Hi :) Xin chào ba mẹ, đợt này cô chị Sóc nhà mình nghỉ dịch nên mẹ bận nhiều hơn. Hôm nay mới sắp xếp chia sẻ tiếp cùng ba mẹ về sự phát triển của trẻ 7 tháng tuổi. Tới tháng thứ 7 em bé sẽ trên đà phát triển nhanh. Con sẽ khiến ba mẹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác đấy. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trẻ 7 tháng tuổi biết làm gì trong bài viết dưới đây nhé.

Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.

Trẻ 7 Tháng Tuổi Biết Làm Gì

Kể từ 7 tháng tuổi trở đi, con sẽ liên tục luyện tập để nhanh đạt được các mốc vận động. Như là trườn, bò, vịn đứng. Con sở hữu nguồn năng lượng gần như vô tận, không bao giờ biết mệt là gì. Theo Xuka đợt này mẹ đuối thật sự. Nhưng chỉ cần em nhoẻn miệng cười là bao mệt nhọc của mẹ tan biến hết thôi?^^

Về Vận Động Thô 

  • Càng về cuối tháng Ka càng trườn nhanh. Đây cũng là lúc bố mẹ với bà tạo điều kiện cho em vận động nhiều. Cứ để một món đồ chơi xa xa chút, là em nỗ lực lao tới :)) Các mẹ cũng áp dụng cách này cho con nhé, rất là hiệu quả luôn.

  • Con đã có thể ngồi vững nhưng vẫn cần ba mẹ theo dõi, bọc lót phía sau lưng. Vì thỉnh thoảng con có thể mất thăng bằng, ngã ngửa ra sau.
  • Ka 7 tháng tuổi là đang mùa hè nên chắc chắn có tiết mục đi bơi: bơi ở nhà, bơi thủy liệu ở spa. Bạn ấy rất thích :) 

Về Vận Động Tinh 

Xét về vận động tinh, trẻ 7 tháng tuổi biết làm gì? Các kỹ năng đơn giản thôi nhưng lại là nỗ lực và là bước phát triển rất lớn của con đấy ba mẹ nhé!

  • Con có thể bốc nhón thức ăn bằng 2 ngón tay như cái gọng kìm. Trông em của mẹ thật điệu nghệ :)
  • Con thích hoạt động cầm nắm, giở lên giở xuống, quăng ra xa, nhặt lên. Có thể cầm những thứ nhỏ và thường cho vào miệng. Con vẫn đang trong thời kỳ nhạy cảm với khoang miệng các mẹ ạ. Thay vì cấm cản, mẹ đảm bảo vệ sinh sạch đồ chơi sạch sẽ là cho con gặm thoải mái được rồi. 

Về Nhận Thức

  • Con nhận biết được đồ vật bị giấu ở đâu, biết giở lên để tìm. Ba mẹ hãy tích cực giấu món đồ chơi con yêu thích dưới góc chăn, dưới gối nhé!

Giao Tiếp Xã Hội

  • Con biết lạ, tích cực bám dính lấy mẹ hay bà, bố (những người chăm sóc trực tiếp). 
  • Cười nhiều, thích nói chuyện, thích soi gương, quan sát biểu cảm của mình, của người khác qua gương.
  • Bập bẹ, ê a papa, mama, bà, bé,… Hay là xí xô xí xà, nói cả dây mà chẳng rõ từ gì :)))) Con vẫn tiếp tục phun mưa phì phì. Con đang tập nói đấy mẹ ơi. 

Đấy, biết được trẻ 7 tháng tuổi biết làm gì rồi mới thấy con phát triển nhanh đúng không nào^^

Chơi Gì Với Con

Ở trên mình cũng đã gợi ý một số trò chơi rồi. Nhưng ba mẹ nên biết là giai đoạn này ba mẹ càng chơi với con nhiều con càng thông minh. Chưa kể mỗi lần chơi với con, mình được nạp năng lượng, sạc đầy pin ấy. Nên đang làm mệt, chốc chốc lại ra chơi cùng con tí. Kể ra làm việc ở nhà cũng được nhiều cái lợi mẹ ạ. 

Mẹo cho ba mẹ là trẻ 7 tháng tuổi biết làm gì thì ba mẹ tích cực chơi với con trò ấy. Các trò mình hay chơi với con là:

  • Nói chuyện nhiều, vỗ tay, mi gió, làm duyên, cụng đầu, hát hò,… 
  • Chơi ú òa. Khi thì ú òa bằng tay, bằng khăn, bằng chăn, giấy,… Bạn ấy cười thành tiếng suốt. 

  • Chơi bóng cảm giác, sách vải, lục lạc. Những đồ chơi này con vừa chơi vui vừa có tác dụng kích thích các giác quan con phát triển nhạy bén. Nên bé nào chưa có mẹ nên tranh thủ mua sớm cho con nhé!

Các mẹ có thể tìm thấy những món đồ chơi an toàn, có tác dụng kích thích các giác quan cho con trong Shop Mẹ Việt. Không chỉ là sản phẩm mà với kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy con của team Mẹ Việt. Ba mẹ sẽ được hướng dẫn và tư vấn chi tiết cách dạy con, chơi với con.

Các hoạt động đọc sách, tráo thẻ vẫn duy trì như bình thường mẹ nhé!

Kết Nối Tình Cảm Gia Đình 

Con nít thì phải chơi với con nít. Người con thích chơi nhất là chị Sóc. Dù bà hay mẹ bế thì con đều hướng ra chỗ chị. Chị ới một câu là cười tít! Hihi! Mẹ lúc nào cũng bảo: Chị đi học em nhớ chị lắm đấy. 

Cứ hỏi mẹ chị Sóc đâu. Mẹ bảo chị còn phải đi học ngoan. Lấy cái chữ để nao còn dạy em nữa chứ. Chị Sóc khoái lắm. Hay lúc Ka với vào người chị mẹ lại bảo, đấy em quý chị đấy. Chỉ thích chơi với chị thôi. Chị Sóc thích ra mặt. Nhiều lúc mẹ rủ đi tập thể dục còn bảo thôi con ở nhà chơi với em ^^ Mẹ mong các con mãi thân nhau như thế <3 

Tháng này, bố mẹ cũng cho Ka ra ngoài nhiều hơn. Nghỉ dịch ít được ra ngoài. Mới đầu Ka còn hay giật mình khi xuống đường nghe tiếng xe máy. Sau con quen dần. Ra công viên con ngơ ngác con bò lạc lắm :))))) Được cái khí trời tự nhiên nên chiều mát hẳn bố mẹ cũng cho em ra để tiếp xúc với thiên nhiên.

Con Ăn Dặm

Mẹ áp dụng kết hợp BLW và ăn dặm kiểu Nhật, giới thiệu cho Ka đa dạng món. Nhờ thế mà sang tháng 7, khẩu vị của Ka đã phong phú hơn nhiều. Mẹ tiếp tục giới thiệu món mới vài lần để con quen và ghi nhớ vị.

Con bắt đầu học cách uống nước bằng cốc nhỏ hay cốc tập uống. Vừa giúp con phát triển kỹ năng vận động phù hợp lứa tuổi. Vừa dạy con tự lập sớm cho mẹ nhàn ^^

Con ăn dặm 2 bữa trưa và chiều, các bữa phụ mẹ nên bổ sung trái cây, sữa chua giúp con tiêu hóa tốt. Các bữa phụ ăn sau bữa chính ít nhất 20 – 30p. Hai bữa chính thì cách nhau ít nhất 4 giờ.

Nên tập cho con ăn dặm vào một giờ cố định để lập trình đồng hồ sinh học cho con nữa các mẹ nhé. Khi đó đến giờ ăn con sẽ đói và ăn tốt hơn.

Tháng này Ka tăng cân ít. Từ lúc ăn dặm tăng ít nên mẹ xem xét lại lượng ăn. Con ăn được nhưng mẹ vẫn quyết định giảm lượng ăn xuống cho con để ti sữa được nhiều hơn. Vì giai đoạn này sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho con. 

Hầu như các bé ở tháng này đều trải qua giai đoạn đòi ra khỏi ghế ăn dặm đúng không các mẹ? ;)) Đây là chuyện rất bình thường và Xuka nhà mình cũng không ngoại lệ. Mẹ cần tỉnh táo để giai đoạn này không phá hỏng thói quen ăn uống tốt của con. Đây là lúc mẹ cần áp dụng nghiêm kỷ luật bàn ăn để duy trì nề nếp của bạn đây.

Trận Ốm Đầu Tiên Của Xuka

Ngoài cái lần đi tướt lúc hơn 2m, với thi thoảng đi tiêm em sốt xíu xiu. Thì lần này là em ốm thật. Chị Sóc đi học về bị sụt sịt, ho thế là lây sang em Ka. 

Bắt đầu là những cái hắt xì liên tiếp, rồi mắt đỏ, nước mắt nước mũi bắt đầu sụt sùi. Em sốt, lúc cao lúc hạ 2 ngày liền. Ban ngày thì 2 con sâu mũi thò lò, ban đêm thì ngạt mũi em không ngủ được: khóc! Thương em lắm, gần như trắng đêm mình bế em trên tay cho dễ ngủ. 

Giải pháp: vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Ban ngày thì chấm khăn vào nước ấm pha tỏi để chấm mũi cho em, chấm nhẹ không em rát đỏ mũi lên. Từ ngày thứ 4 con cắt sốt và dần khỏe hẳn. 

Cách thực hiện cụ thể, mình chia sẻ trong bài này. Các mẹ đọc và áp dụng nhé!

Cách Trị Ho Sổ Mũi Cho Trẻ Sơ Sinh Nhanh Chóng Và Hiệu Quả

Kỷ Niệm Lần Đầu Sóc Bị Ốm

Nhớ lần đầu chị Sóc ốm cũng tầm 7,8 tháng gì đó. Cả nhà cuống cuồng, ông bà thì giục mua kháng sinh cho cháu uống mau khỏi. Hic nghĩ lại mẹ vẫn thấy xót. Chị Sóc bé bỏng phải uống thuốc lần đầu tiên như thế đó. Lần đó Sóc uống và bị nôn nhiều lắm. Trước không bao giờ bị trớ nhưng sau lần uống thuốc thì rất hay bị nôn trớ. Mẹ xót vô cùng, và cũng tự trách mình rất nhiều. 

Đó cũng là lần duy nhất mẹ cho chị uống thuốc kháng sinh khi bị ho. Tất cả các lần sau mẹ đã tìm hiểu kiến thức kỹ càng và bình tĩnh hơn khi Sóc bị ốm. Những lần ốm sau của chị mẹ đã không phải dùng đến thuốc, tập trung vệ sinh đường hô hấp và tăng sức đề kháng. Chỉ vài hôm là hết. Nên tới Xuka mẹ thấy nhẹ nhàng lắm. Em ốm ok, ốm càng là cơ hội cho con gái mẹ rèn luyện, tăng sức đề kháng lên sau đó. Mẹ sẽ cố gắng massage đều đặn để tăng sức đề kháng cho các con nha.

Lịch Tiêm Chủng

Tiêm chủng mở rộng thì tạm thời hết lịch. Tới tháng 9 mới tiêm sởi tiếp. Còn tiêm chủng dịch vụ thì tháng này có mũi: Cúm, não mô cầu BC. Đợt mình đưa Ka đi tiêm là hết thuốc BC, nên phải chờ. Mẹ nào có điều kiện có thể mua theo gói cho con thì không phải chờ nha.

Thông tin về tiêm phòng vắc xin Cúm và não mô cầu BC.

Kết Luận

Tháng thứ 7 vèo cái qua nhanh vậy đấy. Điểm nhấn của tháng này là em rất tích cực luyện tập các kỹ năng. Ba mẹ hãy tạo điều kiện cho con hoạt động tối đa. Con sẽ nhanh thuần thục và đạt được các mốc phát triển mới. Ba mẹ thấy đấy, sau khi phân tích trẻ 7 tháng tuổi biết làm gì. Ba mẹ sẽ thấy không có hành động nào của con là vô nghĩa hết. Tất cả đều có ý nghĩa là con đang học tập mới một điều gì đó. Ba mẹ hãy nương theo nhu cầu của con sẽ hỗ trợ con phát triển hiệu quả. Ok, tháng này đến đây thôi. Hẹn gặp lại ba mẹ trong bài viết Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – Tháng Thứ 8 nhé!

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả