Kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ chậm phát triển trí tuệ giúp ba mẹ định hướng can thiệp cho con hiệu quả. Từ trước đến nay, đa phần là giáo viên can thiệp sử dụng kế hoạch này để can thiệp cho con. Tuy nhiên, trong các khóa học Chuyên sâu can thiệp chậm nói cho con, Mẹ Việt đã hướng dẫn nhiều ba mẹ tự lên kế hoạch giáo dục cho trẻ chậm phát triển trí tuệ tại nhà. Nhờ đó, các con tiến bộ nhanh trong một thời gian ngắn. Vì thế, Mẹ Việt đã quyết định chia sẻ cách lập kế hoạch này để nhiều ba mẹ biết và tự áp dụng cho con.
Kế hoạch giáo dục cá nhân là một bản kế hoạch được thiết kế cho mỗi trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt riêng nên cần bản kế hoạch riêng. Giúp giáo viên và các thành viên tham gia định hướng được nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ trong môi trường hòa nhập tại gia đình, cộng đồng và nhà trường.
Bản kế hoạch sẽ vạch ra cụ thể, rõ ràng lộ trình để giúp trẻ đạt được từng mốc phát triển. Và là căn cứ để giúp ba mẹ theo dõi sự tiến bộ của trẻ nhanh hay chậm. Trẻ cần hỗ trợ thêm về lĩnh vực nào không? Kế hoạch giáo dục cá nhân sẽ phụ thuộc vào năng lực của trẻ ở thời điểm lập kế hoạch. Do đó, không có bản kế hoạch nào chung cho tất cả các trẻ. Tuy nhiên hướng dẫn dưới đây sẽ giúp ba mẹ định hướng được những nội dung cần thiết khi lên kế hoạch cá nhân cho con.
Đọc thêm:
Đặc điểm của trẻ chậm phát triển trí tuệ – Ba mẹ hiểu để hỗ trợ con hiệu quả
Trẻ chậm phát triển trí tuệ vẫn có cơ hội học tập, giáo dục như các trẻ bình thường khác. Chỉ khác là, những giai đoạn phát triển kéo dài hơn và chậm hơn so với trẻ phát triển bình thường.
Mục tiêu của giáo dục cá nhân cho trẻ chậm phát triển trí tuệ bao gồm:
Xác định được điểm khởi đầu của trẻ, trẻ hiện tại đã làm được gì và chưa làm được gì.
Xác định các mốc phát triển trẻ cần đạt được trong vòng 1 năm, 6 tháng, 1 tháng, các tuần,…
Các lĩnh vực trẻ cần được hỗ trợ để phát triển toàn diện.
Cụ thể hóa các nội dung và hoạt động dạy trẻ, giáo dục phù hợp với năng lực của trẻ.
Thời gian thực hiện và theo dõi tiến bộ của trẻ.
Mục tiêu cuối cùng là giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ có khả năng học tập, phát triển các kỹ năng – nhận thức phù hợp độ tuổi. Và giúp trẻ có cơ hội hòa nhập tốt vào cộng đồng, xã hội.
Tham khảo:
Phương Pháp Dạy Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ Nhanh Tiến Bộ
Chương trình giáo dục cá nhân của trẻ chậm phát triển trí tuệ bao gồm các nội dung sau:
Thông tin chi tiết về tình trạng của trẻ: kỹ năng nhận thức, khả năng ngôn ngữ, hành vi cảm xúc, kỹ năng và hành vi xã hội, và khả năng thể lý.
Mục tiêu, kế hoạch giáo dục:
Các mục tiêu chức năng và học tập thường niên có thể đánh giá được của trẻ.
Xây dựng, thiết lập những nội dung giáo dục phù hợp, dễ hiểu với khả năng của trẻ.
Thời điểm và thời gian thực hiện kế hoạch: ngày bắt đầu và ngày hoàn thành.
Cách tiến hành và phương tiện hỗ trợ cần thiết cho trẻ: máy trợ thính, dụng cụ học tập…
Người can thiệp chính và người đồng hành hỗ trợ.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của trẻ định kỳ.
Kế hoạch nội dung chương trình chuyển tiếp lên giai đoạn học tập cao hơn.
Tính chất bản kế hoạch giáo dục cá nhân:
Rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu với mọi đối tượng liên quan.
Logic giữa các mục tiêu, nội dung giáo dục, phương thức thực hiện.
Kiểm soát được, đánh giá và đo lường được kết quả sau khi thực hiện.
Chấp nhận, đồng thuận và đáp ứng mọi mong muốn của các bên tham gia.
Thực tiễn, phù hợp với năng lực và khả năng hiện tại của trẻ.
Để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Chúng ta cần xác định được tình trạng hiện tại của con đang ở mức độ nào, con chậm một phần hay toàn bộ. Con chậm phát triển ở lĩnh vực cụ thể nào: vận động tinh; vận động thô; khả năng ngôn ngữ; khả năng nhận thức…Để từ đó, xác định chi tiết hơn những gì con đã làm được, con chưa làm được. Và bắt đầu lên kế hoạch hỗ trợ con trong từng lĩnh vực.
Đồng thời, quan trọng nhất là mục tiêu giáo dục cho trẻ phải dựa trên năng lực hiện tại. Nếu chúng ta đặt mục tiêu quá cao hoặc quá thấp so với khả năng của con. Thì sẽ khó mà giúp con phát triển tốt được.
Mục tiêu quá cao sẽ làm con gặp nhiều khó khăn trong thực hiện. Con dễ bị thất bại, dẫn đến nản chí, sợ hãi và tự ti.
Mục tiêu quá thấp con cảm thấy không được thử thách, không có điều gì mới mẻ để học tập. Nên cũng lơ là, không tập trung, chú ý và không thích thực hiện nhiệm vụ.
Ba mẹ cần kiểm tra sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ: chiều cao và cân nặng. Trẻ có đạt đủ theo tiêu chuẩn phát triển bình thường hay không? Nếu con thiếu hoặc thừa cân thì ba mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con. Ba mẹ kiểm tra các bộ phận trên cơ thể trẻ có khiếm khuyết gì không? Hình dáng, tầm vóc của con có đạt mức phát triển đúng độ tuổi không? Hay con còi cọc, thấp bé, các bộ phận phát triển không cân xứng… Khi thể chất con khỏe mạnh thì mới có cơ hội để phát triển các khả năng khác được.
Về khả năng vận động, ba mẹ xác định cụ thể về những hoạt động trẻ đã làm được. Từ đó, xây dựng kế hoạch giúp trẻ phát triển những kỹ năng còn thiếu, còn yếu.
Vận động thô: lăn, bò, trườn, xoay người, nhảy, kéo, đẩy, ném, trèo, đi bộ. Hoạt động thúc đẩy trẻ nâng cao khả năng vận động thô:
Tập thể dục hàng ngày với các động tác đưa tay lên xuống, chạy bước nhỏ, gập thân,…
Các hoạt động khác: đá bóng vào gôn, nhảy lò cò, leo trèo cầu thang, leo bục gỗ, đạp xe,…
Làm việc nhà: lau dọn bàn ghế, gấp quần áo, quét nhà, rửa rau,…
Vận động tinh: cầm, nắm, sử dụng khéo léo giữa các ngón tay. Ba mẹ rèn vận động tinh cho trẻ qua hoạt động:
Chơi trò chơi xỏ dây, xỏ hạt vòng, tập tô, nặn đất sét, vặn ốc, ghép hình…
Sử dụng kéo cắt hình, cầm đũa hoặc kẹp để gắp đồ chơi bỏ vào lọ…
Xúc cát, xúc gạo hoặc các loại hạt
Bước đầu tiên ba mẹ xác định tình trạng ngôn ngữ hiện tại của con đang ở giai đoạn nào. Các giao tiếp phi ngôn ngữ tốt chưa (giao tiếp mắt, chỉ tay, gọi quay đầu…). Con đã nói được bao nhiêu từ đơn, từ đôi, cụm 2-3 từ, câu ngắn, câu dài chưa? Để từ đó sẽ xây dựng lộ trình dạy nói cho con phù hợp.
Với các giai đoạn phát triển ngôn ngữ cho trẻ: kích âm, tích lũy từ vựng, nâng cao nhận thức. Ba mẹ cần bắt đầu đúng giai đoạn của con.
Giai đoạn kích âm: Rèn luyện phát triển giao tiếp phi ngôn ngữ tốt. Đây là giai đoạn giúp con nạp vốn từ vựng với nhiều chủ đề, có thể bật nói tầm 50 từ đơn, 50 từ đôi. Con chuẩn bị nền tảng vốn từ cho các giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn tích lũy từ vựng: Giúp con tích lũy thêm nhiều vốn từ mới theo chiều rộng và chiều sâu. Nói thành thạo nhiều từ đơn, từ đôi và cụm từ. Trẻ bắt đầu học nói các câu ngắn, câu dài để diễn tả mong muốn, nhu cầu.
Giai đoạn nâng cao nhận thức: Giúp con sử dụng vốn từ một cách linh hoạt. Mở rộng vốn hiểu biết và học các từ vựng chuyên sâu. Biết cách diễn đạt, kể chuyện, giải thích, trình bày vấn đề trôi chảy, gãy gọn.
Ba mẹ thực hiện các bài kiểm tra để đánh giá tình trạng hoạt động 5 giác quan của trẻ. Để xem con đang nhạy cảm và phản ứng tốt ở những lĩnh vực nào. Cần hỗ trợ sâu hơn để trẻ cải thiện và phát triển hoạt động giác quan nào. Đó là việc cần thiết để ba mẹ giúp trẻ đánh thức hoạt động các giác quan. Khi khả năng tiếp nhận thông tin qua các giác quan tốt thì con mới có thể nhận thức tốt được. Ba mẹ thực hiện các bài luyện tập cùng con:
Thị giác: Cho trẻ nhận biết màu sắc, không gian, hình dạng, kích thước đồ vật, đồ chơi.
Thính giác: Để trẻ tập nghe và nhận diện các loại âm thanh từ cuộc sống, âm nhạc…
Vị giác: Luyện cho trẻ nếm các vị thông qua thức ăn, đồ uống, hoa quả…
Xúc giác: Cho trẻ chạm, sờ vào các loại vật thể nóng, lạnh, cứng, mềm, khô, ướt…
Khứu giác: Các bài tập liên quan đến nhận biết thông qua mùi (thơm, hắc, nồng…)
Tiếp theo, để trẻ phát triển được khả năng nhận thức trọn vẹn. Trẻ cần nâng cao khả năng ghi nhớ, tập trung, tư duy và tưởng tượng. Đây là những việc khó đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ. Việc của ba mẹ là kiên trì, hỗ trợ con hàng ngày. Thông qua các giáo cụ hỗ trợ như sách, đồ chơi giáo dục, học liệu… Ba mẹ hãy bắt đầu bằng những thứ đơn giản và lặp đi lặp lại nhiều lần. Tạo hứng thú và thu hút trẻ bằng những điều mới mẻ mỗi ngày. Hãy hỏi trẻ và sử dụng những câu hỏi mở để con tư duy, tưởng tượng.
Ban đầu, trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tự phục vụ. Ba mẹ hãy là người giúp con nhận biết được những việc con đã tự làm được. Những việc chưa làm được thì cần ba mẹ hướng dẫn và làm cùng trong thời gian đầu. Dần dần, ba mẹ hãy tạo cho con sự chủ động, tự lập trong những hoạt động cá nhân. Để con tự chăm sóc chính mình.
Các hoạt động sinh hoạt cá nhân: ăn uống, ngủ nghỉ, thay quần áo…
Khả năng vệ sinh cá nhân: vệ sinh thân thể, trang phục, vệ sinh môi trường sống…
Khả năng tham gia các hoạt động sinh hoạt của gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Khả năng học tập và áp dụng kiến thức vào đời sống thực hành. Thực hành thông qua sinh hoạt hàng ngày. Nhiều ba mẹ bao bọc, không tạo môi trường cho con được thực hành.
Với trẻ chậm phát triển trí tuệ, khả năng quản trị cảm xúc, kiểm soát hành vi còn hạn chế. Vì thế, ba mẹ vẫn luôn là người hỗ trợ, đồng hành cho con mỗi ngày. Với từng hành vi, tính cách của trẻ, ba mẹ hãy giúp con nhận diện và xử lý khi xảy ra.
Quan sát các hành vi của trẻ: hành vi không mong muốn (cáu gắt, nóng nảy, tự làm đau bản thân…). Nguyên do xuất phát từ nhận thức chưa tốt của trẻ. Khả năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề còn nhiều hạn chế. Ba mẹ cần kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn cho con. Hãy thiết lập thành quy trình để con nắm được các bước thực hiện. Biết cách xử lý và thay thế bằng những hành vi tốt. Ba mẹ cũng cần bình tĩnh xử lý khi con thực hiện các hành vi không mong muốn. Không giận dữ, la hét, quát nạt hay trách phạt con.
Tính cách của trẻ: Trong đời sống thường ngày và trong giao tiếp xã hội trẻ thường tự ti, nhút nhát. Con hạn chế về nhiều mặt như ngôn ngữ, nhận thức nên con không thích giao tiếp với nhiều người. Ba mẹ cần giúp con khắc phục, tạo cho con môi trường thoải mái.
Với trẻ chậm phát triển trí tuệ cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ đặc biệt hơn từ người lớn. Vì thế, từ môi trường sống đến môi trường học tập cũng cần thiết kế phù hợp.
Môi trường sống: Các thành viên trong gia đình cần có nhận thức về tình trạng bệnh lý của con. Tạo điều kiện, cơ hội cho con được rèn luyện, phục hồi và phát triển các kỹ năng. Yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ trẻ.
Không gian học tập: Ba mẹ tạo cho con không gian học tập của riêng con. Dụng cụ học tập được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
Môi trường học tập: Ba mẹ trao đổi trực tiếp với giáo viên về đặc điểm, tính cách, sở thích của con. Để các thầy cô lên kế hoạch giáo dục phù hợp và xây dựng mục tiêu giáo dục hợp lý.
Sẽ rất khó khăn với những trẻ chậm phát triển trí tuệ mà không được thực hiện giáo dục sớm. Ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của các con và của những người thân bên cạnh. Vì thế, ba mẹ hãy thật sự tỉnh thức để nhận diện ra vấn đề của con. Từ đó, lên kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ một cách kịp thời và sớm nhất. Đảm bảo cho khả năng học hỏi và áp dụng kiến thức của con vào đời sống. Sự đồng hành và hỗ trợ của ba mẹ luôn là nguồn lực vô giá và quan trọng nhất với con. Ba mẹ hãy kiên trì, nỗ lực và luôn là động lực cùng con nhé!
Các bài viết tiếp theo: