Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi hứa hẹn mang lại cho cả nhà thật nhiều cung bậc cảm xúc. Con thực sự rất biết cách thu hút sự chú ý mọi người với vẻ đáng yêu của mình. Thật bất ngờ khi con cho ba mẹ thấy trẻ 5 tháng tuổi biết làm gì đây. Giai đoạn này con học hỏi nhiều kỹ năng mới cùng lúc. Mẹ hãy khéo léo bày nhiều trò chơi vận động kích thích hỗ trợ con phát triển. Chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi ba mẹ hãy quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tương tác, chơi và giáo dục cho con nhé!
Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.
Tâm điểm của tháng thứ 5 này là sự phát triển năng động của con. Do đó, chúng ta cùng lướt qua nhanh những vấn đề cơ bản có gì cần chú ý. Để tập trung khám phá sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi nhé.
Ti mẹ: đây lại tiếp tục là một tháng lười ti của các bạn í. Một phần do tuần khủng hoảng, phần khác do bạn ấy lớn, có nhiều mối bận tâm hơn ti mẹ ;)). Lười ti thế thôi nhưng qua đợt khủng hoảng con lại ti tốt hơn hẳn đấy.
Tháng này các mẹ chú ý giãn cữ bú 4 tiếng/cữ nhé. Mặc dù con ti ít đi sẽ làm mẹ lo lắng đôi chút. Nhưng đừng vì thế mà cố đút lắt nhắt cho con được miếng nào hay miếng đó. Như thế sẽ làm con ti vặt, ti ít đi, không tăng cân. Mẹ lại sợ lại cho con ti vặt. Thành ra cái vòng luẩn quẩn vừa khổ mẹ vừa không tốt cho con.
Bé bú mẹ hoàn toàn, mẹ tiếp tục theo dõi bé bú đủ qua màu sắc nước tiểu. Bé bú bình tính theo công thức: số ml sữa = cân nặng (kg) x 120(min) – 150 (max)ml sữa.
Giấc ngủ: trẻ vẫn cần 3 giấc ngủ ngày và giấc ngủ dài buổi đêm, ngủ đủ 16h/ngày.
Tăng cân: sẽ không tăng nhanh như trước nữa, mỗi tháng con tăng 500-600gr là tốt rồi.
Chiều cao: tăng trưởng rõ rệt.
Tóm tắt là như vậy, còn giai đoạn này ba mẹ chú ý tới tuần khủng hoảng WW19 nhé. Nếu bé của mẹ cũng có những dấu hiệu tương tự như vậy thì mẹ cứ bình tĩnh nhé! Hết WW, con sẽ đâu lại vào đó thôi.
Chuyện ti mẹ của các bạn nhỏ trong tuần khủng hoảng vẫn làm các mẹ stress nhất. Như Xuka nhà mình thì siêu khủng luôn. Không phải là Ka ti ngoan mà là khả năng con chịu đói. Thường xuyên 6,7 tiếng mới ti một lần vào cữ sáng. Mẹ đến phát khiếp, bố thì sốt ruột bảo mẹ tìm cách gì đi chứ. Mẹ chỉ cười bảo tôn trọng con thôi, bình tĩnh theo dõi con ăn chơi, ngủ, cân nặng của con. (Vẫn trong chuẩn thì oke, kệ, đói thì con khắc phải ti :)).
Con ngủ không sâu giấc. Giấc ngày chỉ ngủ chút xíu lại giật mình tỉnh dậy. Có bé giấc ngày mẹ phải bế mới ngủ được thì cũng đừng áp lực quá nhé.
Mẹ hãy kiên trì, qua tháng sau tình trạng sẽ ổn hơn. Giải pháp cho giai đoạn này là giữ môi trường yên tĩnh nhất có thể. Đặt con nằm nghiêng. Chèn gối giữa 2 chân để con ngủ sâu hơn một tí.
Tình trạng chung của các bé giai đoạn này: hóng – tập lật, tò mò về thế giới xung quanh. Con thường xuyên cáu kỉnh, khóc lóc, bám mẹ làm mẹ vừa mệt vừa hoang mang. Nhưng kết thúc WW19, con sẽ tiến bộ vượt bậc, sở hữu thêm nhiều kỹ năng mới. Vì thế, mẹ quan tâm nhiều hơn đến việc tương tác, giao tiếp, chơi và dạy con nhé!
Tới tháng thứ 5 này con sẽ làm ba mẹ đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác đó. Mặc dù đã biết làm trò từ tháng thứ 4 nhưng qua tháng này con còn làm mẹ bất ngờ nhiều hơn.
Khả năng túm đồ của con rất tốt. Mình hay để xúc xắc ở giữa cho con chộp. Lúc để cao lúc để thấp, lúc để nghiêng trái, lúc nghiêng phải cho XuKa tập với, chộp. Chộp được cái là cho vào miệng luôn. Các mẹ chú ý chọn những đồ chơi lớn, không có chi tiết nhỏ để đảm bảo an toàn cho con. Còn đâu, cứ để con tự do khám phá thế giới thông qua khoang miệng nhé!
Phun mưa là điểm nhấn cuối tháng này :) Phun phì phì luôn. Mẹ biết con đang tập để phát ra âm thanh, nên không sao cứ phun thoải mái con yêu nhé. Bẩn mẹ sẽ lau giúp.
Giữ con luôn sạch sẽ là nhiệm vụ của mẹ. Nhưng mẹ còn có nhiệm vụ ý nghĩa hơn nhiều. Đó là tạo điều kiện tốt nhất cho con rèn luyện các kỹ năng và khám phá thế giới.
Hầu hết đến tháng này tất cả các trẻ đều đã lật thành thạo. Trừ một số trường hợp trốn lật các mẹ nhỉ ^^. Xuka nhà mình đầu tháng đã lẫy thành công nhưng mãi cuối tháng mới lật úp xuống được :D
Nhiều mẹ thấy con lẫy thì sợ con tức bụng, khó thở nên nhanh chóng lật con trở lại. Tuy nhiên, cũng giống như con đang Tummy Time vậy đó mẹ. Hơn nữa, sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi đã trở nên cứng cáp, có thể nằm sấp thời gian lâu.
Tư thế lẫy cũng giúp con nhìn bao quát tốt hơn. Nên mẹ đừng hồi hộp thay con. Khi nào con thật sự mệt sẽ ra tín hiệu nhờ mẹ lật giúp. Nếu không thì mẹ không cần can thiệp nhé!
Trẻ thích được bế ngồi. Bế nằm ra là Ka ngóc cổ lên, không chịu. Vì tư thế ngồi giúp con quan sát tốt hơn. Mẹ hỗ trợ con bằng cách bế sát vào người mình để con có điểm tựa vững chắc.
Thực ra, con chỉ manh nha tập luyện để chuẩn bị ngồi chính thức lúc 6 tháng tuổi. Xương của con chưa đủ cứng cáp nên mẹ không nên cho con ngồi sớm, ngồi nhiều.
Ghế tập ngồi có vẻ là dụng cụ hỗ trợ rất hiệu quả cho con, vừa rảnh tay cho mẹ. Tuy nhiên, trẻ 4 – 6 tháng ngồi thời gian dài sẽ không tốt cho sự phát triển xương. Ngồi một chỗ cũng hạn chế việc khám phá thế giới xung quanh của con. Vì thế, mẹ không cần thiết phải đầu tư ghế tập ngồi cho con đâu. Để dành tiền đó sang tháng mua ghế ăn dặm cho con mẹ nhé ^^.
Massage là lúc con thích nhất. Mỗi lần mẹ bóp bóp 2 vai là Xuka lại cười thành tiếng :) Xuka có máu buồn chứ không như chị Sóc. Chị Sóc mẹ sờ chân thoải mái chứ Ka thì cười nắc nẻ. Đây cũng là giai đoạn massage dễ dàng nhất từ khi con ra đời. Các mẹ tranh thủ massage đều đặn cho con hàng ngày nhé. Qua giai đoạn này tới tầm 7 tháng trở ra con bò nhanh lắm. Không chịu nằm yên làm em bé thiên thần cho mẹ massage như giai đoạn này đâu :).
Ba mẹ nào chưa biết massage cho con thì tham khảo ở đây nhé: Hướng Dẫn Cha Mẹ Tự Tay Massage Cho Con.
Bên cạnh massage là vận động hàng ngày, mình thường chơi máy bay, tập tiền đình cho con. Hệ tiền đình là trung tâm kiểm soát trọng tâm của cơ thể, sự cân bằng khi chuyển động, và định hướng không gian. Các động tác tiền đình giúp con cân bằng tốt hơn, ít bị ngã, ít chóng mặt. Và tránh được các bệnh tiền đình sau này.
Các bài tập tiền đình không quá khó, giống như trò chơi với con vậy. Ba mẹ quan tâm có thể tìm hiểu thêm trong Group Thảo Luận Mẹ Việt nhé!
Chơi với con càng nhiều ba mẹ càng cảm nhận sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi nhanh chóng. Ngoài những trò vừa chơi vừa hỗ trợ vận động ở trên thì mình dành nhiều thời gian giao tiếp với con.
Nói chuyện, cười đùa mỗi khi bên con.
Chị Sóc thì ngày nào đi học về cũng có cả tá câu chuyện để thủ thỉ tâm sự cùng em. Cho các anh chị lớn chơi với em nhiều vừa giúp tăng cường tình đoàn kết, vừa giúp các bạn em phát triển ngôn ngữ cực tốt đấy các mẹ ạ.
Con đặc biệt thích chơi trò ú òa.
Dạy Glenn Doman – Đọc sách cho con:
Mẹ sắp xếp thời gian cho Ka học Glenn đều đặn hơn. Mình đầu tư bộ thẻ học Glenn Doman chuẩn xịn sò Ka tha hồ học cùng chị Sóc :)
Đọc sách Ehon: bộ mặt trăng với ai ở sau lưng bạn thế. Ka cực kỳ hứng thú mỗi khi mẹ mang sách ra đọc. Có điều mẹ để gần cho Ka sờ chạm chút là dí ngay vào miệng thôi ^^ sách để đọc mà Ka ơi. Không phải để chén :))
Sách ehon là để mẹ đọc cho các bạn nghe. Còn cho con chơi, các mẹ hãy chọn sách vải nhé!
Sách Vải Hay Cho Bé Theo Chủ Đề Và Độ Tuổi
Con có thể biểu hiện cảm xúc nhiều hơn qua tiếng khóc. Mỗi một nhu cầu, bạn ấy sẽ phát những tín hiệu khác nhau đấy! Mẹ và con đã bên nhau suốt 4 tháng nên đã hiểu nhau khá rõ. Mẹ có thể dễ dàng đọc vị con thông qua tiếng khóc:
Khi con đói: khóc to xen lẫn những dấu hiệu mút tay, chóp chép miệng. (Cũng tùy mỗi bé, các mẹ cứ chịu khó quan sát con là biết nhé ^^).
Tã bẩn: tiếng khóc bình thường e e như là báo hiệu cho mẹ.
Đòi đồ chơi hay thứ gì đó mà không được: khóc gằn giọng.
Khóc đòi mẹ thì siêu nhõng nhẽo, khi thì lên giọng xuống giọng nghe thảm thiết lắm ;)))) mà không có giọt nước mắt nào :D. Biết đưa tay đòi bế, được bế thì ôm chặt lấy mẹ, nghe mẹ nói chuyện thì nín khóc ngay.
Sợ hãi: con khóc thét lên, toàn thân dãy dụa lung tung.
Gặp người lạ: con cũng khóc và nép vào người mẹ. Con cần thời gian để làm quen nên mẹ không tạo sức ép. Thay vào đó, mẹ và bà thay nhau đưa con đi dạo, đi siêu thị nhiều hơn. Con tiếp xúc nhiều người lạ sẽ dạn dĩ hơn.
Mẹ cũng biết khi mút tay là bạn đang buồn ngủ đấy. Một số bé sẽ tự ru ngủ mình bằng cách lắc đầu liên tục trước khi vào giấc nữa.
Ngôn ngữ cơ thể của con thật phong phú đúng không nào? Mẹ hiểu được ngôn ngữ của con sẽ dễ dàng chăm sóc con. Và ngày càng tự tin vào bản năng làm mẹ của mình đấy.
Tháng này chủ yếu là mẹ tìm hiểu kiến thức chuẩn bị cho con ăn dặm thôi. Sớm nhất thì chờ con đủ 5 tháng mới bắt đầu cho bé làm quen mùi vị khác ngoài sữa. Cứ cho bé bắt đầu ăn dặm trước 6 tháng là được các mẹ nhé.
Mẹ có thể chọn ăn dặm kiểu truyền thống, ăn dặm bé chỉ huy (BLW) hay ăn dặm kiểu Nhật (ADKN). Mỗi phương pháp đều có những ưu – nhược điểm riêng. Mẹ hãy tìm hiểu kỹ lưỡng từng phương pháp. Chọn ra phương pháp mẹ tự tin nhất và phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh, thời gian.
Mình chọn kết hợp cả BLW để con luyện kỹ năng và ADKN để đảm bảo con được thử nhiều mùi vị. Cũng như yên tâm con được ăn đủ no :D
Lịch chủng ngừa của con tháng này vẫn tiếp tục là: 5in1/6in1, và Phế Cầu mũi 3. Có thể uống Rota nếu chưa đủ liều.
Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi sẽ không đồng đều, có trẻ nhanh, có trẻ chậm đạt được các mốc. Nhưng chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi ba mẹ thấy con có những biểu hiện dưới đây. Ba mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ:
Không bập bẹ, thường xuyên im lặng: dấu hiệu sớm của việc chậm phát triển ngôn ngữ.
Chỉ sử dụng một tay: dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm phát triển.
Không cười, khóc suốt đêm: dấu hiệu khác của sự chậm phát triển ở bé 5 tháng tuổi.
Không phản ứng với tiếng động: Bé không quay đầu về phía phát ra tiếng động >> nghĩ ngay đến vấn đề về thính giác.
Cầm nắm kém: trẻ đang gặp vấn đề về cơ bắp.
Không nhận biết bố mẹ, người lạ: dấu hiệu chậm phát triển nhận thức.
Đáng nhớ nhất của tháng này chính là những thay đổi của con. Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi thật đáng yêu hết nấc. Hễ ra là con lật (lẫy) suốt, ê a trò chuyện, cười tít mắt làm ba mẹ yêu không thể tả được. Cảm nhận con đạt được những bước tiến dài thật xúc động và hạnh phúc các mẹ nhỉ? Hành trình làm mẹ sắp tới sẽ còn trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đáng nhớ nữa. Các mẹ hãy cùng theo dõi Kể chuyện mẹ Sóc chăm con – Tháng thứ 6 để biết những sự kiện nổi bật trong tháng tiếp theo nhé!