Bé nhà em 3 tháng không hiểu sao mấy hôm nay bỏ cữ đêm. Em phải làm sao? Con mình 13 tháng vẫn đều mỗi đêm 3 cữ sữa đây. Con ngủ quên, em phải đánh thức cho con dậy bú không con đói. Có nên cho trẻ bú đêm là vấn đề đau đầu của không ít mẹ. Không cho bú đêm thì sợ con không đủ sữa, con còi. Mà cho con bú nhiều thì mẹ mất giấc. Rốt cuộc nên như thế nào mới đúng??? Đúng nhất là mẹ hãy thuận theo nhu cầu tự nhiên của con nhé. Mẹ sẽ hiểu rõ qua bài viết dưới đây, mời các mẹ cùng đọc!
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhu cầu bú đêm nhiều vì dạ dày của con thường bé. Trong tháng đầu tiên, lượng sữa con đã ti mẹ chỉ đủ dự trữ trong vòng 2-3 tiếng. Hết khoảng thời gian đó con sẽ cần ti mẹ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
Khi ra tháng, có những trẻ bắt đầu học được cách tích trữ được nhiều sữa để ngủ dài hơn. Các cữ có thể nới ra đến 3 tiếng mới cần bú lại. Con càng lớn càng có xu hướng kéo dài thời gian giữa các cữ, giảm số lần bú. Và tiến dần đến cắt hẳn cữ bú đêm. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những trẻ tiếp tục cần duy trì các cữ bú vào ban đêm.
Riêng những bé nhẹ cân, sinh non,… mẹ nên đánh thức con dậy nếu đến cữ bú mà con ngủ quên. Con cần ti nhiều để sớm đạt các cột mốc sức khỏe an toàn nha.
Từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ chuyển sang giai đoạn ăn dặm, mẹ nên ngừng cho trẻ ti đêm. Điều này giúp con có giấc ngủ liền mạch, phát triển tốt cả thể chất lẫn trí tuệ trong lúc ngủ. Con cũng sẽ hào hứng hơn với việc ăn dặm và bú tốt hơn vào ban ngày.
Tóm lại, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú đêm theo nhu cầu. Sau 6 tháng thì nên cai dần và tập cho con ngủ xuyên đêm càng sớm càng tốt mẹ nhé! Nhưng vấn đề là làm sao mẹ “đọc vị” được nhu cầu của con?
Mẹ đọc thêm:
Nuôi Con Hoàn Toàn Bằng Sữa Mẹ – Khó Hay Dễ???
Mách Mẹ 7 Cách Làm Sao Biết Bé Bú Đủ Sữa Mẹ?
Trước tiên, hãy để ý đến lượng sữa trong ngày con ti được. Những trẻ bú nhiều vào cữ ngày thường bú ít hơn vào buổi đêm nên có nhu cầu cắt cữ đêm sớm. Ngược lại, trẻ cả ngày bú ít, “dành bụng” ti nhiều ban đêm có xu hướng cắt cữ đêm muộn hơn.
Tiếp theo, hãy chú ý tín hiệu của con. Đối với những bé 2-3 tháng tuổi sức khỏe tốt, con ngủ qua cữ sữa mẹ không cần đánh thức. Thỉnh thoảng con sẽ khóc, hãy thử vỗ mông con nhè nhẹ cho con ngủ lại. Mẹ đợi thêm 5-10 phút.
Nếu con tiếp tục khóc có nghĩa là con đói, mẹ hãy cho con ti nhé! Nếu con chỉ oe oe một lát rồi ngủ luôn là tín hiệu con không có nhu cầu ti mẹ.
Với những mẹ cho con bú bình thì có thể biết được 1 ngày con tuti bao nhiêu ml sữa. Nếu ti trực tiếp, mẹ có thể theo dõi xem sau mỗi cữ bú, bầu sữa mẹ xẹp nhiều hay ít. Mẹ hút sữa có còn nhiều sữa hay không?
Trên thực tế, có nhiều bé hay khóc giữa đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả nhà. Mẹ không biết làm cách nào đành nhét ti cho ngậm để con thôi khóc. Cách này sẽ làm con nghiện ti mẹ, thích ti vặt, đến giờ ngủ không có ti mẹ là khóc ầm lên. Sau này con lớn mẹ sẽ rất vất vả. Do đó, mẹ chỉ ti khi con thực sự đói. Nếu con thích mút mát một chút cho dễ ngủ hãy dùng ti giả nhé!
Quan trọng với con: Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Dùng Vitamin D3 Cho Trẻ Sơ Sinh Từ A-Z
Một trong những nguyên nhân khiến mẹ băn khoăn có nên cho trẻ bú đêm không là vì sức khỏe. Mẹ sợ con ngủ quên sẽ bị đói, bị hạ đường huyết, không uống đủ sữa sẽ bị còi,… Vậy, bé không bú đêm có sao không?
Mẹ biết không, theo bản năng, nếu đói con sẽ không ngủ được. Con sẽ ọ ọe phát tín hiệu “mẹ ơi, con đói” cho đến lúc được đáp ứng nhu cầu mới thôi.
Nếu con không đòi bú đêm, có nghĩa là con đã tích trữ đủ năng lượng để không bị đói. Mẹ không phải lo con bị hạ đường huyết trong khi ngủ. Tuy nhiên trường hợp này chỉ áp dụng khi bé bú được tối thiểu 300ml sữa/ngày. Nếu lượng sữa trong ngày bé bú được dưới 300ml thì bé chắc chắn cần ti bù vào ban đêm. Mẹ lưu ý thông tin quan trọng này nhé!
Buổi đêm con không ti thì mẹ yên tâm là sáng hôm sau con ti bù. Do đó, con không bú đêm không sao cả. Mẹ hãy tôn trọng nhu cầu của con, để con ngủ say giấc. Và mẹ biết không ngay trong lúc con ngủ ngon như vậy cũng là lúc giúp con tăng trưởng tốt đó. Mẹ đừng cố đánh thức con dậy chỉ để ti vài ml sữa nhé.
Tuy nhiên, có trường hợp con không chịu bú đêm mà ban ngày cũng không chịu bú bao nhiêu. Mẹ hãy kiểm tra xem con có đang trong tuần khủng hoảng không? Nếu có, mẹ an tâm vắt sữa đều đặn để duy trì nguồn sữa. Hết tuần khủng hoảng con sẽ lại bú tốt.
Nếu không trong tuần khủng hoảng mà trẻ không chịu bú mẹ, mẹ xem lại đã cho con bú đúng cách chưa?
Bé ngủ xuyên đêm giúp các mẹ có giấc ngủ trọn vẹn là điều mà mẹ nào cũng mong muốn. Vì thế, trên các hội nhóm bên cạnh các mẹ hỏi có nên cho trẻ bú đêm. Cũng có các câu hỏi về khi nào nên cho con cai bú đêm??? Có mẹ nghe nói trẻ 3 tháng đã có thể ngủ xuyên đêm nên rục rịch bắt đầu cắt cữ đêm. Nhưng lại vấp phải phản ứng mạnh, con gào khóc đòi tu ti còn mẹ ra sức dỗ cho con ngủ.
Mẹ biết rồi đấy, trẻ không thể ngủ với chiếc bụng đói. Những em bé khác sẵn sàng ngủ xuyên đêm khi bé đã tích trữ đủ năng lượng. Bé học được cách bú no trong các cữ. Còn những bé chưa học được cách bú no, con vẫn cần bú vào ban đêm.
Vì thế, đừng nhìn vào các chỉ số như thời gian đi ngủ, độ tuổi của bé. Hãy nhìn vào lượng sữa và cân nặng, sức khỏe của bé để xem bé đã sẵn sàng chưa. Thêm nữa, đối với bé dưới 6 tháng tuổi, hãy để bé tự quyết định khi nào cần cai ti đêm. Dựa theo nhu cầu tự nhiên, con sẽ quyết định cai ti đêm bằng cách giãn dần các cữ bú. Và tự ngủ ngoan, không thức giấc vào buổi đêm. Mẹ không nên cai ti đêm khi con chưa sẵn sàng nhé! Điều đó không những khiến con bất hợp tác, khóc nhiều hơn. Mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng, tăng cân của con đấy.
Mẹ tham khảo lịch sinh hoạt hàng ngày của con:
Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – Tháng Thứ 3
Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – Tháng Thứ 4
Sự thật là mẹ ngại nhất khi con ti xong “nổi hứng” dậy chơi tới sáng làm mẹ mất ngủ theo. Mẹ hãy áp dụng những mẹo sau đây để giúp con ti đêm xong ngủ ngon nhé!
Đồng hồ sinh học trẻ sơ sinh chưa kịp thích nghi với ngày và đêm. Vì vậy, khi còn trong tháng, mẹ chú ý thiết lập không gian ngủ của con tối mờ, yên tĩnh. Nếu cần ánh sáng mẹ chỉ nên để 1 chiếc đèn ngủ nhỏ.
Cho con ti vào buổi đêm mẹ nên im lặng, không nói chuyện với con.
Nhiều mẹ để tiện nghỉ ngơi thường cho con bú nằm vào buổi đêm. Sau khi bú xong hai mẹ con tiếp tục ngủ luôn. Tuy nhiên, bụng con óc ách, đầy hơi con khó lòng có giấc ngủ ngon. Vì thế, dù là buổi đêm, sau cữ bú mẹ vẫn nên cho con ợ hơi trước khi ngủ lại.
3 tháng đầu là quãng thời gian vất vả nhất với các mẹ nuôi con nhỏ. Nào là con bú đêm, con cần thay tã, con trớ,… thường xuyên khiến mẹ trong tình trạng thiếu ngủ. Nhiều mẹ vì lý do đó sẽ thích nằm cho con bú để tranh thủ chợp mắt.
Tuy nhiên, bú nằm có thể làm con nghiện ti mẹ, ti vặt, phải ngậm ti mẹ mới ngủ được,… Lúc đó còn vất vả gấp trăm ngàn lần hơn. Vì vậy, nếu có thể, mẹ cố gắng ngồi cho con ti trọn vẹn cữ. Tuy cực vài tháng đầu thật nhưng mang lại nhiều lợi ích về sau mẹ nhé.
Mẹ không cần thay tã cho con thường xuyên đâu. Chỉ khi nào con ị mới cần thay tã. Nếu ngủ cùng bố, mẹ hãy khéo léo phân công bố quán xuyến việc thay tã đêm cho con. Như thế mẹ sẽ được ngủ nhiều hơn một chút. Mà mẹ bỉm sữa thì ngủ nhiều sẽ có nhiều sữa.
Buổi đêm vừa ngái ngủ vừa phải tìm đồ quả thật là một thách thức. Tốt nhất là những vật dụng cần thiết như quần, áo, tã,… mẹ xếp gọn gàng ở nơi thuận tiện. Khi cần mẹ có thể với tay lấy ngay cả trong bóng tối.
Vấn đề có nên cho trẻ bú đêm hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu từng bé. Thuận theo nhu cầu vừa tốt cho sự phát triển của trẻ. Mẹ vừa giảm tải được rất nhiều áp lực con quấy khóc giữa đêm. Mẹ theo dõi các tín hiệu trước cữ bú đêm sẽ dần hiểu được thông điệp con muốn truyền tải. Lắng nghe, hiểu và tôn trọng nhu cầu của con, mẹ sẽ bớt căng thẳng lắm đấy.
Chủ đề Giáo dục sớm hiệu quả cho con mẹ nên đọc:
Giáo Dục Sớm Là Gì? Giáo Dục Sớm Có Phải Là Nhồi Nhét Con?
7 Lợi Ích Vàng Của Giáo Dục Sớm Ba Mẹ Không Nên Bỏ Lỡ