Cách Cho Bé Ăn Dặm Kiểu Nhật Đúng Chuẩn Giúp Bé Hợp Tác Ăn Ngon

Đăng bởi: Team Mẹ Việt
Đã cập nhật vào:
27 phút đọc

Tiếp nối series hướng dẫn mẹ về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé. Bài viết này, Mẹ Việt chia sẻ với mẹ cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật đúng chuẩn. Giúp con hợp tác ăn ngon, xây dựng cho con lịch ăn uống phù hợp . Để kích thích bé ngon miệng và hấp thu đầy đủ các dưỡng chất từ thức ăn. Các mẹ cùng theo dõi cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật có gì đặc biệt nhé!

Tham gia vào Cộng đồng Mẹ Việt – Dạy con tại nhà và Homeschooling để cùng học hỏi dạy con, giáo dục sớm giúp con thông minh toàn diện. Hàng ngàn ba mẹ Việt đang được hỗ trợ dạy con dễ dàng mỗi ngày. THAM GIA NGAY!

Thời Điểm Nào Ăn Dặm Là Phù Hợp

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mẹ nên cho con bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, những thông tin khoa học mới nghiên cứu gần đây phát biểu rằng: Mẹ không nhất thiết phải đợi đúng 6 tháng tuổi. Với một số bé thời gian này có vẻ trễ. Mẹ lỡ mất giai đoạn “hứng thú” với ăn dặm của con. Nghĩa là lúc con thích thì không cho con làm quen, lúc không còn muốn nữa thì bị ép ăn.

BlockNote image

Do đó, ngày càng có nhiều ý kiến khuyến khích mẹ nên cho bé ăn dặm khi bé có nhu cầu. Thường là trong giai đoạn 4-6 tháng và trẻ có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm. 

Lưu ý: Với những trẻ sinh non, đường ruột của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Dạ dày của trẻ chưa sẵn sàng để hấp thu thức ăn lạ ngoài sữa. Thời điểm thích hợp để con ăn dặm nên được tính theo tuổi hiệu chỉnh thay vì tuổi thực sinh. Việc chờ đủ tháng cho bé ăn dặm có tác dụng giúp con bảo vệ hệ tiêu hóa còn non yếu. 

Mẹ đọc thêm bài này:

Cách Nấu Ăn Dặm Kiểu Nhật – Hướng Dẫn Nấu Cháo, Nước Dùng Dashi

Dụng Cụ Ăn Dặm Kiểu Nhật – Tất Tần Tật Những Món Mẹ Cần Dùng Đến

Dấu Hiệu Bé Đã Sẵn Sàng Ăn Dặm

Nếu thực sự sẵn sàng ăn dặm, bé sẽ “phát tín hiệu thông báo” bằng các dấu hiệu dưới đây: 

  • Bé nhìn chằm chằm vào cả nhà đang ăn và chóp chép miệng, ra vẻ thòm thèm lắm. Bé thích chụp tay người lớn cầm thức ăn hay cầm đũa, muỗng, nĩa,…

  • Bé hay đói sớm trước khi đến cữ sữa tiếp theo hoặc sau khi uống xong mà vẫn chưa no.

  • Trẻ có thể tự ngồi thẳng lưng và giữ vững đầu, giúp nuốt thức ăn dễ dàng.

  • Phản xạ bú giảm, cho thìa vào miệng bé ít mút hơn cũng là dấu hiệu muốn ăn dặm.

Mẹ đừng bắt đầu cho con ăn dặm vì bé ít bú hay biếng bú để giúp con no hay là tăng cân. Nếu xuất phát từ chính nhu cầu con muốn khám phá ăn dặm thì bé sẽ hợp tác. Còn các trường hợp còn lại bé chưa sẵn sàng, việc thử thức ăn mới sẽ không còn hứng thú. Thậm chí là tạo áp lực cho con. Thay vì cho con ăn dặm hãy tìm hiểu xem nguyên nhân bé bú ít. Con có đang mệt trong người không? Con có đang mọc răng không?… 

Hãy chờ đợi đến lúc con thật sự sẵn sàng. Việc ăn dặm sẽ trở nên thuận lợi và nhẹ nhàng mẹ nhé! 

Bài nhiều mẹ đọc:

Mách Mẹ Cách Xử Lý Khi Trẻ Sơ Sinh Đầy Hơi Chướng Bụng

Review 4 Bộ Đồ Ăn Dặm Kiểu Nhật Được Các Mẹ Tín Nhiệm Nhất

Dinh Dưỡng Cho Bé Ăn Dặm

Theo cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ thiết kế bữa ăn đầy đủ 3 nhóm chất:

Tinh bột: gạo, bánh mì, mì, bún, nui, phở, các loại khoai như khoai tây …

Ðạm: đậu hũ, cá, trứng, thịt gà, thịt heo, thịt bò, hải sản, các loại đậu, sữa chua, phô mai…

Vitamin và khoáng chất: các loại rau, củ, quả, trái cây… Nếu trong 1 bữa bé không ăn được rau, thì có thể thay bằng bữa trái cây cho bé.

Nguyên Tắc Khi Cho Con Ăn Dặm Kiểu Nhật

Không chỉ giúp bé hợp tác ăn uống, ăn dặm kiểu Nhật còn giúp xây dựng cho bé thói quen ăn tốt cho sức khỏe. Theo đó, nguyên tắc khi cho con ăn dặm kiểu Nhật như sau:

Cho Trẻ Ăn Nhạt

Ăn nhạt: thức ăn của bé hoàn toàn là vị của các nguyên liệu, không nêm nếm gia vị. Nhu cầu của trẻ chỉ cần dưới 1g muối/ngày. Trong sữa mẹ hoặc sữa công thức đã đáp ứng đủ lượng muối này. Tiêu thụ nhiều muối sẽ khiến thận của bé hoạt động mệt mỏi để đào thải. Gây áp lực và dẫn đến tổn thương thận của trẻ và tiềm ẩn bệnh cao huyết áp sau này. 

BlockNote image

Mẹ cũng cần tránh các thực phẩm chứa muối như:

  • Sữa công thức: nếu pha đặc (nhiều sữa hơn hướng dẫn), trẻ sẽ tiêu thụ nhiều muối hơn.

  • Rau củ đóng hộp, thực phẩm đóng lọ nấu cho bé có chứa muối. Mẹ nên xem kỹ thành phần.

  • Phô mai thường chứa lượng muối cao. Mẹ nên cho bé ăn phô mai có lượng natri thấp.

  • Tránh các loại thịt (giăm bông, xúc xích,…) và thực phẩm chế biến sẵn khác như nước sốt trộn sẵn. Nồng độ muối trong những thực phẩm này là quá cao cho bé.

Cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật đảm bảo trẻ tận hưởng hương vị mà vẫn an toàn sức khỏe là: Thay vì thêm muối vào thức ăn của bé, hãy thử nêm rau thơm, các loại hương liệu hoặc tỏi, tiêu xay vừa tăng thêm hương vị cho món ăn, vừa giúp dạ dày dễ tiêu hóa. 

Những nguyên liệu tự nhiên này đặc biệt tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các loại thảo mộc, gia vị (tỏi, tiêu, hành, hẹ,…) đều cần được xem là thực phẩm mới. Trong những lần ăn đầu tiên, mẹ tuân theo quy luật “ăn 4 ngày” để xác định dị ứng.

Thắc mắc về chủ đề ăn dặm hay nuôi dạy con, giáo dục sớm cho con, ba mẹ liên hệ: Fanpage Mẹ Việt để được HỖ TRỢ NHANH!

Cân Bằng Dinh Dưỡng Trong Chu Kỳ 2-3 Ngày

Các mẹ thường áp lực khi con không ăn hết khẩu phần mẹ đã chuẩn bị. Hay con không ăn đầy đủ các nhóm chất trong một bữa ăn. Mẹ lo con ăn không no, không đủ chất và stress, tìm cách bù đắp bằng ép ăn, bằng sữa. Nhất là các giai đoạn trẻ biếng ăn sinh lý, cả ngày chẳng ăn gì. Làm thế nào để con chịu ăn? 

Sự thật là con có khả năng cân bằng dinh dưỡng trong chu kỳ 2-3 ngày. Bữa nay bé ít ăn thì ngày mai con sẽ ăn bù lại. Bữa này chỉ ăn đạm bữa sau sẽ ăn rau nhiều hơn. Trong 2-3 ngày trẻ sẽ tự cân đối nhóm chất trẻ nạp vào và tự bổ sung nhóm còn thiếu. Mẹ chỉ tần tin tưởng vào khả năng tự cân đối dinh dưỡng của con. Không nên ép con ăn hay uống sữa để bù. 

Không Ép Ăn Hay Ép Bú

Mẹ hoàn toàn tôn trọng nhu cầu và sở thích ăn uống của bé. Bé muốn ăn bao nhiêu thì bé sẽ quyết định. Mẹ có thể dụ dỗ bé bằng nhiều cách để bé ăn thêm, nhất là ở giai đoạn biếng ăn như: trang trí thức ăn đẹp mắt hơn, chuẩn bị món bé thích, cho bé muỗng nĩa chén bát cho bé tự xúc. Hay là mẹ thử cho bé bốc, vọc thức ăn trong chén… để trẻ tăng cảm hứng ăn uống.

BlockNote image

Vui vẻ trước hết phải thể hiện ở nụ cười của mẹ. Mẹ hãy khen ngợi bé khi bé ăn ngoan, kể bé nghe những món bé đang ăn. Mẹ hãy biến bữa ăn trở thành một cơ hội con khám phá thế giới thức ăn thú vị… 

Mẹ cũng không so sánh cân nặng của con mình với các bé khác nhé. Điều đó chỉ khiến cả mẹ và con trở nên mệt mỏi và áp lực nặng nề. Miễn là con đủ chuẩn và phát triển tốt theo thể trạng của con thì mẹ hãy “quẳng cái cân đi mà vui sống”.

Thiết Kế Giờ Ăn Dặm

Cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật đúng chuẩn mẹ áp dụng như sau:

  • Mẹ chọn ra 1 trong các cữ sữa hàng ngày của con để thay bằng ăn dặm. Chứ không nhất thiết mẹ phải sắp xếp ăn dặm theo giờ mới.

  • Mẹ nên cho bé ăn uống vào giờ cố định để giúp con xây dựng thói quen ăn dặm. Đến giờ là đói và muốn ăn.

  • Sau khi ăn dặm mẹ cho bé bú hoặc bú bình sữa theo nhu cầu của bé.

  • Ăn dặm + sữa là 1 bữa ăn liền mạch. Không nên có khoảng thời gian nghỉ giữa chừng giữa ăn dặm và bú sữa.

  • Khởi đầu của ăn dặm nên cho bé ăn thức ăn dễ tiêu, cụ thể là cháo trắng.

Cách Cho Bé Ăn Dặm Kiểu Nhật Theo Từng Giai Đoạn

Bé ăn dặm theo phương pháp kiểu Nhật sẽ trải qua 4 giai đoạn. Cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật mỗi giai đoạn cũng khác nhau, phù hợp với khả năng ăn thô tăng dần.

Giai Đoạn 5-6 Tháng – Nuốt Chửng 

Mục tiêu của giai đoạn này là:

  • Bé biết đón nhận thức ăn từ thìa.

  • Có phản xạ ngậm miệng nuốt thức ăn.

Mỗi lần mẹ chỉ xúc ½ đầu thìa, gạt ngang cho bé dễ nuốt. Không xúc vun lên, nhiều quá sẽ khiến bé khó ăn.

Cách giúp bé tiếp nhận thức ăn:

  • Dùng thìa chạm vào môi dưới để bé há miệng ra. 

  • Cho bé “liếm” (nếm) cháo bằng đầu lưỡi. 

  • Nếu bé hợp tác, tì đầu thìa vào phần hàm trên của bé rồi rút nhẹ thìa ra. Bé sẽ vừa ăn kiểu nếm, trải nghiệm, lại vừa tập nuốt lượng cháo vừa phải. 

  • Mẹ đừng đưa thìa vào sâu sẽ làm con dễ từ chối và không nếm được vị thức ăn.

  • Đừng quên khen ngợi và tươi cười với con. Đây chính là gia vị tình yêu giúp bé hào hứng với các giờ ăn dặm.

  • Khi bé đã ăn dặm được 1-2 tuần với cháo trắng, đây là lúc thích hợp giới thiệu món rau.

Dinh dưỡng từ ăn dặm ở thời điểm này chỉ chiếm 5%. Bé chủ yếu nhận 95% chất dinh dưỡng từ sữa.

Giai Đoạn 7-8 Tháng – Nhai Trệu Trạo

Đến giai đoạn này, bé có 2 tiến bộ lớn về ăn dặm:

  • Lưỡi của bé đã có thể đẩy lên vòm họng, bé xuất hiện phản xạ nghiền thức ăn.

  • Bé quen ăn dặm nên đã có thể tăng lên, ăn 2 bữa ăn dặm/ngày.

BlockNote image

Vậy thì cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn nhai trệu trạo mẹ lưu ý như sau:

  • Mẹ nên chọn một cữ sữa để cho trẻ ăn dặm. Cữ này cần cách so với cữ ăn dặm trước ít nhất là 4h đồng hồ. 

  • Giới thiệu cho con thêm các món đạm: thịt, cá, tôm,…

  • Nếu con không hợp tác với cữ ăn mới, mẹ nên giảm lượng ăn ở cữ đầu xuống hơn một nửa. Như thế sẽ kích thích được phản xạ đói, giúp con ăn tốt hơn trong cữ mới.

  • Trẻ đã sẵn sàng ăn thức ăn đặc hơn, lợn cợn hơn.

Bé có thể xuất hiện biếng ăn sinh lý do biết nhiều món ăn nên giảm hứng thú khám phá. Nếu mẹ bình tĩnh, làm đúng luật, không ép bé ăn, ép bú bù sữa. Mẹ tập trung giới thiệu thêm những món mới và kiên nhẫn đợi con có hứng thú trở lại. Bé sẽ nhanh chóng kết thúc biếng ăn và sẽ lại ăn uống ngon lành. 

Có vẻ như con đã chuyển từ khám phá thức ăn sang dụng cụ ăn uống. Con sẽ thích nghịch, cầm nắm, thậm chí ném đi thìa, dĩa, chén,… Con còn bốc thả thức ăn xuống đất hay bôi đầy khắp chân tay mặt mũi đầu tóc. Thoải mái khám phá là cách nhanh nhất giúp con lấy lại hứng thú ăn uống.

Chi tiết: 

Thực Đơn Ăn Dặm Kiểu Nhật Cho Bé 7-8 Tháng Đảm Bảo Dinh Dưỡng Tối Ưu

Giai Đoạn 9-11 Tháng – Nhai Tóp Tép

Cuối tháng 8 sang đầu tháng 9, trẻ có 2 tiến bộ vượt bậc khác. Một là, con chuyển từ ăn các thức ăn mềm nhuyễn như đậu phụ sang mềm như chuối tiêu. Với ba mẹ thì không có mấy sự khác biệt nhưng với con là cả một thử thách. 

Hai là, con chuyển từ sữa sang lấy dinh dưỡng chính từ thức ăn dặm. Trẻ sẽ giảm dần nhu cầu sữa từ 70% sữa – 30% ăn dặm sang tỷ lệ 60% – 40%.

Chuẩn bị ăn dặm cho con giai đoạn này mẹ cần lưu ý:

  • Số bữa ăn dặm tăng 3 bữa/ngày để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. 

  • Bữa thứ 3 mới làm quen chỉ cần =½ 2 bữa kia là đủ. Sau sẽ dần tăng lên.

  • Bữa ăn kết hợp cả món thô như giai đoạn trước và món mềm tương tự chuối tiêu.

  •  Cắt chuối thành lát cho bé tập cắn và nhai dần nhưng với lượng ít. Tránh bé nhai nhiều sẽ sợ, không thích ăn nữa.

  • Có 1 bữa ăn hoa quả lúc 12h00 để bé làm quen ăn theo giờ của cả nhà.

  • Nếu có dấu hiệu nuốt chửng: mẹ kiểm tra xem thức ăn có cứng quá khiến con lười nhai không? Hay thức ăn quá mềm, cắt miếng quá nhỏ khiến bé nuốt chửng.

  • Điều chỉnh lại lịch ăn tránh giờ ăn và uống sữa quá sát nhau.

  • Buổi chiều nên cho bé 1h vận động ngoài trời để bé có cảm giác đói bụng. Bé sẽ ăn tốt hơn.

Đọc thêm: 

Thực Đơn Ăn Dặm Kiểu Nhật Cho Bé 9-11 Tháng Hấp Thu Khỏe Và Tăng Cân

Giai đoạn 12-18 Tháng – Nhai Thành Thạo

Đến tháng này, cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật đã gần giống với người lớn. Bé có thể nhai thành thạo hầu hết các thực phẩm. Thực phẩm cho bé cũng không cần nấu mềm và dùng qua các dụng cụ chế biến ăn dặm. Bé cũng có thể ngưng hoặc giảm sữa về mức tiêu chuẩn chỉ cần 500ml/ngày.

Bé cũng thích tập cầm muỗng xúc ăn nên mẹ hãy tạo điều kiện cho bé tự lập nhé! Trên 1 tuổi thì bé đã sẵn sàng thử gắp thức ăn với đũa. Mẹ hãy thuận theo nhu cầu tự nhiên để con tự do khám phá thức ăn. Điều đó sẽ giúp con hứng thú với ăn uống và hợp tác ăn ngon miệng hơn.

Tham khảo:

Không Lo Biếng Ăn Với Thực Đơn Ăn Dặm Kiểu Nhật Cho Bé 12 – 18 Tháng

Kết Luận

Như vậy là mẹ đã hiểu rõ về cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật qua từng giai đoạn. Hiểu hơn về quá trình ăn dặm của con đã giúp mẹ thoải mái tinh thần rồi nhỉ? ^^ Hãy để ăn dặm là một buổi dạo chơi tuyệt vời giúp con khám phá thức ăn. Đánh thức cảm hứng trong con bằng bữa tiệc “hương vị” thức ăn. Bé sẽ hợp tác ăn dặm tốt hơn và mẹ cũng trút bỏ được những áp lực khi con ăn dặm nhé!

Bài nổi bật trên Blog: