Viêm tiểu phế quản là bệnh về đường hô hấp hay xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ nhiễm bệnh thường ho nhiều, thở khò khè, đôi khi khó thở khiến mẹ rất hoang mang. Viêm tiểu phế quản là gì? Con có cần đi bệnh viện không? Chăm sóc trẻ mẹ phải lưu ý những gì? Đó là những thông tin quan trọng nhất về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh mà mẹ cần biết. “Bác sĩ mẹ” hãy cập nhật những thông tin hữu ích này để chủ động chăm sóc bé yêu nhé!  

Viêm Tiểu Phế Quản Là Gì?

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng viêm cấp tính các tiểu phế quản. Các tiểu phế quản vừa nhỏ (đường kính < 2mm) vừa mềm (không có sụn nâng đỡ). Do đó, khi bị viêm tiểu phế quản sẽ bị chít hẹp và làm đường thở bị tắc nghẽn. 

Bệnh thường xảy ra ở trẻ <24 tháng, phổ biến trong độ tuổi 3-6 tháng. Trẻ thường nhiễm bệnh vào mùa đông lạnh.

Biểu Hiện Bệnh Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ

Khi bị viêm, không khí đi qua các tiểu phế quản bị hẹp lại sẽ phát ra âm thanh khò khè. Biểu hiện này điển hình cho viêm tiểu phế quản nhưng thường xuất hiện 2-3 ngày sau khởi phát bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường giống trẻ bị cảm lạnh gồm: sổ mũi/nghẹt mũi, ho, sốt nhẹ,…

Sau đó, trẻ dần ho nhiều hơn, thậm chí ho nhiều đến mức giống như ho gà. Khi hít thở, trẻ phát ra các âm thanh khò khè. Giai đoạn 3-5 ngày, mẹ quan sát thêm các biểu hiện thở nhanh, khó thở, có thể viêm tai giữa.

Ho đờm, thở khò khè cũng là triệu chứng thường gặp của các bệnh viêm hô hấp dưới. Tuy nhiên, viêm tiểu phế quản có phần “nhẹ nhàng” hơn nếu mẹ chăm sóc đúng cách.

Tìm hiểu thêm: Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em Và Cách Mẹ Nhận Biết

Thông thường được chăm sóc tốt, sau 5-7 ngày trẻ sẽ bớt khò khè, khó thở. Trẻ sẽ dần thở lại bình thường. Triệu chứng ho của trẻ nếu chăm sóc tốt cũng sẽ giảm và hết hẳn sau 14 ngày

Đối với bệnh viêm tiểu phế quản, hầu hết các trường hợp trẻ chỉ cần được chăm sóc tại nhà. Chỉ có một số ít trường hợp trẻ cần nhập viện. Vì vậy, mình sẽ hướng dẫn mẹ các nguyên tắc cơ bản khi chăm sóc trẻ.

Nguyên Tắc Chăm Sóc Trẻ Tại Nhà

benh viem tieu phe quan o tre so sinh

Trẻ viêm tiểu phế quản sẽ nhanh hồi phục khi mẹ đảm bảo 3 nguyên tắc sau:

Giảm Các Triệu Chứng

Sốt: Trẻ viêm tiểu phế quản thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ nên mẹ ít khi cần can thiệp. Nếu trẻ sốt cao:

  • Trẻ <3 tháng: chủ yếu chườm nước ấm ở cổ, nách, bẹn. Trẻ sốt >38°C, mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ.
  • Với trẻ 3-6 tháng: có thể dùng paracetamol để hạ sốt. Nhiệt độ sốt cần đi bác sĩ là 38.5°C. 
  • Trẻ >6 tháng: có thể hạ sốt bằng paracetamol hay ibuprofen khi trẻ sốt trên 39°C. Tuy nhiên, paracetamol ít tác dụng phụ sẽ an toàn cho trẻ hơn.

Cách hạ sốt an toàn cho trẻ, mẹ tham khảo thêm TẠI ĐÂY.

Nghẹt mũi, sổ mũi: mẹ vệ sinh mũi cho trẻ 2-3 lần/ngày để mũi trẻ được thông thoáng. Nếu trẻ khó thở, mẹ bế đứng lên trẻ sẽ dễ chịu và thở tốt hơn.

Ho có đờm: mẹ ưu tiên các bài thuốc trị ho đờm dân gian kết hợp vỗ rung long đờm cho trẻ. 

  • Đặt trẻ nằm nghiêng trên giường cứng, không dùng gối đầu.
  • Lót khăn bông mềm kê dưới mông để mông cao hơn đầu một góc 150.
  • Chụm tay lại, vỗ liên tục khoảng 3 phút lên lưng đoạn từ đáy phổi hướng về phía cổ. Mẹ không đập cả bàn tay vào lưng trẻ.
  • Sau 3 phút, mẹ ẵm trẻ dựa vào lòng, day nhẹ ngón tay vào cổ để gây ho. Trẻ sẽ ho và bật đờm ra ngoài.
  • Đối với ho có đờm, mẹ không dùng thuốc ức chế ho nhé.

Mẹ có thể tham khảo cách trị ho đờm của các mẹ khác trong Cộng Đồng Mẹ Việt. Các mẹ còn rất nhiệt tình tư vấn cho nhau kinh nghiệm nuôi con khỏe, chăm con ngoan đó mẹ ^^

Bổ Sung Đủ Nước

Trẻ viêm tiểu phế quản cần uống nhiều nước. Thiếu nước sẽ làm đờm cô đặc lại, trẻ không thể khạc ra bệnh sẽ nặng hơn. Vì vậy mẹ cho con uống nhiều nước để làm loãng đờm, dịu các cơn ho.

Con có thể uống nước lọc, các loại nước hoa quả trẻ thích nhưng không phải là nước ngọt. Trẻ khó uống nhiều nước một lần mẹ nên cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, uống nhiều lần.

Trẻ <6 tháng tuổi chưa uống nước thì mẹ tăng cường cho trẻ bú nhiều, tăng cữ bú nhé.

Dinh Dưỡng Đầy Đủ

– Mẹ đảm bảo bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, tuy nhiên nên hạn chế món khó tiêu. 

– Các món chế biến dạng lỏng để trẻ không phải nhai nuốt nhiều mà vẫn hấp thu tốt.

– Mẹ chia nhỏ các bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều.

Khi mẹ áp dụng đầy đủ 3 nguyên tắc này, các triệu chứng của con sẽ thuyên giảm đi nhiều. Kết hợp với sức đề kháng được nâng cao, con sẽ nhanh chóng khỏe lại trong 7-10 ngày.

Bên cạnh đó, mẹ không quên theo dõi các dấu hiệu diễn biến bệnh của con. Mẹ hãy tìm hiểu về những dấu hiệu nguy hiểm để nhận biết ngay khi chúng xuất hiện.

Khi Nào Con Cần Gặp Bác Sĩ

benh viem tieu phe quan o tre so sinh

Một số dấu hiệu cho thấy con đang gặp nguy hiểm mẹ có thể quan sát được là:

Nôn ói nhiều.

Thở rất nhanh: hơn 60 lần/phút. Mẹ dùng đồng hồ có kim giây, đo nhịp thở khi con nằm yên hoặc ngủ trong vòng 1 phút.

– Có dấu hiệu khi thở lồng ngực hõm sâu.

Lừ đừ, ngủ li bì.

Bỏ bú, chán ăn, không uống được nước.

– Biểu hiện tím tái ở mặt, môi và móng tay.

Ngay khi nhìn thấy những dấu hiệu này, rất có thể bệnh đã diễn biến nặng sang viêm phổi. Mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện nhé. 

Thực ra, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khá lành tính. Các triệu chứng nặng hoặc biến chứng thường xảy ra ở các trẻ có vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, các mẹ có con <12 tuần tuổi, sinh non, bệnh tim phổi,… nên lưu ý đề phòng. Trong trường hợp này nếu các triệu chứng kéo dài mẹ có thể cho con nhập viện để theo dõi. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho con mẹ nhé.

Nguyên nhân Gây Viêm Tiểu Phế Quản Là Gì?

Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus gây ra. Trong đó, virus hợp bào hô hấp RSV là thủ phạm từ 30-50% các ca bệnh viêm tiểu phế quản. Ngoài ra còn có các virus cúm. 

Các loại virus này lây lan rất nhanh qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch. Đồ chơi, vật dụng sinh hoạt dùng chung chứa mầm bệnh cũng có thể lây nhiễm cho trẻ. Bệnh gây ảnh hưởng nặng hơn đối với trẻ càng nhỏ. 

Cách hiệu quả nhất để đối phó các bệnh virus là phòng ngừa và nâng cao đề kháng để trẻ không nhiễm bệnh.

Phòng Bệnh Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Sơ Sinh, Trẻ Nhỏ

benh viem tieu phe quan o tre so sinh

Mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ tránh xa những rắc rối của bệnh viêm tiểu phế quản bằng cách:

  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh về hô hấp cho cả mẹ và bé. Vì sức đề kháng của mẹ khỏe, có thể không phát bệnh nhưng sẽ lây cho con.
  • Sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng cho trẻ. Đồ dùng dùng chung như đồ chơi, cốc nước,… nên làm sạch và khử trùng trước khi đưa cho trẻ.
  • Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che miệng khi ho và hắt hơi. Vứt khăn giấy vào sọt rác và rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn.
  • Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, đặc biệt là ngực và cổ.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu để nâng cao hệ miễn dịch của trẻ.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ.

Kết Luận

Okie, đến đây mình nghĩ rằng mẹ nào cũng nắm rõ viêm tiểu phế quản trong lòng bàn tay rồi. Hy vọng những kiến thức của mẹ sẽ giúp bé yêu trải qua một mùa đông thật khỏe mạnh nhé! Tuy nhiên, chỉ tìm hiểu về viêm tiểu phế quản thôi là chưa đủ. Bác sĩ mẹ chắc cũng cần “nghiên cứu” thêm về các bệnh khác như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi,… Như thế mẹ luôn có thể bảo vệ con “mọi thời điểm” đấy. Những chủ đề này mẹ có thể tìm đọc tại blog MeViet.vn. Hoặc nếu cần tư vấn, giải đáp thắc mắc trực tiếp mẹ hãy nhắn tin cho mình tại đây nhé!

Đôi Chút Về Team Mẹ Việt

Với mong muốn được đồng hành cùng Ba mẹ trong những lúc khó khăn, vất vả của hành trình nuôi con. Dạy Con, Chăm Sóc Sức Khỏe gia đình. Đội ngũ Mẹ Việt đã và đang làm việc hết mình từ tổng hợp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, sắp xếp kiến thức theo một thứ tự dễ đọc, dễ tiếp cận nhất. Bao gồm bài viết trên web, video kênh youtube, hình ảnh, âm thanh podcast... Hy vọng đưa Mẹ Việt thật sự trở thành nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích với mọi gia đình!!!

Ba Mẹ muốn tham gia vào đội ngũ Chia Sẻ Mẹ Việt - Liên Hệ ngay với Founder Phạm Thuần trên facebook để biết thêm thông tin chi tiết về hành trình đầy ý nghĩa này nhé!

Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả