Trong bài viết trước, Mẹ Việt đã chia sẻ cùng các mẹ về các dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Có những dấu hiệu là biểu hiện của trầm cảm nhẹ, mẹ có thể tự chữa khỏi. Gia đình và chồng có thể hỗ trợ mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng cũng có những dấu hiệu biểu hiện của trầm cảm nặng. Khi mà mẹ không thường xuyên ý thức được tình trạng sức khỏe của mình. Thì gia đình và chồng cần phải biết quan sát và đưa mẹ đi khám kịp thời. Mẹ Việt đã tổng hợp các dạng bệnh trầm cảm sau sinh mẹ thường gặp trong bài viết này. Mẹ và người thân cùng tham khảo nhé!
Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng nào xác định chắc chắn nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến trầm cảm sau sinh thường được xem xét dưới đây.
Sau khi vượt cạn, nồng độ 2 hormone sinh sản là Estrogen và progesterone thay đổi đột ngột. Mẹ đã tăng nồng độ hormone gấp 10 lần trong suốt thai kỳ. Nhưng chỉ mất 3 ngày sau sinh để sụt giảm về mức bình thường trước khi mang thai. Sự thay đổi đột ngột này gây ra những cảm xúc buồn chán, thất vọng, tiêu cực,… Và gây ra trạng thái trầm cảm.
Hormone Estrogen và progesterone ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng và cảm xúc của phụ nữ. Mẹ đã từng trải qua những lần thay đổi nồng độ hormone trước đây với mức độ khá nhẹ nhàng. Đó là thời gian trước và sau các chu kỳ kinh nguyệt, cảm xúc của mẹ thay đổi thất thường. Tuy nhiên, lần này sự thay đổi diễn ra đột ngột làm mẹ mất cân bằng tâm lý rõ rệt.
Bài cùng chủ đề:
Dấu Hiệu Trầm Cảm Sau Sinh Là Gì? Hiểu Đúng Để Can Thiệp Kịp Thời
Tự Chữa Chứng Trầm Cảm Sau Sinh – Cách Mẹ Cân Bằng Chính Mình
Những lo lắng, bỡ ngỡ trong lần đầu làm mẹ, cảm thấy mình vụng về, không biết chăm sóc con. Lần đầu làm mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm. Mẹ khó tránh khỏi những lúc cảm thấy không tự tin, có suy nghĩ mình không xứng đáng làm mẹ. Những cảm xúc, suy nghĩ này đè nặng lên đôi vai của mẹ. Mẹ đối mặt với nhiều vấn đề rất mới mẻ như con khóc, con nôn trớ, con thức đêm,… Mà không biết cách giải quyết như thế nào. Cuộc sống sau sinh hoàn toàn đảo lộn theo cách mẹ không ngờ đến. Điều đó khiến cho mẹ trải qua một cú sốc và dần rơi vào trạng thái trầm cảm.
Một số trường hợp khác, bé sinh ra cần phải chăm sóc đặc biệt. Hay bé bị ốm nằm viện, cách ly mẹ và con. Mẹ có thể trải qua các cảm xúc lo lắng, xót xa, buồn, giận, có lỗi,… với tình trạng sức khỏe của con. Cộng hưởng với việc chịu đựng cương sữa, tắc sữa (do không bé bú). Đều có thể khiến mẹ rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý, trầm cảm nhẹ.
Nếu mẹ cần tư vấn riêng tư, mẹ có thể viết email và gửi về hộp thư [email protected]. Hoặc nhắn tin trực tiếp TẠI ĐÂY để được các chuyên gia tâm lý team Mẹ Việt hỗ trợ.
Trải qua hành trình vượt cạn, sức khỏe của mẹ còn chưa kịp hồi phục. Mẹ đã nhanh chóng bắt tay vào chăm em bé. Lịch sinh hoạt thay đổi 360 độ, bé 2 tiếng bú 1 lần. Tối thức đêm, quấy khóc cả đêm hay chỉ có nằm trên tay mẹ mới chịu ngủ. Thời gian ban ngày bé ngủ mẹ phải làm nhiều việc khác như dọn dẹp, hút sữa, thay tã,… Chưa kịp nghỉ ngơi con đã thức dậy. Mẹ bắt đầu chu trình mới chăm sóc bé. Do đó, mẹ sau sinh thường thiếu ngủ trầm trọng, luôn trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức. Mẹ không ngủ đủ dẫn đến mệt mỏi kiệt sức, tăng nguy cơ xuất hiện bệnh trầm cảm sau sinh.
Tình trạng này có thể xảy ra ở những mẹ sinh con lần đầu hoặc tại ở những mẹ đã sinh con lần thứ hai lần thứ ba. Khi mà ở những lần sau mẹ vừa phải chăm em bé nhỏ vừa phải trông em bé lớn. Mẹ hầu như không có thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình.
Mẹ hãy san sẻ những khó khăn vất vả của mình. Để bố của bé và người thân hiểu, chia sẻ và có kế hoạch giúp đỡ mẹ.
Hãy theo dõi series Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con để học hỏi những kinh nghiệm chăm con. Giúp mẹ cảm thấy tự tin làm mẹ và giải tỏa những căng thẳng áp lực khi nuôi con.
Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con – 1 Tháng Tuổi
Lợi Ích Bất Ngờ Của Việc Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Đối Với Sức Khỏe Mẹ
Mẹ mới sinh thường rất nhạy cảm. Thiếu đi sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ và sự giúp đỡ của người thân khiến mẹ tủi thân. Hay trong gia đình có các biến cố lớn ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ, cảm xúc của mẹ. Như người thân qua đời hay phát hiện bệnh nặng cần chăm sóc. Thay đổi chỗ ở quen thuộc từ nhà mẹ sang nhà chồng, chồng không chung thủy,… Hay mẹ rơi vào khó khăn về tài chính. Tất cả những yếu tố này đều có thể là nguyên nhân thúc đẩy bệnh trầm cảm sau sinh.
Các mẹ có tiền sử trầm cảm trước khi sinh, trầm cảm trong những lần sinh trước. Hoặc các mẹ đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh cao hơn người khác. Nếu có tiền sử mắc bệnh trước đó, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Để bác sĩ sẽ theo dõi và có hỗ trợ cần thiết cho mẹ khi bệnh tái phát.
Dựa vào biểu hiện bệnh trầm cảm sau sinh có thể phân loại mức độ trầm cảm như sau:
Hội chứng “baby blues” là biểu hiện trầm cảm nhẹ, hay còn gọi là trầm cảm thoáng qua. Gây ảnh hưởng trong một thời gian ngắn tới khoảng 30 – 80% các bà mẹ mới sinh. Các triệu chứng thường gặp ở hội chứng này như: lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ và buồn bã.
Các triệu chứng sẽ kéo dài từ 3 – 10 ngày sau sinh và chấm dứt trong vòng hai tuần. Tin vui là hội chứng này có thể tự hết mà không cần điều trị. Khi mẹ dần quen với những thay đổi cuộc sống sau sinh, tâm trí mẹ sẽ cân bằng trở lại.
Mẹ có thể tham gia vào các hội nhóm mẹ bỉm sữa. Chia sẻ câu chuyện của mình để kết nối cùng những người có cùng hoàn cảnh. Mẹ sẽ cảm thấy được kết nối, giãi bày. Đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi con nhỏ, giúp mẹ tự tin chăm con. Những điều này sẽ giúp mẹ nhanh chóng chấm dứt trạng thái trầm cảm thoáng qua này.
Hãy lưu ý vì nếu các biểu hiện “baby blues” kéo dài hơn 2 tuần thì không nên chủ quan. Rất có thể mẹ đã chuyển sang trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh (Postpartum Major Depression) chiếm khoảng 10% ở mẹ mới sinh. Hội chứng này phát triển sau 3 tuần và có xu hướng kéo dài hơn. Trong đó, rối loạn cảm xúc (Mood Disorders) thể hiện rõ nét và kéo dài nhất.
Các biểu hiện bệnh trầm cảm sau sinh có thể dễ dàng nhận thấy như: hay khóc có lý do hay không có lý do, thiếu tập trung, khó khăn khi ra quyết định. Mẹ có cảm giác thiếu tự tin, buồn chán và có ý nghĩ tự tử.
Bên cạnh đó, các triệu chứng tương tự như trong bệnh suy chức năng tuyến giáp cũng hay gặp, bao gồm: nhạy cảm với không khí lạnh, suy nghĩ chậm chạp, mệt mỏi, da khô, táo bón…
Bệnh trầm cảm sau sinh thường được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý (Psychotherapy) hay thuốc chống trầm cảm (Antidepressants). Tùy mức độ nặng nhẹ của biểu hiện bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng riêng lẻ hay cả hai.
Mẹ bị bệnh trầm cảm sau sinh sẽ cần kiên trì tập trung điều trị ít nhất là 6 tháng. Đây là thời gian tối thiểu cho một đợt điều trị. Ngay cả khi mẹ đã phục hồi nhiều thì vẫn nên tiếp tục tuân thủ điều trị đúng thời gian. Tuyệt đối không nên tự ý ngưng điều trị sẽ bệnh sẽ không thể tự hết.
Mẹ sau sinh và gia đình tuyệt đối không được chủ quan với bệnh trầm cảm sau sinh. Nếu không tuân thủ quy tắc điều trị của bác sĩ, thời gian điều trị bệnh sẽ kéo dài vì bệnh dễ tái phát. Và nguy hiểm hơn, bệnh có thể diễn tiến chuyển sang hội chứng loạn thần sau sinh (Postpartum Psychosis).
Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis) còn được gọi là loạn thần sản khoa (puerperal psychosis), trầm cảm loạn tâm thần sau sinh (postpartum psychotic depression). Tỷ lệ mẹ bị rối loạn tâm thần sau sinh là 0,1 – 0,2%. Nghĩa là cứ 1000 mẹ sau sinh sẽ có 1-2 trường hợp mắc bệnh.
Mẹ có tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình có rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc bệnh tâm thần phân liệt sẽ dễ mắc bệnh hơn. Các biểu hiện sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần đầu tiên sau khi sinh. Và chiếm tỷ lệ cao nhất ở 1-3 tháng tiếp theo.
Biểu hiện sớm của hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh gồm: xuất hiện các dấu hiệu kích động, lú lẫn và có vấn đề về trí nhớ. Mẹ cũng thay đổi cảm xúc thất thường, hay cáu kỉnh, mất ngủ và lo lắng.
Các triệu chứng muộn hơn của hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm: hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi bất thường. Người bệnh xa lánh mọi người, có xu hướng không quan tâm hoặc gây tổn thương cho chính mình và con.
Trường hợp này mẹ cần được đưa đến gặp bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt. Tránh chần chừ có thể gây ra nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Gia đình cũng cần chung tay hỗ trợ mẹ chăm sóc bé cho mẹ điều trị bệnh. Hãy tạo thời gian cho mẹ nghỉ ngơi tối đa để nhanh hồi phục sức khỏe nhé.
Mẹ và người thân cần theo dõi các biểu hiện bệnh trầm cảm sau sinh. Nếu thấy có những dấu hiệu này thì cần nhanh chóng đi khám bác sĩ:
Các triệu chứng dai dẳng hơn 2 tuần.
Gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động bình thường.
Không thể quyết định được các tình huống đơn giản trong cuộc sống.
Có ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc con.
Có cảm giác lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn thường xuyên.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Ngoài thuốc thì mẹ trầm cảm sau sinh cần đồng thời thực hiện các liệu pháp tâm lý, cân bằng tinh thần.
Chồng và gia đình cần hỗ trợ mẹ trong chăm sóc em bé. Tạo điều kiện để mẹ nghỉ ngơi nhiều, luyện tập thể dục để cải thiện sức khỏe thể chất. Về tinh thần, chồng và người thân cần tâm lý, cảm thông, động viên và yêu thương mẹ nhiều hơn. Để mẹ không cảm thấy cô đơn, tủi thân, mệt mỏi kiệt sức.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ Vitamin và khoáng chất. Ăn uống bồi bổ, massage, châm cứu, bấm huyệt,… để thúc đẩy quá trình phục hồi.
Hy vọng đến đây, mẹ đã hiểu rõ về nguyên nhân và các dạng bệnh trầm cảm sau sinh. Hãy gửi bài viết cho chồng và người thân để mọi người hiểu về vấn đề mẹ đang gặp phải. Nếu một vài người không tin, không nhận thức được vấn đề của mẹ. Đừng khép mình và chịu đựng. Hãy thử nói chuyện với nhiều người để tìm kiếm sự hỗ trợ. Chắc chắn mẹ sẽ nhận ra vẫn còn rất nhiều người quan tâm và yêu thương mẹ. Mẹ cũng đừng quên theo dõi chuyên mục Góc Tâm Hồn của Mẹ Việt trên blog Meviet.vn hoặc kênh âm thanh podcast Mẹ Việt. Hãy gửi câu chuyện của mẹ cho Mẹ Việt để được hỗ trợ nhé!
Những bài viết giúp mẹ tự tin làm mẹ: