Trong 3 tháng đầu tiên, nhiều ba mẹ tâm sự về việc bị ám ảnh tiếng khóc của con. Trẻ thường xuyên khóc, khóc dai dẳng không rõ lý do, ba mẹ dỗ hoài không nín. Thực ra khi hiểu đúng về tiếng khóc của trẻ trong năm đầu đời, ba mẹ sẽ cảm thấy giải tỏa hơn rất nhiều. Bài viết này team Mẹ Việt sẽ cùng ba mẹ giải mã nguyên nhân trẻ sơ sinh khóc nhiều và cách khắc phục.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói. Vì thế, khóc chính là ngôn ngữ giao tiếp hiệu quả nhất của trẻ. Thông qua tiếng khóc trẻ biểu hiện trạng thái tâm lý, cảm xúc. Khóc cũng là cách con phát triển khả năng giao tiếp xã hội của mình.
Nhu cầu của trẻ dưới 1 tuổi không quá nhiều. Ba mẹ chỉ cần để ý tiếng khóc của trẻ sẽ nhanh chóng hiểu được thông điệp qua tiếng khóc của con.
Trẻ sơ sinh khóc nhiều có thể thuộc 2 trường hợp sau:
Khóc dạ đề – khóc colic: bé sơ sinh từ 2-4 tuần tuổi khóc thét dữ dội, có thể mặt đỏ ửng lên, khua khoắng tay chân liên tục, rất khó dỗ. Trẻ có thể khóc kéo dài đến 3 tháng tuổi sẽ tự ngưng. Mình sẽ nói về khóc dạ đề trong một video khác nhé.
Trẻ sơ sinh khóc nhiều để bày tỏ các nhu cầu cá nhân.
Mẹ cũng quan tâm: 6 Cách Giúp Mẹ Chấm Dứt Nỗi Lo Trẻ Sơ Sinh Khó Ngủ
Dưới đây là các nguyên nhân chính cùng cách xử lý giúp mẹ khi trẻ khóc nhiều.
Mẹ có thể nghĩ đến điều này đầu tiên khi trẻ khóc. Một số dấu hiệu thể hiện trẻ đói bụng đi kèm tiếng khóc gồm: chóp chép miệng, liếm môi, quay mặt, rúc vào ti mẹ, tay nắm chặt. Lúc trẻ khóc là trẻ đã quá đói và có thể từ chối bú mẹ dù đang rất đói. Tốt nhất mẹ nhận thấy những dấu hiệu trên hãy cho bé bú ngay mà không cần đợi đến lúc trẻ khóc nhé!
Tã bẩn làm trẻ bị ẩm ướt không thích một chút nào. Con sẽ khóc để báo hiệu cho ba mẹ biết là con cần được thay tã. Vì thế, hãy kiểm tra tã của trẻ và thay ngay tã mới để trẻ luôn khô thoáng, sạch sẽ. Tránh cho trẻ không bị hăm tã.
Người lớn thường lầm tưởng rằng trẻ mệt sẽ tự thiếp đi. Thực tế không hề đơn giản như thế. Trẻ sơ sinh chưa biết cách tự ngủ sẽ cần sự hỗ trợ của mẹ để dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Đừng để trẻ sơ sinh thức quá 2 tiếng hay vận động nhiều trước khi ngủ. Thần kinh bị kích thích quá mức sẽ làm trẻ khó chịu, gắt ngủ dẫn đến trẻ sơ sinh khóc nhiều, khó dỗ.
Vì thế ba mẹ hãy quan sát kỹ dấu hiệu trẻ buồn ngủ như ngáp, gãi đầu, vò tai, mắt mơ màng, lắc đầu liên tục,… Để cho trẻ đi ngủ sớm sẽ hạn chế được trẻ sơ sinh khóc nhiều. Nếu Ba mẹ nào chưa biết cách làm sao giúp bé yêu ngủ ngon thì đọc ngay bài này nhé: Làm Thế Nào Để Trẻ Sơ Sinh Ngủ Sâu Giấc
Nếu như những vấn đề cơ bản của trẻ được đáp ứng mà trẻ sơ sinh vẫn khóc nhiều. Rất có khả năng trẻ đang cảm thấy “cô đơn” và cần được ôm ấp vỗ về đấy. Con thích được nhìn thấy gương mặt thân quen của ba mẹ, nghe giọng nói, được ôm ấp, cưng nựng, được lắng nghe nhịp đập trái tim khi được áp vào lòng ba mẹ.
Khóc có thể tín hiệu con gửi đến để truyền thông điệp “Mẹ ơi, con muốn được ôm”. Ba mẹ nhanh chóng đáp lại mong muốn đáng yêu này con sẽ nín khóc ngay!
Nhiều ba mẹ băn khoăn sợ ôm con nhiều sẽ bện hơi mẹ, sợ làm con hư con. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh trẻ sơ sinh càng được ôm ấp, yêu thương, vuốt ve nhiều càng phát triển khỏe mạnh, tự tin. Và đặc biệt là kích thích não bộ phát triển tốt, trẻ thông minh. Do đó, ba mẹ đừng sợ con bám mà để mặc cho con khóc.
Trẻ bú nhanh, bú không đúng cách có thể nuốt phải nhiều không khí vào bụng. Kết quả là bị đầy hơi chướng bụng nên trẻ sơ sinh khóc nhiều vì khó chịu. Sau cữ bú, ba mẹ vác con lên vai vỗ ợ hơi con dễ chịu sẽ không quấy khóc nữa.
Đôi khi đã vỗ ợ hơi nhưng hơi trong bụng nhiều, chưa thoát hết ra ngoài, con sẽ lại khóc để báo hiệu. Ba mẹ tiếp tục vỗ ợ hơi cho con lần nữa cho đến khi đẩy hết hơi trong bụng ra nhé.
Những bé có vấn đề về đường ruột như: trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày ruột, táo bón,… thường khóc nhiều sau khi bú no. Ba mẹ áp dụng các động tác mát-xa cho trẻ sơ sinh ở vùng bụng như: mát xa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, đạp xe đạp. Nếu tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng trẻ bú ít, bỏ bú, khóc nhiều thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Để biết thêm về nguyên nhân trẻ bị đầy hơi chướng bụng và biện pháp xử lý ba mẹ tham khảo bài viết này nhé: Mách Mẹ Cách Xử Lý Khi Trẻ Sơ Sinh Đầy Hơi Chướng Bụng
Lúc thay tã hay cởi quần áo để tắm, vệ sinh có thể làm trẻ bị lạnh. Con sẽ khóc để phản ứng. Cách khắc phục là ba mẹ hãy thay tã, quần áo cho con ở nơi ấm áp, kín gió và thao tác nhanh. Như thế sẽ hạn chế trẻ sơ sinh khóc nhiều do bị lạnh.
Ngược lại, một số ba mẹ sợ con bị lạnh thường ủ ấm con trong nhiều lớp quần áo. Tuy nhiên, nóng quá, bí bách cũng làm con cảm thấy khó chịu. Tiếng khóc của trẻ lúc bị nóng sẽ không gay gắt như khi trẻ bị lạnh. Nhưng đó cũng là tín hiệu báo cho mẹ biết đã đến lúc nên cởi bớt quần áo để con được thoáng. Mẹ lưu ý chọn cho con trang phục vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Giúp con luôn cảm thấy dễ chịu và hạn chế khóc nhiều.
Trẻ đã quen với môi trường chật chội trong bụng mẹ. Khi chào đời, trẻ lần đầu tiên đến với thế giới quá náo nhiệt và rộng lớn sẽ bị choáng ngợp. Đó chính là lý do trẻ sơ sinh khóc nhiều trong những tháng đầu tiên. Mẹ nên quấn chặt bé trong một chiếc khăn mỏng. Khi tìm lại cảm giác an toàn sẽ giúp trẻ nhanh nín khóc và làm quen môi trường mới.
Ngược lại với trường hợp trên là một số trẻ từ tháng thứ 3 trở đi tỏ ra khá hiếu động. Con yêu thích khám phá thế giới. Cách tránh cho trẻ sơ sinh khóc nhiều trong tình huống này là giữ cho bé luôn vận động.
Mặc dù cách này có thể khiến ba mẹ kiệt sức. Nhưng hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu của con. Bởi vì ba mẹ càng có nhiều ý tưởng cho con hoạt động như các trò chơi, các buổi gặp gỡ, đi dạo, đi siêu thị,… Thì con càng phát triển thông minh, khỏe mạnh mà không quấy khóc nhiều nữa.
Trẻ bị sốt, rôm sảy, bị viêm đường hô hấp,… cảm thấy khó chịu trong người nên sẽ khóc nhiều. Tiếng khóc của con lúc này không to hay gay gắt mà nghe cảm giác mệt mỏi. Mẹ kiểm tra nhiệt độ và đưa trẻ đi khám bác sĩ nhé.
Nếu trẻ sơ sinh khóc nhiều kéo dài, bỏ bú hay ngủ li bì thì mẹ nên đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Để con được chẩn đoán và điều trị sớm.
Với một số trẻ, mọc răng là trải nghiệm gây đau khi từng chiếc răng nhú lên, xuyên qua lớp lợi cứng. Mức độ đau và khả năng chịu đau giữa các trẻ rất khác nhau. Nếu trẻ sơ sinh khóc nhiều mà mẹ nghi ngờ mọc răng, hãy thử đưa tay thăm dò lợi của bé.
Trên thực tế, thời gian mọc răng của trẻ cũng rất khác nhau. Nhìn chung, bé thường nhú 2 răng đầu tiên trong thời gian 4- 7 tháng tuổi. Một số trẻ có thể sớm hơn, một số trẻ có thể muộn hơn. Mát xa cho trẻ sơ sinh có thể giúp trẻ giảm đau tự nhiên khi mọc răng, giúp trẻ đỡ quấy khóc.
Trẻ rất nhạy cảm, do đó, chỉ cần cảm nhận điều gì đó không ổn, không thoải mái. Trẻ sẽ ngay lập tức báo cho mẹ biết bằng cách khóc. Ví dụ như: khi bị sợi tóc hay cọng chỉ trong bao tay, bao chân quấn vào ngón tay, ngón chân làm nghẽn tuần hoàn máu. Tình trạng này được các bác sĩ gọi là hội chứng garô ngón. Đây là một trong những nguyên nhân mà mẹ chăm bé dưới 2 tháng tuổi cần đặc biệt chú ý.
Một số trẻ khác lại nhạy cảm với quần áo thô ráp, nhãn mác quần áo cạ vào người. Cho đến tư thế bế ẵm không thoải mái, bình sữa có lực chảy mạnh/yếu so với bé,… Khi trẻ sơ sinh khóc nhiều, mẹ cũng hãy kiểm tra những lý do này để xử lý cho con nhé.
Khi không hiểu được thông điệp muốn truyền tải qua tiếng khóc của trẻ. Quả thật ba mẹ rất dễ bị căng thẳng, stress và áp lực. Những gợi ý dưới đây sẽ giúp ba mẹ xử lý nhanh tình trạng trên.
Đầu tiên, hãy cố gắng giữ bình tĩnh để tỉnh táo nhận ra thông điệp con bày tỏ qua tiếng khóc. Đáp lại con bằng giọng nói nhẹ nhàng vì đây là tông giọng giúp con nhanh chóng nín khóc nhất.
Nếu bé đói hãy cho bé ti mẹ, tã bẩn cần thay tã, kiểm tra xem con có bị ốm sốt…
Nếu các nhu cầu sinh lý cơ bản đã được đáp ứng và con vẫn khóc, hãy tăng cường ôm ấp, vuốt ve, chạm vào làn da của trẻ. Những động tác này giúp con cảm nhận sự hiện diện và quan tâm của ba mẹ. Con cảm nhận an toàn sẽ nên con nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Vì thế ba mẹ hãy bế con lên, ôm sát con vào lòng con sẽ nhanh chóng nín khóc.
Mát-xa cho trẻ sơ sinh là cách hữu hiệu giúp trẻ hạn chế khóc rất được các mẹ đồng tình. Mát-xa mang lại rất nhiều ích lợi cho trẻ. Thiết thực nhất là giúp trẻ thư giãn, thả lỏng cơ thể, giảm khó chịu khi mọc răng. Hỗ trợ bộ máy tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt, tránh tình trạng táo bón, đầy hơi. Trẻ cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ sẽ tự tin và ít quấy khóc. Massage còn giúp con vượt qua các tuần khủng hoảng nhẹ nhàng hơn.
Massage mang lại hiệu quả trực tiếp cho trẻ. Vì thế cần ba mẹ cần massage đúng cách để phát huy tác dụng massage tốt nhất. Chi tiết cách thực hiện ba mẹ tìm hiểu thêm tại Khóa học massage cho trẻ sơ sinh chuẩn quốc tế của giảng viên Phạm Thuần. Link khóa học mình để bên dưới nhé!!
Như thế ba mẹ sẽ dễ dàng đoán biết được nhu cầu của con là gì. Đồng thời, tránh bố trí công việc trong những thời điểm trẻ hay khóc nhiều. Hãy hoàn toàn tập trung hỗ trợ trẻ những lúc này ba mẹ nhé!
Nếu quá căng thẳng và mệt mỏi, sẽ không sao nếu mẹ để con khóc 1 mình trong 1 khoảng thời gian ngắn. Mẹ có thể nhờ người thân hay bạn bè trông hộ bé ít phút để mẹ nghỉ ngơi, lấy lại sức. Nếu không thể nhờ ai, hãy chắc chắn đặt trẻ ở nơi an toàn, trong cũi, trên giường với thanh chắn giường hay gối chặn. Mẹ có thể trốn sang phòng khác trong chốc lát, hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Sau bình tĩnh rồi thì quay về phòng đối diện và tìm giải quyết vấn đề con đang gặp phải. Việc này sẽ tránh cho mẹ giận dữ hay cáu gắt với con, vừa khiến mẹ hối hận ngay sau đó, vừa làm trẻ khóc to hơn, tình hình tồi tệ thêm.
Bên cạnh đó, hãy tranh thủ ngủ càng nhiều càng tốt để mẹ nhanh hồi phục sức khỏe còn chăm bé.
Trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không? Phần lớn các tình huống trẻ sơ sinh khóc nhiều do ba mẹ chưa hiểu ý con thì không sao. Ba mẹ chỉ cần nắm kỹ những nguyên nhân trên, quan sát để nhận biết vấn để của trẻ. Khi trẻ được đáp ứng thì sẽ chấm dứt tình trạng khóc nhiều.
Tuy nhiên, ba mẹ hãy lưu ý những trường hợp sau:
Khi trẻ khóc sau ngã, sau chấn thương.
Khóc khi bị bệnh.
Khóc kèm theo biểu hiện xanh tím, khó thở, thở gấp.
Khóc kèm theo những thay đổi về hành vi, ăn uống và giấc ngủ
Nếu trẻ sơ sinh khóc nhiều trong những trường hợp này, ba mẹ hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.
Khi trẻ khóc hãy bế trẻ lên để xoa dịu tinh thần, giúp con nín khóc. Ba mẹ đừng quá tập trung vào tiếng khóc của trẻ mà hãy đi tìm nguyên nhân làm trẻ khóc và xử lý. Việc này có vẻ khó khăn trong một 2 tháng đầu khi ba mẹ chưa quen. Nhưng càng gần gũi càng quan sát con, ba mẹ kết nối tốt hơn sẽ nhạy bén với thông điệp tiếng khóc của con hơn. Con ít quấy khó, trở nên ngoan ngoãn hơn. Ba mẹ hãy theo dõi những video tiếp theo của Mẹ Việt để cập nhật những kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con nhé! Xin chào và hẹn gặp lại.
Bài tiếp theo: Vì Sao Trẻ Sơ Sinh Hay Vặn Mình Và Cách Khắc Phục?