Đang ấp ủ dự định chia sẻ với các mẹ chủ đề ho và sổ mũi ở trẻ thì… ting! Tin nhắn của một mẹ gửi đến, hỏi đúng vấn đề trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho có đờm phải làm sao? Thế là không có cớ để trì hoãn nữa rồi ^^ Trẻ sơ sinh bị ho có đờm và sổ mũi thường khiến mẹ bối rối. Làm cách nào để mẹ vừa trị ho có đờm, vừa trị sổ mũi mà vẫn an toàn cho con? Mình sẽ chia sẻ với mẹ những bài thuốc Đông y vừa hiệu quả vừa không lo gây tác dụng phụ cho bé yêu!  

Trị Ho Có Đờm

Tắc Chưng Đường Phèn

Tắc (quất) chưng đường phèn là bài thuốc trị ho đờm cho trẻ rất công hiệu. Trong y học cổ truyền, tắc có tính ấm, thường được dùng trị ho, tiêu đờm, thông họng, giải cảm,… Đường phèn lại có vị ngọt thanh mát, công dụng sát khuẩn, dịu cổ họng khi bị ho. Kết hợp lại, bài thuốc này có vị ngọt ngọt, chua chua và thơm thơm con rất dễ uống.

Cách mẹ làm:

  • Hai trái tắc xanh mẹ cắt nhỏ, bỏ hạt, mẹ cho vào chén cùng một ít đường phèn.
  • Đem hấp cách thủy từ 15-20 phút.
  • Mẹ bỏ bã, nước để nguội cho con uống.
  • Thực hiện đều đặn 3 lần/ngày, mỗi lần 1 muỗng cà phê.

Ngoài ra, nếu tìm được hoa đu đủ đực mẹ chưng chung với tắc và đường phèn cũng rất tốt.

Chanh Đào

Theo Đông y, chanh đào có vị chua, tính mát, dùng trong điều trị ho, viêm họng, kháng viêm

Mẹ có thể làm chanh đào ngâm muối, chanh đào ngâm mật ong,… Nhưng đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, mẹ nên chưng chanh đào với đường phèn. 

Mẹ làm như sau: 

  • Chanh đào rửa sạch, cắt miếng mỏng, cho vào chén cùng đường phèn, 
  • Mẹ hấp cách thủy khoảng 15–20 phút là có thể sử dụng.
  • Mỗi ngày mẹ cũng cho bé uống 3 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê

Lá Hẹ Chưng Đường Phèn

tre so sinh bi ho va co dom va so mui

Theo Đông y, hẹ có vị hơi chua, cay ngọt, tính ấm với tác dụng tiêu đờm, trị viêm lợi, viêm tai giữa,… rất tốt.

Cách làm:

  • Cho 5-10 lá hẹ đã rửa sạch cho vào chén nhỏ cùng đường phèn.
  • Mẹ cũng hấp cách thủy trong 15-10 phút rồi chắt lấy nước, để nguội.
  • Mẹ cho con uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2-3 thìa cà phê.

Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, làm dịu cơn ho và tăng cường miễn dịch cho trẻ rất tốt. Tuy nhiên, để tránh bị dị ứng hay ngộ độc mẹ không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trẻ từ 1 tuổi trở lên bị ho có đờm, mẹ có thể chưng mật ong thay cho đường phèn nhé. 

Các mẹ dùng các phương pháp trị ho bằng thảo dược cũng cần biết điều này. Những bài thuốc trên mẹ nên áp dụng đều đặn cho đến khi trẻ hết ho hẳn mới thôi. Nhiều mẹ dùng vài ngày thấy triệu chứng ho của con chưa thuyên giảm đã vội cho con uống thuốc tây. Mẹ biết không, các bài thuốc này sẽ giúp con chữa lành từ bên trong và khỏe lên từ từ. Vì vậy, mẹ hãy kiên nhẫn đợi con phục hồi nhé!

Thêm nhiều cách chữa và những vấn đề khác về chăm sóc khi trẻ ho đờm, mẹ tham khảo: Cách Chữa Ho Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Và Những Sai Lầm Thường Gặp Của Mẹ

Vỗ Rung Long Đờm Cho Trẻ

Phương pháp vỗ rung giúp con lưu thông tuần hoàn máu trong phổi. Đồng thời, vỗ rung cũng làm cho đờm trong phế quản long ra giúp con khạc ra ngoài dễ dàng.

Đầu tiên, mẹ đặt trẻ nằm nghiêng trên giường cứng, mông cao hơn đầu. Mẹ khum lòng bàn tay lại, chụm 5 ngón tay sát vào nhau, vỗ nhẹ vào lưng. Ở đây mẹ lưu ý là chụm tay lại vỗ chứ không phải dùng cả bàn tay vỗ bộp bộp vào lưng con nhé. 

Mẹ dùng một lực vừa phải để vỗ hướng từ phổi lên phía cổ. Điều này sẽ giúp đờm long ra và di chuyển theo hướng ra ngoài cơ thể. Nếu mẹ vỗ không đúng hướng, đờm long ra sẽ đi “lòng vòng” trong phế quản đấy mẹ nhé!

Mẹ vỗ liên tục trong 3 phút, mỗi ngày vỗ từ 2-3 lần. Khi thấy đờm trong họng, mẹ lấy gạc rơ lưỡi bọc ngón tay móc đờm nhẹ nhàng ra cho con. Nếu trẻ đã lớn, mẹ hướng dẫn cho con tự khạc đờm.

Mẹ nên vỗ rung vào buổi sáng sớm vì qua một đêm, đờm tạo ra nhiều. Lúc này con cũng chưa ăn gì nên mẹ không lo con nôn trớ thức ăn. Trước khi vỗ rung, mẹ nên làm sạch đờm dãi khỏi mũi họng của con (nếu có).

Trẻ sơ sinh bị ho có đờm và sổ mũi mẹ vỗ rung sẽ thấy hiệu quả bất ngờ đấy! 

Bên cạnh đó, mẹ nên tăng cường cho trẻ sơ sinh bú nhiều. Nước trong sữa sẽ giúp con loãng đờm nhanh chóng. Nếu con trên 6 tháng, mẹ có thể cho con uống nước nhiều để có tác dụng tương tự.

Trị Sổ Mũi

tre so sinh bi ho co dom va so mui

“Thò lò mũi xanh” “cặp bài trùng” của ho có đờm. Mẹ đừng ngại ngần lên kế hoạch xóa sổ luôn sổ mũi, trả lại bình yên cho bé yêu nhé. So với ho có đờm thì sổ mũi có phần dễ “trị” hơn. Mẹ có thể thực hiện những cách sau:

  • Sử dụng nước muối sinh lý: mẹ nhỏ nước muối cho trẻ 3 lần/ngày để vệ sinh mũi sạch sẽ. Nước mũi nhiều và đặc, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi hoặc rửa mũi. Hướng dẫn chi tiết mẹ xem Tại Đây.
  • Xông hơi: cho con hít thở hơi nước ấm trong phòng kín. Chất nhầy ở mũi sẽ loãng dần và chảy ra ngoài. Mẹ lấy khăn sữa lau nhẹ nhàng cho con. Sau đó, mẹ bôi một lớp mỏng kem dưỡng da dưới mũi để tránh mũi con bị khô, ửng đỏ.
  • Dùng sữa mẹ: một số mẹ mách nhau có thể nhỏ trực tiếp sữa mẹ vào lỗ mũi trẻ. Nên nhỏ khi trẻ ngủ, từ 2 – 3 lần mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả sau khoảng 4-5 ngày. Tuy nhiên, mình không khuyến khích các mẹ dùng cách này vì chưa có thông tin khoa học kiểm chứng. Mẹ dùng những cách trên thôi là đủ yên tâm trẻ sẽ nhanh hết sổ mũi.

Ngoài ra, nếu trẻ có kèm sốt, mẹ nên hạ sốt tự nhiên cho con bằng cách chườm ấm, đắp lá,… Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho có đờm mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Vì thông thường trẻ dưới 4 tháng rất ít ho. Nếu có dấu hiệu ho, sốt hay không kèm sốt đều có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm. Vì vậy, mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám cẩn thận. Nếu bác sĩ kết luận con bệnh nhẹ, mẹ có thể yên tâm chăm sóc con tại nhà.

Vì Sao Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Có Đờm Và Sổ Mũi?

tre so sinh bi ho co dom va so mui

Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh. Vì vậy, con dễ bị virus, vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

Ho có đờm và sổ mũi thường là triệu chứng của các bệnh viêm đường hô hấp. Các bệnh thường gặp là viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi,… Nhân đây mình cũng muốn chia sẻ một thông tin rất hữu ích mà mẹ thường vô tình bỏ qua. Đó chính là cách nhận biết bệnh của trẻ thông qua tiếng ho. Mẹ nên tìm hiểu kỹ vì nó giúp mẹ chăm sóc đúng cách và chủ động theo dõi bệnh của con.

Chi tiết: Trẻ Sơ Sinh Bị Ho Phải Làm Sao? Ý Nghĩa Tiếng Ho Của Trẻ

Ngoài ra, các yếu tố khác của môi trường cũng làm trẻ ho đờm và sổ mũi:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột, thời tiết lạnh.
  • Không khí ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá,…
  • Dị ứng, lông động vật như chó, mèo, nấm mốc, phấn hoa,…
  • Xông hơi khi ở cữ bằng than củi, than tổ ong.
  •  …

Trường hợp con ho đờm, sổ mũi do các yếu tố này, việc điều trị sẽ đơn giản hơn. Mẹ cách ly con khỏi yếu tố kích thích, triệu chứng của con sẽ dần thuyên giảm và hết hẳn. Và đây cũng là cách chủ động phòng tránh bệnh cho con hiệu quả nhất đấy mẹ ạ. Không cho con tiếp xúc với nguồn gây dị ứng. Chủ động theo dõi dự báo thời tiết và giữ ấm cho con vào những lúc chuyển trời. Chỉ cần vậy thôi, mẹ đã giúp con khước từ nhiều chuyến viếng thăm của ho và sổ mũi rồi.

Kết Luận

Qua bài viết mẹ đã biết trẻ sơ sinh ho có đờm phải làm sao rồi. Mẹ cũng nắm được cách trị sổ mũi luôn rồi phải không. Những bài thuốc trên thường xuyên được các mẹ trong Cộng Đồng Mẹ Việt áp dụng cho con. Kết quả con không chỉ “thoát nạn” ho – sổ mũi mà còn có một hệ miễn dịch thật khỏe mạnh. Nếu mẹ chưa biết trẻ sơ sinh bị ho đờm phải làm sao thì hãy tham khảo và áp dụng những cách này. Chúc cho nụ cười hai mẹ con lại sớm tươi tắn trên môi nhé!

Đôi Chút Về Team Mẹ Việt

Với mong muốn được đồng hành cùng Ba mẹ trong những lúc khó khăn, vất vả của hành trình nuôi con. Dạy Con, Chăm Sóc Sức Khỏe gia đình. Đội ngũ Mẹ Việt đã và đang làm việc hết mình từ tổng hợp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, sắp xếp kiến thức theo một thứ tự dễ đọc, dễ tiếp cận nhất. Bao gồm bài viết trên web, video kênh youtube, hình ảnh, âm thanh podcast... Hy vọng đưa Mẹ Việt thật sự trở thành nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích với mọi gia đình!!!

Ba Mẹ muốn tham gia vào đội ngũ Chia Sẻ Mẹ Việt - Liên Hệ ngay với Founder Phạm Thuần trên facebook để biết thêm thông tin chi tiết về hành trình đầy ý nghĩa này nhé!

Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả