Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con - Tháng Thứ 3

Đăng bởi: Health Coach Phạm Thuần
Đã cập nhật vào: 04/08/2020
24 phút đọc

Em bé 3 tháng tuổi của các mẹ như thế nào rồi? Xuka nhà mình thì tháng này lười ti vô cùng, thi thoảng lại gắt ngủ. Em bé của các mẹ có thế không? Các mẹ có muốn biết trẻ 3 tháng tuổi biết làm những gì? Trẻ 3 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ. Lịch tiêm chủng của con ra sao?,… Cuối tháng này dự kiến con có thêm một “cơn giông bão” nho nhỏ nữa. Mẹ cần chuẩn bị những gì? Các mẹ cùng khám phá cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi trong bài chia sẻ dưới đây nhé!

Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.

Chuyện Ti Mẹ 

Em bé 3 tháng tuổi vừa trải qua ww8 đã bắt đầu ti ra cữ hơn. Một cữ có thể ti veo hết một bên ngực khiến mẹ vừa sung sướng vừa nhẹ bâng cả người. Nhưng mẹ phải đối phó với vấn đề mới. Đây cũng là vấn đề mình được nghe rất nhiều mẹ than phiền. Tới tháng này con lười ti lắm, vì con còn mải hóng chuyện @@.

BlockNote image

Có bé mỗi cữ chỉ ti 50-60ml sữa làm mẹ lo lắng. Nhưng mẹ càng lo con đói càng cho ti nhiều bữa nên thành ra con ti vặt. Bụng lúc nào cũng lưng lửng, đi ngủ tí thì đói lại dậy nhưng không chịu ti. Con đâm ra gắt gỏng, cáu kỉnh làm mẹ rối bời, không biết phải làm sao.

Xuka nhà mình cũng không ngoại lệ. Bí kíp của mình là đến cữ mình ôm con vào phòng. Hạn chế tối đa đồ dùng, đồ chơi trong tầm nhìn của con. Khi con ti mình không nói chuyện, không ai đi lại làm con mất tập trung, ảnh hưởng cữ ti. Nhờ thế con ti trọn vẹn hơn. 

Nhưng cũng có những hôm con hóng chuyện tích cực thì ok, mình không ép con ti. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi giúp mẹ đỡ stress là tôn trọng nhu cầu của con. 

Căng sữa quá thì hút ra cho nhẹ người. Sữa hút ra mẹ có thể trữ đông để con dùng dần. Hoặc mẹ nào có hai bé như mình thì cho chị lớn uống sữa mẹ luôn càng tốt. Chị Sóc tới tháng này hình như nghiện sữa mẹ trở lại. Vắt nửa bình hay đầy bình thì cũng vèo cái là hết. Sữa nóng hổi, thơm phức, mẹ pha thêm tí ca cao là chị Sóc mê tít. hihi

Chuyện Giấc Ngủ

Nổi bật trong tháng này là một số bé có khả năng ngủ xuyên đêm tốt hơn. Con ít ọ ẹ mẹ cũng được đà ngủ tít. Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc nghĩ ủa sao chưa thấy con đòi ti :)). Rồi mẹ sợ con đói, không biết con bỏ cữ có sao không bèn lay con dậy ti. 

BlockNote image

Thực tế, con ngủ ngon là tốt và không cần phải đánh thức con dậy đâu. Con đói sẽ khắc dậy đòi ti. Nếu không là dấu hiệu con đã biết cách tích trữ năng lượng để ngủ giấc sâu. Lúc con ngủ ngon cũng là lúc con phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Đừng làm phiền em mẹ nhé.

Mẹ đọc bài này để hiểu về giấc ngủ của con:

Có Nên Cho Trẻ Bú Đêm? Sự Lựa Chọn Nào Tốt Nhất Cho Bé?

Ngoài ra, càng lớn con càng dễ thức giấc. Khi đi ngủ, mẹ quấn con chặt, tắt điện tối và giữ yên tĩnh. Như thế con ngủ được lâu hơn, mẹ cũng rảnh rỗi đọc sách, làm việc nhà hơn tí.

Con vẫn cần 2-3 giấc ngủ ngày. Tháng này, nhiều khi mỗi giấc Xuka nhà mình chỉ ngủ tầm 45p-1 tiếng là dậy rồi. Thay vì cố dỗ con ngủ lại sẽ làm con khó chịu. Mình cho con vận động, chơi, tập lật hay tăng tương tác kết nối với con sẽ hiệu quả hơn. 

Nhiều mẹ thắc mắc trẻ 3 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ. Tổng thời gian ngủ trong ngày của bé dao động từ 15-16 tiếng là đủ. Có bé 3 tháng tuổi bú ít ngủ nhiều, có bé đêm ngủ nhiều, ngày ngủ ngắn và ngược lại. Miễn sao bé ngủ dậy chơi vui, tỉnh táo là được

Chuyện Cân Nặng

Xuka tháng này lên được 7 lạng nhưng trông có vẻ roi roi hơn do con dài đòn ra. Bà lúc đầu thấy trong tháng con tăng cân tốt nên kỳ vọng con sẽ bụ bẫm. Giờ thấy bạn ấy vậy chỉ lắc đầu bảo sao nuôi hoài mà không thấy lớn. B-) 

Thật khổ cho các mẹ trẻ chúng mình. Nhiều lúc nuôi con chỉ mong con khỏe mạnh là vui rồi. Vậy mà mẹ cứ bị áp lực cái cân đè nặng lên đôi vai. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, mẹ không chỉ theo dõi cân nặng. Mà còn cần đánh giá các chỉ số khác nữa.

BlockNote image

Ngoài ra, mẹ vào xem bảng tiêu chuẩn cân nặng của trẻ. Thấy cân nặng của con trong ngưỡng an toàn thì quẳng cân đi mà vui nuôi con mẹ nhé! Thay vì chăm chăm nhìn vào số cân, mẹ hãy chú ý đến việc con biết làm gì rồi nè. Mẹ sẽ thấy vui và tự tin hơn với vai trò làm mẹ của mình đấy!

Thêm nữa, tháng này các mẹ thường lo sốt vó lên khi con rụng tóc vành khăn. Triệu chứng rụng tóc phổ biến ở nhiều trẻ nhưng không hẳn vì con thiếu canxi hay vitamin D nhé. Rụng tóc vành khăn là vì chỗ ấy con nằm nhiều nên tóc cọ vào gối/chiếu gây rụng. Xuka nhà mình tóc đằng trước đen mun nhưng phía gáy vẫn “trống vắng” thế. Con đã uống vitamin D3 đầy đủ, vẫn chơi vui, bú mẹ, ngủ đêm bình thường là yên tâm mẹ nhé. 

Trẻ 3 Tháng Tuổi Biết Làm Những Gì

Tháng trước con chỉ mới cười vu vơ nhưng tháng này thì chính thức biết cười rồi mẹ ạ. Mẹ đang bực vì con hóng bỏ ti mà thấy con nhoẻn miệng cười tít là tan chảy ngay. 

BlockNote image

Những hoạt động mẹ nên thực hiện cùng con là:

  • Tummy time đều đặn, vừa giúp vận động toàn thân vừa hỗ trợ con ợ hơi tốt.

  • Cả nhà thì thay nhau nói chuyện với con rôm rả cả ngày. Từ giữa tháng 3 con cũng biết đáp lại như đúng rồi ấy :))

  • Mình và bà ngoại bắt đầu tráo thẻ toán và chữ (phương pháp Glenn Doman) cho con.

  • Chị Sóc là người đọc sách cho con nhiều nhất. Chị ấy hay kể lại những câu chuyện mà trước mẹ đọc cho chị nghe.

  • Mẹ nên thường xuyên đưa đồ chơi cho con tập cầm nắm.

  • Gọi tên con ở nhiều vị trí khác nhau để kích thích thính giác, khả năng định hướng không gian. 

Cuối cùng, mẹ quan tâm trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì mong ngóng nhất là con biết lật chưa? Nhiều bé đã bắt đầu biết lật trong tháng này. Những bé khác như Xuka chẳng hạn thì chưa thấy tăm hơi gì :D. Một phần vì trời lạnh, Xuka mặc nhiều quần áo với chăn. Phần vì mỗi bé sẽ có tiến trình phát triển riêng nên mình cũng không nôn nao làm chi. 

Tuy nhiên, mẹ vẫn nên hỗ trợ con tập lật nhé! Thi thoảng, con sắp lật được (còn vướng chưa nhấc đầu được) thì mẹ giúp con một tay. Như thế con sẽ vui hơn và được khích lệ sẽ nhanh biết lật đó.

Lần Đầu Con Bệnh

Các bạn nhỏ của chúng ta sức đề kháng còn yếu nên dễ bị ốm lắm. Chị Sóc lần đầu tiên bị ốm là húng hắng ho hồi hơn 1 tháng. Tới Xuka thì xì xoẹt có mùi thúi với ra bọt lúc đầu tháng thứ 3 này. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi trường hợp này là mẹ tích cực cho con ti nhiều hơn. 

Một số mẹ thắc mắc trẻ 3 tháng tuổi đi ngoài mấy lần? Trẻ 3 tháng tuổi 3 ngày không đi ngoài có sao không? Mẹ cần biết tần suất đi ngoài không phản ánh được sức khỏe của trẻ mà là tính chất phân. Phân vàng sệt hay xì xoẹt hoa cà hoa cải là bình thường. Phân sủi bọt kèm mùi hôi, tanh, chua, toàn nước, có nhầy hay lẫn máu thì là nguy hiểm. 

Ngoài ra với Xuka nhà mình thì vụ chàm sữa mới là cái đáng ngại. Tháng thứ 3 cũng đúng là tháng tết, con về quê mà mặt cứ đỏ ửng lên. Mới đầu là mấy nốt li ti xuất hiện. Bà cứ xuýt xoa ôi cháu bị muỗi đốt à. Nhưng mình bảo cháu bị chàm sữa ấy ạ. Sang hôm sau từ vài cái mụn bé xíu đã lan rộng ra như hắc lào. Tầm 2 hôm là lặn. Xong hôm nào lạnh thì lại lên tiếp. Mình thì không bôi gì cả, chỉ rửa mặt sạch cho con 1 lần/ngày. Sau khi con ti sữa thì lau thêm 1 lượt. 

Những ngày lạnh má con ửng đỏ thì bị nặng hơn, ngày ấm lên thì đỡ, mịn màng trở lại. Hồi chị Sóc không bị như vậy. Nếu con bị 2 ngày không đỡ thì mẹ bôi kem dưỡng da em bé cho con nhé!

Lịch Tiêm Phòng

Tháng này con đủ 60 ngày tuổi là đi tiêm được ba mẹ nhé. Mũi tiêm tháng này sẽ mở màn cho lịch tiêm liên tiếp nhiều mũi trong 2 tháng tiếp theo. Con có 3 mũi cần tiêm nên mẹ chú ý kẻo bị sót nhé. 

BlockNote image

  • Tiêm chủng mở rộng: Mũi 5in1 + uống vắc xin OPV miễn phí. Tuy nhiên, nếu mẹ lo lắng có thể tiêm mũi 5in1, 6in1 dịch vụ cũng được. Vắc xin dịch vụ con ít sốt hơn nhưng chi phí 1 mũi vào tầm 800k – hơn 1 triệu.

  • Tiêm chủng dịch vụ: ngoài 6in1 con có lịch uống rota và tiêm mũi phế cầu đầu tiên.

Thông tin chi tiết:

Vacxin 5 Trong 1 Là Gì? Phân Biệt Các Loại Vacxin Hiện Nay

Vacxin Rota – Thông Tin Cần Biết Về Giá, Tác Dụng Phụ, Lịch Uống

Những Điều Mẹ Cần Biết Về Tiêm Vacxin Phế Cầu Cho Trẻ

Các mẹ hay thắc mắc tiêm nhiều vắc xin cùng lúc được không? Câu trả lời là HOÀN TOÀN ĐƯỢC ba mẹ nhé. Xuka tiêm cùng lúc mũi 6in1, phế cầu và uống Rota như bao bạn khác tại trung tâm. Vừa giúp con đảm bảo tiêm đúng lịch mà ba mẹ lại đỡ mất công đi lại nhiều lần.

Con tiêm mũi 6in1 từ chiều, đến tối thì hơi sốt nhẹ, gần sáng mới sốt cao tầm 38 độ. Trộm vía con mệt cứ ngủ li bì suốt, đều đặn 3 tiếng là ọ ẹ đòi ti. Nhớ hồi chị Sóc tiêm 5in1 tại trạm y tế về sốt đùng đùng, đùi thì sưng to. Mẹ và bà phải thay phiên bế em suốt tới đêm mới đỡ chút. Nên các mẹ cũng chuẩn bị tinh thần trước đợt tiêm này nhé. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi bị sốt sau tiêm mẹ xem Tại Đây.

À Chị y tá bày mình mẹo lúc uống rota thì vuốt tai giúp con đỡ bị trớ. Sau đó đợi 30 rồi hãn cho bú. Các mẹ cũng áp dụng để con uống Rota hiệu quả. 

Tuần Khủng Hoảng – WW12

Cuối tháng con rơi vào tuần khủng hoảng ww12. Xuka tiếp tục bỏ cữ, 6-7 tiếng mới chịu ti 1 lần. Mẹ hồi hộp theo dõi tã của con thì thấy có vàng hơn một tí. Trước các giấc ngủ lúc nào con cũng gắt gỏng, khóc lóc om sòm mới chịu ngủ. Nhưng trộm vía vào giấc được rồi con lại ngủ ngoan.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi trong tuần khủng hoảng vẫn là giúp con giảm khó chịu. Mẹ ôm con vỗ về, cho con ngâm mình trong nước ấm, massage, trò chuyện với con,…

Chốt lại là trong các tuần khủng hoảng con sẽ ăn ngủ rất thất thường. Hết tuần con sẽ lại trở về sinh hoạt bình thường. Do đó, mẹ biết trước để giúp con nhẹ nhàng vượt qua, đừng tự tạo áp lực cho mình nhé!

Kết Lại

Hết tuần khủng hoảng thì cũng hết tháng 3 rồi. Mình đang háo hức đợi xem tháng 4 con sẽ có những điều gì thú vị để kể cho các mẹ nghe đây. Mình cũng rất muốn nghe chia sẻ của các mẹ về tháng thứ 3 các bạn bé của nhà mẹ như thế nào. Ba mẹ hãy cùng bình luận chia sẻ bên dưới nhé! Hy vọng kinh nghiệm thực tế của mình có thể giúp các mẹ hiểu rõ quá trình chăm con. Từ đó, chuẩn bị trước tâm lý và cách giải quyết để sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt là việc con bỏ ti, gắt ngủ,… Mẹ biết rồi sẽ hiểu và dễ dàng chấp nhận, hỗ trợ con thật tốt các giai đoạn khủng hoảng. Bản thân mẹ chăm con cũng đỡ vất vả và cảm thấy tự tin hơn. 

Mẹ tiếp tục theo dõi bài viết tiếp theo trong series: Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con –  Tháng Thứ 4 nhé!

BlockNote image