Các chị em bầu bí đã chuẩn bị ở cữ đến đâu rồi nhỉ? ^^ Các giai thoại về chuyện ở cữ có làm các chị em hoang mang không. Nhiều mẹ tâm sự với mình là nghe kể về ở cữ truyền thống mà hoảng quá. Các bà thì bảo phải làm như thế này, thế kia. Mẹ thấy một số quan niệm không hợp lý. Nhưng bản thân thì không rành, lại chưa từng trải qua nên không có kinh nghiệm. Muốn thuyết phục bà mà không đủ lý lẽ, đành phải bảo sao nghe vậy cho êm nhà êm cửa. Với kinh nghiệm sinh 2 cô con gái và trải qua cả ở cữ kiểu truyền thống lẫn khoa học. Bài viết này mình sẽ bàn chuyện ở cữ sau sinh đúng cách để các mẹ hiểu rõ nhé. 

Update: Chuyện Ở Cữ Sau Sinh Đúng Cách Của Mẹ Thời Đại 4.0 – Phần 2

Bữa Cơm Ở Cữ

Có nhiều khác biệt trong cách ăn uống giữa ở cữ truyền thống và ở cữ khoa học. Và cũng nhiều bất đồng, ấm ức giữa các mẹ và các bà bắt đầu từ đây.

Bà thường theo quan điểm truyền thống. Bà đẻ là phải ăn mặn, ăn khô cho chặt bụng. Phải ăn nhiều móng giò, cơm trắng cho lợi sữa. Kiêng hải sản, kiêng đồ chua, kiêng trái cây, kiêng từ abc tới xyz,… Khổ thân các mẹ! Sinh xong đã mất sức mà còn ăn uống kiêng khem như vậy thì biết bao lâu mới hồi phục.

o cu sau sinh dung cach

Vậy thì ở cữ sau sinh đúng cách thì ăn uống như thế nào là hợp lý? Cả 2 lần sinh nở bữa ăn của mình không thay đổi so với trước quá nhiều. 

  • Mình chú trọng ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm để đáp ứng nhu cầu cơ thể.
  • Nên ăn thực phẩm chứa nhiều protein, canxi, chất xơ. Chất béo thì bổ sung từ nguồn động vật lẫn thực vật.
  • Ăn nhiều trái cây tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Chuẩn bị thêm bánh trái, ngũ cốc,… để ăn các bữa phụ chống đói nhé.
  • Ăn những món mình thích để có cảm giác ngon miệng. Và kích thích tạo nhiều sữa cho bé bú. 

Nhờ dinh dưỡng đầy đủ và con bú mẹ hoàn toàn nên tập đầu Sóc được ti mẹ đến 30 tháng. Xuka bây giờ cũng đang nối tiếp chị Sóc ^^.

Mẹ xem thêm các món giúp mẹ nhanh hồi phục sau sinh và lợi sữa Tại Đây.

Mình cũng có kiêng nhưng chỉ kiêng những món không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Đó là các món có tính hàn như thịt trâu hay cá tanh, các thực phẩm gây mất sữa. Không ăn các món quá cay, nóng, mặn, món nhiều gia vị hành, tỏi, quế, cà ri,… Không uống cafe, chất có cồn, trà giảm cân. 

Tóm lại, bữa cơm ở cữ mẹ hãy ăn uống cho thật ngon miệng nha.

Một số món nên kiêng mình có chia sẻ qua bài viết: Mẹ Mới Sinh Không Nên Ăn Gì

Tham gia thảo luận về những quan niệm ở cữ, mẹ nên làm và không nên làm khi ở cữ TẠI ĐÂY nhé!

Kiêng Tắm Gội, Chỉ Được Xông

Theo quan niệm xưa phải kiêng tắm gội trong vòng 1 tháng @.@. Ngày nay không biết còn mẹ nào chịu đựng được như vậy!!! Mẹ nhớ lại xem, lúc sinh mẹ lấy hết sức rặn đẩy con ra ngoài. Mồ hôi mồ kê tuôn nhễ nhại. Đầu tóc bết dính, cả người ngứa ngáy khó chịu lắm. Sau sinh mẹ được khuyến mãi thêm màn nực sữa. Người ngợm lúc nào cũng chua chua, “nồng nàn” mùi sữa. Không được tắm gội thì đúng là cực hình cho các mẹ sữa chúng ta quá! :((

Đó là cảm quan trước mắt. Về khoa học, cơ thể lâu ngày không tắm là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Vết khâu tầng sinh môn, vết mổ cũng dễ nhiễm trùng, dễ mắc các bệnh ngoài da. Bầu sữa mẹ nếu không vệ sinh sạch dễ bị sữa thừa đọng lại đầu ti gây tắc tia sữa. Con ti mẹ dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy. 

o cu sau sinh dung cach

Do đó, ở cữ sau sinh đúng cách là chúng ta cần được tắm gội sạch sẽ. Nhưng đúng là sau sinh cơ thể còn yếu nên tắm gội các mẹ cũng cần chú ý nhé! 

Tập đầu sinh Sóc ở với ông bà nên mình còn được ông bà đun nước lá cho. Công nhận tắm nước lá giúp khỏe người, khoan khoái dễ chịu thật. Đến Xuka mình bận quá không có thời gian đun nấu, chỉ tắm nhanh vèo vèo với nước ấm.

Các mẹ tắm nhanh 5-10 phút trong phòng kín, tránh gió lùa là được. Tắm xong lau người thật khô. Kinh nghiệm là lúc tắm mẹ kết hợp massage bầu ngực dưới vòi hoa sen. Giúp tránh tắc tia sữa và sữa đổ về nhiều hơn đấy. Vấn đề gội đầu mẹ gội được nhưng cũng nên hạn chế, giãn xa mấy hôm hãn gội 1 lần. Gội xong mẹ nhớ sấy khô tóc ngay.

Bên cạnh quan tâm chuyện ở cữ, mẹ cũng cần chuẩn bị đón em bé chào đời nữa. Mẹ đọc trước Series Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con để có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh nhé!

Xông Hơi Sau Sinh

Một cách làm sạch cơ thể khác mà các mẹ cũng rất chuộng đó là xông hơi sau sinh. Xông toàn thân giúp kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải chất độc trong cơ thể ra ngoài. Giúp giảm stress cho mẹ sau sinh, kích thích thần kinh, giảm ù tai, ngạt mũi, nhức đầu hiệu quả. 

Tuy nhiên, việc xông hơ không bắt buộc cho nên mẹ nào cảm thấy thích thì thực hiện. Như các mẹ không chịu được nóng thì thôi không cần làm. Mẹ nào chịu được thì có thể 2 ngày xông 1 lần, xông xong lau khô người, không cần tắm lại. Và mẹ nhớ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất trong quá trình xông nhé.

Hướng dẫn xông sau sinh mẹ xem Tại Đây.

Ngoài xông toàn thân thì cách ở cữ truyền thống khuyên các mẹ nên xông cửa mình cũng rất tốt. Sau khi sinh tử cung thường mất 20 ngày – 1 tháng để co bóp đẩy hết sản dịch ra ngoài. 

Mẹ tiến hành xông vùng kín 2-3 lần/tuần sẽ giúp nhanh hết sản dịch. Ngăn ngừa bị viêm nhiễm, mắc bệnh phụ khoa, nấm ngứa. Các nguyên liệu xông có tính kháng viêm, giúp giảm sưng, nhanh lành vết thương,…

Nằm Than

Nhiều nhà chỉ vì chuyện nằm than hay không mà bao phen xào xáo giữa bà và mẹ. Bà thì bảo phụ nữ sinh xong phải chịu khó nằm than cho ấm người. Để sau về già mới không bị nhức đầu, đau khớp, run tay,… Cộng thêm cái lý, các mẹ trẻ chúng mày không có kinh nghiệm sinh nở nên chủ quan. Nên bà phải nhắc nhở thực hiện để tốt cho con cho cháu. Hic, biết ý tốt của bà nhưng nghĩ đến cảnh nằm than vào trời hè đổ lửa… các mẹ trẻ tìm mọi cách để khước từ ^^. 

Đối Với Mẹ

o cu sau sinh dung cach

Nằm than cũng có cái lợi là giúp sưởi ấm cho mẹ, da dẻ hồng hào, máu huyết lưu thông,… Nhưng nằm than trong phòng kín thì cực kỳ nguy hiểm vì có thể ngạt khí, nguy hiểm tính mạng. Các trường hợp này báo đài cảnh báo nhiều rồi mà lâu lâu vẫn xảy ra. Các mẹ thắc mắc có nên nằm than hay không có thể hiểu thế này:

Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh về hiệu quả của việc nằm than. Những lý do như không nằm than sau này sẽ dễ đau yếu, run tay chân, … là thiếu cơ sở. Cơ thể chúng ta khi về già bị lão hóa hoàn toàn có thể phát sinh những triệu chứng ấy. Chứ không liên quan gì đến việc không nằm than lúc ở cữ cả. 

Do đó, mẹ sau sinh không bắt buộc phải nằm than mà là lựa chọn cá nhân thì đúng hơn. Nghĩa là mẹ cảm thấy cần thiết, có tác dụng thì thực hiện. Còn mẹ không thích, không chịu được nóng, không phù hợp thời tiết thì thôi. 

Nhưng nếu quyết định nằm than thì mẹ nên tìm hiểu sao cho thực hiện an toàn nhất. Mẹ tuyệt đối không dùng than tổ ong vì rất độc, có thể gây hôn mê, cực kỳ nguy hiểm. Phòng ốc phải thông thoáng để không khí có thể lưu thông dễ dàng, tránh ngạt khí. 

Mình thì sau sinh cả 2 bé đều không nằm than ngày nào. Thay vào đó, mình chú ý ăn uống, ngủ đủ giấc, làm việc vừa sức, vận động nhẹ nhàng. Ra tháng mình tập yoga, thiền,… giúp nhanh phục hồi sức khỏe. Bây giờ sức khỏe của mình vẫn đảm bảo làm việc được với cường độ cao nhé!

Với Em Bé

Với em bé thì tuyệt đối không cho nằm than vì nhiều nguy cơ hơn là lợi ích. Em bé mới chào đời thường có bộ phận sinh dục to, mắt sưng. Các bà thường bảo cần hơ những vị trí đó cho nhanh nhỏ lại. Cách hơ là đưa tay bà gần sát bếp than cho ấm nóng rồi áp vào các vị trí cần hơ. Việc làm này hoàn toàn sai lầm và không cần thiết.

Bộ phận sinh dục hay mắt của trẻ sơ sinh phát triển to là hoàn toàn bình thường. Khi bé lớn lên sẽ cân xứng trở lại mà không cần can thiệp. 

Đã từng có trường hợp tay bà nóng quá áp vào làn da nhạy cảm làm cháu bị bỏng nhẹ. Bé đau khóc rất tội nghiệp. Chưa kể, hệ hô hấp của con còn non yếu có thể bị ngạt khí dẫn đến suy hô hấp rất nguy hiểm. Hoặc sau này hay mắc phải các bệnh về đường hô hấp. 

Chốt lại là tuyệt đối không cho em bé nằm than hay hơ gì cả các mẹ nhé! 

Giáo dục sớm cho bé ngay từ 0 tháng tuổi như thế nào để con thông minh, phát triển vượt trội: TƯ VẤN NHANH 

Thời Trang Sau Sinh

Người ta thường nhắc đến đặc sản của mẹ bỉm là quần dài, áo dài tay, chân đi tất, đội mũ len, nút bông tai. Tất nhiên, sau sinh sức khỏe của mẹ còn yếu nên việc giữ ấm cơ thể là điều nên làm. Nhưng chúng ta cũng nên xét đến tính phù hợp của thời trang so với thời tiết nữa chứ nhỉ ^^.

o cu sau sinh dung cach

Ở miền bắc vào mùa lạnh, trang phục như thế là phù hợp rồi. Chứ còn miền trung, miền nam, mùa hè nóng như đổ lửa mà diện combo đi tất – mũ len – nút bông tai thì… eo ôi! Cảm giác bí bách khó chịu không chừng lại ảnh hưởng tâm lý nuôi con. Và thực sự là không cần thiết các mẹ ạ. Ở cữ sau sinh đúng cách là mẹ mặc sao cho đông ấm, hè mát, thoải mái là được. 

Mới sương sương thôi mà bài dài quá rồi. Còn nhiều chủ đề muốn tâm sự, bàn luận với các mẹ như: ở cữ có nên kiêng đánh răng, chải đầu? Bà đẻ có nên xem tivi, điện thoại không? Có được đi ra ngoài không?… Hẹn các mẹ ở phần 2 nhé!

Niềm Vui Của Mình Khi Ở Cữ

Tâm sự với các mẹ một chút chuyện ở cữ của mình. Lần đầu sinh Sóc mình ở cùng ông bà nên ở cữ trọn vẹn 1 tháng. Mà không chỉ 1 tháng, ông bà còn “chiều chuộng” 2 mẹ con suốt 3 tháng 10 ngày ấy ^^. Mình chỉ có mỗi việc ăn uống bồi bổ, ngủ đủ giấc, chăm con. Mình biết ơn bố mẹ đã tạo điều kiện cho mình nghỉ ngơi thoải mái để nhanh khỏe lại. Nhưng tính mình vốn nghiện công việc nên cứ có cảm giác cuồng chân cuồng tay ấy các mẹ. Cảm giác sốt ruột vô cùng, thấy mình không làm được việc gì có ích lại đâm ra bức bách trong người. Hì hì!

Đến lúc Xuka chào đời thì mình không còn quá quan tâm chuyện ở cữ nó như nào. Vì lúc này không chỉ có em bé, mà còn có chị Sóc hơn 4 tuổi suốt ngày quấn quýt. Lại còn thêm đứa con tinh thần Mẹ Việt Blog của mình cũng đang lớn lên từng ngày. 

Vậy nên sau sinh 3 ngày mình đã ngồi học buổi tối cùng Sóc. Sau 10 ngày là ngồi máy tính bắt nhịp lại công việc rồi. Mà không có cảm giác nặng nề, áp lực gì các mẹ nhé. Mình thấy vui vẻ, thoải mái vô cùng. Vừa được chăm sóc, vui chơi cùng các con, vừa được làm những việc mình yêu thích. 

Ở cữ cũng là lúc mình dành thời gian để tâm sự và tư vấn cho nhiều mẹ hơn. Mỗi ngày được lắng nghe các mẹ, nhận tin nhắn khoe các con đã bú nhiều hơn, ngủ tốt hơn. Thấy các mẹ tự tin khi làm mẹ, giải tỏa được căng thẳng. Mình vui lắm, cảm nhận hạnh phúc và thêm tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Thời gian ở cữ của mình từ đó cũng trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều!

Tạm Kết

Vậy đó chuyện ở cữ cứ nhẹ nhàng như vậy thôi, cái gì mình thấy đúng thì làm. Quan trọng là phải nắm vững kiến thức thì mình mới tự quyết định được các mẹ ạ. Quan trọng tinh thần mẹ phải vui vẻ, lạc quan thì mới tốt cho cả mẹ cả con. Mẹ càng thoải mái thì “nhà máy sữa mẹ” mới hoạt động hết công suất được. Do đó, mẹ hãy chọn cách ở cữ mà mẹ thấy tiện và thoải mái nhất cho mình nhé. Nếu quan điểm ở cữ của mẹ khác với bà, mẹ hãy khéo léo trò chuyện trước. Trường hợp bà hơi khó thuyết phục, lúc sinh ở viện, mẹ có thể hỏi trực tiếp bác sĩ. Có bác sĩ giải thích thấu đáo, bà sẽ hiểu và ủng hộ mẹ ở cữ sau sinh đúng cách đấy! 

Chúc các mẹ bầu vượt cạn thành công! Và đừng quên theo dõi phần 2 bàn chuyện ở cữ đúng cách nhé!

Cùng các Mẹ bỉm sữa khác tâm sự, chia sẻ và thảo luận sôi nổi về các chủ đề chăm sóc và nuôi dạy con tại Cộng Đồng Mẹ Việt. Tham Gia Ngay!

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả