Tháng thứ 6 của con thì vấn đề khiến mẹ ngày đêm suy nghĩ nhất chính là ăn dặm. Thời điểm nào thích hợp nhất cho bé bắt đầu ăn dặm? Nên cho con ăn dặm kiểu Nhật, BLW hay theo kiểu truyền thống? Rồi những “rắc rối” nho nhỏ khi con không hợp tác ăn dặm mẹ phải xử lý làm sao? Em bé 6 tháng tuổi cũng thuần thục thêm nhiều kỹ năng mới, đầy hứng thú khám phá thế giới xung quanh. Và trong tháng này thì nhiều mẹ cũng “khủng hoảng” theo wonderweek 5 của con. Các mẹ hãy cùng theo dòng sự kiện để biết trẻ 6 tháng tuổi biết làm gì, phát triển như thế nào nhé!

Note: Bài viết này nằm trong Series “Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con” – Chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm chi tiết quá trình chăm sóc bé từ lúc mới sinh (1 ngày tuổi) cho tới 12 tháng tuổi. Series chính là cuốn cẩm nang cần thiết cho các ba mẹ – để chuẩn bị hành trang đón bé chào đời. Ba Mẹ xem đầy đủ các bài viết trong Series Tại Đây.

Trẻ 6 Tháng Tuổi Biết Làm Gì

Chạm mốc 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đã trở nên hiếu động và thành thục nhiều kỹ năng. Em bé Xuka nhà mình cũng thế: 

  • Con thành thạo lật, lẫy, xoay đủ hướng.
  • Nói chuyện nhiều hơn và hay phun mưa.
  • Bắt đầu biết lạ nên sẽ quấn mẹ và không cho người lạ bế.
  • Con đã có thể giữ cứng cổ.
  • Con bắt đầu tập trườn, bò.
  • Có thể chuyền đồ chơi trong tay.

Em bé 6 tháng tuổi của mẹ đã biết làm những gì rồi nào? Các mẹ hãy cùng nhau chia sẻ những cột mốc đáng nhớ của bé bằng cách để lại bình luận bên dưới nhé.

Giai đoạn này con bùng nổ sự tò mò với tất cả mọi thứ xung quanh. Mẹ không nên ngăn cản mà nên dạy con nhiều hơn, chỉ các đồ vật trong nhà, gọi tên đồ chơi,… 

Nếu lo lắng con cầm nắm phải những thứ không an toàn, cách tốt nhất là hãy cất những thứ nguy hiểm đi. Cho con tự do tiếp xúc nhiều nhất với các vật dụng an toàn trong nhà. Điều này sẽ giúp con say mê tìm tòi khám phá và học được nhiều điều mới. Giúp con phát triển thông minh, nhanh nhẹn và chủ động.

Đồ Chơi Cho Con 

Giai đoạn này tay con cứng cáp hơn, đã bắt đầu biết chơi sách vải, kích thích thị giác bằng vải. Mẹ tạm cất các thẻ flashcard bằng giấy đi vì giai đoạn này con gặm nhấm nhiều rồi nhé. 

Mấy món đồ chơi kích thích các giác quan mình mua cho con từ lúc bé xíu giờ vẫn rất hiệu quả. Như bộ xúc xắc con có thể tự cầm lắc, tạo ra nhịp điệu nhanh chậm, âm thanh to nhỏ tùy lực tay. Tự tạo ra âm thanh lách cách, loạch xoạch,… con thích lắm!

Bạn Xuka vẫn say mê chơi bóng cảm giác, vẫn thi thoảng bỏ vào miệng “nhâm nhi”, hì hì! Mẹ và chị Sóc thay phiên nhau đọc ehon cho bạn í nghe hàng ngày. 

Shop Mẹ Việt đã chu đáo chuẩn bị các món đồ chơi dành riêng cho các bé giai đoạn ham gặm nhấm này: Tranh kích thích thị giác bằng vải. Đồ chơi kích thích xúc giác nhạy bén như sách vải, bóng cảm giác. Đồ chơi kích thích thính giác thì có hộp nhạc cụ gỗ. Tổng hợp hết các đồ chơi cho con phát triển toàn diện cả kỹ năng, cảm xúc và trí tuệ. 

Những món đồ chơi Mẹ Việt cung cấp trên tiêu chí đảm bảo an toàn để con thoải mái gặm nhấm. Mẹ yên tâm lựa chọn cho bé chơi nhé. 

Ngoài ra, mẹ tham khảo thêm sách ehon, sách vải cho bé tại đây:

Review Các Bộ Sách Ehon Cho Bé 0-1 tuổi Hay Nhất

Sách Vải Hay Cho Bé Theo Chủ Đề Và Độ Tuổi

Bé Ăn Dặm

Đây chính là vấn đề nhiều mẹ quan tâm nhất trong tháng này đây. Về câu hỏi thời gian nào nên cho con ăn dặm là phù hợp? Trước kia quan điểm là trẻ đủ 6 tháng mới nên ăn dặm. Còn bây giờ, theo những nghiên cứu gần đây: trẻ nên bắt đầu ăn dặm muộn nhất là lúc 6 tháng. 

Tức là cần tập cho trẻ làm quen thức ăn từ trước đó, ví dụ tầm 5 tháng trở ra. Quan trọng là mẹ quan sát các dấu hiệu con sẵn sàng cho ăn dặm thì tiến hành luôn. Sở dĩ có sự thay đổi trên là vì thực tế nhiều mẹ áp dụng máy móc. Phải đúng đủ ngày đủ tháng (6 tháng) mới cho con ăn dù con có nhu cầu tìm hiểu thức ăn từ trước. Dẫn đến mẹ bỏ lỡ thời điểm vàng giúp con cảm nhận niềm vui trong ăn uống. Hậu quả là trẻ dễ bị tình trạng biếng ăn sau này. 

Do đó, khi mẹ quan sát con có những dấu hiệu dưới đây, mẹ hãy bắt đầu cho con ăn dặm nhé!

Dấu Hiệu Con Sẵn Sàng Ăn Dặm

Thông điệp con gửi đến báo cho mẹ biết là bé yêu đã sẵn sàng để ăn dặm:

  • Cân nặng tăng gấp đôi so với khi sinh.
  • Con đã có thể giữ đầu thẳng.
  • Biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa.
  • Biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó.
  • Lưỡi không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (cho vật gì vào miệng bé cũng đẩy ra, trừ núm vú).
  • Thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mẹ đưa.
  • Hay có kiểu thòm thèm, nhìn miệng người lớn ăn và chóp chép theo.

Mẹ không nên cho con ăn ở tư thế nằm vì con dễ bị sặc, hóc, nghẹn! Ăn khi đang ngồi sẽ giúp con chủ động nuốt thức ăn, tránh các trường hợp trên. Hoặc nếu xảy ra thì mẹ cũng nhanh chóng xử lý được. 

Lựa Chọn Phương Pháp Ăn Dặm

Nhà mình bạn Sóc tập đầu còn bỡ ngỡ nên khâu ăn dặm cũng gặp nhiều khó khăn. Đến Xuka thì lúc 5 tháng mình đã tìm hiểu về các phương pháp nên mọi thứ cũng dễ dàng hơn. Nắm vững kiến thức nên mình linh hoạt theo con. Xuka được bắt đầu làm quen với thức ăn ngoài sữa từ 5 tháng rưỡi. Mình kết hợp ăn dặm kiểu nhật và BLW.

Mẹ có thể lựa chọn ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật hay Bé chỉ huy (BLW). Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Mẹ cảm thấy phù hợp với phương pháp nào thì cho con ăn dặm theo kiểu ấy. Quan trọng là mẹ tìm hiểu và nắm rõ phương pháp, kết hợp với quan sát con và cho ra “phương pháp ăn dặm kiểu mẹ” dành riêng cho bé yêu nhà mình mẹ nhé.

Các mẹ tham khảo thêm: Ưu Nhược Điểm Của Các Phương Pháp Ăn Dặm Hiện Nay. 

Kỷ Luật Bàn Ăn

Dù chọn phương pháp nào thì mẹ cũng cần nắm vững kỷ luật bàn ăn. Đây mới là mấu chốt giúp việc trải nghiệm ăn dặm của con trở nên thú vị. Hình thành cho con thói quen ăn uống tốt. Kỷ luật bàn ăn mẹ cần lưu ý:

  • Không cho trẻ ăn quá lâu. Mỗi bữa kéo dài tối đa 30p hoặc kết thúc khi trẻ không muốn ăn nữa.
  • Tôn trọng trẻ. Trẻ ngậm thức ăn không nuốt, trẻ quay mặt đi, gạt tay,… là dấu hiệu không muốn ăn. Mẹ nên dừng bữa ăn, tuyệt đối không ép trẻ.
  • Bữa ăn dặm cách bữa sữa trước đó ít nhất 2,5 tiếng để con có cảm giác đói. Nhưng ba mẹ cũng chú ý đừng để con quá đói khi bước vào bữa ăn dặm. Lúc đó con sẽ cáu gắt khó chịu. Thời điểm này thì bù sữa để con giải quyết cơn đói sẽ hợp lý hơn với các bạn mới tập làm quen với thức ăn khác ngoài sữa.
  • Tuyệt đối không bế trẻ đi rong, cho xem tivi, điện thoại để trẻ chịu ăn.
  • Cho trẻ ngồi vào ghế ăn dặm. Một số mẹ thắc mắc có nên mua ghế ăn dặm không thì câu trả lời là có. Ghế ăn dặm sẽ giúp trẻ quen với nếp vào ghế là đến giờ ăn, ăn uống ngon lành. Ra khỏi ghế là kết thúc bữa ăn. 

Sẽ có giai đoạn con từ chối, muốn trèo ra khỏi ghế. Điều đó là hoàn toàn bình thường. Hãy tôn trọng con và tuân thủ đúng kỷ luật bàn ăn. Nếu gặp khó khăn trong quá trình cho con ăn dặm mẹ hãy nhắn tin vào group Mẹ Việt để được hỗ trợ nhé!

Lưu Ý Quan Trọng

  • Ba mẹ không cần đánh vật với ăn dặm của con: con chỉ đang làm quen, tìm hiểu, khám phá thức ăn. Nên mẹ không cần phải áp lực con ăn ít hay nhiều. Con vẫn cần sữa mẹ là chính, không cai sữa cho con trong thời gian này.
  • Tập cho con ăn đa dạng, giới thiệu nhiều loại thức ăn. Nếu con từ chối, hãy thay đổi kiểu dáng, cách chế biến món ăn, con sẽ hợp tác.

 

  • Mỗi lần chỉ giới thiệu 1 món mới, các món khác giữ nguyên. Nếu bé từ chối, không sao, hãy giới thiệu món mới ít nhất 7 lần. Đổi món mới 2-3 ngày/lần.
  • Các thực phẩm mới, có khả năng gây dị ứng: thử với một lượng nhỏ, xem con có dị ứng không.
  • Con ăn nhanh không phải là ăn giỏi. Con cần thời gian nghiền, trộn thức ăn với enzyme ở miệng trước khi nuốt xuống dạ dày để tiêu hóa.
  • Nên cho con ăn trước hay ăn chung với cả nhà? Con nên được ăn chung với cả nhà, con sẽ học các thói quen ăn uống tốt khi quan sát gia đình trong bữa ăn.
  • Chế biến đồ ăn dặm cho con: không nêm muối, không đường, kể cả nước mắm ăn dặm. Con thích vị ngọt tự nhiên của thực phẩm và ăn nhạt tốt cho sức khỏe.
  • Mẹ cần đảm bảo cung cấp cho con đầy đủ các chất: sắt, canxi, omega 3,… qua thức ăn.
  • Nếu con táo bón: mẹ điều chỉnh lại thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi. Tăng cường cho con uống nước, canh, nước ép. Bổ sung trái cây tươi, rau lang, mồng tơi, đậu bắp, rau đay, thanh long, đu đủ chín,…

Chuyện Cân Nặng

Sự phát triển của bé 6 tháng tuổi không còn tập trung quá nhiều vào cân nặng. Giai đoạn này bé sẽ tăng cân chậm lại, nhưng bù lại bé tăng trưởng về chiều cao, vòng đầu. Và phát triển toàn diện về các kỹ năng. Vì thế, mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con tăng cân ít nhé!

Chuyện Mọc Răng

Một số bạn nhỏ đã mọc răng trước đó, một số bạn sẽ nhú 2 chiếc răng xinh vào lúc 6 tháng tuổi. Quá trình răng xé nướu để mọc lên có thể làm cho bé bị sốt nhẹ, con ê ẩm không muốn ăn uống hay bú sữa. Tuy nhiên, sốt mọc răng sẽ nhanh chóng qua đi, mẹ không cần quá lo ngại.

Mẹ lưu ý nhé vì mọc răng không gây cho trẻ sốt cao đến 38.5 độ C. Nếu bé sốt cao, khả năng trẻ vừa mọc răng vừa đồng thời sốt siêu vi hoặc một nguyên nhân nào khác. Mẹ chăm sóc bù nước cho trẻ liên tục và đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ quá mệt mỏi hay quấy khóc nhiều.

Mẹ cũng bắt đầu đánh răng cho con để tạo thói quen bảo vệ răng miệng sớm cho bé nhé! Sáng và tối trước khi đi ngủ mẹ nhẹ nhàng dùng bàn chải cho trẻ sơ sinh đánh răng cho bé. Càng bắt đầu thói quen sớm bé càng dễ hợp tác. Đừng đợi lớn mới tập con sẽ khó hợp tác hơn và có thể gây ra các vấn đề răng miệng cho bé.

Tuần Khủng Hoảng WW26

Sự phát triển của bé 6 tháng tuổi đang trải qua WW26 – tuần khủng hoảng kéo dài nhất từ trước đến giờ. Giông bão dai dẳng đến tận 4 tuần. Vì thế, ba mẹ cũng mệt mỏi rệu rã với em bé đang khó ở.

Mặc dù những dấu hiệu biếng bú, khó ngủ, lười ăn dặm làm ba mẹ thật căng thẳng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng con đang chuẩn bị cho một bước đại nhảy vọt. Não bộ phải hoạt động liên tục, tập trung cao độ để sắp xếp quy trình, rèn luyện kỹ năng mới. 

Cách hỗ trợ con tốt nhất là tăng cường ôm ấp, âu yếm, massage giúp con giảm căng thẳng thần kinh. Và hãy tỉnh táo để đảm bảo không quá sốt ruột mà thấy con biếng bú thì cho bú lắt nhắt. Điều đó sẽ phá hỏng nề nếp sinh hoạt hợp lý, làm con ti vặt và biếng ăn kéo dài. Đừng vì 1 tháng mà hi sinh lịch sinh hoạt tuyệt vời đã mất nhiều thời gian xây dựng trước đó. Kết thúc khủng hoảng con sẽ lại ăn uống vui vẻ và hợp tác hơn trước. Chúc ba mẹ bình yên vượt giông bão nha <3

Lịch Tiêm Chủng

Lịch tiêm chủng tháng này của con gồm có: Rota (liều cuối cùng đối với vắc xin uống 3 liều), cúm.

Vắc xin cúm sẽ thay đổi liên tục nên mỗi năm ba mẹ lại chủng ngừa mũi cúm mới cho con. 

Mẹ theo dõi sổ tiêm chủng xem con có bị nhỡ mũi nào do ốm sốt trước đó chưa tiêm được ko, thì bố trí tiêm sớm giúp con được bảo vệ tốt nhất.

Mẹ tiếp tục đều đặn cho con uống vitamin D hàng ngày nhé.

Mẹ xem thêm các mũi chủng ngừa cần thiết cho bé ở đây:

Các Mũi Tiêm Phòng Dịch Vụ Cho Trẻ Mẹ Cần Biết

Kết Luận

Thời gian trôi qua thật nhanh đúng không các mẹ :) Ngày nào mới sinh chúng ta nhìn đứa con bé bỏng trên tay còn thầm hỏi: Không biết nuôi bao giờ con mới lớn nhỉ?^^ Vậy mà mới đây con đã được nửa tuổi rồi đấy, hi hi! Từ bây giờ mẹ sẽ bận rộn hơn vì con sẽ phát triển ngày một nhanh. Mẹ hãy tham gia vào cộng đồng Mẹ Việt – đồng hành giáo dục sớm cùng con tại nhà. Cập nhật những trò chơi vận động, trí tuệ để cùng chơi với con nhé! Và đừng quên theo dõi Kể Chuyện Mẹ Sóc Chăm Con tháng thứ 7

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả