Tuần rồi có mẹ inbox cho Mẹ Việt nhờ hỗ trợ. Chuyện là sau sinh mẹ cho con ti vài lần thì đầu ti mẹ bị nứt cổ gà. Mỗi lần con ti mẹ đau đến điếng người, cảm tưởng đầu ti cứ chực rụng ra tới nơi hic hic. Bố thấy vậy thì xót bảo mẹ hay thôi cho con uống sữa ngoài. Nhưng mẹ thương con rất muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ loay hoay tìm giải pháp thì được các cô Mẹ Việt tư vấn. Giúp mẹ kiểm tra lại xem bé bú có đúng khớp ngậm chưa? Tư thế bế con bú thoải mái không? Vì cho trẻ sơ sinh bú đúng cách sẽ giúp mẹ nhiều sữa mà khi con bú mẹ không bị đau. Tiện đây Mẹ Việt đã tổng hợp lại kiến thức và chia sẻ cho các mẹ cùng tham khảo nhé!
Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách thì mẹ cần chú ý đến khớp ngậm đúng của con. Một cữ bú hoàn hảo là con nhận được đủ sữa, nuốt sữa tốt. Và mẹ không có cảm giác bị đau. Tuy nhiên, không phải tất cả các cữ bú đều diễn ra suôn sẻ như thế.
Vậy làm sao để biết mẹ đã cho trẻ sơ sinh bú đúng cách chưa? Mẹ hãy quan sát xem con có biểu hiện sau không:
Con ti rát cả đầu ti mà không ra sữa/ít sữa.
Con ti mẹ 100% mà mẹ vẫn không đủ sữa.
Sữa xuống nhiều con hay bị sặc.
Mẹ bị nứt cổ gà, đau khi cho con ti.
Con ngậm ti mẹ thay vì quầng vú.
Con ti bị tràn sữa qua 2 bên khóe miệng, phát ra âm thanh chóp chép.
Con hay bị đầy hơi, chướng bụng do nuốt nhiều không khí vào bụng trong khi bú.
Thi thoảng con áp sát vào ngực mẹ là mũi không thở được.
Con ngậm ti mẹ không chắc, dễ bị rời ti.
Khi bú con nằm cách xa mẹ, nằm quá cao hay cổ bị gập lại.
Nếu một trong các tình huống trên thường xuyên xảy ra thì khả năng là con bú sai khớp ngậm. Hoặc do tư thế mẹ bế con cho bú chưa đúng. Mẹ hãy điều chỉnh khớp ngậm và tư thế cho con bú để có những cữ bú thuận lợi nhé.
Bài cùng chủ đề:
10 Lợi Ích Tuyệt Vời Của Sữa Mẹ
Ra Mắt Series – Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con
Làm Gì Để Sữa Nhanh Về? 9 Cách Gọi Sữa Về Ướt Áo Cho Mẹ Sau Sinh
Khớp ngậm đúng của con sẽ có những đặc điểm sau:
Cằm của con cắm sâu vào bầu vú mẹ.
Đầu ngửa nhẹ ra sau (góc giữa cằm cổ khoảng 140 độ).
Lưỡi con đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới.
Miệng con mở rộng (như cá đớp mồi), ngậm sâu vào quầng vú. Nếu miệng con chỉ mở 90 độ, chỉ ngậm đầu ti và lúc bú má con bị hóp lại là sai rồi đấy.
Con ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú trên. Đỉnh đầu ti sẽ chạm sát vòm trên trong họng bé.
Mẹ không có cảm giác đau hay khó chịu khi bé mút sữa.
Khớp bám rất chắc ngay cả khi con ngưng mút.
Bắt đầu cữ bú, con sẽ mút nhanh massage ti mẹ. Khi có sữa tiết ra con nuốt, thở nhịp nhàng. Thỉnh thoảng con ngưng vài nhịp rồi tiếp tục nút.
Các vấn đề thường gặp sau sinh:
Giải Mã Trẻ Sơ Sinh Khóc Nhiều Và Cách Mẹ Khắc Phục
Mách Mẹ Cách Xử Lý Khi Trẻ Sơ Sinh Đầy Hơi Chướng Bụng
Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách ngay từ đầu rất quan trọng. Những cữ bú thuận lợi sẽ giúp mẹ giảm thiểu phần lớn áp lực cho mẹ đấy. Dưới đây là các bước giúp con có khớp ngậm đúng:
Bước 1: Mẹ chọn tư thế thoải mái nhất, nằm hay ngồi đều được. Bế con áp sát vào người mẹ (mẹ da tiếp da với con sẽ càng hiệu quả).
Bước 2: Canh mũi con ngang với đầu ti. Như vậy khi con há miệng ra, môi trên sẽ chạm vào đỉnh ti (ảnh 2 và 3).
Bước 3: Mẹ đỡ cổ con ngửa nhẹ ra sau cho đến khi cằm con chạm vào bầu ngực mẹ (phần dưới).
Bước 4: Con há miệng rộng sẵn sàng ngậm quầng vú. Lúc này lưỡi con lè ra ngoài, đè lên nướu dưới, ở giữa môi dưới và quầng vú mẹ. Môi dưới lộn ra, mẹ sẽ thấy phần màu hồng bên trong môi.
Bước 5: Đặt môi dưới của con vào mép dưới của quầng vú (khoảng 1.5cm từ chân ti). Con bắt đầu ngậm từ môi dưới trước. Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng con tạo nên tư thế ngậm đúng.
Trong quá trình tập mẹ lưu ý như sau:
Con chưa há miệng lớn: mẹ cho ti chạm vào đầu mũi để con cố há miệng ra.
Con chưa lè lưỡi ra ngoài: dùng đầu ngón tay chạm nhẹ vào đầu lưỡi để dụ con lè ra. Sau đó mẹ mới cho con ngậm.
Không tập cho con bằng ti giả, ti bình.
Nếu bầu ngực mẹ có dấu hiệu căng sữa, con khó mút sữa, mẹ nên vắt bỏ bớt sữa đầu. Rồi massage nhẹ nhàng cho ngực mềm hơn tí con sẽ dễ ti hơn.
Bài đọc thêm:
Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Dùng Vitamin D3 Cho Trẻ Sơ Sinh Từ A-Z
6 Cách Giúp Mẹ Chấm Dứt Nỗi Lo Trẻ Sơ Sinh Khó Ngủ
Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách, bú đúng khớp ngậm là cực kỳ quan trọng vì:
Đúng khớp ngậm, con tu ti có tác dụng massage kích thích tuyến sữa, giúp mẹ nhiều sữa.
Đúng tư thế cổ ngửa ra giúp con dễ nuốt sữa.
Đầu con không tì lên ngực mẹ giúp các tia sữa lưu thông tốt.
Vị trí tiếp giáp miệng của bé với ti mẹ kín, tạo lực hút vừa đủ. Sữa mẹ không chảy tràn ra ngoài.
Đầu ti mẹ ở đúng vị trí, khi lưỡi con “ép vắt sữa”, sữa chảy thẳng vào ống dẫn sữa. Vì thế sữa có xuống nhiều, xuống nhanh con cũng không bị sặc.
Cho con bú đúng cách giúp con bú dễ dàng, mẹ thuận lợi nuôi con sữa mẹ hoàn toàn.
Ngay từ giai đoạn đầu đời, con nên học được cách ăn no. Vì như thế con sẽ tích lũy đủ năng lượng hoạt động và có giấc ngủ tốt. Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách, mẹ sẽ cảm nhận rõ ràng các giai đoạn trong một cữ bú. Nhờ đó, mẹ nhận biết được khi nào con đã ăn no để ngừng cữ bú.
Vào cữ: con mút nhanh lúc đầu rồi chuyển sang mút đều, nhịp nhàng. Thỉnh thoảng con nghỉ ngơi một chút nhưng miệng vẫn không rời ti mẹ.
Giữa cữ: sữa xuống nhiều con nuốt liên tục. Sau đó khi gần no trẻ có dấu hiệu bú chậm dần. Đoạn này con có thể “phê sữa” nên ngủ quên. Mẹ có thể xoa má, vuốt tai nắn chân hay thay tã để giữ con tỉnh táo bú hết cữ.
Kết thúc: Thông thường, khi bú no con sẽ tự ngưng bú và nhả ra. Trường hợp, bé ngủ vào cuối cữ bú, mẹ nhẹ nhàng đưa ngón út vào khóe miệng. Con sẽ nhả ti mẹ ra khi đã no, nếu còn đói con sẽ vội vàng mút mẹ trở lại. Hi hi!
Như vậy là mẹ đã tìm hiểu xong cách cho con bú đúng cách bằng điều chỉnh khớp ngậm. Một yếu tố quan trọng khác mẹ cần chú ý để con bú tốt là tư thế cho con bú.
Tư thế bế sai sẽ làm con khó nuốt sữa hay cảm thấy không thoải mái. Kết quả con có thể bỏ bú giữa chừng và lâu dần là không thích bú mẹ. Dưới đây Mẹ Việt sẽ giới thiệu các mẹ những tư thế cho con bú đúng cách phổ biến.
Sau sinh mẹ còn mệt nhiều. Áp dụng tư thế bú này giúp mẹ vừa cho con bú vừa có thể nghỉ ngơi, thư giãn. Con nằm bú ở tư thế này cũng thoải mái, dễ chịu. Đây cũng là tư thế yêu thích của các mẹ khi cho con ti vào buổi đêm đấy.
Mẹ nằm nghiêng song song với con. Con cũng nằm nghiêng hướng vào người mẹ. Tay mẹ đỡ lấy đầu và hướng dẫn cho con quay mặt sang vú mẹ để bú.
Mẹ chọn một chỗ ngồi vững chắc rồi bế con ôm vào lòng. Hai tay mẹ tạo thành vòng cung vững chắc cho con. Mẹ đỡ con bằng tay cùng phía với bầu ngực con đang ti. Mẹ chú ý tay mẹ đỡ lấy đầu, mông và lưng con trên một đường thẳng.
Cách thực hiện tư thế này giống với tư thế trên. Chỉ khác là cánh tay dùng để đỡ bé là cánh tay ngược lại với bầu vú con đang ti. Tư thế này phù hợp cho các mẹ chỉ quen sử dụng tay thuận. Giúp con ti được cả hai bên mà vẫn giữ con được an toàn.
Tư thế này mẹ tìm vị trí tựa lưng thuận lợi, có thể là đầu giường hay dựa vào tường. Mẹ ngả lưng về phía sau nghiêng một góc 45 độ. Con được đặt nằm sấp trên bụng và tì vào ngực mẹ để bú. Mẹ sẽ không cần dùng quá nhiều sức để giữ con.
Các mẹ sau sinh mổ hết thuốc tê thường còn đau nhiều. Mẹ cũng hạn chế không nên ngồi nhiều để tránh động vào vết mổ. Vì vậy tư thế phù hợp cho mẹ sinh mổ là nằm ngả lưng nhiều về phía sau. Mẹ có thể kê một cái gối đỡ lưng để không bị mỏi.
Bế con nằm dọc trên người mẹ. Canh mũi con ngang bằng đầu ti mẹ để con có khớp ngậm đúng, ti sữa dễ dàng.
Đây là tư thế mô phỏng theo cách Gấu Koala mẹ cho con bú. Cách thực hiện khá đơn giản. Mẹ ngồi thẳng lưng, bế con đặt trên đùi, hai chân sang bên để mặt con hướng về bầu sữa. Chú ý cho miệng con vừa tầm ti mẹ. Lúc con ngậm ti, người con có thể áp sát vào mẹ, mẹ ôm con tình cảm trong khi bú.
Tư thế này giống như các vận động viên đang ôm trái bóng bầu dục. Mẹ ôm con ngang qua lòng mình. Có thể chuẩn bị thêm một cái gối mỏng, lót dưới lưng con, điều chỉnh cho con ngậm đúng khớp. Tay cùng phía bầu ngực luồn qua tay con, giữ đầu con cố định để dễ ti. Cách này mẹ không mất nhiều lực để giữ nên sẽ đỡ mỏi tay hơn nhiều.
Đây là tư thế dành cho mẹ sinh đôi muốn cho hai con bú cùng một lúc. Mẹ nên chuẩn bị một tấm đệm lót đủ rộng để hỗ trợ giữ hai bé cùng lúc. Cho con nằm nghiêng, ngang qua lòng mình và ngậm lấy bầu sữa mẹ. Hai cánh tay mẹ nhẹ nhàng giữ, nâng đỡ đầu con (nếu cần).
Các mẹ sinh đôi thường mất nhiều thời gian để cho con bú. Hay một trong hai bé phải đợi cho đến khi bé kia ti xong. Cách này vừa giúp mẹ tiết kiệm thời gian, vừa thỏa mãn cơn đói hai con cùng một lúc. Nếu lo ngại về hai bầu sữa bên nhiều bên ít thì mẹ hãy yên tâm. Cách này mẹ luân phiên đổi bên, hai bé sẽ nhận được lượng sữa đều nhau. Đồng thời, tư thế này con cũng massage được nhiều tuyết sữa giúp tiết nhiều sữa hơn trong khi bú.
Các tư thế cho con bú đúng sẽ giúp con dễ dàng có được khớp ngậm đúng. Một số tư thế mẹ sẽ làm quen nhanh và cảm thấy thoải mái khi bế con bú. Một số tư thế khác khó hơn. Nhưng nếu mẹ có thể cho con bú ở nhiều tư thế khác nhau, bầu ngực được massage đều sẽ tiết sữa hiệu quả hơn đấy.
Như vậy, mẹ đã biết cho trẻ sơ sinh bú đúng cách và tư thế bế con bú phù hợp. Việc còn lại là luyện tập hàng ngày để cả hai mẹ con nhanh chóng thuần thục nè. Nếu mẹ còn thắc mắc hãy để lại bình luận bên dưới nhé. Đội ngũ team Mẹ Việt sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Cuối cùng, chúc bé yêu của mẹ sẽ có những cữ sữa hoàn hảo ti no căng bụng. Chúc mẹ sữa về ướt áo, trữ sữa đầy cả tủ đông nhé!^^
Bài nhiều mẹ đọc:
6 Giải Pháp Hữu Hiệu Chấm Dứt Tình Trạng Trẻ Sơ Sinh Vặn Mình
Những Dấu Hiệu Bị Hậu Sản Sau Sinh Mẹ Tuyệt Đối Không Được Xem Thường
Làm Đẹp Sau Sinh Tại Nhà – Bí Quyết “Gái Một Con – Trông Mòn Con Mắt”