Từ 2 tuổi trẻ đã có dấu hiệu chậm nói. Một số gia đình vẫn nghĩ không sao, trẻ lên 3 rồi cũng sẽ nói, không việc gì phải vội. Vậy mà năm nay bé đã 4 tuổi tình trạng chậm nói vẫn không cải thiện. Trong nhà, từ ông bà, ba mẹ đều khao khát tiếng con bi bô tập nói, đi học có thể kể đủ chuyện ở trường ở lớp. Trẻ 4 tuổi chậm nói, ba mẹ đừng chần chừ nữa mà hãy ngay lập tức can thiệp. Giúp con nhanh chóng làm chủ ngôn ngữ và giao tiếp bình thường nhé! Bài viết này, Team Mẹ Việt sẽ chia sẻ cách kích nói hiệu cho cho trẻ 4 tuổi chậm nói.
Trẻ 4 tuổi chỉ nói được vài từ đơn, từ đôi là dấu hiệu chậm nói rõ ràng. Bên cạnh đó, trẻ ít nói, nói được nhưng hạn chế giao tiếp lại là những dấu hiệu không rõ ràng. Thường bị ba mẹ vô tình bỏ qua.
Dưới đây, ba mẹ hãy tham khảo những dấu hiệu để biết bé có chậm nói hay không:
Trẻ tiếp thu từ mới chậm, khó nói chuyện với mọi người.
Con sử dụng những câu rất ngắn, đơn giản, thường lược bỏ các tính từ, trợ từ,…
Trẻ sử dụng từ không đúng ngữ cảnh. Dùng các từ chung chung để diễn tả: cái đó, cái kia, đấy, thứ,…
Trẻ không hiểu nghĩa của từ, câu hay các câu chuyện ngắn.
Trẻ không diễn đạt được mong muốn của mình.
Việc chậm nói kéo dài có thể làm cho trẻ dần đánh mất sự tự tin, khả năng giao tiếp, đối thoại. Ngăn cản trẻ hòa nhập xã hội như kết bạn, bắt chuyện với người khác,… Do đó, ba mẹ không nên chờ trẻ 4 tuổi chậm nói tự nói được mà phải can thiệp sớm. Để tránh việc chậm nói làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Trẻ chậm nói đôi khi chỉ là dấu hiệu chậm nói đơn thuần. Nhưng cũng có lúc báo hiệu cho vấn đề liên quan đến não bộ của trẻ. Ba mẹ xem chi tiết bài này, đánh giá sơ bộ nguyên nhân bé nhà mình chậm nói để tìm hướng khắc phục.
Nguyên Nhân Trẻ Chậm Nói Và Cách Tạo Môi Trường Kích Nói Cho Trẻ
Trẻ Chậm Nói Khám Ở Đâu? Tổng Hợp 5 Địa Chỉ Uy Tín Khám Chậm Nói
Trẻ 4 tuổi chậm nói sẽ gặp những khó khăn nhất định trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể:
Về phát triển ngôn ngữ:
Khó nói những từ mới, vốn từ tăng rất chậm.
Khó ghép các từ lại với nhau để đặt câu.
Mất nhiều thời gian để hiểu từ hoặc câu.
Về sinh hoạt:
Bé khó làm theo các hướng dẫn của ba mẹ ở nhà và cô giáo ở trường.
Bé không thể diễn đạt điều bé muốn nói do vốn từ vựng hạn chế. Dẫn đến phản ứng hay cáu gắt, khóc lóc, ăn vạ, mè nheo, đánh người khác. Khó kiểm soát được cảm xúc.
Trẻ khó hòa đồng với bạn bè ở lớp. Hạn chế khả năng giao tiếp kết bạn mới với các bạn đồng trang lứa.
Trẻ có thể bị bắt nạt, bị cô lập mà không biết cách chia sẻ để được hỗ trợ.
Ảnh hưởng đến đánh giá kết quả học tập ở trường khi khó theo kịp các hoạt động ca hát, đọc thơ, diễn kịch,…
Trẻ cũng hạn chế khả năng khám phá, tự học hỏi khi không biết cách đặt câu hỏi và trả lời. (Trẻ nói nhiều sẽ hỏi nhiều, được cung cấp thông tin nhiều, biết nhiều, tò mò nhiều hơn).
Bài viết ba mẹ quan tâm:
Trẻ Chậm Nói Có Kém Thông Minh???
Theo lộ trình phát triển ngôn ngữ tự nhiên, trẻ đến 4 tuổi đã có thể nói tốt. Bây giờ con không chỉ đơn thuần là nói câu ngắn, câu dài mà đã có thể diễn đạt lưu loát. Con bước sang giai đoạn phát triển ngôn ngữ cao hơn là biết trả lời câu hỏi, đặt câu hỏi, kể chuyện, lập luận,…
Trẻ chưa đạt các mức này có thể khiến ba mẹ lo lắng nhiều, muốn con nhanh chóng nói tốt. Tuy nhiên, việc nóng vội đốt cháy giai đoạn ngược lại sẽ làm chậm tiến trình cải thiện chậm nói của con. Ba mẹ hãy bắt đầu từ những bước mà con đã bỏ lỡ.
Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để trẻ nhanh cải thiện tốc độ chậm nói không phải là bỏ bớt các giai đoạn. Mà là giúp trẻ nhanh chóng “tốt nghiệp” các giai đoạn này bằng cách tăng thời gian dạy trẻ.
Mới bắt đầu thì nên dạy trẻ chậm nói như thế nào? Cung cấp cho trẻ ít nhất 50 từ đơn các chủ đề quen thuộc: thành viên gia đình, đồ dùng gia đình, các bộ phận cơ thể bé, đồ chơi yêu thích của bé,…
Trong các bước, dạy bé nói từ đơn là bước đơn giản nhất vì trẻ rất dễ nói theo. Nhưng cũng là bước khó nhất vì trẻ thường không hợp tác. Do đó, ba mẹ cần nỗ lực nhiều hơn với trẻ ở bước này. Tạo ra hứng thú, giúp trẻ cảm thấy vui thích với việc tập nói, chịu nói. Từ đó dễ dàng bật ra những âm đầu tiên thì những bước sau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Kết hợp đọc sách, nghe loa tắm ngôn ngữ, chơi cùng con sẽ giúp trẻ nhanh nói. Ba mẹ liên hệ để được hướng dẫn về cách kích nói cho con hiệu quả với những vật dụng này. NHẮN TIN MẸ VIỆT
Khi ba mẹ tập trung kích nói cho trẻ hiệu quả, trong vòng 1 tháng trẻ sẽ tăng nhanh số từ đơn. Khi trẻ có thể nói được 50 từ đơn, hãy bắt đầu dạy từ đôi dựa trên từ đơn con đã biết.
Các ý tưởng để dạy từ đôi:
Ghép thêm các từ con, cái,…: gà → con gà; nhà → ngôi nhà, mái nhà, cái nhà.
Ghép với danh từ, tính từ: gấu → gấu bông, gấu đỏ, gấu trắng; hoa → hoa hồng, hoa mai.
Ghép với động từ: cơm → ăn cơm, nước → uống nước, chó → chó sủa.
Bắt chước âm thanh: gâu gâu, meo meo, cục tác, oa oa, vù vù,…
Với cách này, trẻ sẽ nhanh chóng biết được cách ghép các vốn từ mình đã có để tạo ra từ mới. Trẻ đã nói tốt 50 từ đôi có thể chuyển dần sang bước 3.
Ở bước này, hãy dạy con những câu ngắn, đơn giản, gồm 3-4 từ. Tập cho trẻ nói những câu thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày. Từ những câu chỉ hoạt động con ăn cơm, bé đi học, bé đi tắm, mặc áo khoác,…
Đọc sách cho bé nhiều hơn để giúp bé học hỏi thêm nhiều cách diễn đạt. Ví dụ: đèn ngôi sao lấp lánh, mặt trăng trên bầu trời.
Trẻ 4 tuổi chậm nói nên dành nhiều thời gian để nói nhuần nhuyễn các câu ngắn. Giai đoạn này ba mẹ hãy tích cực nói chuyện với con bằng những câu ngắn. Con học cách sắp xếp trật tự câu từ thông qua nghe. Do đó, nghe càng nhiều con sẽ tự nhiên hình thành trật tự câu từ.
Đặc biệt đối với các trẻ gặp vấn đề không sắp xếp đúng trật tự câu, ba mẹ khoan vội lo lắng. Đừng vội chỉ trích hay buột miệng nói những câu như: “Con nói chẳng ai hiểu cả”. Những lời nói vu vơ sẽ khiến trẻ dần mất đi sự tự tin và không hào hứng tập nói nữa.
Khi con nói sai, hãy lắng nghe thật kỹ để hiểu con muốn nói gì. Sau đó, lặp lại câu chính xác mà con muốn diễn đạt. Ví dụ:
Con: Mẹ, khăn màu đỏ lấy.
Mẹ: có phải ý con là: mẹ lấy cho con cái khăn màu đỏ, đúng không con? Ak ok: Mẹ lấy cái khăn màu đỏ cho con này ^^
Ba mẹ hãy để ý những trật tự câu con hay sai. Và tăng cường nói chuyện với những mẫu câu tương tự. Con nghe nhiều sẽ biết cách sửa sai trong câu nói của mình.
Bước tập nói câu dài là mở rộng của bước 3. Tương tự như bước từ đôi. Ba mẹ mở rộng câu dài cho con dựa trên những câu ngắn con đã nói được. Đây là cách nhanh nhất giúp con nhanh chóng nói được các câu dài.
Con: Con ăn cơm.
Mẹ: Con ăn cơm. Con muốn ăn cơm với thịt hay với cá? Con ăn cơm với bí đỏ hay rau luộc.
Lưu ý: hãy luôn lặp lại những câu con vừa tập nói.
Lặp lại lần 1, nguyên văn câu nói của con: giúp con củng cố ghi nhớ về câu nói ấy.
Từ câu cũ, thêm mới một vài từ để con học nói câu dài hơn.
Tỷ lệ từ mới không nên vượt quá 50%. Vì nói câu càng ít có từ mới, con càng bắt chước nhanh và nói tốt hơn những câu dài có nhiều từ mới con chưa biết.
Thực hiện song song với các bước trên. Thay vì nói với con nhiều câu khẳng định. Hãy tập thói quen đặt đa dạng câu hỏi cho trẻ. Hỏi chuyện trẻ mọi lúc mọi nơi để kích thích phản xạ trả lời. Hỏi những câu đơn giản bắt đầu với:
Ai? Cái gì? Ở đâu?
Màu gì? To hay nhỏ? Cao hay thấp?
Ba mẹ chưa cần hỏi trẻ câu hỏi khi nào. Bởi vì trẻ chưa hiểu về khái niệm thời gian nhiều. Các từ chỉ thời gian như lúc nào, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, hôm qua, hôm nay,… Trẻ chưa hiểu được sẽ không biết cách trả lời hoặc trả lời sai.
Mặc dù vậy, khi giao tiếp với trẻ, ba mẹ lại nên sử dụng nhiều từ chỉ thời gian. Trẻ nghe nhiều sẽ quen và dần hiểu được khái niệm thời gian. Sau này ba mẹ dạy trẻ về thời gian cũng rất dễ dàng.
Một câu nói ba mẹ có thể tạo ra nhiều câu hỏi để giúp bé quen với việc trả lời. Ví dụ:
Câu trẻ nói: Con đi chơi công viên về.
Câu hỏi:
Ai vừa đi chơi công viên về?
Con vừa đi đâu về?
Con ra công viên làm gì?
Thực ra, bước này ba mẹ không cần dạy, vì trẻ biết nghe hiểu nhiều sẽ nảy sinh sự tò mò. Trẻ sẽ học chính những câu hỏi của ba mẹ và áp dụng, tự đặt câu hỏi.
Giai đoạn này trẻ sẽ hỏi rất nhiều khiến ba mẹ lắm lúc thật đau đầu :D. Nhưng ba mẹ hãy chịu khó trả lời con, cung cấp thêm cho con kiến thức để con tìm hiểu về thế giới xung quanh. Đừng làm lơ câu hỏi của trẻ, cũng đừng ngại trẻ hỏi 1 câu nhiều lần. Tất cả đều nằm trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Và mỗi lần ba mẹ trả lời, dù là câu trả lời giống hay khác nhau, trẻ sẽ luôn học được cách giao tiếp bằng từ ngữ.
Không Hiểu Rõ Phương Pháp: Nhiều ba mẹ đau đầu không biết dạy trẻ chậm nói như thế nào? Thực tế, dạy nói cho trẻ không quá khó khăn. Nhưng ba mẹ thường cảm thấy hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu. Nên dạy con cái gì? Dạy con như thế nào? Tại sao ba mẹ tích cực dạy nhưng con mãi không hợp tác?
Cùng vì không nắm rõ phương pháp nên khi áp dụng thì dễ bị hoang mang. Áp dụng cách này chưa đến lúc có kết quả thì nghĩ không hiệu quả và chuyển sang cách khác.
Thiếu Bước Lặp: rất nhiều ba mẹ bỏ qua bước này nên dạy trẻ chậm nói không thành công. Trẻ nhanh biết nói bắt đầu từ việc nghe thật nhiều. Con nghe nhiều, thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ nhanh nhớ và bật âm ra nói.
Tạo Áp Lực: ba mẹ hỏi đi hỏi lại 1 câu hỏi. Và chờ đợi con trả lời cho bằng được là một kiểu tạo áp lực cho con.
Không Chú Ý Ngôn Ngữ Đời Thường: ba mẹ rất chú trọng dạy con trong các “giờ học nói”. Nhưng sau khung giờ đó lại không để ý đến cách nói chuyện, giao tiếp với người thân trong gia đình. Nói quá nhanh, nói ngọng, nói cộc lốc,… thường gián tiếp làm cho trẻ chậm nói cải thiện chậm.
Trẻ 4 tuổi bước vào giai đoạn bùng nổ về giao tiếp, học hỏi, khả năng tư duy tốt hơn. Trẻ 4 tuổi chậm nói thường gặp rắc rối về nhiều mặt. Do đó, ba mẹ nếu thấy trẻ chậm nói đã lâu không nên chờ đợi trẻ tự biết nói. Mà nên tham khảo và nhanh chóng áp dụng các cách dạy trẻ chậm nói tại nhà. Giúp trẻ cải thiện tình trạng chậm nói để không bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung nhé. Ba mẹ thấy bài chia sẻ hữu ích hoặc còn thắc mắc hãy để lại bình luận bên dưới để team Mẹ Việt giải đáp nha. ^^
Xem thêm:
Cách Dạy Trẻ Chậm Nói Nhanh Biết Nói Cực Kỳ Đơn Giản Mà Hiệu Quả