên tâm vì mẹ đã bổ sung Vit D, không lo con bị thiếu canxi.
Tháng này các mẹ cứ yên tâm chăm con, con chưa có lịch tiêm chủng gì cả. Mũi 5in1 đầu tiên được tiêm khi con đủ 60 ngày tuổi cơ. Các mẹ đọc trước những bài này để chuẩn bị tốt nhất cho việc tiêm vắc xin của con nha.
Vacxin 5 Trong 1 Là Gì? Phân Biệt Các Loại Vacxin Hiện Nay
Vacxin Rota – Thông Tin Cần Biết Về Giá, Tác Dụng Phụ, Lịch Uống.
[Còn bài về vắc xin phế cầu mà chưa viết, note lại đây để bổ sung khi nào viết thì link sau]
Em bé 2 tháng tuổi của mình “bão giông” vậy đó. Bé của các mẹ trải qua tuần khủng hoảng như thế nào? Các mẹ cùng bình luận phía dưới chia sẻ về trường hợp con của mình nhé! Bây giờ cũng khuya rồi, mình off máy ôm con ngủ đây. Tháng sau sẽ bắt đầu viết Kể chuyện Mẹ Sóc chăm con – Tháng Thứ 3 để tiếp tục tám cùng các mẹ. Các mẹ đừng quên chúng ta có hẹn tháng sau nhé!